14 tháng 5, 2019

LÚA VON, CON HƯ

Lúa von - Ảnh: ST
-  Sách “Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam” (Nguyễn Cừ) giải thích: “Mấy ai biết lúa ven (sic), mấy ai biết con hư: Lúa nhà mình, con nhà mình làm sao mà xấu mà hư được, phê phán tâm lý luôn cho mình là nhất, quá thương con mà không biết con hư”.

-   “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (GS. Nguyễn Lân) đưa ra dị bản: “Mấy ai biết lúa gon, mấy ai biết con ác (Lúa gon là lúa lẫn vào những cỏ dại) Ý nói: Nhiều cha mẹ vì quá nuông con nên không thấy được những mầm xấu ở con”.

-   “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Vũ Dung): “mấy ai biết lúa von, mấy ai biết con hư (lúa von: lúa có bệnh do nấm gây nên, cây lúa cao vổng lên, màu nhạt đi, không đẻ nhánh và bông lép). Thông thường cha mẹ quá nuông chiều con mà không biết con mình hư hỏng”.

-   “1575 thành ngữ tục ngữ cần bàn thêm” (Lê Gia) lại “bàn lại” như sau:“Mấy ai biết lúa don (von), biết con hư. “Lúa don” (cũng nói là “lúa von”, vần “D” = “V”, cũng như “dớ dẩn” = “vớ vẩn”): Cây lúa thấy thật tốt nhưng có thể là tốt lốp, sẽ ít hạt vì nó có vẻ không yên, sẽ đổi khác, sẽ thành xấu, vẻ tốt đẹp ấy chỉ làm mê hoặc người ta, làm người ta mù quáng thôi.

Nghĩa câu: Ít ai biết được là cây lúa chỉ tốt bề ngoài mà thật ra tốt lốp, ít hạt, cũng như biết con mình chỉ tốt bề ngoài chứ bề trong thì hư rồi. Ý cũng nói: Thường thì người ta hay tin tưởng vào cái tốt đẹp bề ngoài và ít ai biết được rằng là trong cái tốt đẹp bề ngoài ấy đã sinh ra cái xấu xa (Nùng sắc, hại đức: Sắc đẹp nồng đậm quá thì làm hại cái đức bên trong). Don (von): Do chữ “dong” (dung) là không yên, có xao động. Chữ “doanh” là làm mê hoặc, mù quáng.

Có sách Từ điển giảng: (Lúa von: Lúa có bệnh do nấm gây nên, cây lúa cao vồng lên, màu nhạt đi, không đẻ nhánh và bông lép) Thông thường cha mẹ quá nuông chiều con mà không biết con mình hư hỏng.(?)

Theo chúng tôi: Thấy lúa có nấm, màu nhạt đi, không đẻ nhánh thì sao người ta lại có thể nhầm lẫn mà cho là lúa tốt được. Đây không phải là do nuông chiều con mà không biết con hư, mà là thấy bề ngoài ngon lành quá mà lầm lẫn, không biết là con đang hư hỏng ở bên trong.

Có sách ghi Mấy ai biết lúa gon, mấy ai biết con ác, và giảng: (Lúa gon là lúa lẫn vào những cây cỏ) Ý nói: Nhiều cha mẹ vì quá nuông con nên không thấy được những mầm xấu ở con.(?).

Theo chúng tôi: “Gon”: Do chữ “ngân” là êm ái, hoà hợp, mịn mà, nhỏ nhắn, xinh đẹp. Thơ xưa: “Em ở đường xa bán chiếu gon…” “Chiếu gon” là loại chiếu tốt và đẹp, vậy lúa “gon” là loại lúa tốt đẹp, không phải là lúa xấu. Đây có lẽ là do nghe tiếng được tiếng mất rồi ghi đại và giảng đại ra vậy thôi. “Lúa lẫn những cây cỏ” thì ai mà chả thấy, sao có thể lầm lẫn được.” (hết trích).

Với Nguyễn Cừ, ông đưa ra dị bản “lúa ven” là không đúng. Chính xác là lúa “von” chứ không phải lúa “ven”. “Von” gieo vần với “con”. Hơn nữa “lúa von” là thuật ngữ nông học chỉ một loại bệnh do loài nấm Fusarium moniliforme gây nên bởi nguyên nhân truyền nhiễm hoặc lây nhiễm. Cây lúa (có thể bắt đầu từ thời kỳ mạ) bị bệnh này sẽ mọc cao hơn các cây bình thường, lá lúa nhỏ, dài, ngả màu vàng nên gọi là “von”, (“von” trong từ chon von):

-   “Việt Nam tự điển” (Hội Khai trí Tiến Đức): “von • Nhọn thót <>Bút von ngòi.”. 

-   “Từ điển tiếng Việt” (Vietlex): “von • d. bệnh nấm hại lúa, làm cho cây lúa phát triển quá cao, có màu xanh nhạt, không đẻ nhánh và không có bông: lúa von”. 
Chu kì bệnh lúa von - Ảnh: ST

Bệnh lúa von còn gọi là bệnh mạ đực, hay bệnh vươn lóng (elongation disease). Nấm bệnh lưu tồn trong phôi hạt giống và trong đất. Bệnh thường phát sinh vào những năm có thời tiết ấm áp, ẩm độ cao và ánh sáng yếu. Cây lúa bị bệnh phát triển cao vọt, mảnh khảnh, lá lúa từ màu xanh lục chuyển dần sang màu xanh nhạt rồi vàng gạch cua, cứng giòn và chết nhanh chóng. Trường hợp sống sót, bông lúa lép lửng, hoặc lép hoàn toàn. Nếu công tác chọn giống không tốt, thì những hạt lép lửng này sẽ mang mầm bệnh cho vụ sau.

Như vậy, cách giải nghĩa “từ nguyên” dài dòng của Lê Gia cho rằng, “don” hay “von” có nghĩa là tốt đẹp, lúa “von” là lúa tốt lốp, chỉ là võ đoán; hay cách giải thích “lúa gon là lúa lẫn vào những cỏ dại” của GS. Nguyễn Lân cũng hoàn toàn không có sở cứ, vì trong canh tác, chỉ có cỏ dại lẫn vào lúa, chứ làm gì có khái niệm lúa lẫn vào có dại? Mặt khác, về nghĩa bóng, cũng không phải “Lúa nhà mình, con nhà mình làm sao mà xấu mà hư được, phê phán tâm lý luôn cho mình là nhất, quá thương con mà không biết con hư” như Nguyễn Cừ giải thích,hoặc “Nhiều cha mẹ vì quá nuông con nên không thấy được những mầm xấu ở con” (GS. Nguyễn Lân), rồi “thông thường cha mẹ quá nuông chiều con mà không biết con mình hư hỏng” (Nhóm Vũ Dung) đã giảng.

Trước đây công tác giống kém, nên rất dễ dùng phải giống nhiễm bệnh lúa von mà không biết. Mặt khác, đa số nông dân sử dụng giống không thuần, độ đồng đều trên ruộng không cao. Ruộng lúa có khi chia làm mấy tầng cao thấp, nên khó phát hiện sớm lúa von. Nông dân cần cù chăm sóc sớm hôm nhưng chỉ đến thời kỳ trổ bông, kết hạt, thấy lúa không trổ được hoặc có trổ nhưng hạt bị lép, mới biết là bị bệnh “lúa von”. Cũng như đứa trẻ mới sinh ra rất ngoan ngoãn, cha mẹ yêu thương nuôi nấng, lớn lên trong bao niềm hy vọng, nhưng khi trưởng thành nó bỗng sinh hư hỏng trong sự bất lực của mẹ cha (Cha mẹ sinh con trời sinh tính -tục ngữ). Dân gian so sánh “lúa von” với “con hư” là như vậy.
------------------
Nguồn: HOÀNG TUẤN CÔNG / 5 / 2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét