Đừng làm tổn thương người khác bằng sự chỉ trích, đó cũng là thể hiện một người có hàm dưỡng
Đừng tùy tiện chỉ trích, khi bạn không hiểu rõ hoàn cảnh của người khác, cuộc đời của mỗi người chưa bao giờ là giống nhau, sự chỉ trích của bạn có thể gây tổn thương và đẩy một người xuống vực, bạn dù có thông minh cũng đừng đề cao mình biết tất cả. Trước khi phán xét, hãy thật sự hiểu rõ nguyên nhân sau nó, dù không chung con đường nhưng có thể sẽ có sự thấu hiểu.
Bởi vì khi chưa từng thực sự trải qua thì sẽ không có cách nào thực sự nhận thức được hết thảy những điều ẩn chứa trong đó.
Có thể bạn thông minh hơn người khác một chút, cuộc sống của người khác trong mắt bạn không là gì nhưng bạn cũng đừng đứng trên lập trường của mình để đối đãi, chỉ trích người khác. Mọi việc đừng nói quá tuyệt đối, đừng nhìn vấn đề quá chủ quan. Kỳ thực, có nhiều lúc chúng ta cần phải hiểu được rằng cần phải thay đổi góc độ để nhìn nhận vấn đề.
Có một câu chuyện ngụ ngôn, kể rằng: Có một chú heo, một chú cừu và một chú bò sữa bị nhốt trong một chuồng. Có một lần người chủ bắt chú heo, heo lớn tiếng kêu thất thanh và chống cự mãnh liệt.
Cừu và bò sữa không thích tiếng kêu của chú heo nên giận giữ chỉ trích: “Ngươi thật là làm quá, ông chủ mỗi lần đến bắt chúng ta thì chúng ta cũng không kêu to ầm ĩ như ngươi.”
Chú heo nghe xong liền đáp lại: "Việc bắt các anh và bắt tôi là hai việc hoàn toàn khác nhau. Ông chủ bắt các anh chỉ là muốn lấy lông và sữa của các anh, nhưng ông ấy bắt tôi là muốn lấy mạng của tôi, các anh có hiểu không?"
Câu chuyện ngụ ngôn tuy ngắn ngủi và đơn giản nhưng lại rất sâu sắc. Nó nói cho chúng ta biết rằng, người có lập trường không giống nhau, ở vị trí và hoàn cảnh khác nhau thì sẽ rất khó để hiểu được đối phương. Nếu như chúng ta có thể đứng trên lập trường của người khác để nhìn nhận vấn đề thì có thể lý giải được người khác từ sâu trong nội tâm của mình. Càng tiếp cận, càng phù hợp sự thật, càng cho khoảng cách giữa người với người nhiều lòng từ bi thì sẽ khiến người khác dễ dàng tiếp nhận. Như vậy, thì sự hiểu nhầm giữa người với người cũng sẽ giảm đi rất nhiều.Cừu và bò sữa nghe xong đều lặng yên không nói được lời nào…
Hết thảy những kết quả trong thế giới này đều không phải vô duyên vô cớ mà được sinh ra. Bất luận ai làm việc gì, đều có nguyên nhân và lý do của họ. Bất luận trong cuộc đời của một ai đều có những “hỉ, nộ, ái, ố” mà không muốn người khác biết. Có một số người sở dĩ ưa thích đi chỉ trích người khác khi chưa hỏi rõ trắng đen thông thường cũng đều là vì có nguyên nhân ẩn đằng sau. Trước khi đi chỉ trích người khác, nhất định phải lý giải toàn diện được tình huống. Nếu như không phân biệt tốt xấu mà nóng lòng đi chỉ trích và phê bình người khác thì sẽ rất dễ dàng gây tổn thương cho họ. Cho nên, chúng ta cần phải thay đổi thói quen tùy tiện phán đoán đúng sai trong cuộc sống của người khác.
Thay đổi một góc độ, bạn sẽ phát hiện ra rằng không phải chỉ có mình bạn là nhân vật chính trong thế giới này. Mỗi người một dạng khác nhau, mỗi người đều có câu chuyện riêng của mình, mỗi người đều là nhân vật chính trong câu chuyện của mình. Cho dù câu chuyện ấy là bình thường hay là ly kỳ lạ lẫm, mỗi người đều đã trải qua những câu chuyện khác nhau với những bi thương và hạnh phúc khác nhau. Nhân sinh vô thường, ai cũng có nước mắt, có bi thương, chúng ta nên học cách biết tán thưởng và xót thương, học cách đối xử tử tế với người khác bởi vì suy cho cùng, đời người của ai cũng không trải qua dễ dàng gì.
Có một câu chuyện như thế này: Một vị bác sĩ sau khi nhận được cuộc điện thoại tiếp nhận một ca phẫu thuật gấp, liền vội vã chạy nhanh nhất đến bệnh viện và thay đổi trang phục. Cha của bệnh nhân nam đã không kìm chế được bực tức mà trách: “Tại sao ông lại có thể đến muộn như vậy chứ? Chẳng lẽ ông không biết được rằng con trai tôi đang ở vào tình thế nguy hiểm sao? Ông đúng là người mà một chút trách nhiệm cũng không có!“
Bác sĩ nhẹ nhàng cười nói: “Thật xin lỗi, vừa rồi tôi không trực ở bệnh viện, khi nhận được điện thoại tôi đã lập tức đến ngay. Xin ông bình tĩnh một chút!“
“Bình tĩnh? Nếu như người nằm trong phòng phẫu thuật là con trai của ông thì ông có thể bình tĩnh được không? Nếu như hiện tại con trai của ông chết rồi thì ông sẽ như thế nào đây?” Cha của bệnh nhân nam phẫn nộ nói.
Bác sĩ lại nhẹ nhàng nói: “Tôi sẽ đọc thầm kinh thánh: Chúng ta từ trong cát bụi mà đến cũng đều quy về cát bụi! Hãy cầu nguyện cho con trai của ông đi!“
Cha của nam bệnh nhân lại tức giận nói: “Chỉ có người thờ ơ với sự sống chết của người khác mới có thể nói được những lời như vậy!“
Mấy tiếng sau, ca phẫu thuật thành công, bác sĩ từ trong phòng phẫu thuật đi ra vui vẻ nói với cha của nam bệnh nhân: “Cảm ơn trời đất, con trai của ông được cứu rồi!” Không chờ người đàn ông kia trả lời, vị bác sĩ vội vã rời đi và cũng nói: “Nếu như có vấn đề gì, ông có thể hỏi y tá.“
Cha của nam bệnh nhân giận dữ bất bình nói với y tá: “Ông ta thật ngạo mạn! Ngay cả việc tôi muốn hỏi tình huống của con trai mình có mấy phút đồng hồ mà cũng không được!”
Nữ y tá chảy nước mắt nói: “Con trai của bác sĩ hôm qua đã ra đi vì tai nạn giao thông, lúc chúng tôi gọi điện cho bác sĩ đến mổ cho con trai của ông là bác sĩ đang trên đường đến nhà tang lễ. Bây giờ đã cứu sống được con trai của ông rồi, bác sĩ phải vội vàng trở về để chôn cất cho con trai mình…“
Cuộc sống của người khác phát sinh việc gì, họ đang trải qua khó khăn và trắc trở gì, đứng tại lập trường của mình, chúng ta cũng không biết được, những điều chúng ta nhìn thấy chỉ là bề ngoài mà thôi…
Một người thực sự có văn hóa sẽ dùng “lòng bao dung và tâm từ bi” để thành tựu người khác, kỳ thực cũng là thành tựu chính bản thân mình. Chúng ta có từng trải qua khổ đau mới hiểu được nỗi đau của người khác. Chúng ta có bao nhiêu niềm thương cảm và nỗi khổ không muốn người khác biết thì sẽ biết rõ người khác cũng như vậy. Chúng ta có trải qua con đường đời gập ghềnh nhấp nhô như thế nào mới hiểu được người khác cũng trải qua như vậy. Một người thực sự hiểu được tu dưỡng bản thân sẽ hiểu được “lời nói có lợi có hại,” hiểu được không nên nhìn nhận vấn đề từ một phía. Như vậy thì sự tổn thương giữa con người với con người gây ra cho nhau sẽ giảm đi rất nhiều.
Bên nhà Phật có câu: “Nhất hoa nhất thế giới, nhất diệp nhất bồ đề” Kỳ thực làm được điều này cũng không khó, làm được đối xử tử tế với người khác, thông cảm với người khác sẽ đạt được sự bình yên trong nội tâm ở trong thế giới thế tục này.
Có câu: “Hạnh phúc không phải được quyết định bởi tài phú, quyền lợi và dung mạo mà là được quyết định bởi mối quan hệ giữa bạn và những người xung quanh.” Bạn muốn là một người vui vẻ hạnh phúc thì hãy lấy việc “đối xử tử tế” với người khác làm điểm xuất phát đi nhé!
------------------
Nguồn: Theo ĐKN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét