HOÀNG TUẤN CÔNG
Bài “Cánh nam giới gầy có đúng là “xấu dây tốt củ”? (Gia đình.NET.VN) viết: “Cánh nam giới chẳng may sở hữu thân hình gầy gò thường bị chê là “còm nhom” gầy thế “làm ăn” được gì hay gầy thế thì “teo” hết cả…Thường những người này phản kháng lại bằng cách "chém gió" rằng mình thuộc diện “xấu dây tốt củ”.Thực tế có đúng như lời các quý ông gầy nói không?”.
Bài báo dẫn lời TS. Lê Vương Văn Vệ: “Chuyện xấu dây tốt củ” chỉ là cách nhìn hình thức đoán nội dung không có cơ sở khoa học. Điều này có thể đúng hoặc có thể không đúng với nhiều người. Vì nó phụ thuộc nhiều vào gen di truyền, nếu ông bố gầy gò nhưng “hoành tráng” thì con trai để ra cũng có thể thừa hưởng được cái gen ấy. Cũng có nhiều trường hợp “cậu nhỏ” tỷ lệ thuận với thân hình. Nhưng một thực tế chắc chắn có thể khẳng định rằng, nam giới gầy sẽ sở hữu một “cậu nhỏ” nguyên bản còn người quá béo “cậu nhỏ” dễ bị “mất dáng” do phần bụng to dễ vùi lấp gốc “cậu nhỏ”.
Đây là bức tượng Davit của Michelangelo. Nhiều người cho rằng tỉ lệ "cậu nhỏ" của Davit không tương xứng với thân hình lực lưỡng của chàng và thường lấy làm ví dụ cho câu tục ngữ "xấu dây mẩy củ".
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lí giải:"cậu nhỏ" không phải là điểm nhấn của bức tượng.
Ngược lại, tác giả Michelangelo cố ý "làm nhoà" đi để người ta chú ý đến cơ bắp của chàng hơn.
Mặt khác, đây là kích thước lúc "bình thường", nên nếu nó có nhỏ, cũng là chuyện "bình thường"
Dĩ nhiên, cách hiểu “xấu dây mẩy/tốt củ” trên đây thuộc về nghĩa bóng. Vậy, nghĩa đen được hiểu như thế nào?
-“Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương) chỉ diễn giải: “Xấu dây mẩy củ Dây tuy xấu nhưng củ lại mẩy. Hay dùng để nhắc mọi người chớ có vội nhìn nhận mọi thứ qua vẻ ngoài vì vẻ ngoài và thực chất đâu phải lúc nào cũng đi đôi với nhau”.
Hai cuốn từ điển sau đây giải thích “dây” và “củ” là dây củ cây khoai lang, nhưng không cho biết tại sao “xấu dây” lại “mẩy/tốt củ”:
-“Từ điển từ và ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân): “xấu dây mẩy củ • ng. (Dây là dây lang mẩy là có củ to và chắc) ý nói: Bề ngoài không đẹp, nhưng bản chất rất tốt <> Chị ấy không đẹp, nhưng anh ấy cứ lấy vì cho rằng xấu dây mẩy củ”.
-“Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Vũ Dung): “Xấu dây mẩy củ. (dây khoai lang, thân bò, củ chứa nhiều tinh bột, dùng để ăn). Người đàn bà gầy nhưng đẻ con to khoẻ”.
Như vậy, bạn đọc vẫn chưa biết, tại sao lại “xấu dây tốt củ”.
Tục ngữ có câu “Cả cây, nây buồng” (Cây phải tươi tốt, thì buồng [trái] mới mập mạp). Phải chăng với cây lấy củ, thì thân lá phải còi cọc, phải xấu, thì củ mới mẩy, mới mập?
Thực ra, nguyên lý “Cả cây nây buồng” không chỉ đúng với các loại cây cho quả. Với cây trồng lấy củ cũng vậy. Củ muốn to, mẩy, thì thân lá phải tươi tốt, mập mạp. Ngược lại, thân lá còi cọc, thì đến rễ cũng kém phát triển, chứ chưa nói gì đến củ [*].
Với cây khoai lang, sau khi bén rễ, thì thân lá bắt đầu phát triển nhanh, phân cành cấp 1, cấp 2, số lượng củ hữu hiệu cũng được hình thành. Thân lá khoai lang tiếp tục phát triển cho đến khi đạt sinh khối tối đa, thì chậm lại, giảm dần cho đến lúc thu hoạch. Trong khi đó, sự phát triển của củ lại theo hướng ngược lại với sự phát triển thân lá. Nghĩa là khi thân lá bắt đầu giảm xuống, đanh lại (dân dân gian gọi là “xuống củ”), thì tốc độ lớn của củ lại tăng nhanh.
Ở thời kì sinh trưởng và hình thành củ, thân lá khoai lang phải tươi tốt thì mới có đủ khả năng nuôi củ to và nhiều sau này. Ảnh: ST
Khoai “xuống củ”, nghĩa là dinh dưỡng do thân lá tổng hợp đã nuôi vào củ. Ngược lại, nếu thời kì “nước rút” nuôi củ mà thân lá vẫn xanh tốt, mập mạp, có nghĩa phía dưới gốc rất ít củ và củ nhỏ. Nguyên nhân, thường do khoai trồng trên đất thịt nặng, thoát nước kém, chất đất (hoặc bón) nhiều đạm, ít kali, nên việc hình thành củ và phình củ kém, đồng nghĩa với thân lá không phải nuôi củ, nên luôn xanh tốt mơn mởn.
Thời kì thu hoạch, thân lá khoai lang xuống mã trông thấy. Lá ngả vàng, thân (dây khoai) đanh lại, trong khi số của và kích thước củ tăng lên rất nhiều. - Ảnh: ST
Như vậy, “Xấu dây tốt củ” là kinh nghiệm nhìn nhận, đánh giá năng suất, hiệu quả của cây trồng lấy củ qua quan sát thân lá thời kì sắp cho thu hoạch; cũng là kinh nghiệm chăm bón, cân đối chất dinh dưỡng cho cây, chứ không phải nhận xét chung về mọi thời kì sinh trưởng của cây trồng. Mặt khác, “Xấu dây mẩy củ” không chỉ đúng với khoai lang, mà còn đúng với nhiều loại cây lấy củ khác như lạc, khoai tây, khoai sọ, sắn (củ mì), gừng, nghệ, v.v…
Về nghĩa bóng, “xấu dây mẩy củ” không có nghĩa khái quát “bề ngoài không đẹp, nhưng bản chất rất tốt” (như GS. Nguyễn Lân giảng), hay nhìn nhận “bề ngoài” và “thực chất” (như Nguyễn Đức Dương giảng)[**]; cũng không hạn hẹp, cụ thể “người đàn bà gầy nhưng đẻ con to khoẻ” (Nhóm Vũ Dung); mà thường được dùng trong một số trường hợp: 1.Ví người đàn ông vóc dáng nhỏ bé, nhưng sinh thực khí lại to, khả năng tình dục tốt (ngược lại, người bề ngoài to béo, thì “khoản ấy” sẽ không “ăn thua”); 2. Người phụ nữ tạng người gầy nhẳng (hoặc khi chửa gầy nhẳng), nhưng đẻ con mập mạp (ngược lại, người to béo, hoặc khi chửa rất to béo, nhưng đẻ con lại nhỏ).
Dĩ nhiên, với nghĩa bóng, “xấu dây tốt củ” không phải là quy luật, mà chỉ là hiện tượng.
------------------
HTC/2018
Chú thích
[*] Sự phát triển của thân lá thời kì sinh trưởng rất quan trọng, nên đối với khoai lang hoặc sắn (củ mì) người ta kiêng không tỉa dây, hoặc hái lá nhiều (làm thức ăn, hay chăn nuôi lợn, tằm) vì sợ ảnh hưởng đến sự hình thành và nuôi dưỡng củ. Xưa kia, có những cánh đồng trồng khoai lang của làng, người ta phun thuốc trừ sâu, hoặc dùng nước vôi vẩy lên luống, chống việc hái trộm lá và ngọn làm rau ăn.
[**] Với trường hợp một người phụ nữ không đẹp, nhưng khéo léo, nết na, thì dân gian không ví với “xấu dây mẩy củ” (như GS. Nguyễn Lân ví dụ: “Chị ấy không đẹp, nhưng anh ấy cứ lấy vì cho rằng xấu dây mẩy củ”). Hoặc, với người đàn ông, tướng mạo “bề ngoài” trông xấu xí, nhưng “thực chất” lại thông minh, tài giỏi, người ta cũng không dùng câu “xấu dây mẩy/tốt củ”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét