Chồng là đất, vợ là hoa, gia đình thuận hòa cần có thiện niệm
Có rất nhiều vấn đề đã nảy sinh trong cuộc sống gia đình hiện đại, như ly hôn hay bạo hành gia đình. Làm sao để chúng ta có thể giữ được một gia đình yên ấm? Câu trả lời có lẽ nằm ở thiện niệm của mỗi thành viên trong gia đình. Quan trọng nhất là cả người vợ và người chồng cần làm tròn thiên chức của mình. Chồng là đất, vợ là hoa, hoa cần chất dinh dưỡng từ đất, đất cần sự tô điểm của hoa.
Thiện niệm trong cuộc sống gia đình (Ảnh minh họa: littlepawz.tumblr.com)
Người chồng xấu tựa như đất cát mỏng, mỗi ngày nói lời ngon ngọt mà lại không hề cho chất dinh dưỡng, đóa hoa đẹp mấy cũng trở nên héo úa. Người chồng tốt tựa như đất đen, thoạt nhìn chất phác tự nhiên, nhưng là người làm việc đến nơi đến chốn. Anh ta có thể không nói lời “anh yêu em”, nhưng nhất định cần cù chăm chỉ kiếm tiền nuôi gia đình.
Trong các gia đình hiện nay, rất nhiều trường hợp người vợ được giao cho hầu như mọi công việc của gia đình. Người chồng đi làm về gần như không động tay vào việc gì hết. Các bữa nhậu vui vẻ với bạn bè, đối tác cũng được cho là “làm việc”. Nhiều phụ nữ Việt Nam khá vất vả vì vừa phải đi làm, vừa phải chăm sóc con cái, vừa phải lo toan hầu hết các việc gia đình.
Ở một số nước phương Tây, quan hệ vợ chồng rất hòa ái. Người ta quan niệm rằng cuộc sống gia đình là cả hai vợ chồng đều cùng phải chia sẻ gánh vác và cùng nhau làm các công việc. Điều đó giúp cho vợ chồng gắn bó với nhau hơn. Ngày nay người ta gọi đó là sự bình đẳng giới, nhưng thực chất chúng ta không nên nhìn nhận đây là khái niệm về “sự bình đẳng”.
Hãy cùng nhìn lại một sự kiện lịch sử nổi tiếng. Khi con tàu Titanic sắp chìm xuống đáy biển sâu, thuyền trưởng tuyên bố hiệu lệnh: “Phụ nữ và trẻ em lên trước!”. Khi hiệu lệnh đó vang lên, nhiều người đã rời xa thuyền cứu hộ, đứng lặng lẽ, chậm rãi dựa lên tay vịn. Họ bắt đầu châm những điếu thuốc và hút. Nhiều hành khách lặng đi, không muốn chứng kiến sự chia ly của các gia đình.
John Jacob Astor IV là một nhà kinh doanh, nhà phát minh, nhà văn nổi tiếng, một trong những người giàu nhất thế giới bấy giờ. Ông đã đưa người vợ mang thai 5 tháng của mình lên thuyền cứu hộ, rồi lịch sự nhường chỗ của mình bằng cách dịu dàng nói với hai người phụ nữ đứng cạnh: “Các quý cô, mời lên thuyền”.
“Phụ nữ và trẻ con lên trước!” – Đó là lệnh của thuyền trưởng. Nhưng tại sao mọi người lại tuân theo? Không có bất cứ điều lệ nào bắt buộc người ta phải làm thế. Không ai có quyền yêu cầu người khác phải từ bỏ sinh mạng của mình. Không có một logic nào về mặt thể lực hay kinh tế để những con người vốn khỏe mạnh và giàu có hơn lại nhường chỗ cho những người yếu hơn được sống. Điều đó chỉ để nói lên một điều mà mỗi chúng ta đều ngầm hiểu rằng: Phụ nữ và trẻ con là phái yếu, phái mạnh cần phải trân trọng và bảo vệ.
Ngày nay, người đàn ông không làm tròn chức trách của mình, và người phụ nữ cũng luôn mâu thuẫn trong việc cân bằng mối quan hệ với chồng. Một mặt phụ nữ muốn đàn ông phải cứng cỏi, mặt khác họ lại muốn bản thân có quyền mạnh mẽ hơn, có thể lấn át chồng. Còn các ông chồng thì rời xa trách nhiệm của phái mạnh, coi những việc nặng nhọc trong nhà là việc vặt mà phụ nữ cần làm… Để rồi phụ nữ phát hiện ra mình phải nhọc nhằn vất vả cáng cả gia đình. Đó là cái “bình đẳng” mà chúng ta mong muốn sao?
Có ai đó đã ví von thế này. Bình đẳng giới là gì? Bạn gái đi xem phim với bạn trai, hãy để bạn trai mua vé, còn bạn gái đi mua bỏng ngô. Đừng để bạn trai cáng đáng một mình, nhưng cũng đừng trả tiền hết. Ví dụ đơn giản đó chẳng phải chính là việc hãy biết làm tròn thiên chức của mình, và biết giúp đỡ người bạn đời của mình hay sao? Vậy thì đó không phải là “bình đẳng giới” mà là biết nghĩ đến người khác.
Chính vì thế, thiện niệm trong cuộc sống gia đình chính là hãy biết thiên chức của mình là gì, hãy biết nghĩ đến nửa kia, và hãy tạo điều kiện để họ có thể làm tròn thiên chức của chính họ.
Quang Minh
-----------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét