19 tháng 5, 2019

Việc học quan trọng đối với một người như thế nào? Vì sao cả đời một người phải không ngừng học tập và tu dưỡng? Hãy cùng đọc câu chuyện thầy trò Khổng Tử luận bàn về việc học dưới đây:
(Ảnh: Internet)
Một lần, Khổng Tử hỏi học trò của mình là Tử Lộ: “Con ham thích điều gì?”.
Tử Lộ trả lời: “Thưa thầy! Con ham thích múa kiếm”.
Khổng Tử nói: “Ý của ta không phải là hỏi cái đó. Ta là muốn nói rằng, dựa vào tài cán của con, lại cố gắng học tập thêm nữa thì người khác làm sao đuổi theo kịp con được?”
Tử Lộ hỏi: “Học tập cũng có chỗ lợi sao?”.

Khổng Tử nói: “Một vị Quốc Vương nếu như không có bề tôi nào dám khuyên can thì việc chính sự sẽ bị mắc phải sai lầm bại hoại. Kẻ sĩ nếu không có một người bạn có thể khuyên bảo được mình thì đức hạnh sẽ có thiếu sót. Người cưỡi ngựa chưa thuần thục thì không thể vứt bỏ roi ngựa. Người bắn cung nỏ không thể để thất lạc dụng cụ chỉnh cung. Người chạm khắc đồ gỗ thì cần phải có đường mực mới có thể làm chuẩn xác được.
Người mà có thể tiếp nhận lời khuyên nhủ của người khác thì mới có thể đạt đến cảnh giới của Thánh nhân. Theo thầy học tập, siêng năng học hỏi thì chắc chắn có thể thuận lợi thành công. Người mà vứt bỏ nhân nghĩa, chán ghét những người có học, thì sớm muộn cũng sẽ phạm tội và bị trừng phạt. Người quân tử thông thái sáng suốt thì không thể không học tập được”.
Tử Lộ lại nói:“Giống như cây trúc sinh ra trên núi Nam, không cần phải gia công, bản thân nó chính là đã ngay thẳng. Chặt nó xuống để làm mũi tên, có thể bắn thủng cả da tê giác. Vì sao lại cần phải học tập chứ?”
Khổng Tử nói: “Lấy lông vũ gắn lên đuôi mũi tên, mài đầu mũi tên cho sắc bén hơn nữa thì chẳng phải là sẽ bắn được càng sâu hơn sao?”
Tử Lộ hành lễ và nói: “Con xin tiếp thu lời dạy bảo của thầy!”.
An Hòa
----------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét