23 giờ ·
*...đọc lại 'TƯƠNG LAI [Ở] TRONG TAY TA'!
Cái danh đầu-tiên của sách này có thêm tiếng-từ /ở/ mà tôi đặt trong hiệu-kí [...] ở nhan-đề của tút|status này, các lần in sau, học-giả Nguyễn Hiến Lê đã xóa bỏ tiếng-từ này hay đơn-vị tái-bản sách sau 1975 đã tự í(ý) làm việc này thì tôi không được rõ.
Nguyễn Hiến Lê có viết đâu đó trong hồi-kí của ông, rằng trong hơn 120 tác-phẩm của ông thì 'Tương lai trong tay ta' là một trong những quyển mà ông yêu nhất.
Quyển sách, đương-nhiên là có thể xếp vào thể-loại 'học làm người'–..., theo thông-lệ. Nhưng không chỉ có thế, quyển sách có thể xem là một lời thổ lộ của Nguyễn Hiến Lê về nhân-sinh-quan của chính ông; như chính ông đã nói, "gần với đạo Nho" hơn cả!
Sách được hoàn thành vào năm 1961, học-giả yêu kính của chúng ta sinh năm 1912: 49 tuổi. "...bốn mươi tuổi, ta không còn điều gì ngờ vực; năm mươi tuổi thì biết mệnh trời...."(tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh). Nội-dung sách là những lời tâm tình giản-dị thâm-trầm mà Ô. muốn gửi đến các thế-hệ mai-hậu.
Trong thời ta đang sống, các sách vở viết và dịch về hạng-mục 'tu-thân' hay 'học làm người' đã nhiều đến mức đã có thể chất đầy vài thư-viện lớn. Sao chúng ta vẫn thấy thiếu, mà không rõ là thiếu điều gì? Lửa thiêng của sự chân-thành đâu rồi? Hay còn lại chỉ là những chiêu-thức nhằm vuốt ve tự-ngã của người đối-diện.
Sách của Nguyễn Hiến Lê, cũng như của Hoàng Xuân Việt, của Nguyễn Duy Cần, của Phạm Cao Tùng...và, có thể kể thêm, Phạm Côn Sơn; là những tác-phẩm bàn về việc tu-thân của mỗi người từ góc-độ nguyên-lí – sự khác-biệt giữa tâm-pháp và chiêu-thức là sự khác-biệt giữa gốc và ngọn, tuy rằng chúng có bổ trợ cho nhau. Chúng là những tác-phẩm được viết ra với lửa thiêng của sự chân-thành, cháy lên và toát ra từ niềm hoài-vọng thiết-tha của quí-vị đối với hình-ảnh xứng-đáng của các thế-hệ đến sau. Nhưng, người xưa đã khuất lâu rồi! Hạc vàng đã bay, lầu vắng.
Tôi lật đại một trang trong 'Thuật hùng-biện' của học-giả Hoàng Xuân Việt:
"Ta phải là chứng-nhân [xứng-đáng] cho kẻ mà ta tôn thờ."
Và, lại lần giở tiếp, một trang trong "Tương lai trong tay ta":
"Muốn có thứ quí-phái đó thì phải trau giồi tâm-trí. Không phải ai cũng có thể thành những bậc vĩ-nhân được, nhưng ai cũng có thể và có bổn-phận tự tu tự tiến để cho nhân-cách cao lên, dự một phần nhỏ vào sự tiến-bộ của nhân-loại trong thế-hệ hiện-tại và giúp cho sự tiến-bộ đó trong những thế-hệ tương-lai. Một dân-tộc có vài ba bực tài-đức cực-kì xuất-chúng trong khi đại-đa-số quần-chúng thất-học, thấp kém về mọi phương-diện tinh-thần, đạo-đức, thì những vĩ-nhân đó cũng chẳng làm nên việc gì mà dân-tộc đó cũng không thể gọi là văn-minh được. Tôi còn ngờ rằng một dân-tộc như vậy khó có được những bậc vĩ-nhân, vì ở trong một hoàn-cảnh bất-lợi, những bậc tài-đức khó làm được việc lớn để thành vĩ-nhân. Hơn hai ngàn năm trước nếu Đức Khổng Tử không sinh ra ở trên lưu-vực Hoàng Hà mà sinh ở giữa những cánh đồng cỏ và rừng rậm miền *Tây Bá Lợi Á (Siberia) chẳng hạn chắc đã không lưu lại được sự-nghiệp.
..................(NHL dẫn các thí-dụ Đông-Tây kim cổ)..............
Vậy muốn cho dân-tộc tiến mau, muốn cho nhân-loại tiến mau, sự đào-tạo những bực anh-tuấn tuy quan-trọng mà sự huấn-luyện quần-chúng có phần lại quan-trọng hơn nữa. Mà muốn cho sự huấn-luyện quần-chúng có hiệu-quả thì mỗi cá-nhân phải tự cho mình có bổn-phận tự-tu tự-tiến."
(Tr 152-153. Ấn-bản 2003).
"Tuyết xưa giáng xuống nơi này
Hương trời sắc nước tháng ngày phôi pha"
(C) Trần Ngọc Ninh
16|09|2018.
-------------------------
Nguồn: FB Trần Xuân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét