Để giữ lại những điều đang mất dần (báo trước là bài dài)
Nhớ hồi trẻ, tôi đọc bài Quà đêm trên rạch Tàu Hủ của Bình Nguyên Lộc trên một tờ báo và bật cười với nhận xét của ông khi nghe tiếng rao quà trong đêm Sài Gòn. “Ai ăn, bột khoai...đậu xanh...bún tàu...nước dừa... đường cát hôn!”. Ông bảo đó là tiếng rao mời ra ăn một thứ chè, nhưng điều ngộ nghĩnh là người rao kể rõ tất cả những thứ có trong món chè đó. Rất là thật thà, bộc tuệch, thuộc tính cơ bản của người miền Nam.
Bình Nguyên Lộc phân tích về món chè: “Đó là một thứ quà hỗn hợp và hỗn độn, hình ảnh của những đợt sóng người tràn vào đây khai hoang đất mới, từ ba trăm năm nay. Thứ chè ấy gồm cả những món dùng để nấu thức ăn mặn như là bún Tàu (miến), nấm mèo (mộc nhĩ), vân vân...Thật là hầm bà lằng, xà ngầu”. Ông tiếc là từ mười năm trước, tức khoảng 1950 đã không còn nghe tiếng rao dài bất hủ ấy nữa, lúc ấy các chị bán chè đã có lời rao vắn tắt hơn: “Ai...bột khoai...”.
Với nhiều người Việt, đậm đà trong ký ức tuổi nhỏ êm đềm chính là những tiếng rao, những âm thanh trên đường phố, đặc sắc và đa dạng, kỳ lạ và đầy dấu ấn. Nó lẫn khuất trong ngăn kéo ký ức, hiếm khi nghĩ tới nhưng bỗng nở bung ra, lao xao trong niềm nhớ khi ta động đến.
Cô bạn người Nhật tôi quen kể rằng khi đến Sài Gòn, ngụ khách sạn nhỏ trong một con hẻm ở quận I, không chiều nào cô không ra ngồi ngoài ban công để nghe tiếng rao. Cô nghe, cô bật cười, cô ghi âm, cô ký âm và cô chụp ảnh. Cô thích lời rao của chị bán súp cua, chị bán chè, chị bán bánh tráng nướng. Cô không thích lời rao ghi âm sẵn : “Bánh mì Sài Gòn, đặc ruột thơm bơ”. Cô hỏi về cái ông tối nào cũng lắc những miếng kim loại nghe leng keng đi qua (đấm bóp dạo) là bán món gì. Cô thích thú khi nghe tiếng hủ tíu gõ lóc cóc. Cô mê chụp ảnh ông bán chổi lông gà vì mấy cái lông đuôi gà trống đẹp quá. Những lời rao đường phố không có trên quê hương cô. Cô mơ ước làm một cuốn sách chỉ về những người bán hàng trên đường phố và lời rao của họ. Cô khiến tôi nhớ ra rằng ở Việt Nam hình như chưa có ai quan tâm thực hiện một cuốn sách mô tả những điều đó. Dù nó đang mất dần qua mỗi ngày.
Nhưng có một người Pháp, từ hơn 70 năm trước (1943) đã làm việc này, dù không hẳn là viết một cuốn sách. Ông viết một bài dài về những lời rao trên đường phố Sài Gòn, có vẽ minh hoạ, ký âm từng tiếng rao. Đó là E. Berges. Ông là ai?. Những trang viết để lại của ông thật quý giá, vì nếu không ký ức về chuyện đó sẽ mất đi. Ông làm việc ghi chép lịch sử của đời thường từ những ngày lê la trên đường phố, ở một nơi đối với ông là xứ xa cảnh lạ. Ông hòa vào lớp người thích ghi chép mọi chuyện tai nghe mắt thấy và qua thời gian, những gì họ để lại được hậu thế thích thú vì hấp dẫn, sinh động hơn trong những cuốn sách sử.
“Sáng bửng, Sài Gòn thức dậy trong tiếng rao hàng. Sự ồn ào của hàng ngàn kẻ buôn bán khiến không khí vui vẻ hẳn lên ở mỗi khu phố, mỗi con đường. Tiếng rao hàng vang lên từ Chợ Lớn đến Đa-kao, từ bến tàu Ba Son, Chợ Mới (chợ Bến Thành) đến chợ Cũ (Chợ Hàm Nghi), từ nhà thờ đến nghĩa trang. Suốt bảy ngày trong tuần, dưới ánh mặt trời miền Nam hay dưới cơn mưa tầm tã, họ cứ đi, đòn gánh trên vai hay đội rổ trên đầu, các ông và nhất là vô số bà bán hàng rao vang dưới những gốc me hay phượng vĩ, quyến rũ những người thèm ăn bữa nhẹ hay mua vài món nho nhỏ dằn bụng...
Bữa chiều, vẻ nhộn nhịp đã bớt, những tiếng rao cuối ngày vang lên, dài theo những đường vắng và Sài Gòn lại như đang rung lên theo nhịp điệu lạ lùng của lời rao.”
Ông E. Berges hẳn là một tay quan sát giỏi và mô tả xuất sắc. Có thể do ông là người nước ngoài nên nhìn ra những điều độc đáo đặc trưng trong dáng điệu những người bán dạo trên đường mà chúng ta thấy quen thuộc. Ông tả cô hàng mía ghim: “Cô thon thả trẻ đẹp. Trên cái khăn sáng màu, cô để một rỗ dẹp và rộng, trong đó có những thanh mía nhỏ, cắt sẵn. Khúc mía vàng nhạt, thân mía ngọt ngào, cho răng chúng ta cắm phập vào, ngấu nghiến. Cô bán hàng đi với bước chân mau lẹ và nhịp nhàng. Với một tay, cô điều chỉnh thúng trên đầu, tay còn lại rảnh, điều chỉnh bước đi nhịp nhàng. Cô ta cất giọng lúc này lúc khác thanh tao : “Ai ăn mía không?”. Cô bị vây lại ở đường Norodom (Lê Duẩn) bởi những đứa trẻ với hai xu mua được hai cây mía ghim. Cô để thúng trên lề đường, ngồi chồm hổm, nghỉ mệt một chút, trao đổi những nụ cười và những lời dí dỏm, trong lúc chỗ cô ngồi đánh dấu bởi những mảnh trắng nhỏ của bả mía nhai. Những đồng xu đã được cất kỹ trong túi áo trắng rồi, cô lại cầm thúng lên, kỹ lưỡng và duyên dáng, với nhịp tay đong đưa dễ thương, cô đi mau tới quảng trường đường Pellerin, vừa rao hàng “Ai ăn mía không?”. Có lẽ ông có mỹ cảm đặc biệt với cô bán mía ghim nên miêu tả cô kỹ như vậy. Khi nói về cô bán cháo cá, ông không hề nhắc đến nhan sắc, mà chỉ nói về dáng điệu của cô và cách bán hàng: “Đã 5 giờ chiều, từng lúc, dài theo đường Legrand de la Liraye, cất lên giọng rao hàng ngắn của cô hàng bán cháo cá. Cô dừng chân góc đường Lareynière, để xuống vỉa hè hai nồi đựng, xếp xếp mau lẹ những chén trên mâm bằng tre, ở giữa hai nồi cháo, quạt lửa hong nóng nồi cháo và phục vụ cho những khách vội vã thích ăn cháo cá hay đậu nấu nhừ. Thỉnh thoảng, cô đổi món hằng ngày và rao “Ai ăn cháo cá, bún không?”.”. Ắt hẳn ông đã quan sát cô nhiều ngày mới nhận ra sự thay đổi thực đơn như vậy, hôm nay là cháo cá và đậu nấu nhừ (có lẽ là món cháo đậu). Lúc khác món đậu đã thay bằng món bún.
Những bà giá bán hàng trên phố luôn làm tôi băn khoăn. Họ đã quá lớn tuổi để dãi nắng dầm mưa. Sài Gòn bây giờ vẫn còn những bà già như vậy. Đó là bà bán ngó sen trên lề đường Pasteur gần bảo tàng Thành phố. Là bà bán bánh tráng nướng người Quảng Ngãi hay vô xóm tôi. Các bà già hay mỉm cười, khiến khách hay mua vì thương thương, tội tội. Hồi xưa, ông Berges cũng thấy một bà bán hàng như vậy: Bà già bán chè đậu đen. Bà mặc áo đen, đầu đội hờ hững một cái khăn trùm màu sắc lạ lẫm, mà hơi nóng của chè làm cho bạc màu vải. Bà đi trên đường Mac Mahon (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa), rao lớn tiếng về nồi chè của bà, bằng giọng vui vẻ: “ Ai ăn chè đậu đen nấu đường không?”. Một người phụ nữ khác, một bà ăn mày mù cũng lọt vào đôi mắt quan sát của ông: “Khoảng 20 giờ tối, mặc toàn đen, bà đến khu Đa-kao, men theo đường Verdun qua tắt đường Legrand de la Liraye (Điện Biên Phủ). Tóc bạc trắng được nón che phủ, giỏ cói trên lưng, ca xin ăn cầm trên tay, tay kia gậy dò đường, bà đi chập chững, rất nhẹ nhàng, buông câu khẩn cầu xin ăn buồn và chậm: “ Tôi cúi đầu lạy ông, lạy bà, lạy cô, lạy bác, làm phước cho con xin đồng xu mua chén cơm ăn”. Sau khi được vài xu con, bà cảm thán như sau: “ Đội ơn ông bà cô bác làm phước !””.
Lũ trẻ nhỏ kiếm sống trên đường phố thời nào cũng có. Ở đó, trẻ nít dễ kiếm sống hơn người lớn vì không bị xét giấy tờ, bắt quân dịch và dễ luồn lách, trốn chạy khi bị xua đuổi. Chúng bán những thức ăn chế biến sẵn và đơn giản, những thứ cần dùng ngay như sách báo, dịch vụ tại chỗ như đánh giày. Ông Berges luôn quan sát chúng bằng đôi mắt dí dỏm dù ra vẻ lơ là. Đó là những đứa trẻ bán đậu phộng rang và hạt dưa: “Chúng có hai đứa, tuổi chừng tám đến mười, để tóc cẩu thả bay theo gió, ánh mắt ranh mãnh. Chúng đi trên đường Pellerin, chú ý đến sự náo nhiệt của đường phố, cười giỡn, rượt bắt với nhau, thỉnh thoảng chửi bới, và đột ngột chỉnh sửa lại túi bán hàng rồi rao: “đậu phộng rang, hạt dưa”. Các món này gói trong giấy báo. Khách đến mua xong quay đi ngay, khéo léo tách hạt dưa ra khỏi vỏ ăn, và giống như cậu bé Tý hon trong truyện cổ tích thời nay, gieo rắc những vỏ đậu xuống mặt đường...Còn những đứa bé thì tiếp tục đi bán, ngoác mồm rao lớn giọng, không để ý đến giờ nghỉ trưa, vì lúc đó mới gần 2h trưa (tức 1 giờ chiều ngày nay). “Đậu phộng rang, hạt dưa không !”. Có khi chúng là những đứa bé bán báo: “Chúng tràn ngập trên đường Catinat (Đồng Khởi), ở những quán cà phê vỉa hè. Chúng rượt đuổi theo những bộ hành nhàn nhã, bằng những tiếng rao mời khó chịu mà tấn công liên tục những khách uống bia. Chúng lặp lại câu tiếng Pháp soạn sẵn: “pignon m’chieu” (pi-nhơn si-ơ). Có nghĩa là “L’ opinion, monsieur” mặc dù chúng còn bán những báo khác. Trên đại lộ Norodom (nay là Lê Duẩn), tại trạm gác của anh cảnh sát, trước nhà thờ, chúng chộn rộn, hệt những lũ chim sẻ, rình mò những người xích lô và xe kéo, chạy lẹ tới họ, vừa chạy vừa lấy tiền, cũng bằng tiếng Pháp cọc cạch mà rao bài hãi: “pignon si ơ”. Chúng cũng rao những báo chữ Việt “Điện Tín, Sài gòn ngày mai, thầy”, “Kể từ ngày mai, thưa ông!”. Không thể nào từ chối những lời mời như vậy!”. Vào những chiều, khi nhà xổ số địa phương mở ra, cũng những đứa trẻ đó ngang dọc các đường phố, khoảng 22 giờ, bán vé số dò vé số trúng. Và sau đây là những lời tâng bốc sự giàu sang : “Lô-tơ-ri, giấy dò số Đông Pháp, thầy !”. Những đứa trẻ đó không bao giờ về tay không, xổ số giúp chúng nó được việc.”. Có khi là thằng nhỏ bán bánh men, thứ bánh bây giờ chúng ta không thấy ai bán dạo nữa: “Nó để đầy bánh trong thùng gắn kiếng. Bánh nó làm bằng bột gạo lên men, rắc lên bánh loại bột thơm đậu và nước dừa. Nó đi bán trên đại lộ Catinat (Tự Do), với thùng bánh trên vai và rao:“Ai ăn bánh men nước dừa không?”
Theo quan sát của ông Berges, trên đường phố Sài Gòn 73 năm trước, người bán hàng rong đa phần lại là đàn ông. Có thể do họ có sức khỏe, có thể mang vác nặng và chịu được mưa nắng. Đàn ông người Hoa cũng thường ra ngoài buôn bán, từ gánh hàng trên vai có thể trở thành cự phú như Quách Đàm, chú Hỏa...So với mặt hàng của phụ nữ thường là hàng ăn, đàn ông bán đủ thứ tùy theo sự thuận tiện và xuất thân của họ.
Đó là chú bán chổi lông gà: Chú đi bán từ sớm, chân trần, nón vải mềm mất nếp, chổi lông gà lớn nhỏ dựng đứng trên vai. Chú để chổi trên vai hay cầm trên tay, trông giống như chú có hàng đàn gà mái miền Nam với những bộ lông tuyệt đẹp. Chú canh những chàng giúp việc trong những nhà người Âu, lôi kéo họ bằng những lời rao ngắn gọn: “ Chổi lông gà không ?”. Đến giờ, trong xóm của tôi ở Phú Nhuận, tôi vẫn thấy một người đàn ông đi xe đạp chở chổi lông gà, chổi ngắn phủi bụi và chổi cao quét trần nhà gắn lông gà trống màu nâu đỏ khá đẹp.
Những người bán chiếu bông: Trên đầu đội khăn, ông kỹ lưỡng xếp những chiếc chiếu bông đẹp nhất, đi ra đường Duraton, sau đến đường Chasseloup- Laubat (Võ Văn Tần). Trong hai mươi bước chân, ông rao bảy lần: “Chiếu không?”. Lại có người bán chiếu khác, đội mũ mềm xanh lá, gánh đòn gánh tre trên vai, mỗi đầu gánh để những chiếc chiếu bông tuyệt đẹp Cà Mau và rao bằng giọng mũi “Chiếu bông Cà Mau”. Đến giờ vẫn còn những người bán chiếu bông, rao vỏn vẹn một câu ngắn: “Chiếu đê!”. Họ đẩy xe có hộc sắp chiếu theo chiều dọc mấy tầng.
Chú Chệt (Hoa) mua ve chai: Chú đi mua hàng trong nhiều đường cái, đường tắt, mà ở Sài Gòn có hàng trăm con đường như vậy. Hai cần xé bự và cái đòn gánh, đó là tất cả dụng cụ của chú. Tiếng rao hàng nghe thê lương, nhói tim, vỡ ra như tiếng ếch kêu to và thình lình: “Ve chai !”. Ai biết được hoàn cảnh của những chai rượu whisky, pippermint và những chai rượu Bourgogne lâu đời. Tất cả đều vô cần xé ve chai.
Người bán bánh mì và đồ hộp: Tôi gặp ông tại đường Champagne vào giờ ăn xế trưa. Ông đeo trên bụng, quấn trên cổ bởi sợi dây vừa bện lại một cần xé nhỏ đậy bằng một tấm ván,. Tay mặt, ông cầm một ghế xếp cao. Ông làm tôi liên tưởng đến cái “hộp to” dùng để chơi nhạc của một ban nhạc. Ông rao: “Cá hộp, bánh mì”. Có một người khách! Nhanh chóng: ghế xếp mở ra, giỏ đựng bánh để lên, bánh mì đã sẵn, được cắt bằng dao nhỏ, chan một chút xốt, nước tương, thịt heo quay cắt nhỏ, một chút tiêu hột đã xay. Đây món xăn-uých. Đến người kế tiếp...
Với những ông thích rượu đế, có cơm rượu. Một đứa trẻ bán, có hai gò má đỏ hồng và mắt nháy bằng giọng rao hơi rè – người bán này cũng có thể là khách hàng của nó luôn (có ý nói nó vừa bán hàng vừa ăn cơm rượu).
“Ai ăn cơm rượu không?”. Với 2 xu, chúng ta có một tách nếp lên men, có mùi vị như rượu đế, ta có thể thêm nước đường nếu yếu bao tử.
Người bán tiết canh: Rao lớn tiếng, núp dưới cái thúng to tướng. “Ai ăn tiết canh không ?”. Trong cái thúng to đó, có những đĩa đựng đầy máu heo, còn tươi đọng lại. Cắt nhỏ gan heo nướng. rải lên trên đậu phộng giã mịn, rau răm, muối, tiêu. Trông rất đẹp mắt. “Ăn rất bổ”, người bán hàng nói.
Người bán khoai lang: Bà hơi gầy, giọng nhạt nhẽo, dịu dàng như khoai. Bà đi chậm rãi ở khu Đa-Kao, đầu đội khăn, cái thúng bằng phẳng và cân đối. Trên khăn chất đầy khoai màu tím nhạt, cái trắng cái vàng. Bà rao trước tiên: “Ai ăn khoai lang không?”. Rồi rao dứt dạc hơn: “ Ai ăn khoai lang bí!”. Sau rốt bà rao, sau khi điều chỉnh giọng, cho món ngon nhất: “ Ai ăn khoai lang nấu đường không?”. Ta có thể hết cơn đói, sau khi ăn ba món khoai này.
(Hết trích)
...
Kỹ thuật mô tả của ông là tuyệt đỉnh, dù chỉ dùng để tả hiện tượng rao và bán hàng trên đường phố. Trong đó, có dấu ấn về cách làm việc của người phương Tây: tỉ mỉ, chi tiết, cẩn trọng và vận dụng mọi giác quan để cảm nhận điều họ muốn nghiên cứu.
Phạm Công Luận - Sài gòn chuyện đời của phố tập 4-2017
Bài viết sử dụng tư liệu trong cuốn CRIS DES RUES AU VIETNAM HAIKU de Ioin 2 do P.A.F (Pour l’analyse du folklore 1980). Tranh minh họa trong sách không rõ tên tác giả
-------------
Nguồn: Fb Phạm Công Luận
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét