Kinh Dịch không phải để xem bói hay đoán biết mệnh vận của bất kỳ ai, bất kỳ điều gì. Đó là hiểu biết rất sơ khai và nông cạn thường thấy khi thế nhân nghiên cứu và sử dụng Kinh Dịch. Vì tâm mong cầu danh lợi và thỏa mãn ích kỷ cá nhân, nên hầu hết đã làm mất đi tinh hoa của Kinh Dịch vốn là lời dạy của Thần dành cho con người.
Văn hóa cổ xưa luôn coi trọng người phụ nữ, vì thế ngay sau quẻ Càn chính là quẻ Khôn tượng trưng cho phụ nữ, mẹ và vợ, những nữ chủ quan trọng nhất trong gia đình. Quẻ Khôn Vi Địa hàm chứa trong nó những bài học xử thế sâu sắc dành cho nữ giới.
Gồm các phần sau:
- Người phụ nữ và sự nghiệp trong đời
- Đạo làm mẹ – nuôi dạy con
- Đạo làm vợ – quan hệ mẹ chồng và nàng dâu
Trong kỳ này, chúng tôi xin mạn phép đưa ra góc nhìn hạn hẹp cá nhân về ý nghĩa của quẻ Càn Vi Khôn đối với quá trình gây dựng sự nghiệp của người phụ nữ.
Trong thế giới “nam nữ bình đẳng” ngày nay, khi nói đến sự nghiệp của phụ nữ hẳn nhiều người sẽ rất phấn khích, cảm thấy điều này xứng đáng để phụ nữ cố gắng cả đời, để vượt trội hơn nam giới, để chứng tỏ năng lực của mình. Ở đây, chúng tôi không phán xét điều này đúng hay sai, mà chỉ phân tích dựa trên quẻ Khôn Vi Địa, nhằm đem lại điều tốt đẹp ý nghĩa nhất cho nữ độc giả nào có duyên đọc đến phần này.
Ý nghĩa thật sự của “nam nữ bình quyền” chính là Âm Dương hài hòa
Trong “Hệ Từ” của “Kinh Dịch” viết:
天 尊 地 卑,乾 坤 定 矣。
卑 高 以 陳,貴 賤 位 矣
乾 道 成 男,坤 道 成 女。
乾 知 大 始,坤 作 成 物。
Hán Việt:
Thiên tôn địa ti. Kiền Khôn định hĩ.
Ti cao dĩ trần. Quý tiện vị hĩ.
Càn đạo thành nam, khôn đạo thành nữ.
Càn tri đại thủy. Khôn tác thành vật.
Ý nói rằng: Trời ở trên cao Đất ở dưới thấp, Càn Khôn đã được định rõ là như thế. Lấy tôn cao ti thấp để trình bày rõ, cao thấp ra sao đã sẵn ở vị trí đó rồi. Cung Càn tạo thành nam, cung Khôn tạo thành nữ. Càn sinh ra vạn vật từ khởi thủy (linh hồn) nhưng Khôn mới hoàn tất việc tạo ra vạn vật (có thân thể). Vậy thì nam nữ khác nhau là vốn tự nhiên khởi thủy như thế.
Vậy nên, khái niệm “bình đẳng giới” mà người ta hay tuyên truyền có điểm chưa đúng mà sẽ dễ đem lại cách sống cực đoan và sự đau khổ cho nữ giới.
Phật dạy “chúng sinh bình đẳng” là nghĩa bình đẳng về sinh mệnh, mỗi sinh mệnh đều bình đẳng khi tái sinh hay chết đi, do nghiệp lực khác nhau mà thân phận sinh ra khác nhau hay cái chết sẽ nhẹ nhàng hay thống khổ. Sự khác nhau đó là tuyệt đối bình đẳng, không vì thân phận quan hệ mà thiên vị để được sinh ra nơi tốt hơn hay chết đi nhẹ hơn, thành sinh mệnh cao cấp hơn. Đó là Thiên Đạo, là lẽ công bằng tuyệt đối.
Do đó, trên đời có người giàu người nghèo, có nam có nữ, có người bệnh người khỏe, nhìn có vẻ không công bằng nhưng thực chất là hết mực công bằng đối với sinh mệnh của họ rồi, vì địa vị sướng khổ đều tùy nghiệp lực mà tạo thành.
Vậy “nam nữ bình đẳng” đúng đắn nhất là mỗi người đều không so sánh mình với người khác, phụ nữ không so sánh với nam giới vì căn bản sinh mệnh của hai người là khác nhau. Không thể so sánh nước biển và nước ngọt rồi bảo cái nào tốt hơn. Mỗi cái đều có lý do tồn tại và lợi ích của mình.
Khôn Vi Địa nói về Đất Mẹ cũng chính là nói về nữ giới, cũng như Càn Vi Thiên về Cha, Trời và nam giới. Nên việc nữ giới tự so sánh với nam giới, cố gắng làm những việc của nam giới để chứng tỏ bản thân thật ra là đi ngược Thiên Đạo, sẽ đem lại nhiều bất hạnh.
“Bình đẳng giới” đúng đắn chính là nam nữ đều bình đẳng trong sinh mệnh, không có sinh mệnh nào đáng quý hay cao cấp hơn sinh mệnh nào. Và mỗi sinh mệnh đều có nhiệm vụ vai trò khác nhau, không dẫm chân lên nhau, không thay thế cho nhau, không cố gắng giành việc của nhau mà bổ trợ cho nhau cùng xây dựng gia đình và xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, cũng chính là Âm Dương phân minh và Âm Dương phối triển vậy.
Sự nghiệp tốt đẹp nhất chính là sự viên dung của thành đạt và hạnh phúc gia đình, không phải đánh đổi bất cứ thứ gì
Nói về sự nghiệp của phụ nữ, có đoạn thơ bất hủ như sau:
“Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi
Chàng ơi điện ngọc bơ vơ quá
Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi”.
(Trưng Nữ Vương – Thơ Ngân Giang Nữ Sĩ)
Kể cả khi lên đến tột đỉnh vinh quang, thành vua của một triều đại thì đằng sau sự nghiệp đó là gì? Có phải đó là điều mà chị em vẫn truy cầu?
Như đã nói bên trên, Âm Dương hài hòa chính là trạng thái lý tưởng có thể đem lại hạnh phúc viên mãn. Từ gia đình cho đến sự nghiệp đều như thế. Nên trước hết, phụ nữ hãy luôn nhớ về quẻ Khôn Thuần Âm tượng trưng cho mình, và hãy hiểu thật rõ rằng giá trị thật sự của phụ nữ là hoàn toàn khác đàn ông. Do đó, không nên đem mình so sánh với nam giới, cố gắng làm thay nam giới hay tranh đấu để chứng tỏ mình giỏi hơn, tốt hơn trong những việc của họ như đã nói ở trên. So sánh sẽ luôn luôn đem đến bất hạnh.
Thời cổ đại có một người phụ nữ đạt đến đỉnh cao của quyền lực, cao hơn tất cả đàn ông trên thế gian thời đó là Võ Tắc Thiên. Bà đã làm Hoàng đế của đế quốc hùng mạnh nhất thế giới thời đó – nhà Đường. Nhưng khi mất, Võ Tắc Thiên yêu cầu táng mình vào chung lăng của chồng theo nghi thức của một người vợ – hoàng hậu.
Trên tấm bia của mình, bà không đề một chữ nào, gọi là “Vô Tự Bi” để cho người đời tự nhận xét hành trạng của bà.
Cái gì là hoành đồ bá nghiệp, cái gì mà thiên hạ đệ nhất nhân, chẳng qua chỉ là trăng nơi đáy nước. Nếu không còn gia đình yêu thương bên cạnh, tất cả sẽ đều là vô nghĩa cho mọi sự nghiệp trên đời, kể cả nam và nữ. Vì có Trời cao nên người ta mới biết đến Đất thấp, nếu không có gia đình và hòa hợp yêu thương giữa chồng và vợ thì sự nghiệp kia chính là thứ nhàm chán nhất trên đời. Chẳng phải thế sao khi mà Thánh Thần Hoàng Đế Võ Tắc Thiên lúc mất cũng chỉ muốn làm một người vợ bên cạnh chồng mình?
Vì lẽ đó nên trong Kinh Dịch mới quan trọng nhất là sự Trung Chính. Hào nằm ở vị trí đắc Trung Chính không bao giờ là hào nằm cao nhất. Nên sự nghiệp cũng vậy, muốn đạt viên mãn thì nên dừng lại trước khi phải đánh đổi hạnh phúc gia đình để bước lên một bước cao hơn.
Coi trọng Đức hạnh, tu dưỡng tinh thần mới là căn bản của sự nghiệp hoàn hảo cho nữ giới
Quẻ Khôn Vi Địa cấu thành từ 6 hào đem lại các lời khuyên bổ ích cho sự nghiệp của phụ nữ.
Lời khuyên đầu tiên cho các bạn nữ khi lập nghiệp:
Hào 1 初 六: 履 霜, 堅 冰 至
Sơ lục: Lý sương, kiên băng chí.
Bài học: Đây là hào Âm đầu tiên trong Quẻ. Âm thì lạnh, nên Chu Công ví với sương lạnh, mới kết lại thì thành sương, rồi lần lần, lạnh hơn, nước sẽ đông lại thành băng. Nước thì có ích nhưng băng thì không ai muốn. Âm hay băng còn mang nghĩa là các điều xấu và các tính xấu, nên muốn thành sự nghiệp phải thận trọng với các tính xấu của bản thân, cẩn thận không làm điều xấu kể cả điều nhỏ nhất. “Chớ thấy điều ác nhỏ mà làm” chính là bài học của hào này. Vậy muốn làm nên sự nghiệp tốt, hãy sống Thiện trước đã. Hãy làm một ngọn gió lành nơi công tác với sự lương thiện dịu dàng của bản thân, đó là tiền đề vững chắc nhất cho một sự nghiệp viên mãn về sau.
Lời khuyên thứ hai dành cho các sếp nữ thành đạt và có cá tính mạnh mẽ:
Hào 2 六 二: 直 方 大, 不 習 无 不 利
Lục nhị: Trực phương đại, bất tập vô bất lợi.
Tạm dịch: Hào 2, âm (Đức của mình) thẳng, vuông, lớn thì chẳng phải học tập mà cũng không có gì là không lợi.
Bài học: Đây là Hào duy nhất đạt Trung Chính trong 6 hào của Quẻ Khôn – nó là Hào Âm duy nhất đạt Trung Chính nên có thể biểu thị cho một người phụ nữ có tài năng đủ để thành đạt sự nghiệp. Nhưng để thành công thì từ ban đầu phải biết tu thân để đạt tiêu chuẩn, dùng chữ Kính làm đầu. Kính sợ lẽ Trời nên phải chỉnh trang lại cách sống, tinh thần bên trong cho ngay chính, lương thiện, cải thiện cách cư xử bên ngoài sao cho giữ đạo lý. Có như vậy mới đi đến chỗ sự nghiệp to lớn (cao đại) được (Trực phương đại, bất tập vô bất lợi). Vì sao mà hào Trung Chính lại không phải là hào ở địa vị cao nhất, vì cao nhất chính là cực đoan, ắt phải có đánh đổi thì làm sao mà viên mãn tốt đẹp được. Vậy suy ra, cách sống và cư xử đạo đức của bản thân mới là nền tảng cho một sự nghiệp vững chắc vậy.
Lời khuyên thứ ba cho các sếp nữ mới nắm quyền:
Hào 3 六 三: 含 章 可 貞, 或 從 王 事, 无 成 有 終
Lục tam: Hàm chương khả trinh, hoặc tòng vương sự, vô thành hữu chung.
Bài học: Hào 3 là Âm mà ở vào địa vị Dương, như vậy là không chính, ví như người nữ âm nhu mà nay phải gánh vác địa vị cao (vị trí Dương), nhưng vì vốn có đức nhu thuận của quẻ Khôn, thêm được tính cương kiện của vị trí Dương, thì lại là tốt. Vì thế, khi ở vị trí này thì trong lòng phải luôn giữ đạo đức, thân ở địa vị cao mà luôn nhún nhường khiêm tốn, làm việc lớn không tham và giành công lao, thì cuối cùng sẽ có kết quả tốt. Hãy chinh phục cả công ty bằng sự chuyên nghiệp, lòng bao dung và sự khiêm tốn thì bạn sẽ thành công rực rỡ.
Lời khuyên thứ tư dành cho các sếp nữ chức vụ cao mà năng lực không đủ – đang gặp khó khăn trong công việc:
Hào 4 六 四: 括 囊, 无 咎, 无 譽.
Lục cửu: Quát nang, vô cữu, vô dự.
Bài học: Hào 4 là Âm ở địa vị Âm trong một quẻ toàn Âm, mà không đắc trung như hào 2, ví như người quá nhu thuận, vô tài, thích hợp vị trí này. Đã vậy, mà ở sát hào 5, tức là có địa vị một đại thần, tài thấp mà địa vị cao, nên phải thận trọng thì mới khỏi tội lỗi, nên an phận thủ thường. Hào này có cái tượng “Âm cự tuyệt Dương” (vì không có chút Dương nào cả từ bản thể tới vị), như vậy là Âm Dương cách tuyệt nhau, trời đất không giao nhau (thiên địa bế), lúc đó người tốt thì chỉ nên ở ẩn, rất thận trọng thì không bị tai họa. Hãy cố gắng làm tốt hết mức phận sự của mình, loại bỏ dục vọng, sống lương thiện và nhẫn nhịn, trời cao sẽ có an bài tốt nhất khi vận hạn mới đến.
Hào tốt nhất dành cho các sếp nữ chức vụ cao nhưng vẫn khiêm tốn dịu dàng:
Hào 5 六 五: 黄 裳, 元 吉.
Lục ngũ: Hoàng thường, nguyên cát.
Bài học: Không đắc Trung lẫn Chính như hào 2 nhưng hào 5 lại là hào chí tôn trong quẻ, đắc Trung. Tuy nó không đắc Chính vì là Âm mà ở vị Dương (nữ mà nắm quyền lớn, địa vị cao), nhưng ở trong quẻ Khôn lại tốt vì có chút Dương khí, không thuần Âm, thuần nhu, như hào 4, tức là có tài, nhưng vẫn là khiêm nhu (vì là Âm). Âm còn hàm ý là phong thái nhã nhặn văn cách nữa, trái với dương cương kiện là hào hùng, võ cách. Cho nên Chu Công cho là hào này rất tốt, và “tượng” bằng cái xiêm màu vàng. Vàng là màu của đất, của hành Thổ ở trung ương của Cửu Cung Bát Quái đồ, là màu của vàng, đồng, nên người Trung Hoa thời xưa rất quý, chỉ vua chúa mới được dùng màu vàng trong y phục. Xiêm là một bộ phận y phục ở phía dưới, đẹp đẽ, hàm cái nghĩa khiêm hạ, không tự tôn. Nó còn có nghĩa là đức hạnh, vì đức của Đất là vô cùng to lớn.
Tuy quẻ Khôn nằm sau quẻ Càn, nhưng Dịch học lại coi trọng đức khiêm nhu, coi là đức của người văn minh. Tinh thần đó là tinh thần hiếu hòa, trọng văn hơn võ. Do đó mà hào 5 quẻ Càn, Chu Công cho là đại quý (long phi tại thiên) nhưng chỉ bảo: “Lợi kiến đại nhân”; còn hào 5 quẻ Khôn thì khen là “nguyên cát” – hào tốt nhất trong Kinh Dịch, là có nghĩa vậy.
Nếu đạt được như hào 5 này, xin chúc mừng bạn đã đạt được cái đức lớn của quẻ Khôn Vi Địa vậy. Cả sự nghiệp và gia đình của bạn đều sẽ viên mãn và hạnh phúc. Nhân viên hay công ty của bạn đều vì có bạn mà hài hòa và thành công.
Lời khuyên cuối dành cho chị em nào quá đam mê vật chất, quyền lực mà chấp nhận đánh đổi:
Hào 6 六 上: 龍 戰 于 野, 其 血 玄 黄.
Lục thượng: Long chiến vu dã, kỳ huyết huyền hoàng.
Bài học: Hào này quẻ Âm lên đến cực điểm đặt vào vị trí vốn của Dương cũng là cực điểm. Cũng là tượng người nữ đạt đến địa vị cao nhất có thể trên đời. Nhưng Dịch học vốn coi trọng sự hài hòa nên đây lại là cách cục xấu. Âm hay Khôn còn tượng trưng cho giá trị vật chất (ngược với Càn hay Dương tượng trưng cho giá trị tinh thần). Nếu quẻ Âm đến cùng cực nghĩa là thời đại mà vật chất lên ngôi, các giá trị tinh thần bị coi nhẹ. Người nữ mà có tham vọng lên đến địa vị này cũng chính là do dục vọng với vật chất và quyền lực gây nên. Điều này sẽ phải dẫn đến xung đột, đánh đổi và đổ vỡ (Long chiến vu dã, kỳ huyết huyền hoàng – Rồng đánh nhau nơi đồng nội, máu chảy loang lổ). Nên nếu thành công sẽ trả giá cực đắt.
Nhưng đạo của Dịch là lẽ biến thông (cùng tắc biến, biến tắc thông). Quá trình tranh đấu nói trên cũng chính là lúc xung đột xảy ra giữa giá trị tinh thần và vật chất, nhưng nếu người đó có thể giữ vững đạo đức của mình theo quẻ Khôn với đức Thuận, Trinh (chính và bền), nghĩa là kiềm chế dục vọng không truy cầu danh lợi, thuận theo Thiên Đạo, thì sẽ chuyển hóa thành quẻ Càn Thuần Dương, là một quẻ vô cùng tốt.
Nói chung, sự viên mãn và hạnh phúc gia đình là luân lý tốt đẹp của trời đất, không thể vì bất cứ quyền lực hay vật chất nào mà đánh đổi. Kể cả khi một người phụ nữ lên đến địa vị của Cleopatra, Thatcher hay Võ Tắc Thiên mà đánh mất hạnh phúc gia đình, thì đó cũng là điều vô cùng đáng tiếc. Quẻ Khôn Vi Địa đã hé mở ngụ ý của cổ nhân về con đường đạt đến sự nghiệp viên mãn của phụ nữ vậy.
Quang Chấn – Tĩnh Thuỷ
-------------
Nguồn: theo ĐKN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét