27 tháng 5, 2019

Bí ẩn Kinh Dịch (P.5): Quẻ Thuần Khôn và bài học về thuận theo tự nhiên

Kinh Dịch không phải để xem bói hay đoán biết mệnh vận của bất kỳ ai, bất kỳ điều gì. Đó là hiểu biết rất sơ khai và nông cạn thường thấy khi thế nhân nghiên cứu và sử dụng Kinh Dịch. Vì tâm mong cầu danh lợi và thỏa mãn ích kỷ cá nhân, nên hầu hết đã làm mất đi tinh hoa của Kinh Dịch vốn là lời dạy của Thần dành cho con người.
  • Tiếp theo Phần 1 2 3 4
“Khôn Vi Địa” mang hàm nghĩa gì?
Quẻ này đứng thứ hai trong số 64 quẻ, tượng trưng cho Đất. Tên quẻ chỉ gồm 3 chữ nhưng hàm chứa nhiều huyền cơ. Không phải chỉ đơn giản là “Khôn Vi Địa” nghĩa là “Khôn là Đất” như lâu nay người ta hay cho là thế. Chúng ta có thể tạm hiểu như sau:
Chữ Khôn: Quẻ này là quẻ thuần Âm, đối ứng với Càn Vi Thiên là thuần Dương. Nếu Càn là Trời là Cha, Vua, là sự mạnh mẽ quyết đoán thì Khôn là Đất, là Mẹ, là hoàng hậu, là sự bao dung, thương yêu chịu đựng và hy sinh.
Chữ Vi: có thể hiểu là các phần tử tế vi rất nhỏ và siêu nhỏ. Các hạt đất, hạt năng lượng vi tế chứa đựng sự sống và nuôi dưỡng sức sống trong lòng đất. Không phải chữ Vi nghĩa là “là” như một số sách cổ hay viết.
Chữ Địa: có thể hiểu là Trái Đất nơi chúng ta đang sinh sống, là trần gian đối lập với Thiên Thượng nơi cư ngụ của chư Thần.
Khôn Vi Địa chính là ý nói Đất Mẹ, Mẹ thiên nhiên chứa đựng mọi thứ nhỏ nhất, tuyệt diệu nhất của nhân loại chúng ta… Sự sống của chúng ta đều xoay quanh Đất Mẹ.
Từ 3 chữ trên ta có thể thấy ý nghĩa của quẻ Khôn Vi Địa này là:

Càn Vi Thiên là quẻ nói về Trời, con đường tu luyện về Thiên Quốc. Nhưng vạn vật đều có Âm Dương 2 mặt mới tồn tại được, nên chỉ có mình quẻ Càn (Trời) thì không thể nào đủ để con người tu luyện. Cần phải có Khôn (Địa) thì mới hình thành nên một hoàn cảnh đủ để thực thi cái Đạo của vũ trụ này (cái vi tế nhất – chữ Vi). Như vậy, Khôn Vi Địa chính là lời dạy mở rộng hơn của Thần Phật giảng về trần gian này, nơi mà con người sinh ra và lớn lên, cũng chính là nơi duy nhất để một sinh mệnh có thể tu luyện thăng hoa mà thành Chính Quả, có thể sinh tồn đúng cách, sinh sống tu dưỡng thế nào để ngày càng hòa hợp vào Thiên Đạo mà quay trở về. Từ cái lớn như làm sao cho quốc gia thịnh vượng, cái nhỏ như làm sao cho gia đình yên ấm, ăn uống sao cho lành mạnh để thân và tâm luôn an hòa mà hướng Thiện, đủ tiêu chuẩn để đắc Đạo, đó là ý nghĩa mà qua quẻ Khôn Vi Địa, Thần Phật muốn dạy bảo cho con người chúng ta.
Đất chính là biểu hiện tại trần gian của Trời
Về mặt hình tượng quẻ, chúng ta thấy Càn và Khôn có nhiều điểm tương đồng khá thú vị khiến mọi người có thể hình dung ra những công thức tạo thành quẻ Khôn như sau:
Hay là:
Nhìn theo hình tượng quẻ ta thấy Khôn chính là Càn biến đổi mà thành, từ Dương mà chuyển sang Âm. Quẻ Càn gồm 6 hào Dương ngược với quẻ Khôn gồm 6 hào Âm.  Nên đặc tính của Khôn hoàn toàn khác với Càn. Càn là Trời, tạo ra vạn vật bắt đầu từ cái tiên thiên vô hình, hay nói cách khác chính là gốc của linh hồn của vạn vật, của nguyên thần v.v. Nhưng nếu chỉ có Càn thì sẽ không có trần gian này và vạn vật cũng không thể hữu hình, sinh trưởng cũng như thăng hoa mà quay về Thiên Thượng.
Vì sinh ra từ Càn nên có thể nói Khôn chính là phần Âm của Càn, thể hiện ra là Mẹ Đất che chở và tiếp sức sống cho vạn vật, chỉ khác Khôn phải ở sau Càn theo lý Âm Dương, tùy theo Càn, bổ túc cho Càn. Vì là phần Âm của Càn nơi thế gian (nhìn trên quẻ thì thấy là mỗi hào Âm chính là cấu thành từ 2 hào Dương), nên mỗi thành phần vi tế nhỏ nhất của Khôn cũng đều mang những đặc tính linh thiêng từ Trời.
Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì trong mỗi tế bào của các sinh vật hữu cơ từ nhỏ đến lớn đều có tồn tại cái gọi là nhựa sống, sông núi thì có khí, có mạch đất, tia đất, không gian thì có từ trường, dòng điện, tia gamma, hạt neutrino, v.v. Tất cả đều là những hạt rất nhỏ và vô hình, là nguồn nuôi sống thật sự cho toàn bộ vũ trụ quan hữu hình mà chúng ta vẫn trông thấy và cảm nhận hằng ngày, là sợi dây liên kết vô hình giữa Trời và Đất. Sợi dây này mà đứt thì Trời sụp đất nứt, thiên tai nhân họa, khắp nơi không còn sự sống. Người sống trên đời mà hòa hợp với sợi dây liên kết này mới có thể sống hạnh phúc thịnh vượng và Thần tích của Trời mới có thể tái hiện ở nhân gian để tạo nên những thành tựu vĩ đại. Hay nói rõ hơn, chính là nối lại các vạch đứt của quẻ Khôn thuần Âm, biến nó thành thuần Dương của quẻ Càn lần nữa.
Nó chính là cái mà Lão Tử xưa gọi là Đạo, đức Phật gọi là Pháp. Vì thế mà người xưa mới có thuyết “vạn vật hữu linh”, đây cũng không phải là mê tín. Nên mới nói, rằng trần gian hay trái đất được Trời tạo ra và vẫn đang vận hành theo nguyên lý của Trời vậy.
Con người do Trời sinh ra, là một phần của tự nhiên, phải thuận theo tự nhiên
Đức của Khôn ngoài Nguyên Hanh Lợi Trinh thì có đức Thuận, nghĩa là thuận theo Càn mà hành sự. Cũng mang hàm ý là mọi việc đều phải theo Đạo Trời mà làm. Như đã nói ở trên, trong mỗi tế bào của Khôn (Đất Mẹ) đều có Thiên Đạo ở đó, nên con người chúng ta – vốn cũng là một sinh vật Trời sinh ra trong tự nhiên – khi sống trên Đất Mẹ chính là phải thuận theo tự nhiên thì mới có thể tồn tại vững bền được.
Càn Khôn kiến tạo sự sống. Khôn sinh ra mọi thứ vật chất thuộc Ngũ Hành mà con người biết tới như Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ. Vì thế, con người ngày xưa với thuyết “vạn vật hữu linh” luôn giữ vững niềm tin vào Thần Phật mà tôn trọng sự sống mà thiên nhiên ban tặng. Họ yêu thương, tôn trọng từng ngọn cây, cọng cỏ, sông suối, biển cả xung quanh.
Đất Mẹ Khôn luôn tồn tại trong mọi vật chất cơ bản, trong mọi sự sống của vạn vật bao gồm cả nhân loại, và cơ thể chúng ta cũng được cấu tạo từ Ngũ Hành.
Ví dụ như tóc, da là Mộc; máu, nhiệt độ cơ thể là Hỏa; cơ thể chứa rất nhiều nước là Thủy; trong cơ thể cũng cần có loại chất như kẽm, chất sắt để duy trì sức khỏe và xương cốt là Kim; thịt và các loại cơ bắp là Thổ.
Vì thuộc ngũ hành nên chúng ta cũng phải tuân theo vòng tuần hoàn của vật chất như tất cả mọi thứ trên đời để quay trở về với Đất Mẹ.
Ví dụ như chúng ta lấy cây đi đốt còn lại là tro thì cũng là đất, lấy kim loại đi đốt hay kim loại qua trăm năm thì cũng hóa đất. Lấy nước biển đi đốt còn lại các khoáng chất thì cũng là đất, hỏa là lửa khi cháy có khói thì khói bụi đó cũng là đất. Lấy thân người đốt đi tro cốt còn lại cũng là đất.
Nên dù chúng ta có cho rằng mình xuất sắc thế nào, thì sự thật, chúng ta vẫn là một phần tử của thiên nhiên và mang trong mình mọi thứ đến từ Trời và Đất, không có cái nào thuộc về khoa học tạo ra hết. Tất cả mọi thứ mà chúng ta cho rằng khoa học tạo ra thì cũng phải lấy toàn bộ nguyên liệu từ Trời và Đất.
Đất mẹ Khôn bao hàm mọi thứ và nuôi dưỡng vạn vật, tạo ra vạn vật, ban tặng cho chúng ta những dòng suối trong sạch tuyệt vời, đại dương bao la với nguồn muối và sản vật phong phú, rừng cây và vô số loài sinh vật đủ để con người sinh sống vĩnh viễn nếu cư xử thuận hòa với thiên nhiên.
Vậy nên, trái với các quan niệm của những người “văn minh” coi các tộc người thổ dân, những dân tộc miền núi là những người lạc hậu, mọi rợ không biết đến khoa học và mê tín, thật sự họ mới là những người hiểu đúng quy luật của Trời Đất nhất.
Họ sống hòa mình với thiên nhiên, tôn kính thiên nhiên, Mẹ Đất các vị Thần. Họ tin tưởng vào lời dạy và các chân lý của cổ nhân, tổ tiên để lại. Họ bảo vệ và yêu thương thiên nhiên, sống hiền hòa không tranh đấu với ai, chỉ bảo vệ dân tộc và bộ lạc của mình. Họ sống cuộc sống đơn giản bằng những vật dụng tự chế, ăn những con vật mà thiên nhiên ban tặng, uống bằng những nguồn nước trong sạch từ mưa và suối v.v.  Họ sống giữa thiên nhiên trong sạch, sống thoải mái vô lo không tai không họa. Chẳng phải kỳ diệu sao khi mà chất lượng cuộc sống và sức khỏe của một số bộ lạc cổ xưa vẫn là điều mà người hiện đại chúng ta chưa đạt được.
Chinh phục thiên nhiên đồng nghĩa với tai họa và tự hủy diệt
Hai quẻ Càn Vi Thiên và Khôn Vi Địa chính là tượng của Âm và Dương giao hòa mới tạo thành vũ trụ vạn vật, cũng chính là cách mà Thiên Đạo vận hành, hay còn gọi là Âm Dương tương hỗ và tuần hoàn. Hết Dương rồi đến Âm và ngược lại, cũng như ngày và đêm nối nhau. Thành bại thịnh suy sống chết nối nhau liên miên không dứt biểu hiện cho một vũ trụ tuần hoàn và cân bằng tuyệt diệu.
Nhưng chiều vận động từ Dương xuống Âm là biểu hiện cho sự thoái hóa của vạn vật. Mọi thứ trong chiều này về tương quan là xấu hơn nếu so với chiều đi lên từ Âm sang Dương.
Nên lẽ thường, người ta tìm mọi cách để biến mọi cái xấu (Âm) trở thành tốt (Dương). Đó cũng chính là cách mà khoa học hiện đại giải quyết vấn đề và lý do cho sự ra đời của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật. Vì thế, trái với tư duy truyền thống, khoa học hiện đại khiến con người ta trở nên tự phụ khi nghĩ rằng mình có thể cải biến vạn vật và khắc phục mọi khó khăn. Chúng ta đã trở nên ích kỷ và không quan tâm đến vạn vật xung quanh, kể cả Đất Mẹ. Thiên nhiên cũng bị xem là một thứ phải được chinh phục.
Tệ hại hơn là khoa học và cuộc sống hiện đại còn làm người ta mất đi tư tưởng hòa thuận tự nhiên và niềm tin vào Đất Mẹ và thiên nhiên. Khi mà những con người hiện đại tự cho mình là “văn minh” và tài giỏi, thông minh biết hết mọi thứ, bắt thiên nhiên cúi đầu, thì đến giờ tất cả mọi vấn đề của nhân loại vẫn còn y nguyên như thuở xưa: cái đói, bệnh dịch, ô nhiễm, chiến tranh vẫn tồn tại, thậm chí ở một mức độ khó khăn hơn với việc thiên nhiên ngày càng khó đoán và hay thịnh nộ. Cách mạng khoa học xét cho cùng lại là thảm họa cho tương lai nhân loại. Vì sao lại như thế?
Vì chúng ta chọn cách cải biến một chiều từ Âm sang Dương trong khi bỏ mặc chiều kia, do khoa học không có khả năng lý giải được chiều ngược lại một cách thấu đáo để hiểu được tính nhất thể của cả hai chiều.
Dương biến thành Âm chính là hiện tượng biểu thị trong Dịch khi đạo đức nhân loại chuyển dần thành xấu xa và khiến sinh ra nhiều thiên tai nhân họa. Người xưa tôn kính Thần Phật và hành sự tuân theo luật Nhân Quả nên trong hành vi đều có sự ước thúc, không dám làm điều ác vì sợ luật Trời, sợ quả báo, sợ đời sau thê thảm. Những con người hiện đại không tin bất kỳ điều gì, không tin có đời sau nên điều ác nào cũng dám làm, nói chi chỉ là tàn phá thiên nhiên. Vậy mới nói, khoa học không có khả năng cải thiện đạo đức của nhân loại.
Trong khi đó, quẻ Càn Vi Thiên biểu thị cho thời kỳ tốt nhất khi mà chuẩn mực đạo đức nhân loại còn rất cao, khi con người ta có lối sống lương thiện và tin tưởng Thần Phật. Theo chiều biến Dịch và theo lý Âm Dương tuần hoàn, cũng đến lúc nó biến thành quẻ Khôn Vi Địa (cũng chính là hình tượng quẻ Càn tách làm đôi – Dương biến thành Âm), mọi việc đã không còn tốt như trước đây. Muốn giữ được sự tốt lành của quẻ Thuần Càn khi xưa thì phải làm sao?
Hào từ của quẻ Khôn Vi Địa có viết:
坤 : 元, 亨, 利, 牝 馬 之 貞 . 君 子 有 攸 往 . 先 迷 後 得. 主 利 . 西 南 得 朋 . 東 北 喪 朋 . 安 貞 吉 .
Khôn: Nguyên, hanh, lợi, tẫn mã chi trinh. Quân tử hữu du vãng, tiền mê hậu đắc, chủ lợi. Tây nam đắc bằng, đông bắc táng bằng. An trinh, cát.
Giải nghĩa:
“Thuận dã. Nhu thuận. Thuận tòng, mềm dẻo, theo đường mà được lợi, hòa theo lẽ, chịu lấy. Nguyên Hanh Lợi Trinh chi tượng”.
(Trích “Kinh Dịch – Đạo của Người quân tử” – Nguyễn Hiến Lê)
Từ đó mà suy ra phải sống theo lẽ “Thuận”, nghĩa là không cố cải biến mà là thuận theo tự nhiên thì mới tốt lành nhất, mới đạt đến Nguyên Hanh Lợi Trinh.
Hẳn độc giả còn nhớ Nguyên Hanh Lợi Trinh này cũng chính là đặc tính của quẻ Thuần Càn, là quẻ tốt nhất mà ai ai cũng muốn đạt đến. Vậy chẳng phải nó chính là chiều biến hóa từ Âm sang Dương, cải biến cái xấu thành cái tốt mà nhân loại và khoa học vẫn đang vật vã tìm kiếm hay sao?
Vì sao điều đơn giản như một lối sống đạo đức và thuận tự nhiên lại có thể đem đến điều tốt lành như thế, trong khi khoa học lại không thể làm được?
Vì sự thật, cái gọi là thành tựu khoa học so với thiên nhiên vẫn là quá nhỏ bé, và chỉ toàn đem lại hậu quả hơn là kết quả. Chúng ta dùng khoa học để tạo ra một cái lồng và nhốt chính mình trong đó, và khi thảm họa thiên nhiên ngày một tồi tệ, chúng ta lại tạo ra cái lồng nhỏ hơn để trốn tránh hiện thực.
Ví dụ:
Chúng ta phá rừng để xây dựng bừa bãi. Xây nhà cao tầng và thành phố mới. Kết quả là, khí hậu ô nhiễm nên phải chui vào nhà và đóng kín cửa lại. Sau đó chế ra máy điều hòa, máy lọc không khí để chống lại sự ô nhiễm đó.
Nhưng máy điều hòa lại tiêu hao điện, thế là phải xây nhà máy điện. Mà xây nhà máy điện thì lại làm ô nhiễm môi trường, tạo nên biến đổi khí hậu. Kết quả là, lâu lâu mưa lũ tràn về thì ngôi nhà dưới đồng bằng của chúng ta bị cuốn trôi do lũ quét hay bị chôn vùi trong lũ bùn. Đó là chưa kể nếu cái nhà máy thủy điện kia mà bị lũ làm sập thì thảm họa không biết lớn đến chừng nào. Thay vì sống tự do giữa trời đất trong lành rộng lớn, giờ đây chúng ta phải chui vào các cái hộp có máy điều hòa. Ra đường thì phải chui vào cái hộp khác là xe hơi hay phải chụp khẩu trang vào mặt do quá ô nhiễm. Đó chẳng phải là những cái lồng ngày càng nhỏ hơn do khoa học tạo ra cho nhân loại là gì?
Khoa học hiện đại có thể lọc được không khí sạch như lúc ban sơ mà Thần hay Thượng Đế đã tạo ra cho trái đất hay không? Máy lọc nước nào có thể lọc nổi nước của một con sông trở về như thuở ban đầu? Máy lọc không khí nào lọc hết khói công nghiệp trên toàn trái đất? Hay máy điều hòa nào đem lại khí hậu mát mẻ cho cả thành phố? Ấy vậy mà thiên nhiên lại làm được những điều đó một cách dễ dàng và chẳng cần đến con người can thiệp. Chỉ cần cho nó chút thời gian.
Thế nên, thay vì chinh phục một cách vô vọng và đầy nguy hiểm, sao chúng ta không lựa chọn một cách nhẹ nhàng hơn: đứng sang một bên cho thiên nhiên tự vận hành và xử lý những vấn đề của nó. Con người chúng ta sống hòa hợp và hưởng thụ những điều tốt lành mà thiên nhiên mang lại thì chẳng phải tốt hơn rất nhiều sao?
Quang Chấn – Tĩnh Thuỷ
--------------
Nguồn: Theo ĐKN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét