Giáo sư Trần Ngọc Ninh sinh năm 1923 tại Hà Nội. Ông theo học Y khoa tại Hà Nội, rồi sang Pháp tiếp tục học, đỗ Thạc sĩ Y khoa tại Pháp (1961), có nhiều công trình nghiên cứu Y khoa giá trị. Về nước, ông thành lập hai khoa giải phẫu xương và giải phẫu trẻ em [Phẫu nhi (Pediatric Surgery) và Phẫu khoa trực nhi (Orthopedic Surgery)] đầu tiên tại Việt Nam, được xem là “khúc xương sống” của Y khoa miền Nam . Vừa giảng dạy, vừa hành nghề, Giáo sư đã đào tạo nhiều môn sinh có khả năng thay ông tiếp tục phát triển hai khoa này ở quê nhà.
Vào thập niên 1960, ông giảng dạy bộ môn Văn hoá và Văn minh Đại cương tại Đại học Vạn Hạnh. Ông cũng đã từng giữ chức vụ Tổng trưởng Văn hoá Xã hội, đặc trách Giáo dục, trong chính phủ Việt Nam Cộng Hoà (1966-1967).
Bên cạnh công việc chuyên môn và giảng dạy về Y khoa, ông còn có nhiều công trình khảo cứu thuộc Văn hoá, Văn minh, Ngôn ngữ và Văn chương như Những Vấn Đề Văn Hoá, Giáo Dục, Xã Hội (1966), Văn Hoá Dân Tộc Trước Những Nhu Cầu Của Đất Nước (1969), Đức Phật và Sự Cải Tạo Xã Hội (1971), Đức Phật Giữa Chúng Ta (1972). Năm 1974, ông in xong quyển thứ ba của bộ Cơ Cấu Việt Ngữ đồ sộ (dự trù là 8 quyển) thì miền Nam sụp đổ. Bộ sách này khảo cứu ngữ pháp Việt ngữ bằng cơ-cấu-pháp (structuralism), lúc ấy hãy còn là một trào lưu mới mẻ đối với ngữ lí học (linguistics) Việt Nam. Trong lãnh vực này, ông là người đi tiên phong (khai sơn phá thạch). Cho đến nay, cả trong lẫn ngoài nước, vẫn chưa có một công trình về ngữ pháp Việt Nam thứ hai dựa trên cơ-cấu-pháp, ít nhất với tầm vóc tương xứng với bộ Cơ Cấu Việt Ngữ.
Năm 1978, ông cùng gia đình vượt biên sang tị nạn tại Hoa Kỳ. Ở xứ người, tuy vẫn tiếp tục hành nghề y sĩ, ông vẫn tiếp tục khảo cứu về văn hoá, có những bài viết đăng rải rác trên các tạp chí ở hải ngoại. Năm 2002, ông xuất bản quyển Tuyết Xưa — viết về văn hoá. Ngoài ra, ông tiếp tục viết về một đề tài mà ông gọi là một món nợ với Nguyễn Du, Tố Như và Đoạn Trường Tân Thanh (Khởi Hành, 2002). Trong sách này, ông đưa ra những lí thuyết mới mẻ về cuộc đời Nguyễn Du và Đoạn Trường Tân Thanh, cũng như mối liên hệ giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương.
Năm 2000, ông tham gia Ban Cố Vấn Viện Việt-Học (Westminster, CA) do Gs Nguyễn Đình Hoà thành lập. Từ 03/2003 đến 1/2008, ông đảm nhiệm chức vụ Viện trưởng VVH.
Hiện nay (2010), ở tuổi 87, Giáo sư vẫn hàng tuần đến Viện Việt-Học giảng dạy lớp Ngữ Pháp Việt Ngữ cho một số sinh viên còn tha thiết với văn hoá và ngôn ngữ mẹ đẻ, soạn Từ vựng tiếng Việt Đầu tiên cho trẻ em với hình ảnh minh hoạ, soạn sách Dạy Đọc Dạy Viết (giáo trình dạy tiếng Việt dành cho các thầy cô và phụ huynh), và viết lại bộ Cơ Cấu Việt Ngữ (4 quyển) dưới ánh sáng của những lý thuyết tân thời. Ngoài ra, ông còn cố gắng tiếp tục hoàn tất những công trình khảo cứu dang dở như nguồn gốc tiếng Việt, huyền thoại học (mythology) và nhân-học (anthropology), theo trường phái Lévi-Strauss (nhà nhân-học theo cơ-cấu-luận).
(Viết bởi một học trò).
* SÁCH ĐÃ XUẤT BẢN.
+ Những bệnh cần cấp cứu. Sài gòn, 1960.
+ Những vấn đề về văn hoá, giáo dục, xã hội. Sài gòn: Tổng bộ Văn hoá, Xã hội, 1967.
+ Văn hoá dân tộc trước những nhu cầu của đất nước. Sài gòn, NXB Lạc Việt, 1970.
+ Đức Phật và sự cải tạo xã hội (The Buddha and Social Reform). Sài gòn: Viện Đại học Vạn Hạnh
+ Đức Phật giữa chúng ta. Sài gòn: Lá Bối, 1972.
+ Tuyết Xưa I - Viết về Văn hoá. California, USA: Khởi Hành, 2000.
+ Một chút Lịch sử: Y khoa Đại học đường Sài gòn và sự Thành lập hai khoa Chuyên môn: Phẫu nhi khoa và Phẫu khoa Chỉnh trực ở Việt Nam. Montreal, Canada, 2002.
+ Tố Như và Đoạn Trường Tân Thanh. California, USA: Viện Việt-Học và Khởi Hành, 2005. Nxb Thế Giới, 2015.
+ Cơ Cấu Việt Ngữ I. California, USA: Viện Việt-Học, 2006.
+ Cơ Cấu Việt Ngữ II. California, USA: Viện Việt-Học: 2009.
+ Dạy đọc, dạy viết Tiếng Việt. Phương-pháp mới theo âm-vị-học.
+ NGỮ-PHÁP VIỆT-NAM, 2017.
+ NGỮ-VỰNG TIẾNG VIỆT ĐẦU-TIÊN, 2017.
-------------------
Nguồn: FB Trần Xuân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét