13 tháng 5, 2019

Nguồn gốc, ý nghĩa tang lễ người Việt

NGUỒN GỐC Ý NGHĨA TANG LỄ NGƯỜI VIỆT (kỳ I)
Hoàng Tuấn Phổ

TCTP: Thời gian vừa qua, nhiều bạn đọc ngỏ ý muốn tìm mua sách đã xuất bản của Hoàng Tuấn Phổ. Tuy nhiên, điều này có thể nói là rất khó. Bởi với những tác phẩm đã xuất bản mấy chục năm trước có lẽ giờ may ra tìm thấy trong các thư viện. Nhiều cuốn, bản thân tác giả cũng không còn lưu được (do cho mượn rồi thất lạc).
Ví dụ các cuốn: Sóng nước Cổ Khê (Truyện lịch sử) Miếng võ gia truyền (Truyện thiếu nhi-NXB Kim Đồng)...Một số cuốn chỉ còn độc bản như: Vua Lê Đại Hành, Thắng Cảnh Sầm Sơn, Vũng lầy,... Sách in gần đây như: Thanh Hóa ngàn xưa lưu dấu (NXB trẻ), Những làng cổ tiêu biểu Thanh Hóa (NXB Dân Trí), Văn hóa đánh bắt chim thú tôm cá ở Thanh Hóa (NXB Khoa học xã hội)...các nhà xuất bản chỉ biếu lại tác giả 10 cuốn, còn lại họ tự phát hành với số lượng không lớn (vì loại sách nghiên cứu đối tượng độc giả rất hạn chế). Loại sách Địa phương chí do Hoàng Tuấn Phổ chủ biên hoặc biên soạn (đều trên dưới 1000 trang) cũng đều do các huyện tự in, số lượng chỉ đủ phát hành nội bộ. Trên thị trường sách vì vậy cũng rất hiếm gặp hoặc không có. Được sự đồng ý của tác giả Hoàng Tuấn Phổ, trước tiên,Tuấn Công thư phòng xin trích đăng từng phần nội dung sách “Nguồn gốc ý nghĩa tang lễ người Việt” (NXB Thanh Hóa). Đây là cuốn sách do UBND tỉnh Thanh Hóa cấp kinh phí phát hành tới các làng xã Thanh Hóa, phục vụ phong trào xây dựng làng văn hóa và nông thôn mới. Chúng tôi tin rằng sách“Nguồn gốc ý nghĩa tang lễ người Việt” sẽ bổ ích đối với bạn đọc quan tâm tới vấn đề này. Các kỳ đăng sẽ được lưu trong mục Thường thức)

Trân trọng kính báo tới độc giả của Tuấn Công thư phòng.

Phần I
I. TANG CHẾ XƯA VÀ NAY
(Thay lời nói đầu)

Tang chế là gì?
Là những quy định, thể chế, chuẩn hóa về hình thức và nội dung trong việc đưa tiễn người thân về nơi an nghỉ cuối cùng. Nói cách khác tang chế là chế độ, nghi thức về lễ tang hay tang lễ (Tang lễ là từ Hán - Việt, lễ tang là từ Hán - Việt được Nôm hóa. Vì thế ở sách này, vấn đề đem bàn luận có tính học thuật nên dùng từ Tang lễ). Người Việt ta từ ngàn xưa chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa. Đặc biệt vấn đề Tang lễ theo quy chế cổ rất phức tạp, gây phiền nhiễu và tác hại cho người sống, những người rồi chính họ cũng ra đi, để gánh nặng ma chay đè nặng lên vai con cháu.

Kinh lễ hay Lễ kinh là pho sách Nho học thời phong kiến thuộc bộ Ngũ kinh (Thi, Thư, Lễ, Dịch, Xuân thu), đã là học trò thì ai cũng phải nghiền thuộc. Trong Lễ kinh, nói rộng ra là Lễ truyện, Lễ ký đều có những chương, mục bàn về tang lễ được người Việt tiếp thụ đem ra áp dụng, nhưng không phải tất cả ý kiến mang giá trị nhân văn, thực chất bên cạnh yếu tố tích cực, không khỏi ít nhiều tiêu cực. Ví dụ: Chương “Vấn tang”, Lễ kinh nói: Khi cha mẹ mới chết, người con có hiếu phải đầu trần, chân đất, tóc xỏa, áo hở, tay đấm ngực, miệng gào khóc, mình lăn ra dãy dụa, thậm chí không được đốt lửa nấu ăn suốt trong ba ngày, chỉ nhờ chút nước cháo cầm hơi của hàng xóm đem cho... Như thế mới tỏ rõ được nỗi đau thương vô tận của người con chí hiếu!

Những chuyện ấy, thời xưa nhà nho rất coi trọng, và thời nay vẫn còn số ít người muốn khôi phục, tất nhiên chỉ về mặt hình thức. Họ không biết đó chẳng phải là lời dạy của đức Khổng tử, bậc thầy lớn về chữ Hiếu, về chữ Lễ của nhà nho. Theo Khổng tử: “Người con có hiếu là biết nuôi nấng cha mẹ, biết noi theo chí hướng tốt của cha mẹ”. Phát triển lời dạy của thánh sư, đồ đệ giỏi Tăng tử nói: Làm con cư xử không trang nghiêm không phải là hiếu. Thờ vua không trung thành không phải là hiếu. Bằng hữu mà thiếu tin tưởng nhau không phải là hiếu. Đánh trận mà không dũng cảm cũng không phải là hiếu...
Về chữ “Lễ” trong Tang ma, Khổng tử dạy rằng: Cha mẹ chết, con tất phải lo tang ma tế lễ. Nhưng tế lễ chỉ nên giản tiện (giản dị và tiện lợi) không bày vẽ thêm. Con tế lễ cha mẹ, quan trọng nhất là tấm lòng thành kính, không phải do lễ vật cúng tế. (Chương “Tế thống” - Lễ kinh).

Những lời dạy quý báu ấy phù hợp với đức tính truyền thống của người Việt ta ưa chuộng sự giản dị, tiện lợi, ghét giả dối, không thích phô trương, được đúc kết thành ca dao, tục ngữ, thành ngữ. Cần có lễ vật nhưng không lấy lễ vật làm đầu, mượn tiếng cúng tế ông bà, cha mẹ để ăn uống lãng phí:

Bà chết cháu được ăn xôi,
Hai tay hai nắm bà ôi là bà!

Họ tôn trọng tục lệ thờ cúng tổ tiên để bày tỏ tấm lòng biết, nhớ công ơn tổ tiên: “Bắt thiếu giỗ không ai bắt cỗ lưng”. Họ phê phán kẻ không phụng dưỡng cha mẹ lúc sống, đến khi chết lại bày trò báo hiếu trả ân, chẳng qua để che miệng thế gian, và để: “Trước cúng cha sau va vô miệng”! v.v...

Tuy nhiên, những quan niệm tiến bộ của người Việt về tang ma trong thuần phong mỹ tục không đủ sức chống lại áp đặt của hệ ý thức tư tưởng phong kiến về luân lý lễ giáo. Triều đình phong kiến nước ta khuyến khích việc chuẩn hóa quy chế tang lễ theo quan điểm tiêu cực của Nho giáo, một số nhà nho biên soạn sách “Gia lễ” với vô số lễ tiết cầu kỳ, rườm rà, phức tạp về tang ma. Người ta có thể theo Hồ thượng thư gia lễ của Hồ Sĩ Dương, hoặcGia lễ tiệp kính của Ngô Doãn hay Thanh thuận gia lễ của Lê Quý Đôn,... Vấn đề tang ma vốn đã phức tạp càng thêm rối loạn. Trước tình hình ấy, một nhà nho khác, ông Hồ Sĩ Tân biên soạn Thọ Mai gia lễ chú ý tham khảo, vận dụng trong giới hạn tư duy chủ quan đối với phong tục tập quán xã hội nước nhà. Do có ít nhiều tiến bộ so với các tập sách trước nó, Thọ Mai gia lễ nhanh chóng được dân gian tiếp nhận và lưu truyền. Đặc biệt dưới triều Nguyễn, Thọ Mai gia lễ được sử dụng như một thứ luật lệ về tang ma do chế độ nhà Nguyễn quy định.

Cuốn Thọ Mai gia lễ đương thời bị nhà nho Phạm Đình Hổ (1768-1839) tác giả sách Vũ trung tùy bút nổi tiếng - đả kích kịch liệt nội dung quê mùa, dốt nát, đưa ra những cách thức lạ kỳ chưa từng thấy, soạn giả thu thập, nhặt nhạnh những điều vớ vẩn, bỏ cái này, chọn cái kia, loạn sị ngậu... Phạm Đình Hổ chỉ trích đích danh Hồ Sĩ Tân soạn Thọ Mai gia lễ, khắc in phát hành nhằm thu lợi, có người đã muốn đem sách trình vào phủ chúa Trịnh, Bồi tụng Trần Công Xán phải lựa lời nói mãi mới thôi. Thành ra sách cứ lưu hành ở đời, chốn thôn dã bởi dân tình thiếu cẩn thận nên dễ bán. Người ta tranh nhau mua, Hồ Sĩ Tân thu được lợi lớn. Nhưng chỉ dùng riêng ở thôn quê, các bậc thức giả đa phần coi thường. (Theo Trần Thị Kim Anh). Cần nói rõ hơn, quan điểm của Phạm Đình Hổ, một nho gia xem Gia lễ của Chu tử là kim chỉ nam, không thể đề cao các sách Gia lễ của Hồ Sĩ Dương, Ngô Doãn,... Bản thân Phạm Đình Hổ trong sách Vũ trung tùy bút (Bản dịch Trần Thị Kim Anh) cũng viết mấy bài về tang ma, tuy có đưa ra một số ý kiến, nhưng đại để là biện luận theo thuyết này hay thuyết kia, cốt yếu vẫn là trên tinh thần Chu gia lễ.

Ví dụ: Phạm Đình Hổ viết ở mục Cư tang: Khi người xưa nào đang lúc có đại tang mà thê thiếp có thai thì phạm lệ cấm. Từ khi ông Nguyễn Toàn An vì lệ cấm mà đến nỗi bị phạp tự (không con trai thờ cúng) mới bỏ lệ cấm ấy đi, đó cũng là lòng nhân đạo thương người, muốn khoan dung để cho mở rộng đường hiếu vậy. Song đó là vì đối với những kẻ chưa có con thừa tự mà rộng đường nhân. Còn những kẻ đã có con thừa tự (con thờ cúng) mà cũng mạo muội (phạm lệ cấm) làm theo thì thực là quái lạ! Như vậy, quan điểm Phạm Đình Hổ ở đây tưởng có cái nhìn tiến bộ, hóa ra chẳng có gì đổi khác.

Phạm Đình Hổ kịch liệt phê phán thói tục nhà có tang bày ra ăn uống linh đình, quên mất cả lòng báo hiếu... “Lại còn những nơi làng xóm thôn quê cứ theo hủ tục gặp một nhà có tang thì kéo đến hội họp từng lũ để ăn uống từ lúc mới mất cho đến lúc chôn, nếu có điều gì không được như ý thì viện lệ làng ra để hạch sách, làm cho người ta phải bán cả vườn ruộng để cúng vào cái mồm, cái bụng của những kẻ hạch ăn. Thói ấy đã nhiều lần sức cấm mà vẫn không đổi hết được, thực cũng lạ thay!”. Thái độ phẫn nộ hết sức đúng đắn của Phạm Đình Hổ, ngày nay chúng ta đọc lại tưởng như ông đả phá những hiện tượng tiêu cực đang diễn ra chung quanh mình. Thế mới biết có những hủ tục, không dễ bài trừ!

Những “lệ làng” đến “phép vua” cũng phải “thua”! (Câu “Phép vua thua lệ làng” bị hiểu lầm là tinh thần tự do, dân chủ nơi thôn xã thời phong kiến). Sự thực, “lệ làng” sở dĩ tồn tại do không vi phạm luật pháp của triều đình, không chống lại lợi ích của gia cấp thống trị. Ngay như bản “Hương ước” do làng soạn ra cũng vậy, phải được quan trên xem xét, nếu không phạm đến phép vua luật nước, mới phê duyệt cho thi hành.

Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa mới của Đảng ta, nhanh chóng được nhân dân hưởng ứng thành phong trào rộng khắp, kiên quyết bài trừ hủ tục, chống xa hoa lãng phí, thực hành tiết kiệm. Nhưng do nền kinh tế thị trường tác động, có cả mặt tích cực và tiêu cực, “Phú quý sinh lễ nghĩa” mà không phú quý cũng đua đòi “sinh lễ nghĩa”, tạo điều kiện cho hủ tục phục hồi và Thọ mai gia lễ có cơ hội hồi sinh. Thực chất nội dung tư tưởng Thọ Mai gia lễ về căn bản đã lạc hậu. Mặc dù ở thời kỳ rạng rỡ nhất trong thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, Thọ Mai gia lễ cũng đã bộc lộ sự bất ổn bởi soạn giả với tất cả hạn chế của một nhà nho không vượt thoát nổi vòng xiềng xích tiêu cực của Nho giáo. Ví dụ: Khi linh cữu người thân còn quàn ở nhà, con cháu phải ngày mấy bữa dâng cúng cơm canh y như đang sống, nghi lễ “điểm thực” “điểm trà” rất phiền toái, đến nỗi dân gian từng mỉa mai, đả kích:

Chết thời điểm thực, điểm trà,
Sống xin một tý nước cà, không cho!

Cả cái nghi lễ văn cúng cũng vậy, mỗi lần dâng cúng là một lần đọc văn tế:

Lúc sống thì chẳng cho ăn,
Đến khi chết xuống, làm văn tế ruồi!

Trong việc biên soạn Quy ước nếp sống văn hóa mới của làng xã, tham khảo các “gia lễ” thời xưa cũ là cần thiết để gạn đục khơi trong, đãi cát tìm vàng, góp phần xây dựng tang chế văn minh, tiến bộ trên nền tảng thuần phong mỹ tục cổ truyền và dưới ánh sáng văn hóa Cách mạng. Mọi sự đề cao một chiều “gia lễ” đều sai lầm, không phải là phát huy truyền thống cha ông hay giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Bộ Văn hóa thực hiện chủ trương Chỉ thị của Đảng và Chính phủ, tiến hành nhiều cuộc tuyên truyền vận động toàn dân xây dựng Nếp sống văn hóa mới. Nhưng thực tiễn cuộc sống vốn muôn màu ngàn vẻ, vấn đề không chỉ là câu chuyện sách vở mà còn là phong tục, tập quán, một lĩnh vực khá nhạy cảm và hết sức phức tạp, khiến cuộc vận động thực hành quy ước Nếp sống văn hóa mới không dễ, đặc biệt về tang lễ.

Bàn về “Nguồn gốc, ý nghĩa tang lễ người Việt”, tác giả mong được góp một tiếng nói vào cuộc tuyên truyền, vận động ấy.

(kỳ II)
II. HỒN PHÁCH VÀ SINH TỬ


Theo quan niệm thông thường, người ta ai cũng có hồn phách, khi chết, phách bị tiêu tan cùng thể xác, chỉ còn hồn không thể mất. “Thác là thể xác, còn là tinh anh” (Tinh anh cũng tức là linh hồn). 

Tuy nhiên, trong thực tiễn đời sống con người và xã hội, vấn đề Hồn phách lại biểu hiện không hề đơn giản. Bởi người Việt Nam từ nghìn xưa chịu ảnh hưởng qua lại của nhiều luồng tư tưởng văn hóa phương Đông và phương Tây: Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo, Ấn Độ giáo, Công giáo,...rồi giữa hai cuộc đại chiến thế giới nổi lên một số hiện tượng xã hội: Cao Đài, Hòa Hảo,...

Nho giáo không đề cập vấn đề Hồn phách, nhưng trong thâm tâm các nhà nho mấy ai không tin thuyết “Linh hồn bất tử”. Phật giáo, có lẽ do sinh thời Phật Thích-ca chỉ nói mà không viết, nên sau khi ngài mất, chia ra nhiều tông phái khác nhau. Học thuyết cơ bản của Phật giáo là luân hồi, nhân quả, đều không thừa nhận linh hồn bất tử, phủ nhận cả thượng đế toàn năng. Vì thế, Công giáo kịch liệt đả phá chủ nghĩa vô thần của Phật giáo, khẳng định đức Chúa Trời sáng tạo vũ trụ, sinh ra muôn loài vạn vật. Khi chết, linh hồn con người về nước chúa để hầu chúa, loài vật chỉ có “giác hồn” tiêu tan cùng thể xác. Do đó, tín đồ Công giáo không thờ cúng ông bà, cha mẹ. Lão giáo tôn thờ Lão tử làm giáo chủ, sự thực là lợi dụng uy tín Lão tử xây dựng Đạo giáo để đối trọng với Nho giáo và Phật giáo. Nhưng chính các đạo sĩ lại vận dụng thuyết Âm Dương của Dịch học Nho giáo và thuyết Luân hồi Địa ngục của Phật giáo. (Nhiều người nói Nho học, Nho gia chỉ bàn về Hình nhi hạ, về Nhân sinh quan, không bàn về Hình nhi thượng, về Vũ trụ quan, để cho rằng đạo Nho không phải là tôn giáo). Tính phức tạp của Chu Dịch khiến mỗi người hiểu một cách, học thuyết trở nên rối loạn - Duy vật thô sơ hay Duy tâm thần bí? Các thuyết Dịch bốc, Dịch Chiêm, (bói Dịch) tưởng lầm là khoa học tự nhiên, thực chất là mê tín, dị đoan. Đã không công nhận người ta có linh hồn, Phật giáo lại đưa ra thuyết Địa ngục, vậy cái gì bị đầy xuống địa ngục, nếu không phải là linh hồn của con người?

Người Việt từ lâu đời thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Phật giáo và Đạo giáo. Trong lịch sử, thời nhà Lý, thời nhà Trần, có những lúc, những trường hợp thiền sư và đạo sĩ là một. Tương tự như vậy, các thời đại sau, không ít nhà sư kiêm nghề phù thủy, và nhiều pháp sư phù thủy cũng ở chùa tụng kinh gõ mõ, “thờ Phật ăn oản”. Dân gian ngày rằm mùng một lên chùa thắp hương, niệm Phật, lúc gia đình hữu sự lại mời thầy phù thủy bắt ma trừ tà. Tư tưởng Phật giáo và Đạo giáo ăn sâu vào người Việt biến hóa dần thành phong tục tập quán, người người tin theo, nhà nhà bắt chước. Những tiết lớn trong năm: Nguyên đán, Nguyên tiêu, Đoan ngọ, Trung nguyên...đều in đậm dấu ấn Phật giáo và Đạo giáo. Cùng một phong tục trồng cây nêu chiều 30 Tết Nguyên đán để báo cho ma quỷ biết đây là đất nhà Phật không được đến quấy nhiễu thì truyền thuyết đã trộn lẫn Phật với Đạo. Tết Đoan ngọ tục nhuộm móng tay, móng chân, đeo bùa lại nặng màu Đạo gia phái Pháp lục. Đặc biệt tết Trung nguyên rằm tháng bảy, kinh sách nhà Phật đều chép là ngày hội Phật giáo.

Đó là ngày hội Vu Lan Bồn (hay Vu Lan Bồn tiết, Vu Lan Bồn trai) tức là tiết Trung nguyên, dân gian gọi nôm na là tiết Rằm tháng bảy. Theo Vu Lan Bồn kinh, một trong 10 đại đệ tử của Phật là Ma-Ha-Mục-Kiền-Liên. Mẹ ông là bà Thanh Đề lúc sống rất độc ác, khi chết phải tội treo ngược dưới Địa ngục. Tương truyền Mục Liên thần thông quảng đại muốn cứu mẹ thoát cảnh tội hình, xin đức Phật ra tay cứu độ. Đức Phật bảo: “Đến ngày rằm tháng bảy, là ngày kết thúc “khóa hạ” của các sư môn (hàng năm các sư đều phải tập trung đến ăn, nghỉ, học tập tại một nơi suốt ba tháng mùa hạ để giữ giới luật sát sinh - mùa hạ là mùa sinh nở của sâu bọ, côn trùng cũng là chúng sinh). Nhà ngươi chuẩn bị đủ trăm thứ đồ ăn uống, cúng dàng 10 vạn tăng chúng để cầu phúc cho mẹ được thoát tội”. Năm Đại Đồng thứ 4 (538) vua Lương Vũ đế bắt đầu mở hội chay Vu Lan Bồn tại chùa Đồng Thái, đến thời Đường mới tổ chức khắp nhân gian. Từ đây, tết Trung nguyên là một ngày hội của Phật giáo, các nhà sư mọi chùa chiền đều tụng kinh niệm Phật, cầu siêu linh hồn, bố thí chúng sinh.

Ngày hội Vu Lan Bồn đi vào dân gian hóa thành tiết “Tháng Bảy ngày Rằm xá tội vong nhân”. Người nào cũng nghĩ rằng người thân lúc còn sống khó tránh tội lỗi, khi chết nếu phải sa xuống Địa ngục thì hôm ấy cũng được tha thứ, nên lo cúng tế cỗ bàn và vật dùng, hy vọng họ sẽ tiếp nhận đầy đủ. Ngày tiết chỉ còn là một tục lệ, dẫu ai không tin cũng làm theo vì tấm lòng con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Nếu ai đã tin (có lẽ chiếm đại đa số) niềm tin ấy vô cùng sâu sắc, không cần giải thích, chứng minh. Trong sâu thẳm tâm linh của mình, họ tin có linh hồn bất tử, có thiện ác báo ứng, có thiên đường địa ngục, có “Tháng Bảy ngày Rằm xá tội vong nhân”.

Quan niệm hồn phách, hồn vía khá phổ biến trong các tộc người. Nhưng quan niệm của họ không đơn giản như nhau mà khác nhau đến kỳ lạ. Người Kháng (Tây Bắc Việt Nam) cho rằng người sống bởi năm hồn: Hồn chính ở đầu, bốn hồn ở tứ chi. Khi chết cả năm hồn đều thành ma. Hồn ma đầu ngụ ở trong nhà để phù hộ con cháu (ma ngặt nhà), hồn tay phải ngụ ở lều canh nương để coi sóc mùa màng (mati kntor), hồn tay trái thành ma ở gốc cây làm quan tài (ma ngặt hóm), hồn chân phải biến thành ma nhà mồ (ma ngặt nhà mớn), hồn chân trái lên trời thành ma trời (ma ngặt xừ ừ). Người Ơ - Đu tin hồn ở trên đầu (cũng như người Khơ-me, người Ơ-Đu cư trú ở Việt và Lào), vì thế người ta kiêng người khác sờ vào đầu mình. Lúc chết, hồn lìa xác đi mất, cho nên ngay tối làm lễ mai táng, ông trưởng họ phải cầm đuốc ra bãi tha ma để rước hồn ma về. Người Bru (ở Bình-Trị-Thiên) nói người chết có hai hồn: hồn chính vốn ở gốc chỏm tóc trên đầu ở lại làm ma nhà, gọi là bua đinh, hồn phụ ở thân mình đi với xác ở bãi tha ma. Người Xơ-Đăng (cư trú ở Gia Lai, Kon Tum) cho rằng người ta chỉ có một hồn. Khi người mới chết, hồn phải nằm ở nghĩa địa đầu làng, chờ sứ giả của nữ thần dệt vải đón dẫn tới động của thần. Người La-Ha (cư trú ở Tây Bắc Việt Nam) lại cho mỗi người có 8 hồn, hồn chủ ở đỉnh đầu, các hồn khác ở mồm, mũi, cầm, hai tay, hai chân.

Kỳ lạ hơn, người Mường quan niệm “vía” là hồn người sống, “ma” là hồn người chết, và mỗi người có những chín mươi “vía”, chia ra bốn mươi “vía” ở bên phải, năm mươi “vía” ở bên trái!

Người Việt chịu ảnh hưởng Đạo giáo, thường nói “Tam hồn thất phách” hoặc “Ba hồn bảy vía”. Tam hồn là gì? Đạo giáo giải thích: Thứ nhất hồn Thái Quang, thứ hai hồn Sảng Linh, thứ ba hồn U Tinh. Đạo giáo không cho biết rõ công dụng của mỗi thứ hồn, chỉ nói phép nhiếp tam hồn, một phương pháp tu luyện làm cho thần khí cứng rắn, tinh hoa tích tụ, thân thể không già yếu. Suy ra ta có thể hiểu hồn thứ nhất thuộc về thần khí con người, hồn thứ hai thuộc về tinh hoa con người, hồn thứ ba thuộc về thân xác con người. Dân gian vì không hiểu sâu Đạo học nên giải nôm: một hồn ở đầu, một hồn ở ngực, một hồn ở chân. Chữ “chân” này không phải là chân cẳng hay chân với tay mà làchân thân, cái thân thể đích thực của người ấy. Tục “gọi hồn” và phép “phụ hồn” không nói rõ gọi hồn nào trong ba hồn hay cả ba hồn, vì chắc chắn họ không đủ trình độ để hiểu biết. Khi chết, con người chỉ còn một hồn Thái Quang, là tinh thần, thần khí hay linh khí, tinh anh...riêng của mỗi người. Tuy không còn thể xác, không còn mắt, mũi, chân, tay...các giác quan để làm chỗ dựa nhưng nó có khả năng nhận biết tất cả, thế mới gọi là linh hồn (hồn thiêng).

Theo tài liệu nghiên cứu của Trung Quốc: Y lý Trung Hoa nói: “Can tàng hồn, phế tàng phách” (Gan chứa hồn, phổi chứa phách). Từ lý luận ban đầu này, các nhà y học cổ điển phát triển lên thất phách: tâm phách (tim), can phách (gan), tỳ phách (tỳ vị: dạ dày, lá lách), phế phách (phổi), thận phách (2 quả thận), khẩu phách (miệng lưỡi), ý phách (bộ não). Tiến bộ hơn, họ phân định đàn ông có thất phách, đàn bà thêm thai phách (dạ con và thai nhi), huyết phách (kinh nguyệt) thành cửu phách. Đạo giáo cũng nói đến thất phách (không có cửu phách) với những tên gọi khó hiểu: Thi cẩu, Phục thỉ, Tước âm, Thôn tặc, Phi độc, Trừ uế, Xú phế. Họ nói thất phách là 7 tên quỷ độc hại trong thân thể con người, và đạo giáo có phương pháp tu luyện để chế ngự hay diệt trừ chúng, làm cho thân thể nhẹ nhàng sảng khoái bay lên trên không thành thần tiên, sống mãi không già, không chết.

Cần phân biệt rõ: thuyết tam hồn thất phách, tam hồn cửu phách của y học nhằm mục đích chữa bệnh cứu người, thuyết tam hồn thất phách của Đạo học (Đạo giáo) không ngoài việc tu luyện đắc đạo thành tiên. Thuyết tam hồn thất phách hay cửu phách của Đông y có giá trị khoa học thực tiễn. Ví dụ họ nói “Can tàng hồn” cũng như bảo “Can tàng huyết”. Khi người ta nằm ngủ hay mơ chuyện quái đản, ghê sợ là do ở huyết, huyết kém, xấu mà sinh ra vì “huyết biến vi tà”, phải chữa bệnh huyết, mà chữa bệnh huyết thì không thể quên chức năng can (gan) bởi “can tàng huyết” (gan chứa huyết)...
Tục gọi hồn nhập quan, đàn ông gọi ba hồn bảy vía hoặc đàn bà gọi ba hồn chín vía, dân gian theo thuyết Đông y là lầm lẫn lâu ngày thành thói quen, cứ bắt chước lẫn nhau, không ai đặt câu hỏi: tại sao như thế, như thế đúng hay sai? Cứ lý suy ra, người chết phổi ngừng thở, tim ngừng đập, máu ngừng chảy, mọi giác quan đều ngừng hoạt động, các tế bào bắt đầu chuyển sang trạng thái phân hủy bốc mùi xú khí...hồn phách nhập quan để làm gì, có tác dụng gì? Lại nữa, đàn bà đến tuổi 50 hết kinh nguyệt, thôi sinh đẻ, không còn thai phách, huyết phách, sao vẫn gọi “chín vía” (cửu phách)? Thuyết Đông y là cơ sở khoa học trị bệnh, chỉ áp dụng với người sống, đâu còn ý nghĩa với người chết?

Nếu theo thuyết Đạo giáo, gọi hồn người chết chỉ nên gọi “Ba hồn bảy vía” đàn ông như đàn bà. Nhưng Đạo giáo không nói rõ người chết rồi vẫn còn đủ cả “tam hồn thất phách”, mà “thất phách” là 7 tên quỷ độc tan theo thể xác, và “tam hồn” chỉ tồn tại hồn Thái Quang tức linh hồn, cái tên thường gọi. Hồn Thái Quang hay linh hồn không nhập quan trở về với xác chết, nương tựa ở xác chết. Sau khi người chết vong hồn nương tựa vào thần chủ và hồn bạch. Thần chủ còn gọi là thần vị, linh vị là miếng gỗ viết tên tuổi, chức tước người chết để thờ cúng mãi mãi. Nghi thức làm thần chủ của vua, chúa, quan dân khác nhau. Với dân thường, thần chủ làm theo lối đơn giản đến mức sơ sài: một thẻ tre hay một miếng giấy viết nguệch ngoạc tên tuổi, cắm vào lát chuối cây cũng xong. Gia cảnh bần cùng chỉ có bát hương bằng lát chuối cây với năm ba nén hương còn khó, nói gì linh vị và hồn bạch! Hồn bạch là dải lụa thắt lại giống như hình người đủ 3 phần: đầu, mình và chân để thu hồn vào đó, khi mai táng rước đi trước linh cữu, rồi chôn bên cạnh nấm mồ.

Linh hồn là tinh anh, là khí thiêng của con người, cái tinh thần ấy nếu không mất cũng không thể “nhập quan”, không thể nhập vào cái xác ô uế, người ta phải đào sâu chôn chặt!

Hồn phách cũng là vấn đề cốt yếu của sinh tử. Đức Khổng tử tránh bànvề sinh tử. Ngài nói: “Chưa biết được việc sống, làm sao biết được việc chết?” (Vị tri sinh, yên tri tử). Nói “tránh bàn” không có nghĩa bảo Khổng tử không đủ khả năng bàn tới. Vấn đề ở chỗ ngài tự xét thấy mình không thể đưa ra ý kiến thuyết phục trong tình hình thiên hạ bấy giờ tồn tại cả hai thuyết “Hữu thần luận” và “Vô thần luận”: Thượng đế sinh ra con người với linh hồn bất tử hay không có Thượng đế, cũng không có linh hồn bất tử?

Các nhà sáng lập tôn giáo đều đặt vấn đề sinh tử lên hàng đầu và xem đó là đề tài thú vị. Người Việt Nam tiếp nhận nhiều tư tưởng tôn giáo, trong dân gian quan niệm về sinh tử khó tránh mâu thuẫn và phức tạp. Quan niệm khá phổ biến và tương đối thống nhất: Trời sinh ra muôn loài vạn vật, con người chết không mất. “Sinh ký tử qui” là câu nói cửa miệng người đời, nhưng thói đời vẫn ham sống sợ chết, vẫn chúc tụng “Phú quý thọ khang ninh” và không thể biết mình chết về đâu một cách chắc chắn!

Chúa Giê-su tạo ra người, vật, cho người có linh hồn, vật có giác hồn, người chết tùy theo hành vi lành, dữ mà về nước Chúa, hầu hạ Chúa hay bị đầy xuống hỏa ngục, còn loài vật, giác hồn tan cùng thể xác. Phật Thích-ca không công nhận thuyết linh hồn bất tử, nhưng lại đưa ra thuyết đầu thai chuyển kiếp bằng các “Thức” Mạt-na, A-lại-gia, khác gì linh hồn? Dân gian đâu nhớ được, hiểu được mấy cái “Thức” khó hiểu, khó nhớ ấy, vẫn nói linh hồn đầu thai kiếp khác! Phật giáo truyền vào Trung Quốc ra đời tông phái Mật giáo cho rằng vạn vật trong vũ trụ đều do Đại Nhật Như Lai biến hiện ra. Đại Nhật Như Lai là gì, nếu không phải là một Thượng đế, một Chúa Trời kiểu khác, mang tên khác?

Câu “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn” (Sự chết như sự sống, sự mất như sự còn; Cũng được dùng để nói việc thờ cúng: Thờ lúc chết như lúc sống, thờ lúc mất như lúc còn) là một mệnh đề triết lý, thuộc phạm trù triết học. Nghĩa là sự vật chỉ chết ở dạng này để sinh ở dạng khác, mất ở nơi nọ lại còn ở nơi kia, như chuyện vua nước Sở đánh mất cây cung, người nước Sở bắt được, có đi đâu mà mất? Nhưng dân gian lại dẫn giải theo cách dân gian:Sống như thế nào, chết như thế ấy! Tức là cũng ăn uống, làm lụng với mọi nhu cầu như lúc sống! Nói cách khác: cõi Âm là phản ánh trung thực cõi Dương, Âm và Dương tuy đối lập, mâu thuẫn nhưng vẫn nhất thống trong một khối thống nhất. Đó là nguyên nhân chủ yếu, chỗ dựa căn bản cho mọi nghi thức cúng tế ra đời và tồn tại. Mọi học thuyết, đến cả tôn giáo đều do con người mà có, tại sao không phải chính Thượng đế cũng là sản phẩm của con người?
-------------
Nguồn: Hoàng Tuấn Phổ
(Trích "Nguồn gốc, ý nghĩa tang lễ người Việt"-NXB Thanh Hóa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét