31 tháng 5, 2019

Mạn đàm “Thượng kinh ký sự”

- Hải Thượng Lãn Ông -



Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720 – 1791) là một đại danh y có đóng góp lớn cho nền y học cổ truyền Việt Nam, ngoài ra ông còn tinh thông dịch lý, văn chương và được coi là “ông tổ của nghề báo Việt”. Tập ký sự bằng chữ Hán “Thượng kinh ký sự” của ông “là một thiên phóng sự duy nhất của văn học Việt xưa viết về người thật, việc thật với cách hành văn giản dị, tinh tế và sinh động” (1).

Sách giáo khoa ngữ văn lớp 11 giới thiệu đoạn trích “Vào phủ chúa Trịnh” với mục đích giúp các em học sinh “Cảm nhận được giá trị hiện thực sâu sắc của tác phẩm và nhân cách thanh cao của tác giả”. Khi đọc toàn văn “Thượng kinh ký sự”, người viết cảm thấy còn có những giá trị to lớn về đạo làm người, đạo dưỡng sinh ẩn chứa trong những dòng nhật ký giản dị mà thanh tao. Giá trị hiện thực của tác phẩm không chỉ nằm ở vẻ quyền quý xa hoa trong phủ chúa Trịnh, mà còn trải khắp núi sông mây nước tú lệ chốn trời Nam.  
Vì vậy, người viết mạo muội trải đôi dòng suy tưởng về “Thượng kinh ký sự”, hy vọng có thể phần nào phủi lớp bụi thời gian che lấp viên ngọc quý trong kho tàng văn học, y học truyền thống Việt Nam.

***
Phần 1: “Than ôi! Giàu sang như đám mây bay. Đền vũ tạ, thú ca lâu phút chốc thành nơi hoang phế”
“Khanh tướng thôi đành không thuốc chữa
Lòng này thực có quỷ thần hay
Thế gian chỉ có danh thơm quý
Phú quý mây bay giả dối thay”.
Lê Hữu Trác sinh năm 1720 tại hương Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Dòng tộc ông vốn có truyền thống khoa bảng; ông nội, bác, chú (Lê Hữu Kiều), anh và em họ đều đỗ Tiến sĩ và làm quan to. Thân sinh của ông từng đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ, làm Thị lang Bộ Công triều Lê Dụ Tông, gia phong chức Ngự sử, tước Bá, khi mất được truy tặng hàm Thượng thư.
Thời trẻ, Lê Hữu Trác nổi tiếng hay chữ, lại cũng từng nghiên cứu binh thư và võ nghệ, xếp bút nghiên theo nghiệp đao cung. Đang ở trong quân ngũ, ông phải về quê ngoại ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) để thay người anh thứ năm phụng dưỡng mẹ già. Tại Hương Sơn, ông mắc phải một chứng bệnh dai dẳng, may nhờ một y sĩ họ Trần cứu chữa. Nhờ duyên phận ấy, ông đã chọn nghề y vì nó không chỉ lợi ích cho mình mà còn cứu giúp người đời.
Ở Hương Sơn, ông làm nhà cạnh rừng, lấy hiệu là “Hải Thượng Lãn Ông”. “Hải Thượng” là hai chữ đầu của trấn Hải Dương và phủ Thượng Hồng quê cha, cũng là xứ Bầu Thượng quê mẹ. “Lãn Ông” nghĩa là “ông lười”, ngụ ý lười biếng, chán ghét công danh, tự giải phóng mình khỏi sự ràng buộc của danh lợi và quyền thế, tự do nghiên cứu y học và làm bạn với lâm tuyền. Mười năm sau, tiếng tăm của ông đã nổi ở vùng Hoan Châu.
Năm 1782, Hải Thượng Lãn Ông được quan Chính Đường (tức Huy Quận công Hoàng Đình Bảo) tiến cử lên kinh đô chữa bệnh cho Thế tử Trịnh Cán, con chúa Trịnh Sâm và Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Chuyến đi này đã giúp Lê Hữu Trác tận mắt nhìn, tận tai nghe và tận tâm cảm nhận được sự vô thường của hết thảy giàu sang phú quý.   
Khu tượng Đại Danh y Lê Hữu Trác tại huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. (Ảnh: baomoi.com)
“Cái giàu sang của nhà vua chẳng phải tầm thường”   
“Áo mũ chỉnh tề, tôi bước lên cáng đến cửa phủ. Lúc ấy dịch mục đi trước hét đường, còn cáng thì đi vùn vụt như thể ngựa chạy. Tôi bị một phen đưa đẩy, sốc sác lấy làm mệt nhọc. Khi đến cửa phủ thì được người dẫn đi qua hai lần cửa nữa rồi rẽ theo đường bên trái mà tiến bước. Tôi ngẩng đầu lên coi thì bốn phương tám mặt, nơi nào cũng cây cối um tùm, chim kêu hoa nở, gió thoảng hương đưa. Những hành lang, những bao lơn bước bước đều liên lu, nơi nơi đều cân đối. Kẻ gác cửa có việc gì thì truyền báo, kẻ công dịch qua lại như mắc cửi. Tôi thầm nghĩ: “Mình vốn là công gia tử đệ, sinh trưởng ở kinh đô, mọi chốn trong Cấm thành đều thông thuộc; duy sự thể trong phủ chỉ được nghe nói thôi, mới hay cái giàu sang của nhà vua chẳng phải tầm thường vậy”. Tôi ngâm mấy câu để ghi nhớ:
Qua vàng ngàn cửa lính canh đền
Đây chính trời Nam chốn chí tôn
Nguy ngật lâu đài sông Hán khuất
Lung linh liêm mạc ánh vàng xuân
Cung hoa không dứt mùi hương thoảng
Ngự uyển đưa kêu tiếng vẹt dồn
Quê kệch chưa tường nơi vũ nhạc
Tưởng mình đâu lạc tới đào nguyên” (2).
Phong cảnh trong phủ chúa Trịnh thật lộng lẫy kiêu sa, khiến “ông già lười” Hải Thượng ngỡ như mình là người đánh cá trong “Đào hoa nguyên ký” của Đào Tiềm, một hôm chèo thuyền ngược dòng suối bỗng lạc vào cảnh Tiên huyền ảo, thơ mộng. Đến đồ vật nơi đây cũng xa hoa hiếm có:
“Qua dãy hành lang về phía tây thì đi dến một ngôi nhà lớn, vừa cao vừa rộng, hai bên để hai cỗ kiệu ngự, những đồ nghi trượng đều chạm trổ thiếp vàng; ở gian giữa kê cao một cái sập ngự cũng thiếp vàng; trên sập treo một cái võng điều. Trước sập và hai bên sập có kê kỷ án, đồ đạc chẳng thường thấy ở nhân gian. Tôi chỉ liếc mắt trông qua, cúi đầu mà đi. Lại đi qua một cái cửa nách nữa thì đến một cái gác cao rộng. Trong gác những giường cột từ trên xuống dưới đều sơn son”.
Quang cảnh Phủ chúa Trịnh do Samuel Baron vẽ năm 1685. (Ảnh: wikipedia.org)
“Đền vũ tạ, thú ca lâu phút chốc thành nơi hoang phế”
Trong thời gian lưu tại kinh thành, Hải Thượng Lãn Ông đã tận mắt chứng kiến cuộc sống vinh hoa phú quý tột bậc của nhà chúa, bản thân ông cũng được hậu đãi bằng cao lương mỹ vị, người hầu kẻ hạ. Tuy nhiên, ông chẳng hề ham thích cuộc sống hưởng thụ giàu sang, mà lúc nào cũng tìm cách dứt áo ra đi.
Chúa Trịnh Sâm bị bệnh lâu ngày, tinh khô huyết kiệt, tứ chi mỏi mệt, Hải Thượng Lãn Ông hết lòng chạy chữa nhưng cuối cùng chúa cũng băng hà. Thế tử Trịnh Cán mới 5 tuổi lên nối ngôi, nhưng Trịnh Cán cũng ốm dai dẳng nên khí lực khô kiệt, khó lòng vực dậy được. Lãn Ông lực bất tòng tâm, nhân có người tiến cử một lương y mới, liền lấy cớ người nhà ốm nặng rời kinh. Thơ rằng:
“Khanh tướng thôi đành không thuốc chữa
Lòng này thực có quỷ thần hay
Thế gian chỉ có danh thơm quý
Phú quý mây bay giả dối thay”.
Ông kịp về nhà ngay trước khi xảy ra loạn kiêu binh. Tháng 10 năm 1782, nghĩa là đúng một tháng sau khi chúa Trịnh Sâm mất, và cũng đúng một tháng sau khi Trịnh Cán được đưa lên ngôi chúa, lính kiêu binh ủng hộ Trịnh Tông cùng nhau mưu đảo chính lật đổ Trịnh Cán để lập Trịnh Tông. Khi quân Tam phủ (3) nổi dậy, quận Huy ra chống cự nhưng không nổi, bị kiêu binh giết chết. Lính Tam phủ rước Trịnh Tông lên nối nghiệp chúa.
Trịnh Cán bị giáng xuống làm Cung quốc công, rồi hơn tháng sau thì bị bệnh qua đời. Tuyên phi Đặng Thị Huệ bị Thái phi Dương Ngọc Hoan sai người bắt làm tội, đánh đập sỉ nhục vô cùng khổ sở. Đến ngày giỗ của chúa Trịnh Sâm, Tuyên phi uống thuốc độc mà chết.
Khi biết tin, Hải Thượng Lãn Ông mới cảm thán rằng:
“Than ôi! Giàu sang như đám mây bay. Đền vũ tạ, thú ca lâu phút chốc thành nơi hoang phế”.
Mới đó, còn cung điện huy hoàng. Mới đó, còn quyền uy tột đỉnh. Thế mà chỉ trong chớp mắt, cả chúa Trịnh Sâm, Huy quận công Hoàng Đình Bảo, Thế tử Trịnh Cán cùng Tuyên phi Đặng Thị Huệ đã thành người thiên cổ! Họ hoặc chết vì bệnh tật, hoặc chết vì binh đao, thuốc độc, đều đau khổ mà không thể mang theo bất kể thứ gì. Đến thế gian tay trắng, ra đi lại hoàn trắng tay.
Điều duy nhất con người có thể mang theo khi rời nhân thế là gì?
Văn hoá truyền thống phương Đông cho rằng con người ta không chỉ sống một đời, mà luân hồi chuyển sinh đời đời kiếp kiếp. Phật gia thì nói về luật Nhân Quả, hành thiện tích đức, hành ác tạo nghiệp. Theo đó, vinh hoa phú quý của gia tộc họ Trịnh là do những kiếp trước đã tích được rất nhiều đức mà thành. Thế nhưng, chúa Trịnh Sâm kiếp này trên thì lập mưu sát hại Thái tử Lê Duy Vĩ, ức hiếp vua Lê, dưới thì phế con trưởng, lập con thứ vì sủng ái Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Trịnh Sâm cũng cậy mình có công đánh dẹp nên sinh kiêu mạn, sống xa hoa hưởng lạc, phúc đức chẳng mấy chốc mà tiêu tan.
Kiếp này, Trịnh Sâm là chúa thượng quyền uy tột đỉnh; kiếp sau, biết sẽ là ai? Điều duy nhất con người có thể mang theo khi rời nhân gian là nghiệp và đức mà mình đã tạo. Một đời hành thiện, tích đức thì đời sau sẽ hưởng phúc phận, có thể thản đãng trút bỏ xác phàm mà không hối tiếc điều gì.
“Ngày tháng trăm năm tựa bóng câu,
Đời người, bọt nước khác gì đâu.
Sớm còn thắm đỏ đôi gò má.
Chiều đã bạc phơ nửa mái đầu.
Giấc điệp tàn rồi, đời ảo cả.
Cuốc kêu da diết hãy quay đầu,
Xưa nay làm phúc đều tăng thọ,
Ở thiện trời thương, lọ phải cầu” (4).
(còn tiếp…)

Mạn đàm “Thượng kinh ký sự” – Hải Thượng Lãn Ông (P2)



Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720 – 1791) còn được coi là “ông tổ của nghề báo Việt” nhờ tập ký sự bằng chữ Hán “Thượng kinh ký sự”, với trích đoạn “Vào phủ chúa Trịnh” được giới thiệu trong sách giáo khoa ngữ văn lớp 11. Bên cạnh giá trị hiện thực và văn chương, tác phẩm còn hàm chứa những bài học quý báu, uyên thâm về đạo làm người, đạo dưỡng sinh.
Phần 2: “Chính khí ở trong mà thắng thì bệnh ở ngoài sẽ tự nó tiêu dần, không trị bệnh mà bệnh sẽ mất”
Hải Thượng Lãn Ông lên kinh đô chuyến này để xem bệnh cho Thế tử Trịnh Cán, nhưng tiếng lành đồn xa, ông đã coi mạch bốc thuốc cho cả chúa Trịnh Sâm và giới quyền quý ở Thăng Long. Qua đó, ông đã hé lộ cho chúng ta nguyên nhân của bệnh tật và bí quyết dưỡng sinh đơn giản mà hiệu quả.
Sống sung sướng không hẳn là tốt
Nếu như ấn tượng ban đầu về phủ chúa Trịnh là vẻ tôn quý huy hoàng, cảnh đẹp như tiên, thì khi Lãn Ông đến hầu thuốc Thế tử Trịnh Cán, không gian bỗng trở nên u tối, bí bách đến ngột ngạt:
“… chợt thấy một nơi kia màn gấm mở ra, vào bên trong thấy đen tối, không biết đâu là cửa ra, màn trướng thì hết lớp này đến lớp khác, mỗi lớp đều có thắp một ngọn nến để dẫn đường. Đi qua chừng bốn năm lớp trướng gấm thì đến căn nhà rộng, vào trong thấy một vị ngồi giữa chiếc sập thếp vàng, độ năm sáu tuổi, mặc áo lụa hồng, tả hữu có mấy người đứng hầu, một cây nến lớn đốt cháy, cắm trên cây đèn đồng…” (1)
Người nghèo trong dân gian lam lũ khó nhọc, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, có lẽ từng ước ao được sống trong cảnh gấm vóc lụa là, “mưa không đến mặt nắng không đến đầu”. Hải Thượng Lãn Ông khi chẩn bệnh cho Thế tử đã nói một câu:
“Nhưng theo tôi thấy thì vì ở chỗ màn trướng vây bọc, ăn no mặc ấm, phủ tạng mềm yếu, lại thêm mang bệnh đã lâu thì tinh huyết hao kiệt, khô khan, mặt không nhuận sắc, bụng lớn gân xanh, chân tay khẳng khiu…”
Nếu cuộc sống nhàn hạ sung sướng, đầy đủ vật chất giúp con người khoẻ mạnh hơn, thì có lẽ Thế tử Trịnh Cán nên là người khoẻ nhất thiên hạ. Thế nhưng Hải Thượng Lãn Ông lại chỉ ra rằng ngược lại, sống trong nhung lụa khiến người ta “phủ tạng mềm yếu”, thiếu khả năng chống chọi bệnh tật. Trong “Vệ sinh yếu quyết ca”, ông cũng viết:
“Cần lao thân thể khang cường
Tinh thần vui vẻ gân xương chuyển đều (…)
Nhàn cư ủ rũ tinh thần
Nằm nhiều khí huyết kém phần lưu thông”.
Chân dung Tuyên phi Đặng Thị Huệ và Trịnh Cán trong Trịnh gia chính phả.
Lưỡi dao sắc hại người
Trong thời gian ở kinh thành, Hải Thượng Lãn Ông còn được thỉnh mời chữa bệnh cho quan lớn Tham tụng Tả binh, triệu chứng như sau:
“Đến sát gần người ốm thì thấy khí nóng bốc ra, sờ vào người thì thấy âm ấm, chân lạnh, hơi ợ ra. Hỏi thì đáp rằng như ngồi trong đám khói dày đặc, mắt cay lắm, phải nhắm lại; trong ngực nghe nóng lắm và ợ hơi ra; đại tiện táo kết, tiểu tiện đỏ và rít, không nuốt đồ ăn được”.
Bằng đôi mắt tinh tường của một thầy thuốc, Hải Thượng Lãn Ông nhận định:
“Viên quan ấy tuổi cao, hầu thiếp đầy rẫy trước mặt, người già thì chân âm đã hao, lại luyến ái sắc đẹp để cái tinh khí sút giảm, cho nên âm phải kiệt”.
Vị đại danh y kê một đơn thuốc, giúp bệnh tình của quan Tham tụng Tả binh chuyển biến tốt đẹp. Thế nhưng:
“Mới được hơn một tuần, bệnh lại tái phát, lại vội vã cho người đến mời tôi. Tôi nghe vậy chẳng đoán được việc gì mới dò hỏi. Người đến mời nói rằng: “Đích thị là ngộ phòng” (1). Tôi đến bảo vị quan rằng: “Phàm bệnh nặng dai dẳng thì khí huyết hư nhược, bất cẩn một chút thì bệnh khó mà chữa được; đại quan thân trọng vạn kim, xin nên vạn lự” (2). Vị quan ấy đáp rằng: “Từ nay một lòng nghe theo lời dạy, chẳng dám cưỡng lại”. Tôi lại nghiên cứu cho thuốc điều bổ rồi cáo lui.
Tôi trở lại nhà thì có một người bảo tôi rằng: “Ông quan ấy, cụ dẫu có gắng sức điều trị cũng chẳng được. Nếu bệnh có chữa được tạm yên thì trong thời gian bốn, năm ngày tất có vài ba bận âm cữu (3). Ai cũng nói như vậy”. Tôi cho là vị quan ấy cầm quyền bính trong tay thì những việc ân oán hẳn là có, nhưng không hay biết là những lầm lỗi đã thành thói quen vậy, nên tôi chỉ mỉm cười thôi”.
Quả là đến nước này thì:
“Khanh tướng thôi đành không thuốc chữa
Lòng này thực có quỷ thần hay”.
Thế mới biết, sắc dục là lưỡi dao hại người. Bản thân chữ Sắc 色 (sắc dục) là do một chữ Đao 刀 (nghĩa là con dao) kết hợp với chữ Ba 巴 (tên một loài rắn có thể nuốt được voi) tạo thành. Phải chăng cổ nhân muốn cảnh cáo con người rằng ham mê sắc dục như dao bén làm tổn thương chính mình, lại cũng tai hại như bị rắn độc ăn nuốt?
Có lẽ vì thế mà chúa Trịnh Sâm, vốn là một người trí dũng song toàn, về sau vì ham mê tửu sắc mà nguyên khí hao mòn, bệnh tật đầy mình, bỏ mạng ở tuổi 41.
Tạo hình chúa Trịnh Sâm trong điện ảnh. (Ảnh: youtube.com)
Bí quyết dưỡng sinh của đệ nhất danh y
Trong “Thượng kinh ký sự” có rất nhiều thuật ngữ Đông y, và còn cả những thang thuốc hoàn chỉnh. Một người không có nền tảng y học cổ truyền chưa chắc hiểu được chúng. Tuy nhiên, trong lần chẩn bệnh cho Thế tử Trịnh Cán, Hải Thượng Lãn Ông đã tiết lộ bí quyết của dưỡng sinh mà ai ai cũng có thể tiếp thụ:
“Vâng coi thánh thể thấy gầy gò mà mệt nhọc lắm, mạch chạy mau, âm dương sút kém cần phải bồi bổ hai thứ tỳ, thận để củng cố cái căn bản của tiên thiên, bồi bổ cái hóa nguyên của hậu thiên, khiến cái chính khí được đầy đủ ở trong, bệnh tự tiêu ngầm ở ngoài, chẳng trị bệnh mà bệnh khắc hết vậy”.
Bồi bổ chính khí, chẳng trị bệnh mà bệnh tự hết, đây chính là bí quyết dưỡng sinh mà Hải Thượng Lãn Ông qua cả cuộc đời dày công nghiên cứu đã đúc rút ra. Trong “Vệ sinh yếu quyết ca”, ông viết:
“Muốn cho chân khí điều hòa
Sửa mình trong sạch hư vô trong lòng
Tinh thần giữ vững ở trong
Bệnh nào xâm được chẳng phòng cũng an”.
“Chân khí” ở đây cũng là “chính khí”, đối lập với “tà khí”. Nhìn từ một cảnh giới nhất định, tà khí là nguyên nhân gây ra bệnh tật. Người xưa giảng “Nhất chính áp bách tà”, một khi tâm địa chân chính thì tà ma không thể xâm hại được.
“Chính khí” xác thực có thể áp chế mọi bệnh tật. Năm 1283, Thừa tướng triều Tống là Văn Thiên Tường biết được Hốt Tất Liệt sắp triệu kiến mình để xử tử, thần sắc ông rất bình tĩnh, lấy giấy cùng nghiên mực viết một bài ca mang tên “Chính khí ca”. Lời dẫn của bài thơ như sau:
“Ta bị nhốt ở Bắc Đình, trong một căn nhà bằng đất. Nhà rộng tám thước sâu xuống lòng đất bốn tầm, có mỗi một cánh cửa thấp nhỏ, khoảng trống hẹp, ẩm thấp và tối tăm. Vào ngày hè, các mùi bốc lên nồng nặc, gồm mấy thứ khí hơi nước, khí đất, hơi nóng của mặt trời, hơi lửa, khí của gạo và uế khí, vẫn không bị các bệnh dịch xâm hại đến, và ta sống ở nơi này đã hai năm rồi, không sao cả. Đó là có sự nuôi dưỡng bên trong mới được như vậy, chắc các ngươi cũng chẳng biết nguồn nuôi dưỡng đó từ đâu? Mạnh Tử nói ‘Ta biết bồi bổ hạo khí của ta’. Ở đây có bảy khí, ta có một khí, một địch lại bảy ta còn lo gì nữa. Huống hạo khí là chính khí vậy, nên làm bài Chính khí ca”.
Như vậy, yếu lĩnh của đạo dưỡng sinh không nằm ở hoàn cảnh bên ngoài, mà là ở lòng mình vậy.
Khi tâm trong sạch thanh tịnh, vô dục vô cầu, chẳng tranh chẳng đấu, thì tự nhiên yêu tà (bệnh tật) sẽ không dám xâm hại, đây chính là trọng điểm dưỡng sinh của Đạo gia. Trong xã hội hiện đại, chủ nghĩa hưởng thụ vật chất ngày càng trói chặt con người, nhiều chứng bệnh hiện đại lần lượt xuất hiện khiến y học phải bó tay. Phải chăng, lối thoát cho con người nằm ở hai chữ “Thanh Tâm” mà các bậc đại sư, đại danh y cổ đại thường nhắc tới?
“Mọi điều vừa phải thì thôi
Muốn gì cũng được chẳng đòi hỏi hơn.
Ăn thường mà vẫn thấy ngon
Mặc gì cũng đẹp vui quen với đời.
Chẳng hề tranh cạnh đua đòi
Mọi người chất phác chẳng nài dưới trên.
Mắt trông chẳng muốn chẳng thèm
Dâm tà đâu dễ quấy phiền lòng ta.
Bất kỳ kẻ khéo người ngu
Ai mà biết giữ chẳng lo sợ gì” (5).

Mạn đàm “Thượng kinh ký sự” – Hải Thượng Lãn Ông (P3)


Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720 – 1791) còn được coi là “ông tổ của nghề báo Việt” nhờ tập ký sự bằng chữ Hán “Thượng kinh ký sự”, với trích đoạn “Vào phủ chúa Trịnh” được giới thiệu trong sách giáo khoa ngữ văn lớp 11. Bên cạnh giá trị hiện thực và văn chương, tác phẩm còn hàm chứa những bài học quý báu, uyên thâm về đạo làm người, đạo dưỡng sinh.
Phần 3: Duyên phận dở dang, nghĩa tình trọn vẹn
Một ngày kia, hai lão ni đến chỗ tôi ngụ nói rằng: “Chùa Huê Cầu đúc chuông lớn, công quả chưa thành, chúng tôi đến đây khuyến hóa”. Một ni (cô) nói: “Tôi trụ trì ở chùa núi An Tử”. Một ni (cô) kia nói: “Tôi là con gái của quan Tả thừa ty tỉnh Sơn Nam, quê ở Huê Cầu”. Tôi nghe nói giật mình như tỉnh giấc mơ…
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã tái ngộ “cố nhân” đầy bất ngờ giữa kinh thành Thăng Long, trong một hoàn cảnh éo le như vậy đấy.
Hồi nhỏ, gia đình Lê Hữu Trác có dạm hỏi cho ông một cô gái, là con gái quan Thừa ty Tham chánh ở Sơn Nam. Đã làm lễ vấn danh và ăn hỏi rồi, nhưng có việc trở ngại, khiến ông phải từ hôn, và về ở luôn Hương Sơn.
Năm, sáu năm sau, ông lên kinh thì nghe tin vị quan trên đã qua đời, còn cô gái đau khổ kia đã thề suốt đời không lấy ai nữa…
Người con gái nói rằng: “Đã có người hỏi mình làm vợ thì mình đã có chồng rồi, chẳng qua vô phận mà chồng bỏ, nay còn mặt mũi nào mà lấy chồng khác”. Cô ta thề chung thân ở vậy thôi. Tôi nghe vậy thì tâm thần kinh loạn, than rằng: “Vì ta đã bất cẩn trong vụ này, có thủy mà không có chung, khiến cho người mang hận mà ta có tội là người bạc bẽo”.
Người xưa nói: “Tu trăm năm mới ngồi chung thuyền. Tu nghìn năm mới nên duyên vợ chồng”. Có lẽ, duyên phận giữa hai người chưa đủ thành đôi vậy. Nhưng Lê Hữu Trác hoảng hốt khi biết tin người con gái năm xưa vì mình mà ở vậy suốt đời, tự trách lỗi mình, cho thấy ông là người nhân nghĩa. Cái nhân nghĩa của bậc trượng phu tuy muộn màng, cũng đủ làm ấm lòng nữ nhi tiết hạnh.
Đến nay ta gặp lại người ấy, thấy cảnh cô khổ như vậy, chẳng kể hữu tình hay vô tình, việc há chẳng có mầm mối ở ta sao? Cái kế sách ngày nay là bảo dưỡng người ấy đến hết đời mới có thể chuộc cái lỗi trước. Ta còn ở kinh đợi lệnh sai bảo thì việc chu cấp không khó gì, thảng hoặc trở về núi thì giúp đỡ sao được, vì đường sá cách trở. Nếu bà ta thuận về nơi vắng vẻ; ở đó anh ta đã sáng tạo một cái chùa nhỏ, có thể cung cấp đèn nhang, mùa đông cũng như mùa hè, lạnh ấm đều sẽ do ta lo liệu, một là để báo đáp cái cao tiết của bà ta, một nữa là để chuộc cái lỗi của ta.
Ảnh minh họa của Vũ Huyên
***
Trong xã hội Á Đông truyền thống, đạo nghĩa vợ chồng rất thiêng liêng. Mỗi cuộc hôn nhân đều cần được Đất Trời chứng giám, phụ mẫu tác thành. Ngay cả khi hôn lễ chưa thực sự hoàn tất, một người có đạo nghĩa như Hải Thượng Lãn Ông và con gái quan Tả thừa ty đã có thể tự ước thúc mình trong một mối buộc ràng, trách nhiệm. Bà vì ông mà ở vậy suốt đời. Ông vì bà mà nguyện bảo dưỡng bà trọn kiếp.
Hôm nay, ý thức trách nhiệm và đạo nghĩa ấy dường như đã suy thoái lắm rồi. Mỗi năm, Việt Nam có tới khoảng 300.000 ca nạo phá thai được công bố,  60-70% trong đó là sinh viên, học sinh ở độ tuổi 15-19, 20-30% là là phụ nữ chưa kết hôn (1). Đằng sau những con số lạnh người ấy là những sinh linh bé bỏng tội nghiệp bị tước đi mạng sống, những cô gái trẻ đau lòng và lo sợ, những người đàn ông kém tự chủ và thiếu trách nhiệm. Họ đều là nạn nhân đáng thương của một xã hội trống rỗng các giá trị đạo đức truyền thống và bị lấp đầy bởi dục vọng.
Trong tâm trạng day dứt, hối lỗi với người phụ nữ năm xưa, Hải Thượng Lãn Ông đã làm một bài thơ trong đó có hai câu như sau:
“Thử sinh nguyện tác càn huynh muội,
Tái thế ưng đồ tốn khất gia”.
Dịch nghĩa:
Kiếp này nguyện làm anh em kết nghĩa,
Kiếp sau xin sẽ thành vợ chồng.
Tin rằng kiếp sau họ sẽ nên duyên vợ chồng, và giữ trọn đạo nghĩa phu thê cho đến cuối cuộc đời.
Khiêm Từ
Chú thích:
(1) Theo nhà văn Đoàn Minh Tuấn.
(2) Các đoạn trích “Thượng kinh ký sự” trong bài được lấy từ bản dịch hoàn chỉnh trên trang elib.ictu.edu.vn.
(3) “Tam phủ” tức là ba phủ Hà Trung, Thiệu Hóa và Tĩnh Gia, thuộc hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. “Việt Nam sử lược” chép: “Nguyên từ khi họ Trịnh giúp nhà Lê Trung Hưng về sau, đất kinh kỳ chỉ dùng lính Thanh, lính Nghệ gọi là ưu binh để làm quân túc vệ. Những lính ấy thường hay cậy công làm nhiều điều trái phép” (nên gọi là kiêu binh).
(4) Trích “Tây Du Ký”, bản dịch của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh.
----------------------
Nguồn: ĐKN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét