Ba điều khiến gia đình và bản thân một người lụn bại
- An Hòa
- •
- Thứ Năm, 09/05/2019 • 6.4k Lượt Xem
Có câu nói rằng, kẻ thù lớn nhất đời người không phải người khác mà chính là bản thân mình. Vấn đề lớn nhất đời người không phải là vượt qua người khác mà là vượt qua chính mình. Bởi vậy, trong phạm vi nhỏ như bản thân, lớn hơn là gia đình hay quốc gia, mấu chốt thành công đều là vượt qua chính bản thân mình, tu sửa bản thân mình.
Trong “Gia thư”, nhà nho lỗi lạc triều Thanh, Tăng Quốc Phiên, từng nhắc tới ba chữ “xa”, “dật” và “kiêu”. Ông cho rằng ba chữ này là tiêu chuẩn thành bại của một người, một gia đình. Ông viết: “Gia bại ly bất khai nhất cá xa tự, nhân bại ly bất khai nhất cá dật tự, thảo nhân yếm ly bất khai nhất cá kiêu tự”, tức là: Một gia đình lụn bại không tách khai khỏi nguyên nhân xa xỉ, một người thất bại không tách khai khỏi nguyên nhân an dật, buông thả. Người mà khiến cho người khác chán ghét không tách khai khỏi nguyên nhân kiêu căng.
Gia bại bởi xa xỉ
Từ xưa đến nay, người đứng đầu một gia đình, một đất nước mà đạt được thành công thì không một ai là không phải dựa vào cần kiệm, tiết chế. Còn “vong quốc bại gia” thì hầu hết đều là vì xa xỉ, buông thả dục vọng, thuận theo ham muốn bản thân mà thành.
Trong lịch sử, rất nhiều vương triều hưng thịnh nhưng vì xa xỉ mà bị diệt vong. Triều nhà Thương là một ví dụ điển hình. Sau một thời gian kế vị, Trụ Vương tăng thuế cao đối với dân chúng, sưu tập rất nhiều ngựa và đồ vật mới lạ quý báu. Đồng thời, ông ta tiến hành xây dựng thêm nhiều cung thất, lầu gác, lâm viên để vui chơi ngắm cảnh cùng Đát Kỷ. Trụ Vương cho bắt rất nhiều dã thú và chim muông để nuôi thả trong lâm viên của mình. Để Đát Kỷ được vui, Trụ Vương làm “Rượu trì nhục lâm”, tức là dùng rượu làm ao, treo thịt thành rừng, đây là nơi để nam nữ trần truồng đùa giỡn đuổi nhau, uống rượu hoan lạc suốt ngày đêm.
Thói quen xa xỉ ấy thực ra chỉ bắt đầu ở một đôi đũa bằng ngà voi. Bấy giờ, thấy Trụ Vương thích thú khi nhận được cống vật này, hiền thần Cơ Tử trong lòng đã biết nhà Thương sắp sửa diệt vong, bởi việc ác lớn bắt đầu từ việc ác nhỏ. Cơ Tử nói:
“Đũa ngà voi chắc chắn không thể phối với đồ gốm, mà phải phối với bát làm bằng sừng tê giác, chén mài từ ngọc trắng. Có chén ngọc rồi, bên trong chắc chắn không thể đựng canh rau dại và cơm nấu bằng gạo thô, mà phải là đựng sơn hào hải vị mới tương xứng.
Ăn sơn hào hải vị rồi thì sẽ không muốn mặc áo quần thô, cũng không muốn ở nhà tranh đơn sơ, mà phải mặc quần áo gấm vóc, ngồi xe sang trọng, ở nhà cao phòng rộng. Nếu cứ như vậy thì phẩm vật của thương nhân trong nước chúng ta sẽ không thể thỏa mãn dục vọng của vua, mà còn phải đi thu gom mọi vật trân quý của các nước phương xa. Từ đôi đũa ngà voi, ta thấy được kết quả của tương lai sau này. Thật không thể không lo lắng vì nhà Vua được.”
Xã hội hiện đại ngày nay, rất nhiều gia đình dù người chồng hay người vợ có sự nghiệp hưng thịnh nhưng cảnh nhà lục đục, không hòa thuận thậm chí ly tán bởi vì người vợ người chồng hay con cái tiêu phí xa xỉ vô độ, không biết tiết chế. Một quốc gia mà những người đứng đầu xa xỉ thì tất sẽ bị diệt vong, một gia đình cũng lại như thế. Bởi vậy, cho dù là một người đang sống trong cuộc sống giàu sang phú quý nhưng cũng cần noi theo đạo đức tốt đẹp truyền thống mấy ngàn năm của cổ nhân, không nên tùy tiện phóng túng, hưởng thụ xa xỉ.
Nhân bại bởi an dật
Cổ huấn có câu: “Sinh vu ưu hoạn, tử vu an nhạc” (tạm dịch: Sống bởi gian khổ, chết bởi an nhàn). Nguyên nhân căn bản khiến một người thất bại thường không phải người ấy không đủ thông minh, không phải không đủ trí tuệ mà là quá ham hưởng thụ, không muốn chịu gian khổ. Rất nhiều khi, hoàn cảnh quá nhàn hạ lại giống như địa ngục, dần dần giết chết lý tưởng của một người và ăn mòn tâm linh của một người.
Thời Xuân Thu, danh tướng Quản Trọng của nước Tề từng khuyên can Tề Hoàn Công rằng: “Chơi bời hưởng lạc khác nào uống rượu độc tự sát.”
Trong “Hán Thư” cũng viết: “Cổ nhân ví ham hưởng an nhàn như rượu độc, đem việc đánh mất đạo đức để được giàu sang là việc bất hạnh. Nhà Hán hưng khởi đến lúc Hiếu Bình Đế, Chư hầu vương hàng trăm năm, phần lớn đều ngang ngược kiêu ngạo, hoang dâm vô độ, đánh mất đạo đức. Vì sao lại như vậy? Sa đà vào phóng túng, hưởng lạc, địa vị làm cho họ trở thành như vậy.”
Từng có câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: Có một người đàn ông sau khi chết đi, trên đường đi đến Diêm La điện thì gặp một tòa cung điện nguy nga lộng lẫy, bên trong chứa đầy sơn hào hải vị, muốn ăn gì liền có đấy, không có gì để làm. Người này vô cùng mừng rỡ, bước chân vào đó, ngoài ăn là ngủ, nên cảm thấy mình vô cùng may mắn. Nhưng sau một thời gian, ông ta cảm thấy vô cùng cô quạnh và trống rỗng.
Qua mấy tháng sau, người đàn ông này chịu không nổi cảnh ấy liền đến gặp chủ cung điện và nói: “Tôi thực sự không thể chịu nổi cuộc sống như vậy, tôi tình nguyện xuống địa ngục chứ không muốn ở đây nữa!”
Người chủ cung điện nhìn người đàn ông vẻ thương hại, nói: “Ngươi cho rằng đây là thiên đường sao? Đây chính là địa ngục đấy!”
Rất nhiều khi, sự nhàn hạ trong thời gian ngắn ngủi sẽ khiến chúng ta được thư giãn, nghỉ ngơi. Nhưng sự an nhàn lâu dài thì quả thực lại giống như địa ngục vậy, nó sẽ dần dần giết chết lý tưởng cùng cảm xúc mãnh liệt của chúng ta, thậm chí biến chúng ta thành một người có xác mà không có hồn.
Người bị ghét bởi kiêu căng
Một người dù sự nghiệp thành công đến mấy mà trong đối nhân xử thế khiến người khác chán ghét thì cũng không khác gì một người thất bại. Nếu để ý kỹ một chút chúng ta sẽ thấy những người có tâm kiêu căng, tự mãn thì đều bị người khác chán ghét. Bởi vì người kiêu căng sẽ coi rẻ hết thảy những người và sự tình mà họ gặp phải. Người kiêu căng cho dù có được người khác chỉ ra cái sai thì cũng sẽ không khiêm tốn tiếp nhận, thậm chí cho rằng đó là bởi vì người khác đố kỵ với họ.
Có những người từ nhỏ đã có tư chất thông minh, xuất thân từ những trường đại học lừng danh, ra trường làm trong những đơn vị có tiếng … Năng lực công tác của họ thực sự không còn gì để nghi ngờ nhưng họ lại có một khuyết điểm chí mạng là rất kiêu căng, không bao giờ tiếp nhận lời góp ý từ người khác.
Tự tin có thể trợ giúp một người thành công nhưng quá tự tin, tự kiêu và ngạo mạn lại khiến người ta thất bại. Thậm chí nó còn giết chết tương lai và các mối quan hệ giữa người ấy với những người khác.
Người xưa dạy: “Lao khiêm hư kỷ, tắc phụ chi giả chúng; kiêu mạn cứ ngạo, tắc khứ chi giả đa”, tức là người khiêm nhường có thể đứng trước mọi người, kẻ cậy công ngạo mạn đứng sau mọi người. Lão Tử cũng nói: “Người không tự cho mình là đúng, mới có thể phán đoán phân minh sự tình; người không tự khen mình, công lao của người này mới được khẳng định; người không kiêu ngạo mới có thể thành đại sự”. Cho nên, làm người làm việc đều không nên quá kiêu căng ngạo mạn. Đó cũng chính là điều mà cổ nhân gọi là “khiêm tốn khiến người ta tiến bộ, kiêu ngạo khiến người ta tụt lùi”.
An Hòa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét