Kinh Dịch không phải để xem bói hay đoán biết mệnh vận của bất kỳ ai, bất kỳ điều gì. Đó là hiểu biết rất sơ khai và nông cạn thường thấy khi thế nhân nghiên cứu và sử dụng Kinh Dịch. Vì tâm mong cầu danh lợi và thỏa mãn ích kỷ cá nhân, nên hầu hết đã làm mất đi tinh hoa của Kinh Dịch vốn là lời dạy của Thần dành cho con người.
- Tiếp theo: P 1; 2; 3; 4; 5; 6; 7; 8
Đạo làm vợ, làm con dâu cũng là một trong những đạo lý quan trọng của quẻ Khôn Vi Địa. Nếu người phụ nữ không thông hiểu đạo này thì cuộc sống khó mà hạnh phúc viên mãn, vì quan hệ mẹ chồng nàng dâu là một trong những mối quan hệ rất khó để hòa hợp với nhau.
Quan niệm sai lầm về đạo đức khiến phụ nữ khó giữ gìn hạnh phúc
Thời nay, những thứ quan niệm hiện đại dường như được ưa chuộng, nó làm cho phụ nữ có vẻ tự do hơn, tự chủ hơn và cá tính hơn. Tuy nhiên, những cái “tự do”, “cá tính” ấy có thực sự cần thiết hay không, nó có đem lại hạnh phúc thực sự cho phụ nữ hay không?
Cung Khôn thuộc Âm, tượng cho người nữ thuần chính. Nó còn có một tầng ý nghĩa tượng trưng cho sự ẩn sâu hay nội tâm, sức chịu đựng, sự hy sinh của người phụ nữ; bởi vì nữ tính nhu mì, đoan trang, điềm đạm, và định nghĩa về cái đẹp hiền hậu với nội tâm trong sáng là phù hợp với thuộc tính Âm của cung Khôn. Ngày nay, khái niệm về đức tính tốt và nét đẹp của phụ nữ đẹp đã khác quá xa so với thời ông bà chúng ta rồi.
Ăn mặc lố lăng càng hở hang thì càng cho là đẹp, ăn nói càng ngang ngược thì lại được khen là có cá tính, một bữa cơm nấu chẳng ra hồn thì cho rằng phụ nữ hiện đại không cần những việc đó. Khái niệm “tam tòng tứ đức” thì bảo là quá lỗi thời. Ở đây, chúng tôi không có ý phê phán hiện đại, mà chỉ phân tích dựa theo Kinh Dịch mà thôi.
Quẻ Khôn mang tính Âm, đức của Khôn là Thuận, Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh. Nghĩa là thuận theo, nhu thuận (Thuận), bản tính hiền lành (Nguyên), khả năng chăm sóc nuôi dưỡng tốt (Hanh), luôn điềm đạm giữ hòa khí (Lợi) và chính trực, bền chí (Trinh). Có đủ các đức thì mới có phúc lớn viên mãn như Đất mẹ phì nhiêu. Trong khi đó, ăn mặc hở hang sẽ khêu gợi tà tâm của người nam khác gây sóng gió gia đình, ăn nói không nhỏ nhẹ thì không hiền lành và làm mất hòa khí, không biết nấu nướng thì làm sao chăm sóc nuôi dưỡng tốt v.v. Vậy thì làm sao đủ tiêu chuẩn để có hạnh phúc đây?
Phải chăng vì không đủ tiêu chuẩn của quẻ Khôn nên người ta ly dị quá nhiều? Sinh con ra không đủ phẩm chất làm mẹ nên phải gửi con cho ông bà nuôi? Trong gia đình thì vợ chồng cãi đánh nhau trở thành chuyện bình thường. Cuộc sống càng ngày càng tồi tệ đến mức nhiều người trẻ thậm chí còn không muốn lập gia đình. Đó chính là hậu quả của những quan niệm hiện đại sai lầm đã nhắc ở trên. Chứng tỏ rằng, chúng ta càng đi càng xa với cái đức của quẻ Khôn thì càng không có phúc báo vậy. Hãy tìm hiểu về “tam tòng tứ đức”, mà chúng tôi đã có bài viết phân tích trước đây. Đó mới chính là chuẩn mực có thể đem lại hạnh phúc thực sự cho phụ nữ khi xây dựng gia đình.
Quan hệ mẹ chồng nàng dâu – oan gia nên giải không nên kết
Cuộc sống hôn nhân hiện đại ngày càng khó khăn, hiếm có gia đình nào hạnh phúc toàn vẹn.
Thêm vào đó là mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu. Nhiều người vì điều này mà trở nên mệt mỏi, trầm cảm và không thấy cuộc sống có ngày vui. Vì sao vậy?
Hai người nữ chung nhà, Khôn chung với Khôn chính là tượng quẻ Thuần Khôn. Đó cũng là biểu hiện của nghiệp lực cần giải quyết và chuyển hóa, là an bài của ông Trời. Nếu chuyển hóa tốt thì Khôn Thổ sẽ chuyển thành Tịnh Thổ với đầy đủ thiện báo và phúc phận. Không giải quyết được thì oan gia kết thêm, oán chồng oán thì chính là Âm Thổ, địa ngục tại nhân gian.
Vì sao trong gia đình mà ông Trời – vốn từ bi với chúng sinh – lại an bài như vậy?
Ở đây, chúng tôi xin chia sẻ với các bạn điều này, tùy vào các bạn có tin hay không: đại đa phần con dâu là con gái của mẹ chồng ở các kiếp trước. Chính vì kiếp trước có nhân duyên nên kiếp này vẫn gọi mẹ con. Do đó, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu là mối quan hệ rất thiêng liêng và tốt đẹp, đó đều là lý số Thiên định để phù hợp với quy luật nhân quả .
Không phải tự nhiên một người con gái về làm dâu cho gia đình giàu có hay nghèo hèn.
Cũng không phải anh con trai đó ngu dại hay khôn lanh mà lấy người con gái đó về để hà hiếp bắt nạt quát mắng mẹ chồng, hay để mẹ chồng hà hiếp quát mắng con dâu. Vạn sự trên đời đều là Thiên định nghiệp quả và nhân duyên, không có tồn tại chuyện ngẫu nhiên như người ta vẫn lầm tưởng khi không lý giải nổi sự phức tạp trên đời.
Sống theo Đạo của Khôn để hóa giải
Tất cả là do mối quan hệ nhân duyên tiền kiếp tạo thành, nên nếu bạn hiểu được điều này, hãy dùng quẻ Thuần Khôn để biến mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu trở nên tốt đẹp.
“坤 : 元, 亨, 利, 牝 馬 之 貞 . 君 子 有 攸 往 . 先 迷 後 得. 主 利 . 西 南 得 朋 . 東 北 喪 朋 . 安 貞 吉 .
Khôn: Nguyên, hanh, lợi, tẫn mã chi trinh. Quân tử hữu du vãng, tiền mê hậu đắc, chủ lợi. Tây nam đắc bằng, đông bắc táng bằng. An trinh, cát.
Giải nghĩa: Thuận dã. Nhu thuận. Thuận tòng, mềm dẻo, theo đường mà được lợi, hòa theo lẽ, chịu lấy. Nguyên Hanh Lợi Trinh chi tượng. Càn cương kiện thì Khôn nhu thuận.
Càn tạo ra vạn vật ở vô hình, thuộc phần khí; nhưng phải nhờ Khôn vạn vật mới hữu hình, mới sinh trưởng, cho nên công của Khôn cũng lớn như công của Càn; chỉ khác Khôn phải ở sau Càn, tùy theo Càn, bổ túc cho Càn; cho nên các đức Nguyên, Hanh, Lợi, Khôn có đủ như Càn; chỉ riêng về đức Trinh (chính và bền) thì Khôn hơi khác: tuy chính và bền nhưng phải Thuận. Văn Vương dùng con ngựa cái để “tượng” Khôn: ngựa là giống mạnh mà ngựa cái có tính thuận theo ngựa đực”.
(Trích “Kinh Dịch – Đạo của Người quân tử”, Nguyễn Hiến Lê)
Nói tóm lại Đức của Khôn là Thuận, Nguyên Hanh Lợi Trinh.
Vậy thì người làm dâu trước hết phải nhu thuận, thuận theo cái đạo lý làm con thực sự (vì con dâu cũng chính là con ruột kiếp trước mà thôi) mà hiếu thảo với mẹ chồng của mình hết lòng.
Còn Nguyên Hanh Lợi Trinh là gì?
“Trời có đức “Nguyên” vì là nguồn gốc của vạn vật; có đức “Hanh” vì làm ra mây, mưa để cho vạn vật sinh trưởng đến vô cùng, có đức “Lợi” và “Trinh” vì biến hóa, khiến cho vật gì cũng giữ được bẩm tính được nguyên khí cho thái hòa (cực hòa)” (Sách đã dẫn).
“Nguyên” là bản tính hiền hậu, sống thuận tự nhiên và Thiên Đạo, điều này sẽ giảm sự căng thẳng khi mâu thuẫn xảy đến.
“Hanh” chính là sự chăm sóc lo lắng cho chồng con và gia đình.
“Lợi Trinh” là sinh sống cư xử sao cho giữ hòa khí trong gia đình để đạt đến sự hài hòa.
Người xưa hay nói tích đức, đây là cách tích đức tốt nhất để có thể hóa giải các nhân duyên cũng như nghiệp lực đã nói bên trên.
Nếu thấy quá khó để nhẫn nhịn, hãy đọc thêm điều này
Có thể có người sẽ bảo sao mà làm dâu phức tạp vậy, dường như tôi phải hy sinh quá nhiều? Bà ấy (mẹ chồng) cứ bắt nạt tôi hoài, không phản kháng thì sao mà chịu nổi? Đó là còn chưa kể chị em chồng cũng góp phần vào nữa.
Đạo lý của việc tích đức và hóa giải ân oán nằm ở khả năng nhẫn nhịn và bản tính hiền lành lương thiện. Nhưng con người vào đời Mạt Pháp, khi mà thập ác câu toàn thì dường như điều đó cũng trở nên khó khăn. Vậy chúng tôi sẽ nói thêm một số nguyên nhân vì sao mà khi làm con dâu, đa phần người ta phải chịu ức hiếp.
1. Vì nghiệp lực của bản thân bạn gây ra cần hóa giải
Con dâu chính là con gái kiếp trước của mẹ chồng. Anh chị em chồng là những người có liên quan đến nghiệp lực kiếp trước của bản thân bạn. Không tự nhiên vô cớ mà họ có thể làm anh chị em chồng. Tất cả là vì thanh toán nghiệp lực của nhau – ân đền oán trả.
2. Vì bạn cần tích đức cho con và cháu về sau
Nước chảy chỗ trũng, cái nhiều sẽ bù cái ít, mất thì sẽ được. Đạo Trời vốn công bằng sẽ không vì ai mà thiên lệch. Nếu bạn làm theo tất cả những điều trên một cách chính trực bền chí vô tư thì bạn sẽ đắc được phúc báo to lớn, không những cho bản thân mà còn cho con và cháu về sau. Vì khi nghiệp lực tiêu sẽ chuyển hóa thành đức, đức ấy chính là phúc phận nhân sinh mà ai ai cũng muốn có được. Chỉ có tâm nhẫn nhịn bao dung và cư xử theo Thiên Đạo mới có thể hóa giải nghiệp lực mà thôi.
3. Vì bạn cũng sẽ là mẹ chồng hay có con gái làm dâu
Bạn hãy tĩnh tâm suy nghĩ xem “đạo Trời vốn tuần hoàn, vay trả có kỳ”, những người làm dâu rồi cũng sẽ phải làm mẹ chồng phải không? Hay rồi cũng phải có con gái làm dâu nhà người ta? Nếu bạn làm dâu quá phận, làm mẹ chồng quá phận thì ai rồi sẽ gánh nghiệp lực đó đây nếu không phải bản thân mình? Kiếp này trả không hết thì kiếp sau trả. Đạo Trời là công bằng tuyệt đối.
Vậy hãy nghĩ về sự bao dung bao la của tình mẹ tình mẫu tử, bạn làm bà làm mẹ làm chị làm con, bạn nhẫn và chịu đựng bao nhiêu thì sau này phúc đức bạn để lại cho con cháu nhiều bấy nhiêu. Bạn và con dâu là mối quan hệ nhân duyên mẹ con kiếp trước nên kiếp này tiếp tục lại làm mẹ con ở một hình thức khác. Vậy nên, ở kiếp này dù bạn bị con dâu không coi trọng hay hà hiếp đối xử không tốt, bạn vẫn nên vui vẻ đón nhận và chịu nhẫn, vì bằng mọi giá bạn phải giải quyết mối quan hệ nhân quả đó trong kiếp này. Nếu không thanh toán thì oan oan tương báo, mắc nợ với nhau chừng nào mới dứt? Chẳng qua, kiếp trước bạn gây sự gây oán hà hiếp người khác nên kiếp này phải trả thôi. Vì con người ta không nhìn thấy nhân quả và lương duyên ân oán nhiều kiếp nên cứ mãi mê mờ ganh ghét hãm hại nhau và tiếp tục tạo nghiệp.
4. Vì bạn tạo nghiệp thì sẽ lãnh hậu quả
Quẻ Khôn vốn tính Âm, nó còn tượng trưng cho bệnh tật và nghiệp lực.
Bản chất con người nếu không có nghiệp lực sẽ không có bệnh. Bệnh là do nghiệp. Do người ta trong mê mờ mà tạo nghiệp.
Khi ganh tỵ chèn ép người khác trong gia đình, bạn sẽ nhiều khả năng mắc bệnh gan, bệnh phụ khoa, dạ dày, bao tử (trong cặp tương quan Âm Dương thì ngoài cơ thể là Dương, trong cơ thể nội tạng là Âm).
Nếu bạn bỏ qua được những ganh tức đó, may mắn hiểu đạo lý cũng là chị em, mẹ con một nhà trong kiếp này kiếp trước kiếp sau thì bạn sẽ xóa bỏ tất cả ân oán hận thù ngay kiếp này.
Với một tâm hồn đẹp và thanh sạch như vậy, kết cục tốt đẹp cũng như những thuận lợi trong đời sẽ trở thành điều tất nhiên. Chính vì bạn có đức bao dung phù hợp quẻ Khôn vậy.
Kết luận
Đạo Trời huyền vi không thể trong một vài quẻ Tượng mà giảng nói hết. Cũng còn tùy theo nhân duyên và ngộ tính của mỗi người mà hiểu được khác nhau. Tuy nhiên, Đại Đạo là giản dị, tất cả phúc phận hay nhân quả trong đời đều từ cái Tâm này mà ra.
Chỉ cần bạn sống hướng Thiện, không so đo tính toán hãm hại người khác, thì khi đọc Kinh Dịch sẽ ngộ ra ý nghĩa nhân sinh quý giá, để từ đó thay đổi cuộc đời mình. Đừng bao giờ vì thành bại lợi lộc trước mắt mà bỏ mất Thiện tâm của mình, vì cuộc đời chẳng qua cũng là lẽ cùng thông và biến dịch.
Đúng như Cao Bá Quát từng cảm thán:
“Chẳng lưu lạc, dễ trải mùi nhân thế,
Còn trần ai, khôn tỏ mặt công hầu.
Ngất ngưởng thay con Tạo khéo cơ cầu,
Muốn đại thụ hãy ghìm cho lúng túng.
Thân hệ bang gia chung hữu dụng,
Thiên sinh hào kiệt bất ưng hưu.
Hẵng bền lòng chớ chút oán vưu,
Thời chí hỹ, ngư long biến hóa.
Thôi đã biết cùng, thông, là mệnh cả,
Cũng đừng đem hình dịch lại cầu chi.
Hơn nhau cũng một chữ thì”.
Quang Chấn – Tĩnh Thuỷ
--------------
Nguồn: Theo ĐKN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét