19 tháng 5, 2019

Bạn coi nghệ thuật là một công việc mưu sinh, một thú vui, một đam mê, hay một điều gì khác?
“Nghệ thuật là vì điều gì?” Đó là câu hỏi của không ít bạn trẻ khi mới bước chân vào con đường nghệ thuật, dù là văn thơ, điện ảnh, hội họa, âm nhạc, vũ đạo… Có người tâm sự rằng: Nếu bạn coi nghệ thuật là một cái nghề để kiếm sống, thì bạn sẽ phải phần nào tuân theo thị hiếu của khách hàng, thỏa mãn nhu cầu của họ. Nếu bạn coi nghệ thuật là một thú vui, một đam mê, thì bạn sẽ sống vô cùng nghèo khó, vì thẩm mỹ của bạn quá cao, người ta không thưởng thức được. Những ví dụ về Mozart cuối đời, hay Franz Schubert được đưa ra, như để chứng minh cho luận điểm đó.
Âm nhạc của Franz Schubert không được thừa nhận vào thời của ông, nhưng sau này ông lại được xếp hạng là một trong số những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của những năm cuối thời kỳ âm nhạc cổ điển (Ảnh qua Famous Composers)
Rồi cũng có người nêu ra một câu hỏi vẫn âm ỉ trong lòng người Việt từ những năm 30 của thế kỷ trước: “Nghệ thuật vị nhân sinh hay nghệ thuật vị nghệ thuật?” Thời nay, người ta thường hay hiểu rằng “nghệ thuật vị nhân sinh” có nghĩa là nghệ thuật phục vụ cho cuộc sống, “nghệ thuật vị nghệ thuật” có nghĩa là nghệ thuật chỉ phục vụ cho cái đẹp mà thôi. Nhưng trong cuộc tranh luận của gần 90 năm về trước, chúng không phải có hàm nghĩa như vậy. Thời bấy giờ, người ta gán những tác phẩm nghệ thuật không phục vụ cho mục đích định hướng chính trị là các tác phẩm “lãng mạn, xa rời thực tế”, là thứ “thần bí, dâm ô”, là thứ “nghệ thuật vị nghệ thuật”, còn những tác phẩm còn lại mới là “nghệ thuật vị nhân sinh”. Chính vì thế, cái câu hỏi “Nghệ thuật vị nhân sinh hay nghệ thuật vị nghệ thuật?” là một câu hỏi vốn đã mang ý dẫn dắt quan điểm của người hỏi, đâu còn có thể trả lời một cách công bình được nữa.

Nhưng, vẫn còn đó một câu hỏi âm ỉ: “Nghệ thuật rốt cuộc là vì điều gì?” Hãy thử tạm thời dời tầm mắt từ cuộc tranh luận vô nghĩa ấy sang nền nghệ thuật của thế giới:
Tại Tây phương, khi nghệ thuật vươn đến sự hoàn mỹ và hài hòa cao độ trong thời kỳ Phục Hưng, thì trung tâm của nó nằm tại Rome, thành phố của các Giáo hoàng, các nhà thờ, cung điện, và các bức họa. Đằng sau những tác phẩm ở thời kỳ hoàng kim của văn hóa phương Tây, người ta dễ dàng bắt gặp các câu chuyện quen thuộc trong Thần thoại Hy Lạp, trong Kinh Thánh, từ Thượng đế tạo ra con người, Moses rẽ nước biển đỏ, đến Jesus chịu tội cho con người, v.v.
Bức “Prometheus Steals Fire from Apollo’s Sun Chariot”, 1814, mô tả cảnh thần Prometheus lén lấy lửa từ cỗ xe của Thần Mặt trời để trao cho con người (Họa sĩ: Giuseppe Collignon, Wikimedia)
Hình ảnh mái vòm trong nhà nguyệnSistine, với 9 bức tranh ở giữa là 9 chi tiết trong Sách Sáng Thế với thứ tự thời gian đảo ngược (Ảnh: Wikipedia) (Click vào để xem hình ảnh cỡ lớn)
Căn phòng Raphael – Một trong những nơi ở của Giáo hoàng (Ảnh: Wikipedia)
Hình ảnh một mái vòm trong bảo tàng Vatican (Ảnh: Wikipedia)
Trong thi ca, những trường ca vĩ đại của thế giới như Illiad của Homer, Thiên đường đã mất của Milton, Thần khúc của Dante, hay Đấng cứu thế của Klopstock đều thể hiện cho người đọc lòng kính ngưỡng đối với Chư Thần. Đơn cử như khi nhắc đến Thần khúc của Dante, một tác phẩm miêu tả vũ trụ quan đầy rộng lớn của tín đồ Cơ đốc, người châu Âu nói chung, và đặc biệt là người Ý nói riêng, đều luôn bộc lộ một thái độ tự hào, cảm thán, kính trọng. Rất nhiều người Ý đều có thể đọc thuộc lòng một vài trích đoạn của Dante, và họ ví nhà thơ như “người cha của tiếng Ý và văn học Ý”…
Ở phương Đông, những tác phẩm điêu khắc công phu và hoành tráng nhất là quần thể Hang đá Long Môn với hơn 100.000 tượng Phật, 2.345 hang động và hốc, 2.800 câu khắc, 43 chùa; là 1000 pho tượng Phật được chạm khắc ngọc lưu ly trên đỉnh Núi Vạn thọ trong Di Hòa Viên; là tượng Lạc Sơn Đại Phật bằng đá cao nhất thế giới nằm dưới núi Lăng Vân; là những đạo quán cheo leo nơi lưng chừng núi Thái Sơn, Hoa Sơn, Tung Sơn, Hành Sơn, Hằng Sơn; là những ngôi chùa cổ ở Ấn Độ, Thái Lan; là những Thánh đường của đạo Hồi; v.v. Rồi nói riêng ở Việt Nam thì cũng có Chùa Một Cột, Nhà thờ Thánh Joseph (Nhà thờ lớn Hà Nội), Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn. Những sử thi về Thần Phật như thiên sử thi dài nhất thế giới Mahabharata và trường ca Ramayana của Ấn Độ cổ đại, hay thậm chí là Đẻ đất đẻ nước của Việt Nam cũng luôn tồn tại.
Tượng Phật tại hang đá Long Môn (Ảnh: Wikipedia)
Tượng Phật tại Sri Lanka (Ảnh: Pixabay, Public Domain)
Tượng Lạc Sơn Đại Phật là tượng Phật Di Lặc bằng đá cao nhất thế giới, mang trong mình sự mong chờ và hy vọng của người phương Đông đối với Đức Chuyển Luân Thánh Vương
Tượng cổ tại Thái Lan (Ảnh qua Matadornetwork.com)
Tại sao nghệ thuật thế giới lại gắn liền với, và đạt được đỉnh cao trong những tác phẩm ngợi ca tín ngưỡng tâm linh?
Bởi vì gắn liền với tín ngưỡng tâm linh truyền thống là những giá trị đạo đức phổ quát nhất của nhân loại. Cũng như câu nói của người xưa rằng: “Đức thuật kiêm bị”, chuẩn mực đạo đức sẽ quyết định tâm tính của người nghệ sĩ. Để thể hiện được toàn vẹn cái thần, cái hồn của một tác phẩm, dù là hội họa, âm nhạc hay màn diễn vũ đạo, thì người nghệ sĩ cần phải có nội tâm thuần tịnh. Nếu tâm của một người nghệ sĩ không thuần tịnh, thì tác phẩm của anh ta chỉ là một biểu diễn kỹ thuật mà thôi. Nó đã không còn là một tác phẩm nghệ thuật nữa.
Trong văn hóa truyền thống, khái niệm đạo đức gắn liền với tất cả các ngành nghề. Thậm chí người xưa đi học cũng cần phải điều khí hô hấp, bình ổn tâm thái trước khi học tập. Khi tâm khí bình hòa và đạo đức thăng hoa, thì một cá nhân sẽ coi nhẹ những ham muốn và dục vọng bình thường, phát triển lòng nhân từ và thực hiện mọi công việc với một trí tuệ thuần tịnh nhất. Có như vậy, họ mới đạt được chuẩn mực cao nhất trong công việc, và đặc biệt là trong nghệ thuật.
Nghệ thuật mang người ta quay lại với cái Thiện (Ảnh: Zhen Shan Ren Art)
Chứng kiến, suy tư, thán phục trước một tác phẩm nghệ thuật, người xem sẽ cảm nhận được những giá trị nội tâm của một người nghệ sĩ. Chính vì thế, một tác phẩm nghệ thuật không đơn thuần chỉ là điều ta muốn đạt được, mà là sự cống hiến những giá trị tuyệt diệu nhất cho người khác: khơi gợi Thiện niệm, bình ổn nội tâm, khiến cho người khác thăng hoa – Đó chính là nghệ thuật sẽ được nhân loại tôn vinh và trân trọng.
Nếu như nghệ thuật là để phục vụ xã hội, nhấn mạnh vào sự chính trực và thiện lương, thì người nghệ sĩ cần phải quay về với tín ngưỡng tâm linh truyền thống, với những lời dạy của Thần Phật, vốn là sự kết tinh tinh hoa đạo đức của văn hóa, là điều kết nối nhân loại với đất trời. Một tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ cũng có thể khiến con người thăng hoa nội tâm, và đưa con người đến gần hơn với Thiên thượng.
Bức “Đại Thẩm Phán” của Michelangelo, một bức họa nổi tiếng bậc nhất thời Phục Hưng, mang hàm ý rằng Thiên thượng vẫn luôn dõi theo con người, và Cứu thế chủ sẽ đến để cứu vớt những người tốt trong nhân loại khi Đại thảm họa xảy đến (Ảnh: Wikipedia)
Người xưa tin rằng, mỗi nền văn hóa đều là một món quà quý giá mà Thiên thượng truyền xuống cho nhân loại, mỗi nền văn minh đều khởi đầu nhờ sự dẫn dắt của chư Thần. Nền văn hóa nhân loại ở thời kỳ đỉnh cao của nó chính là nền văn hóa ngợi ca Chư Thần. Nghệ thuật nhân loại ở thời kỳ hoàng kim của nó, chính là: Nghệ thuật ngợi ca Chư Thần.
Quang Minh
----------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét