6 tháng 4, 2019

NGUYỄN THỊ THỤY VŨ

Trần Áng Sơn

Trong số các nhà văn nữ ở Sài Gòn, Nguyễn Thị Thụy Vũ là nhà văn tôi trân trọng nhất. Ngòi bút của chị chứa đựng tất cả những gì làm nên một cây bút có cá tính. Người ta thường nói văn là người, ở Thụy Vũ tôi vẫn thấy văn như thật lòng, mà lòng Thụy Vũ có biết bao là ngổn ngang, u uẩn, thật mộc mạc; nhưng cũng thật tinh tế. Tưởng như nhẫn tâm mà xiết bao thân ái! Trong vô tình, mà chứa đựng biết bao là xót xa!

Cùng một vấn đề tình dục, các nhà văn nữ khác sùng bái khoái cảm, đẩy tình dục đến chỗ ca tụng thân xác, Thụy Vũ cũng khát khao thân xác - nhưng là những cơn khát khao u uẩn, khoái cảm tan nhanh trong hoài niệm, hoang đường, giữa bản năng và siêu linh mang một chút âm sắc của trăm năm cô đơn. Xuyên qua cuộc đời, dấu vết tâm linh sinh lý, cho phép ta nhìn thấy THỤY VŨ là MỘT HỒ XUÂN HƯƠNG TRONG VĂN XUÔI.

Thụy Vũ mô tả suy nghĩ, cũng như cảm giác thân xác một cách chân thật; nhưng là sự chân thật mất mát, tưởng như nắm trong tay, rồi vuột mất trong thảng thốt. Trên đây, là những cảm nhận, qua một số tác phẩm (mà) tôi đọc được của Thụy Vũ. Đọc Thụy Vũ, ta cần phải đọc phiá sau tác phẩm, chính nơi đó mới làm nên sự khắc biệt giữa Thụy Vũ và những nhà văn nữ khác. Ngoài truyện dài, Thụy Vũ còn viết khá nhiều truyện ngắn; theo suy nghĩ chủ quan của tôi, chính ở lĩnh vực này mới là nơi Thụy Vũ thể hiện hút lực... một cách đầy đủ. Tôi đã từng rùng mình, khi đọc truyện ngắn Hạt cơm của Phật. Trong không gian tưởng chừng vô nhiễm, trước đức từ bi vô lượng; con người dù có thoát tục, vẫn có lúc bị bản năng hủy diệt - nhưng không vì thế mà lòng nhân ái từ bỏ thế gian. Và dù muốn hay không, chúng ta vẫn phải chấp nhận bên cạnh cái thiện, vẫn có cái chưa hoàn hảo. Sống là một cuộc hướng thiện nối tiếp, như những thử thách suốt cả kiếp người phải vượt qua.

Sau 1975, Thụy Vũ ngưng sáng tác, chị ở tại Làng Báo chí. Thời gian này, thỉnh thoảng tôi gặp Thụy Vũ. Phải thành thật nhận rằng, Thụy Vũ không được may mắn, Trời cho đẹp như Lệ Hằng, Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng. Ngoại hình suôn đuột, ánh mắt băng giá, khiêu khích; cũng chính là nói (lên) nhiều nhất, không cần ngôn ngữ. Chồng (của) Thụy Vũ là nhà thơ Tô Thùy Yên, trong nhóm Sáng tạo, vì vấn đề lịch sử đã để lại, Thụy Vũ ngày lại ngày đứng trên chồng tác phẩm chính mình viết, chung quanh là giông bão.

Khi ông Mặc Khải (thân sinh Thụy Vũ) qua đời, Thụy Vũ bỏ Sài Gòn về Lộc Ninh ở ẩn. Chị trở thành nông dân với mấy trăm gốc tiêu. Trường văn, trận bút đối với Thụy Vũ, từ nay chỉ còn là hoài niệm. Chẳng cần thốt thành lời, những người đồng cảnh ngộ như Thụy Vũ, đều tự hiểu ngòi bút đang thời kỳ sung sức sẽ biến thành những cơn đau dằng dặc, chưa phải là lúc để nghỉ ngơi. Một nhà văn, ngay cả khi nằm xuống, vẫn không phải là cơ hội đề nghỉ ngơi.

Nếu 1 ngày nào đó, Thụy Vũ đọc những dòng này, lỗi tại tôi mọi bề, xin đừng biến tôi thành con thằn lằn, ăn vụng cơm trên bàn thờ Đức Phật.

Một buổi chiều, trời gần chạng vạng, chợt bóng ai thấp thoáng ngoài cửa. Tôi nhận ra, thấy Thụy Vũ đi cùng Cao Nguyên Lang đứng chờ. Rất ngạc nhiên về cuộc viếng thăm bất ngờ. Chưa kịp hỏi han, Cao Nguyên Lang rủ tôi tới chùa Vĩnh Nghiêm viếng Duy Thái, hiện quàn tại Nhà vĩnh biệt.

Đó là lần cuối cùng tôi gặp Thụy Vũ. Một thời gian sau, tôi nghe tin Tô Thùy Yên đã về. Đó có thể là tin vui đối với Thụy Vũ, nhưng tôi không tin Thụy Vũ sẽ lại sống trong hạnh phúc. Tôi đã đọc được điều này trong ngòi bút, và trong cuộc sống của chị hiện thời.

Có thể, cuộc sống của Thụy Vũ đã nhàn tản hơn, cũng có thể chị đang hạnh phúc, nhưng là thứ hạnh phúc bậc trí giả.

Hình như tôi có phần bi quan?
Còn biết bi quan cũng là hạnh phúc.
Khỉ thật!
-----------
Nguồn: fb Son Lyngoc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét