A. CÁC LOẠI - CATEGORY
Chương-trình tối-thiểu của Noam Chomsky mang một tham-vọng là có thể mô tả ngữ-pháp của một ngôn-ngữ bằng những ngữ-vật|(language-object) đơn-giản nhất và với số-lượng ngữ-vật ít nhất có thể. Đường-hướng được lựa chọn ở đây là đường-hướng hình-thức: cơ-cấu của câu và tương-quan vị-trí giữa các tiếng-từ|morphem là điểm xuất-phát để định Loại|Category và Chức-vụ|Function; í-nghĩa của tiếng-từ vẫn được xét đến và phối hợp cùng cơ-cấu hình-thức, nhưng í-nghĩa được xét đến sau và không nên đặt ra một cách tiên-định.
(0) →[0.A]Từ & các Loại|category-Từ trong Việt-ngữ !
(Hay là năm loại cú-pháp trong Việt-ngữ; chưa tính đến các đoạn-dạng.)
Học-giả Nguyễn Hiến Lê đã từng rất phân-vân về vấn-đề này – từ 'Để hiểu văn-phạm' cho đến 'Khảo luận về ngữ-pháp Việt Nam' – đến mức ông đã đi tới một nhận-định: Trong Việt-ngữ, các tiếng-từ|dạng-vị|morpheme không có loại|category nhất định và việc phân định loại từ không giúp ích gì cho người học cả, nên bỏ nó đi cho đỡ rối. Ông & nhà nghiên-cứu Trương Văn Chình đề nghị một cặp niệm-thể mà tôi nghĩ là thần-sầu, cho đến nay vẫn được sử dụng (dù là dưới những cái tên khác): từ-tính & từ-vụ.
'Khảo luận về ngữ-pháp Việt-Nam' đã là một sự khai-phá lớn lao về ngữ-pháp Việt-ngữ, GS TRẦN NGỌC NINH [TNN] đã nhận như vậy cùng với các quyển sách khác của LM Lê Văn Lý & học-giả Nguyễn Bạt Tụy...và từ cái nền vững chãi của một thế-hệ vàng đó, ông đã tiếp tục đi tới. Kiên nhẫn, bền bỉ, âm thầm ...để tiến đến 'Cơ-cấu Việt-ngữ' rồi 'Ngữ-pháp Việt-Nam.2017' dưới ánh sáng duyên-khởi & trung-đạo của Phật-học, dưới ngọn đèn dẫn đường của cơ-cấu-pháp và học-thuyết ngữ-lí của Noam Chomsky. Theo tôi, với 'Ngữ-pháp Việt-Nam.2017', ngữ-pháp Việt-Nam thực sự đã thành.
00. Việt-ngữ là một ngôn-ngữ có ngữ-pháp|grammar.
01. Trong Việt-ngữ chỉ có những dạng-vị|morpheme.
Các dạng-vị kết hợp với nhau theo những qui-lệ ngữ-pháp để làm thành những câu|sentences có í-nghĩa, tức là một xây-dựng có ngữ-pháp-tính. Trong đó, các kết-hợp dạng-vị được gọi là Từ.
Các /dạng-vị/ có thể gọi một cách giản-tiện là các /tiếng-từ/. Khi các tiếng-từ này đứng độc-lập và trơ-trọi, tách biệt khỏi mọi đồng-văn|context và hoàn-cảnh thì khi đó, chúng chưa có Loại cú-pháp (N/V/A/P/C <---> danh-từ/diễn-thuật-từ/cận-từ/tiền-vị-từ/dẫn-cú-từ). Chúng chỉ mang trong mình những nét|feature hướng về một Loại (cú-pháp) nào đó.
Khi đã được vào trong một câu có ngữ-pháp-tính, chúng mới có Loại. Sự phối-hợp với các dạng-vị chức-vụ và cơ-cấu của câu – đầu tiên là tương-quan vị-trí – sẽ định rõ Loại và chức-vụ của chúng.
Thí-dụ: dạng-vị /bàn/.
(a) (Cái bàn này)(1) (đã được)(2) ông thợ mộc (đóng xong rồi)(2).
----> trong (a): (1) là NP|Noun-Phrase|thành-phần danh. Trong đó, /bàn/ là dạng-vị chót/căn N1 của danh-từ /cái bàn/ có cấu-tạo N2-N1, N2 bao trùm N1; /này/ là cận-từ cận-danh AN, có thể gọi là cận-từ chỉ-định.
b) Chúng tôi (còn đang bàn)(3) về từ-nguyên của các tiếng-từ /thì, mà, là/.
----> trong (b): (3) là VP|Verb-Phrase|thành-phần diễn. Trong đó: /bàn/ là diễn-thuật-từ căn (V căn), /còn/ & /đang/ là các diễn-thuật-từ phụ (V-aux) giúp chỉ định mốt|mood, thì|tense, sắc|aspect của Từ diễn-thuật /bàn/.
Verb trong Việt-ngữ là một khúc/đoạn lời chứ không phải là một tiếng-từ duy nhất.
→[0.B] * Định-đề: Trong Việt-ngữ, thường thì chỉ khi nào đã vào trong một câu với một cơ-cấu đã vững-vàng thì các [khúc] tiếng-từ mới có Loại (N, V, A, P, C, đd) cố-định và chức-vụ (chủ-tử, diễn-tử, bổ-tử, cải-tử) rõ-ràng; khi đó , chúng mới được thành một Từ (viết với T hoa).
* TRUNG-ĐẠO|CON-ĐƯỜNG-GIỮA CỦA GS TRẦN NGỌC NINH
Đối với việc xác-định Loại|category của các tiếng-từ|morpheme hoặc một khúc tiếng-từ, cách xác-định của ngữ-pháp truyền-thống là dựa trên í-nghĩa|í-niệm|nội-dung mà các tiếng-từ đó mang chứa. Í-niệm vật-thể/sự/... để xác-định 'danh-từ', í-niệm hoạt-động để xác-định 'động-từ', í-niệm tính-chất/hình-dung để xác-định 'tính-từ'...Cách xác-định Loại của các từ, nếu chỉ dựa trên í-nghĩa; đã gặp những trở ngại rất khó vượt qua.
Thí-dụ:
a) tiếng-từ /đẹp/ trong các câu sau thuộc Loại nào, N|danh-từ, V|diễn-thuật-từ|[*động-từ], hay A|cận-từ|[*tính-từ] ?
a.01) → Cô gái [rất] đẹp ấy vừa rời khỏi quán cafe để leo lên một chiếc xe bốn chỗ rất đẹp.
→→ /đẹp/ trong câu này là cận-từ cận-danh AN.
a.02) → Hôm nay, bạn X múa [rất] đẹp.
→→ /đẹp/ trong câu này là cận-từ cận-diễn AV.
a.03) → Cô ấy đẹp lắm!
→→ /đẹp/ trong câu này là từ V|diễn-thuật-từ
a.04)→ Cái đẹp, cái hùng-tráng, cái tôn-nghiêm là những điều mà bất-kì một áng-văn chính-luận nào cũng phải hướng tới.
→→ /đẹp/ trong câu này lại là dạng-vị chót N1 của từ N /cái đẹp/ có cấu-tạo N2-N1; trong đó /cái/ là loại-danh|sortal đứng trước và "bao trùm".
b) khúc /năm con/ trong câu sau có Loại là gì?
"Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng"
c) khúc /Sở Khanh/, ....
"Thằng XY nó Sở Khanh lắm".
→→ không những từ N /năm con/ mà đến cả tư-danh|tên-riêng /Sở Khanh/ cũng có thể là diễn-thuật-từ|từ-V; với chức-vụ là diễn-tử.
Ngữ-pháp mới đặt căn-bản trên hình-thức & cơ-cấu; trong đó, việc xác-định Loại của các tiếng-từ trước tiên phải dựa trên hình-thức – đầu-tiên là tương-quan vị-trí và mô-hình cơ-cấu của câu trong một đồng-văn|context nhất định – nhưng vẫn không rời bỏ nội-dung/í-niệm (của tiếng-từ); tuy nhiên, nội-dung phải được xét đến sau và không nên đặt ra một cách tiên-định.
Đó là con-đường-giữa mà GS Trần Ngọc Ninh đã lựa chọn, từ thập-niên 60-70 của thế-kỉ trước.
Tuy đã chọn đường-hướng của Noam Chomsky là khảo-hướng chính, nhưng trong 'Ngữ-pháp Việt-Nam.2017', ông vẫn viết: "Không phải tất cả những gì Noam Chomsky nói hay viết ra đều như Thánh Kinh thiên-khải bất-khả-tư-nghị".
Tinh-thần của một người làm khoa-học!
Việt-ngữ sẽ có các Loại cơ-bản sau:
(I) Loại N|Noun|danh-từ
* Danh-từ|Từ-N trong Việt-ngữ có cấu tạo:
Nn⊇Nn-1⊇Nn-2⊇....⊇N2⊇N1
cái cây rau cải bẹ
cái xe ô-tô
[cái] nỗi buồn
→ từ Nn đến N2 là loại-danh|sortal,classifier, trong đó, loại-danh Nn đứng trước bao trùm loại-danh Nn-1 đứng sau cho đến N1|biệt-danh. Các loại-danh là những danh-từ chính cống đã được ngữ-pháp-hóa để làm những dạng-vị chức-vụ nhằm chỉ rõ phạm-trù hệ-loại của Từ N và, đồng thời là một từ chỉ-điểm để chỉ rõ rằng cái khúc đang được nói đến là danh-từ|Từ-N. (n≤5 và hiển nhiên là một số nguyên).
→→ N0 sẽ là tên-riêng|tư-danh|proper-noun
Một thành-phần danh|Noun-Phrase có thể có thêm lượng-số-dạng q|quantifier – /những, mỗi, các, mọi, một, hai, .../ – đi trước.
Trong ngữ-pháp-mới, nay người ta gộp loại-danh Nn-N2 và lượng-số-dạng q lại thành một loại gọi là ĐIỂM-DẠNG|DET|D|DETERMINER để chỉ điểm một tiếng-từ hay một khúc nào đó trong câu là danh-từ. Nếu một câu thiếu vắng các điểm-dạng thì lúc đó, ta sẽ căn cứ vào cơ-cấu của câu để định Loại và chức-vụ cho các tiếng-từ; nhiều khi, vì thiếu các từ D, nên Loại của các tiếng-từ trong câu có thể trở nên lưỡng-khả.
* Lớp danh-từ nhập tịch từ Hán-ngữ, loại-danh sẽ nằm ở đuôi của Từ; và đối với lớp tiếng-từ này, nên có vạch nối (-) khi viết: độc-giả, danh-từ, diễn-thuật-từ, ....
(II) Loại V|Verb|diễn-thuật-từ
→[II.A] 'Khảo-luận về ngữ-pháp Việt-Nam'|[KLVNPVN] của học-giả Nguyễn Hiến Lê đồng-soạn với nhà ngữ-lí Trương Văn Chình rồi sẽ là một trong những cột-mốc chói-lọi của nền ngữ-lí-học Việt-ngữ. Trong đó, [hai] tác-giả đề nghị: khi đối diện một tiếng-từ trong một câu đã thành (tức là có đầy đủ ngữ-pháp-tính) chúng ta nên phân-biệt giữa từ-tính và từ-vụ của chúng.
{Từ-tính là tính-chất của [tiếng]-từ đó, danh-từ hay *trạng-từ|*động-từ hay *tính/tĩnh-từ. Còn /từ-vụ/ là danh để chỉ đến chức-vụ mà một tiếng-từ đảm nhận trong một câu đã thành.}
Đối với người viết những dòng này, thì 'từ-tính' và 'từ-vụ' là một cặp niệm-thể thần-thánh. Cặp niệm-thể này khi đi vào trong ngữ-pháp-mới mà GS Trần Ngọc Ninh đã đại-thành sẽ là (i) Loại|category của một tiếng-từ và (ii) chức-vụ|function mà tiếng-từ hoặc khúc tiếng-từ đó đảm nhận trong một câu.
Trong KLVNPVN, danh /verb/ theo từ-tính được dịch là /trạng-từ/ (từ để trỏ một sự-trạng; xin đừng nhầm với danh /trạng-từ/ mà ngữ-pháp truyền-thống dùng để dịch adverb); còn theo từ-vụ, danh này được dịch là /thuật-từ/ (từ làm nhiệm vụ kể, thuật, nói...; theo đúng nghĩa từ-nguyên của danh verbum trong Latin-ngữ). Trong Pháp-ngữ, Nguyễn Hiến Lê càm ràm, để trỏ /từ-tính/ và /từ-vụ/ của *động-từ (tiếng-từ này nên bỏ đi, trong ngữ-pháp-mới) người ta chỉ dùng duy nhất một chữ /verbe/. /Verb/, một tiếng-từ với hình-thức và í-nghĩa/nội-hàm đã được định rõ suốt mấy nghìn năm ở phương Tây, thì khi gợi nhắc đến nó, người ta hiểu liền; còn nền ngữ-lí-học Việt-Nam chúng ta chỉ mới được lập thành trong khoảng hơn trăm năm trở lại, thì việc dùng một cái danh hợp-lí để gọi tiếng-từ này là một vấn-đề không nhỏ, nếu không muốn nói là quan-yếu; vì cái danh sẽ dẫn dắt tư-duy của người học. "Danh có chính, thì ngôn mới thuận".
Những người đầu-tiên đặt hòn đá tảng cho ngữ-pháp Việt-Nam – tôi tính từ mốc của Cụ Trần Trọng Kim & các đồng-sự với 'Việt-Nam văn-phạm'– đã theo các học-giả Trung Hoa mà dịch /verb/ là [*động-từ]. Và dạng-vị /động/ trong danh /động-từ/ (từ để chỉ hành-động) đã khiến không biết bao nhiêu người lao-đao trong tư-duy vì í-nghĩa mà dạng-vị này mang theo đã khiến tư-duy lạc hướng khi định Loại cho các từ-V|diễn-thuật-từ trong một câu đã thành.
Thí-dụ: Trong các câu sau, diễn-thuật-từ|Từ-V là các [khúc] tiếng-từ nào?
(i) Cái li này thì /đẹp/.
(ii) Cô gái ấy /đã từng/ rất /đẹp/.
(iii) Ông A /đã/ rất /nóng-nảy/ khi /xử lí/ sự-việc vừa rồi.
(iv) "Thuyền tình vừa ghé tới nơi
Thì [đà /trâm gãy bình rơi/] bao giờ"
(v) "Ra đường thiếp /hãy còn son/
Về nhà thiếp [đã /năm con/] cùng chàng"
Dạng-vị /đẹp/ nếu đứng trơ trọi tách biệt khỏi mọi đồng-văn|context thì chỉ là một tiếng-từ căn có những nét|feature [có thể] hướng về loại A|cận-từ|[*tính-từ], loại V|diễn-thuật-từ, loại N|danh-từ. Khi đã vào trong một câu đã thành, thì sự phối-hợp với các dạng-vị chức-vụ và cơ-cấu hình-thức của câu mới cho phép ta định rõ Loại và chức-vụ của tiếng-từ đó; và khi đó, chúng mới được thành một Từ (viết với T hoa).
Trong (i) & (ii), /đẹp/ & /đã từng ....đẹp/ là hai từ-V|diễn-thuật-từ của câu. /đã từng...đẹp/ là từ V đã được chia với dạng-vị chức-vụ /đã từng/ nhằm diễn đạt các phạm-trù của căn V /đẹp/.
Các dạng-vị chức-vụ nhằm hỗ trợ cho các căn V trong một câu đã thành của Việt-ngữ – trong status|tút này, tôi sẽ không đi sâu thêm vào vấn-đề danh của các dạng-vị này, vì tút này được viết để cho người Việt đọc về ngữ-pháp Việt; trực-giác ngữ-lí của một người bản-ngữ sẽ giúp chúng ta hiểu mà tạm thời bỏ qua vấn-đề danh-pháp – bao gồm các chuỗi:
→đã, đang, vừa/mới, sắp, sẽ
→có, còn, cứ, càng, cũng, cùng
→không, khôn, khổng/hổng, khỏi
→chẳng, chưa/chửa, chớ, chỉ,...
→đâu, đ*, đếch, đừng
....Trong ngữ-pháp-mới, đề nghị bỏ các danh [*động-từ], [*trạng-từ], [*vị-từ].
→→[II.B] * LỊCH-SỬ HỌC-THUẬT NHƯ LÀ LỊCH-SỬ CỦA CÁC DANH|TERM!
"Danh là khách của Thực." [Trang-tử]
Đối với những quyển/[bộ] sách lớn và giá-trị, có nội-dung đặc-sắc; hệ-thống tư-tưởng có cơ-cấu một cách rõ rệt thì thường thường ta có thể tóm-lược được nội-dung của nó trong một vài trang sách, một vài đoạn văn, và nếu đi đến một chừng-mực giới-hạn: thì là một vài danh-[từ]. Việc nắm vững hệ-thống danh với những í-nghĩa|nội-dung đã được đồng-văn|context của sách chỉ rõ là cửa ngõ đầu tiên để ta bước vào nội-dung của quyển sách, là một hệ-thống có cơ-cấu đã thành với những mối liên-hệ vô-hình và vô-sắc và chúng, những mối liên-hệ ấy chỉ hé lộ phần nào cho ta qua những chuỗi tiếng-từ|morphem đã được sắp xếp.
Lịch-sử của một khoa-học – như triết-học, như văn-chương, như ngữ-lí-học..., và nhất là ngữ-lí-học|linguistic – có thể được nhìn dưới góc-độ lịch-sử của các danh|term được dùng để chỉ đến các quan-thể|entity trọng-yếu của môn khoa-học ấy. Lịch-sử hơn trăm năm của nền ngữ-lí-học Việt-ngữ cho ta thấy điều ấy.
'Noun' được dịch là 'danh-từ', từ để chỉ đến cái danh. Vậy thì rộng lớn quá, bao trùm quá – bất-kì một pháp nào (theo nghĩa của Phật-giáo) khi đã hiện-thành trong cõi đời này mà không cần một cái danh để thiên-hạ sử dụng khi nói chuyện với nhau? – nên từ Nguyễn Giang (con trai của Cụ Nguyễn Văn Vĩnh) trong 'Cách đặt câu' cho đến Trương Văn Chình & Nguyễn Hiến Lê trong 'Khảo luận về ngữ-pháp Việt Nam' và nhiều người nữa đến sau...đã đề nghị dịch /noun/ thành /thể-từ/, từ để chỉ đến một cái thể nào đó...; nói chung là thu hẹp lại nội-hàm của cái danh để dịch 'Noun' trong Việt-ngữ. Vấn-đề này không lớn lắm, vì việc lựa chọn danh /danh-từ/ hay danh /thể-từ/ là tùy thuộc vào quan-điểm triết-học của mỗi tác-giả.
Lịch-sử của một dân-tộc để lại những dấu-vết trong cơ-cấu ngôn-ngữ của dân-tộc ấy. Việt-ngữ của chúng ta không là ngoại- lệ. 'Nguồn-gốc Việt-ngữ' đã thất-tung trong một quá-khứ mờ mịt và xa xăm, kể cả quyển sách với cái danh được đặt trong hiệu-kí '...' mở đầu câu này. Tuy vậy, những nghiên-cứu về từ-nguyên của Việt-ngữ sẽ mãi mãi còn được viết ra cho đến khi mặt trời già nua và tắt nắng; nếu dân-tộc Việt còn, cho tới khi ấy. Sự xâm-nhập của Hán-ngữ đã làm giàu thêm cho Tiếng-ta với sự thu-dụng rất nhiều tiếng-từ từ Hán-ngữ; đồng thời, trong nghìn năm nô-thuộc, Hán-ngữ đã xâm nhập phần nào vào tận xương-tủy của ngôn-ngữ chúng ta: tức là vào trong cơ-cấu ngữ-pháp. Trong Tiếng-ta, danh-từ đi trước và cận-từ cận-danh đi sau, như /người đẹp/; Hán-ngữ thì ngược lại, như /mĩ-nhân/. Sự đối-nghịch về tương-quan vị-trí trong cơ-cấu của danh-từ đã khiến trong Việt-ngữ chúng ta có những xây-dựng mà, những người rành Hán-ngữ cho là sai hoặc dư-thừa, như : 'sông Hồng-hà', 'vua Hùng-vương', 'đường trung-tuyến', 'con đường độc-đạo'...vv...Không sao cả, chúng ta cứ dùng và xem cái khối có hai âm-vận được kết liên bằng cái dấu vạch nối ( - ) ấy là một tiếng-từ và chỉ trỏ tới duy-nhất một niệm-thể; một tiếng-từ, khi muốn được vào trong Tiếng Ta thì phải nhập tịch, nghĩa là theo đúng cơ-cấu danh-từ của Việt-ngữ; nên tôi nghĩ rằng việc loại-danh đi trước của Tiếng Việt trùng với vĩ-phần đi sau của một từ Hán-ngữ là một việc, mà những người nhiều chữ-nghĩa và rành logic nên lượng thứ cho những người bản-ngữ ít học, chỉ sống với tiềm-thức ngữ-lí của dân-tộc.
Nền ngữ-lí-học hiện-tại của đất-nước chúng ta, phần lớn đi theo Halliday với những cải-biến được mang đến đa-phần từ 'Khảo luận về ngữ-pháp Việt Nam' – là một trong những tác-phẩm trấn-sơn của nền ngữ-lí-học Việt-ngữ, và tác-phẩm này thì lại hơi nghiêng về phía cơ-cấu-pháp. Cơ-cấu-pháp sẽ nghiên cứu cú-pháp với xuất-phát điểm là (i) hình-thức – tức là trước hết, từ tương-quan vị-trí của các tiếng-từ trong một câu để định ra các loại-từ cũng như chức-vụ mà chúng đảm nhận; trong khi đường-hướng của Halliday phát xuất từ (ii) í-nghĩa đã được định sẵn của các tiếng-từ cũng như của câu để mà định danh và phân loại. (i) và (ii) là hai tiên-đề để từ đó mỗi người sẽ lựa chọn đường hướng mà khởi đầu sự-nghiệp của mình về nghiên-cứu ngữ-lí. Cuộc chiến tranh ngữ-lí ở trời Tây đã kết thúc từ lâu; và cũng chẳng ai chứng minh được giữa (i) và (ii), cái nào đúng và cái nào sai; cũng như tất cả các khả-năng có thể có từ sự kết-hợp và hoán-vị (i)&(ii). Đứng trước bức tường của sự bất-khả-tri, người ta buộc lòng phải lựa chọn – đánh cược theo kiểu của Pascal – và tôi chọn (i): cơ-cấu hình-thức đi trước, í-nghĩa đi theo sau nhưng í-nghĩa phải được suy ra trước-tiên là từ hình-thức chứ không được đặt ra một cách tiên-định. Cũng như trong tiếng-từ 'nhân-duyên' của Phật-học, /duyên-[khởi]/ phần nào còn quan-trọng hơn /nhân/.
Viết đến đây, tôi thấy mình đã viết lung tung, vì đi lạc khỏi nội-dung chính mà cái tiêu-đề đã gợi nên. Xin được trở lại.
'Verb' là một tiếng-từ đã xuất-hiện từ cách đây mấy nghìn năm. Từ cái gốc Latinh ban đầu hay trước nữa là cổ-Hellen hay..., (giờ tôi lười tra google..); nó di chuyển vào trong ngữ-vựng của các dân-tộc lớn ở Âu-Tây nhưng vẫn giữ cái căn|root ban đầu của nó – từ dùng để nói/thuật/kể. Một cái danh đã định và chỉ thẳng đến một niệm-thể trong tâm-thức của bất kì một người Âu-Tây nào; nên đối với họ, danh 'verb' không phải là một vấn-đề khi đối diện một câu có ngữ-pháp-tính và suy nghĩ để định loại|category của các tiếng-từ trong câu.
Nhưng trong Việt-ngữ, khi các Cụ tiền-bối của chúng ta theo các học-giả Trung Hoa để dịch 'verb' thành 'động-từ' thì nó bỗng trở thành một vấn-đề lớn, gây không biết bao nhiêu trở-ngại cho tư-duy của người học – tôi đang nó đến chính tôi, một người trì-trệ trong những ngày hoa-niên còn ngồi trên ghế nhà trường, cứ rán đi tìm một tiếng-từ có í-nghĩa mang sắc-thái "động" để gán cho nó cái danh 'động-từ' – chỉ vì cái dạng-vị /động/ mà danh này mang chứa.
Và thậm chí, nó đã đẩy ngữ-pháp Việt Nam đi vào một cõi mông-lung khi có người đã cho rằng 'trong Việt-ngữ, có những câu không cần verb!' mà không biết rằng, diễn-thuật-từ|verb|từ-V là cái cột trụ của câu để người ta treo lên đó những gì liên-quan đến sử-trình mà câu đang tường thuật.
Thí-dụ: "Bức tranh này [thì] đẹp!" → thì /đẹp/ là verb.
Nhận thấy những trở-ngại ấy, một số vị đã dịch 'verb' là /vị-từ/. /Vị/ với nét nghĩa là /nói/ trong khoảng 20 nét nghĩa mà một tự/từ-điển Hán-Việt có thể cho chúng ta. Đó là một điều tối-kị khi thiết lập một tân-danh-từ, một từ tân-tạo.
Phan Ngọc hình như đã dịch 'verb' là 'thuật-từ' vào 1957, Nguyễn Hiến Lê & Trương Văn Chình dịch 'verb' theo từ-vụ là 'thuật-từ', GS Trần Ngọc Ninh thêm dạng-vị /diễn/ để tránh sự nhầm-lẫn khi người học nhìn thấy danh này; nay 'verb' là 'diễn-thuật-từ'|từ-V.
→→→[II.C] * TRỤC/CHUỖI V-phụ|auxiliary-verb TRONG VIỆT-NGỮ
* Nhân tiếng-từ /đ*/ mấy ngày hôm nay được lên lưới indra-internet từ miệng một người có đi dạy!
----> Ba chuỗi đầu-tiên là trục phủ-định, chuỗi thứ 4 là trục khẳng-định, chuỗi thứ 5 là trục biểu diễn phạm-trù về thì|tense của Từ V|diễn-thuật-từ.
Trục tiếng-từ phủ-định đầu tiên /đ*, đếch../ (riêng /đâu/,/đừng/ thì cứ giữ lại) có lẽ chúng ta nên từ từ ít dùng lại, trong Việt-ngữ; không biết í-kiến của quí-vị facebooker như thế nào?
+ đâu, đừng, đ*, đếch,...
+ chẳng, chưa, chớ, chỉ, (chả)
+ không, khôn, khổng/hổng, (khó), khỏi
+ có, còn, cứ, càng, cũng, cùng
+ đã, đang, sắp, sẽ
(III) Loại A| Ad-form|Cận-từ|từ-A|[*tính-từ]|[*tĩnh-từ]
* từ-A| Adjunct| cận từ ||| cận<----->phụ-cận<----->đứng-gần
từ-A <----> từ-C trong CCVN.1973
AN: cận-từ cận-danh-từ (<---> CA|CCVN.1973)
AV: cận-từ cận-diễn-thuật-từ (<----> CB | CCVN.1973)
AA: cận-từ cận-cận-từ (<----> CC | CCVN.1973)
Từ-N và từ-V, danh-từ|thể-từ và diễn-thuật-từ, là hai Loại căn-bản trong bất cứ một ngôn-ngữ nào của nhân-loại. Nhưng theo chiều dài phát triển của các tộc người, nhu cầu thông-giao ngày càng mở rộng, nhu cầu thông tin càng lúc càng đòi hỏi sự chi tiết, sự rõ ràng…Các từ-N và từ-V nay lại được phối trí với nhau, nối lại với nhau, sắp xếp cùng nhau theo một cơ-cấu nào đó (tùy theo sự lựa chọn của tổ-tiên mỗi tộc người, một cách ngẫu-nhiên vô-cứ) để sự truyền-đạt bằng lời|ngôn-ngữ có thể đáp ứng được các yêu-cầu mới mà sự phát-triển của xã-hội đòi hỏi; các cận-từ|từ-A (theo cách chúng ta đang đề cập) xuất hiện.
Những ngôn-ngữ uyển-biến sẽ cho những từ-A mới được tạo lập một cái đuôi – một tiếp-vĩ-phần – phù hợp để chỉ định từ-tính của chúng. Do vậy, sự nhận diện từ-A trong các ngôn-ngữ uyển-biến|biến-hình là một công việc khá dễ dàng.
Việt-ngữ [đã hầu như] là một ngôn-ngữ cách-thể, sự nhận-diện từ-A bằng cách căn cứ vào cấu-tạo của từ là một việc rất khó thực hiện; (ngoại trừ những từ-A sinh ra bằng sự-kết-nhánh|derivation mà trên đây chúng tôi đã đề cập, hơn nữa, chúng ta còn chưa tính đến một nhận định: những từ được sinh ra bằng phép kết-nhánh này vẫn đứng lửng-lơ giữa hai hệ-loại: A hoặc V). Và theo đó, “một từ sẽ được gọi là từ-A khi chúng đã được để vào trong một câu” [TNN]. Tương-quan vị-trí và cơ-năng của các khúc, các thành-phần sẽ cho phép ta xác định rõ ràng từ-loại|từ-tính của chúng.
Tùy vào loại-từ mà dạng-vị phụ-cận đang đứng gần (trước hoặc sau), từ-A sẽ theo đó mà sinh ra ba nhánh: từ AN là /cận-từ cận-danh-[từ[/, từ AV là /cận-từ cận-diễn-[thuật-từ]/, từ AA là /cận-từ cận-cận-từ/.
Thí-dụ:
|Cái cây bút rất đẹp ấy| đã được | anh A con ông B | vội-vàng mua
NP1 NP2
|Cái cây bút rất đẹp ấy|→NP→ n3-n2-N1 AA AN AN
/đã được/ ..../vội-vàng mua/ →VP→ /t(thì-dạng) Vphụ/..../ AV V-căn/.
(IV) Loại P|Prepossition|Tiền-vị-từ| [*giới-từ]
(V) Loại C|Complementizer|Dẫn-cú-từ
* "Con tôi đến nay được 28 tháng tuổi, tôi vẫn nhớ lần đầu tiên khi nghe nó nói một vài đoạn-dạng /thì, mà, là.../ tôi đã giật mình và nhớ lại trang sách này. Mình có dạy cho nó đâu, nó đã nhập-tâm ở đâu đó khi giao-thiệp ở nhà, trong xóm. Hay là những dạng-vị này đã có sẵn, một cách tiên-thiên trong não-bộ ở những cơ-phần|modula chịu trách nhiệm về ngôn-ngữ? Tôi không biết. Vấn-đề này là vấn-nạn của Plato!
Nó nói với bà nội: "Bà nội lo /cho/ ông nội /thì/ bà nội về ngoài nhà nấu cơm cho ông nội /đi/!"
/cho/ là dẫn-cú-từ|complementizer, có chức-vụ là dẫn một noun-phrase|thành-phần-danh hoặc một câu-phụ vào làm bổ-tử cho từ V|diễn-thuật-từ hoặc câu chính.
/thì/ là một đoạn-dạng đa-đoan (với nhiều chức-vụ).
/đi/ trong câu trên là một đoạn-dạng chấm (hết) câu, lại có sắc-thái khuyến-lệnh hàm chứa trong nó. Thí-dụ: "Mày đi đi!"
(VI) đd|Đoạn-dạng|Separation-morphem
* Vài dòng về danh|term ĐOẠN-DẠNG|(PARTICLE OF SEPARATION) hay sự nhận-chân các tiếng-từ /thì, mà, là.../ !
+ Trong Việt-ngữ, đoạn-dạng là những tiếng-từ|dạng-vị|morpheme (rỗng nghĩa) có tác-dụng cắt một câu ra thành từng khúc, từng đoạn về mặt hình-thức để làm cho í-nghĩa của một xây-dựng nổi rõ lên.
+ Trong các thí-dụ sau, các đoạn-dạng|đoạn-từ được để trong hiệu-kí | |.
Thí-dụ: a) Mày |thì| mày chết với tao.
b) Người |mà| tôi vừa nhắc đến là ông lão già khọm vừa đi qua đây.
c) "Chữ tài chữ mệnh khéo |là| ghét nhau".
d) Mày đi |đi|. Mày nói |đi|.
.....etc....
+ Đoạn-dạng là một loại tiếng-từ có thể nói là rất đặc-thù của Việt-ngữ, dùng để mở đầu câu (khai câu), để kết thúc câu (kết câu, chấm câu), để len vào giữa câu nhằm tách rời và làm nổi rõ các thành-phần. Tất nhiên, nó mang theo cả cái í của người nói.
+ Danh /đoạn-từ/ được GS TRẦN NGỌC NINH tạo ra (và xuất hiện chính thức trễ nhất là vào) năm 1973, khi CƠ-CẤU VIỆT-NGỮ I được ấn hành. Nay, GS gọi /đoạn-từ/ là /đoạn-dạng/. Một cách đại khái, hai danh là tương đương với nhau về nội-hàm.
+ /thì, mà, là/ là những đoạn-dạng đa-đoan nhất trong Việt-ngữ, vì có thể xuất hiện ở rất nhiều vị-trí trong cơ-cấu của câu với những tác-dụng bất ngờ.
Và theo thiển-í, chính các đoạn-dạng đa đoan này đã cho phép sự đề-mục-hóa hay tiêu-điểm-hóa chủ-tử cũng như khách-tử, hay nói cách khác: cho phép sự hiện-hữu của mô-hình Đề-Thuyết trong Việt-ngữ.
"Nếu là một điều mới chưa được nói tới thì dùng danh "đề-mục"(topic); còn nếu là một điều đang bàn cãi, thì là một tiêu-điểm(focal)" (C) GS TRẦN NGỌC NINH
* Chưa kể đến rất nhiều những kiến-giải đặc-sắc trong /Cơ-cấu Việt-ngữ/; đối với tôi, /đoạn-từ/ và nay, /đoạn-dạng/ là một cái danh chói sáng, khiến cơ-cấu Việt-ngữ trở nên rõ ràng hơn rất nhiều.
Vì các đoạn-dạng quan trọng như vậy, nên tôi xin mạn-phép (và cáo lỗi trước) GS TRẦN NGỌC NINH cũng như những vị có thẩm-quyền về bản-quyền sách /Ngữ-pháp Việt-Nam.2017/ để trích đăng vài trang về các đoạn-dạng, từ /Cơ-cấu Việt-ngữ.1973/ đến /Ngữ-pháp Việt-Nam.2017/. Mong quí-vị lượng thứ cho sự đường-đột này.
(VII) ĐỀ-MỤC VÀ TIÊU-ĐIỂM
* Vài gạch đầu dòng lan man về 'KHẢO LUẬN VỀ NGỮ-PHÁP VIỆT NAM'
+ 'Khảo luận về ngữ-pháp Việt Nam' của Trương Văn Chình [TVC] và Nguyễn Hiến Lê [NHL] là một cột mốc, một tượng-đài đã và đang bị lãng quên trong quá trình nghiên cứu về ngữ-lí-học Việt-ngữ của các sinh-viên ngôn-ngữ-học cũng như những người có làm việc liên quan đến chữ nghĩa Tiếng Việt – tuy vậy, nó vẫn còn may mắn hơn bộ (3 quyển đầu) /CƠ-CẤU VIỆT-NGỮ/ của GS Trần Ngọc Ninh [TNN] đã in trước 1975. Tác-phẩm được nhắc đến vài lần: (i) một bài viết của GS Lý Toàn Thắng, (ii) trong tác-phẩm của nhà ngữ-học Cao Xuân Hạo, ông nhắc đến việc NHL&TVC đã đề cập đến cái đề-mục|topic của câu nhưng chưa đi xa được đến đâu cả; ...Nhưng, ...
+ Chương XIX, viết về 'CHỦ-ĐỀ' trong một câu|sentences đã thành của Việt-ngữ – nay ta có thể gọi nó là đề-mục|topic hoặc tiêu-điểm|focal của câu. Chương này dài gần 20 trang, tôi đọc nó và thấy sáng rõ dễ hiểu hơn khi đọc lại quyển sách 'Tiếng Việt–Sơ thảo ngữ pháp chức năng' dày mấy trăm trang xác lập mô-hình ĐỀ-THUYẾT [Đ-T] của nhà nghiên-cứu Cao Xuân Hạo [CXH].
→ Đến 'Cơ-cấu Việt-ngữ I-III .1973', GS TNN nhắc đến mô-hình này một lần nữa ở quyển I và quyển III & đồng thời, ông nhấn mạnh: Đây là một mô-hình thực có trong Việt-ngữ nhưng ông chưa tìm được nguyên-do vì sao, trong Việt-ngữ lại có mô-hình này; trong khi mô-hình câu vững chắc của Việt-ngữ trong đại-ngữ-pháp là S–V–O [Chủ-tử – Diễn-tử – (Bổ)-Khách-tử]
→ Mô-hình ngữ-lí này đã được nhiều nhà nghiên-cứu tiền-bối đề cập, đến Cao Xuân Hạo, thì tất cả những nỗ-lực và cố-gắng của ông là nhằm chứng minh, rằng mô-hình Đ-T này là mô-hình cơ-cấu duy-nhất trong Việt-ngữ; các mô-hình còn lại đều là những trường hợp ngoại-lệ. Chính những cố-gắng của một nhà ngữ-học rất tài ba như Cao Xuân Hạo đã vô tình đang đẩy ngữ-pháp Việt-ngữ đi vào một cõi mông-lung. Không một ngôn-ngữ nào –trong toàn-thể – là chỉ có một mô-hình duy-nhất cho một xây-dựng có ngữ-pháp-tính, tức một câu có nghĩa.
→ Tất nhiên, sẽ có một số quí-vị không đồng-í – cho rằng tôi chưa hiểu hết/rõ những gì CXH viết – rằng đề-mục|topic không phải là kết quả của quá-trình di chuyển khách-tử|O hoặc diễn-tử|V từ phía sau lên đứng đầu một câu; rằng đề-mục trong một câu của Việt-ngữ tự nó đã có một cách tiên-thiên rồi, nó không phải là kết quả của sự đề-mục-hóa|topicalization.
Tất nhiên, ai là người có thể kiểm tra được toàn-bộ dữ-liệu (khối-lời) Việt-ngữ đã được tạo ra từ khởi-thủy có lời tiếng-Việt cho đến nay? Vấn-đề bỗng dưng trở thành lưỡng-khả.
Và đã lưỡng-khả, tôi nghiêng một cách vô-cứ|arbitrary về í(ý): Đề-mục hay tiêu-điểm|focal là kết quả của một quá-trình di-chuyển O hoặc V; cho đến khi, với sự trợ giúp của các công-nghệ hiện-đại trong thời-đại big-data|dữ-liệu-lớn này có thể cho chúng ta một lời giải minh-xác.
+ Quan-niệm 'từ-tính' và 'từ-vụ' là một cặp niệm-thể mà tôi nghĩ là thần-sầu, đã được hai vị tác-giả tạo ra từ kiến-văn quảng bác của mình.
Trong ngữ-pháp-mới, 'từ-tính' sẽ là Loại cú-pháp (N/V/A...danh-từ/diễn-thuật-từ/cận-từ); 'từ-vụ' sẽ là chức-vụ của một Từ, một khúc nào đó trong một câu đã thành (S–V–O ↔ Chủ-tử – Diễn-tử – Khách-tử).
Thí-dụ: "Về nhà, [thiếp](1) [đã năm con](2) cùng chàng"
→ /năm con/ là một danh-từ, Loại N ; nhưng trong câu này, chức-vụ của /năm con/ là diễn-tử, là Từ diễn-thuật căn của câu. //đã/ là auxiliary-verb|V-phụ|V-aux để chỉ rõ các phạm-trù của diễn-thuật-từ, /đã/ nằm trong chuỗi /đã. đang, vừa|mới, sắp, sẽ..../. (2) là verb-phrase|cú-phần-diễn|(thành-phần diễn-thuật).
+ Tôi ngưỡng mộ và thán phục trực-giác ngữ-lí thần-thánh, công-phu học tập và tôn-nghiêm của quí-vị.
Mấy chục năm sau, đọc lại vẫn thấy mới; và thấy ưu-tư cho nền ngữ-lí của Việt Nam hiện tại.
"Những giá-trị đích-thực thì không thèm khát sự đánh-giá nhất-thời".
(C) Nguồn: Cơ-cấu Việt-ngữ.
-----------
Nguồn: FB Trần Xuân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét