17 tháng 11, 2016

Mất vợ và thất nghiệp chỉ vì cái…nết ăn

Nói có vẻ nghe khó tin, nhưng cách hành xử của một cá nhân trong bữa ăn chính là thể hiện sự tu dưỡng và tâm tính của người đó. Cũng chỉ vì cái nết ăn này mà không ít người lâm vào tình cảnh không được nhận vào làm hay bị nhà gái từ chối.

Nết ăn cũng là một trong những điều thể hiện cái nết người. (Ảnh minh họa)

Thông qua ngôn từ và hành vi của một người, người ta có thể biết được sự tu dưỡng của người đó. Phần lớn người Á Đông ưa thích thông qua bữa cơm thắt chặt tình cảm hoặc khảo nghiệm, thử thách đối phương. Tướng ăn của một người cũng phản ánh nề nếp gia phong, nếu như một người bị cho là: “Không gia giáo!”, thì người này khó mà có được thành tựu gì trong cuộc sống. Người không có văn hóa lẫn gia giáo cũng bị người ta xem thường.

Xin dẫn vài câu chuyện sau đây để làm ví dụ cụ thể:

Câu chuyện thứ nhất
Một giám đốc công ty mời khách hàng ăn cơm, bèn gọi hai sinh viên đại học mới vào làm ở công ty cùng đi. Người khách là người ở phương nam nên khẩu vị thức ăn khá là thanh đạm, vì thế đồ ăn có phần phù hợp với khẩu vị của khách. Tuy nhiên, hai sinh viên mới đến này đều là người phương bắc nên rất thích ăn cay, vì thế hai người không ngừng phàn nàn về việc không có đồ ăn mình ưa thích.

Trong lòng vị giám đốc công ty không vui, nhưng cũng không biểu hiện ra, ông cũng gọi thêm hai món đồ ăn cay cho họ. Sau khi món ăn khác được đưa đến, hai người sinh viên này ngay lập tức “chiếm” lấy để trước mặt, cùng nhau vừa ăn vừa trò chuyện, không xem ai ra gì. Ăn xong, cả hai còn cảm thán nói, “Hai món này cũng không tệ”. Sau khi về công ty, vị giám đốc không giải thích bất kỳ điều gì, lập tức cho hai sinh viên này nghỉ việc.

Câu chuyện thứ hai:
Một công ty lớn thông báo tuyển dụng vị trí Trưởng bộ phận Giao nhận (Logistic). Sau vòng loại, thi viết, phỏng vấn, công ty chọn được 10 người vào vòng cuối cùng. Họ mời 10 ứng viên tiềm năng này đến công ty, người tuyển dụng thoải mái cùng mọi người nói chuyện phiếm một hồi, sau đó mời họ đi dùng bữa.

Sau khi bữa cơm kết thúc, người tuyển dụng tuyên bố vòng cuối của đợt phỏng vấn đã xong, và họ đã tìm ra được Trưởng bộ phận Giao nhận. Ai cũng không ngờ vòng loại cuối cùng lại là ăn cơm, hơn nữa lại là tiệc đứng (buffet). Khi mọi người hiểu ra được vấn đề thì người ta cũng đã chọn được người rồi. Người được chọn chính là người ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu, cả nước canh cũng uống cho hết.

Câu chuyện thứ ba


Cách hành xử nhã nhặn, tôn trọng dành cho một người kém quan trọng hơn, thể hiện tấm lòng nhân hậu và rộng rãi của bạn. (Ảnh minh họa)

Anh Minh được nhận lời mời phỏng vấn ở một trong 500 công ty lớn nhất thế giới, bởi anh có thành tích và các thứ hạng đặc biệt nổi bật. Trong buổi phỏng vấn này, anh sẽ gặp gỡ quản lý cấp cao của công ty khi tham sự vào một bữa tiệc. Trong bữa tiệc, Anh Minh tự biết phải có ngôn từ và hành vi phù hợp, chừng mực. Tuy nhiên, công ty này lại không chọn anh vào làm.

Anh Minh vô cùng tức giận, cảm thấy đằng sau nhất định có gì đó mờ ám, liền liên lạc với bộ phận tuyển dụng để tìm cho ra lý do. Cuối cùng, anh cũng nhận được câu trả lời: “Anh quả thật rất có năng lực, nhưng trong buổi tiệc, từ đầu đến cuối anh không có bất kỳ cử chỉ nào thể hiện sự biết ơn đối với những nhân viên phục vụ bàn“.

Câu chuyện thứ tư
Trước tết, cha mẹ của Lê Mai từ quê nhà lên đón năm mới cùng con gái. Bạn trai của Lê Mai lập tức đặt nhà hàng quen thuộc, cũng cố gắng thể hiện thật tốt ở bữa tiệc. Thế nhưng, về đến nhà, cha mẹ Lê Mai lên tiếng: “Trong mắt cha mẹ, người con trai này không được rồi!”

Thứ nhất, trước khi đặt nhà hàng, anh không hề hỏi qua ý kiến của Lê Mai, không hỏi thăm khẩu vị của cha mẹ bạn gái.

Thứ hai, nhà hàng đang đông khách nên đồ ăn ra chậm, vậy mà anh chàng lại luôn hối thúc người phục vụ, thái độ không thân thiện, động một chút là quở mắng.

Thứ ba, khi điện thoại vang lên trong bữa tiệc, anh có thể nói cho người gọi biết là mình đang có việc và xin được liên hệ lại sau; nếu là việc gấp thì cũng có thể nói tiếng xin lỗi rồi rời bàn tiệc mà xử lý. Thế nhưng, anh vẫn cứ vừa ăn vừa nói chuyện điện thoại đến hơn 10 phút. Cha mẹ Lê Mai chỉ có thể ngồi đối diện mà ăn gượng gạo.

Nghe xong nhận xét của cha mẹ, Lê Mai cũng có phần do dự.

Câu chuyện thứ năm:


Giáo dục cho trẻ cách ăn uống phải phép cũng chính là giúp con hình thành nhân cách tốt, biết nghĩ cho người khác, không ích kỷ, tham lam. (Ảnh minh họa)

Thùy Linh là con gái độc nhất trong nhà nên cha mẹ vô cùng yêu thương chiều chuộng. Thường khi Thùy Linh thích ăn gì, cha mẹ cô đều nhường hẳn cho con gái, ăn bao nhiêu, bao lâu tùy thích. Cảm thấy đứa con này thật quá hồn nhiên và đáng yêu, cha mẹ Thùy Linh lúc nào cũng thấy rất vui lòng. Cho đến khi Thùy Linh đã 16 tuổi, bắt đầu có nhiều bữa cơm, tiệc tùng cùng bạn bè, người thân,… Lúc vào bàn ăn, Thùy Linh chỉ toàn tâm toàn ý tập trung vào món ăn mình thích, có khi không có thời gian nói chuyện với mọi người, có lúc mọi người đã buông đũa rồi mà Thùy Linh vẫn còn ngồi ăn một mình. Người ngoài thấy vậy nên có lời nhắc nhở:

“Cô gái ơi, ăn trông ngon lành quá! Nhanh nhanh lên nào! Mọi người đã xong cả rồi!”

Cha mẹ Thùy Linh vẫn cảm thấy con gái thật đáng yêu, ra sức chống đỡ:

“Con cứ ngồi ăn ở đây chừng nào tùy thích, có mẹ ngồi ở đây, đừng lo lắng!”

********************

Người Việt Nam cũng rất chú trọng đến cử chỉ, cách hành xử của một người trong bữa ăn, thế nên mới có câu: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Trong mọi tình huống đều cư xử phải phép, thích hợp với hoàn cảnh, qua đó mà thể hiện được nhân cách đường hoàng chững chạc và sự kính cẩn, khiêm tốn của bản thân.

Khi cha mẹ đang ngồi nói chuyện với khách, con cái không ngồi xen vào giữa. Trước khi ngồi vào bàn, phải biết tìm chỗ cho đúng thân phận, chứ không phải chăm chăm vào chỗ có món ngon mà ngồi. Khi đã yên vị, trước tiên phải cất lời mời, lúc mọi người đã động đũa thì mình mới bắt đầu ăn. Ðó là ngồi trông hướng.

Lúc ăn cơm, cũng chú ý nhìn ngó xem nồi cơm còn nhiều hay ít để cân nhắc việc có xới thêm cơm hay không.

Mọi cử chỉ của một người trong bàn ăn đều ảnh hưởng đến những người khác, hành xử phải phép cũng chính là tạo không khí vui vẻ cho bữa ăn.

Trên bàn ăn, rất nhiều chi tiết dù nhỏ nhặt nhưng lại góp phần rất lớn trong việc bộc lộ tính cách thật sự của bạn. Có người nói, thái độ của người nam khi đối đãi với người phục vụ bàn trước hôn nhân, chính là thái độ đối với người vợ sau này.

Nghe qua tưởng là chuyện đùa, nhưng bạn có thể thử nghĩ một chút, người nam khi đang yêu và trân trọng bạn sẽ cư xử theo cách khác, khi bạn kém quan trọng đi (tức là đã lấy được bạn làm vợ), thì chẳng phải anh ta cũng sẽ hành xử với bạn như người phục vụ bàn kia, bởi trong mắt họ lúc này người phục vụ làm sao quan trọng bằng người vợ sắp cưới. Do đó, nếu anh ta dù đối với một người kém quan trọng hơn vẫn giữ được sự cung kính nhã nhặn, thì chẳng phải nhân cách của anh rất cao thượng. Cũng nói thêm, nếu hành vi là giả tạo thì cũng không thể qua mắt được người khác, vì đôi lúc sẽ bị “hớ”, vả lại việc nghĩ cho người khác nếu đã là tính cách và thói quen thì nó sẽ tạo ra những phản xạ rất tự nhiên, khó mà giả cho được.

Mặt khác, đối với người phục vụ mà chỉ trích, quở mắng, có thể làm tốc độ đồ ăn càng chậm; thay vì thế bạn có thể lựa chọn cách nói thân thiện: “Em gái nhỏ, nhìn em xinh xắn thế, lại còn nhanh nhẹn, nhất định có thể bưng đồ ăn nhanh hơn cho chúng tôi có phải không? Cám ơn em!”. Cổ vũ cùng khen ngợi đối với bất kỳ người nào cũng sẽ có hiệu quả. Sự tình lúc này chẳng phải nhẹ đi nhiều.

Một người có thể nghĩ cho người khác và giúp mọi người cảm thấy thoải mái khi ăn, chẳng phải làm một người có tâm hồn rộng rãi.

Một vị thầy về lễ nghi từng nói, mẹ của bà đã từng dạy bà rằng, khi mời ai đó dự tiệc phải cẩn thận phối hợp với tốc độ ăn của khách mời. Trước khi khách ăn xong thì không thể bỏ đũa xuống, bởi một khi chủ nhân ngừng đũa, thì người khách cũng không có hứng thú mà ăn tiếp. Chủ nhân nên săn sóc khách chu đáo, điều này ẩn giấu trong từng chi tiết tỉ mỉ.

Tuy nhiên, lễ nghi không phải cứng nhắc tuân thủ theo mọi quy củ. Nếu cứ theo như quy củ là nhất định phải dùng dao nĩa, theo như quy củ thì nhất định phải uống xong chén rượu này, theo như quy củ nhất định phải chia thức ăn cho người khác,…Vô tình, quy củ trở thành thủ phạm phá hỏng không khí thân mật trên bàn ăn. Ca sỹ Nhật Bản nổi tiếng là Yoshie Fujiwara khi mời người khác ăn cơm Tây, người khách lầm bầm một câu: “Dùng dao nĩa mà ăn thì thật sự không được tự nhiên lắm…”. Yoshie Fujiwara luôn là người thích dùng dao nĩa để ăn, lập tức đưa cho khách đôi đũa, còn nói “Kỳ thực tôi cũng ưa thích dùng đũa”. Yoshie nói: “Cái gọi là lễ nghi, thì tất nhiên sẽ không cần tuân thủ nghiêm ngặt như là quy củ, chỉ cần làm cho người khách luôn thoải mái, đó chính là lễ nghi tốt nhất”.

Lễ nghi không phải cứng nhắc tuân thủ theo mọi quy củ, mà là luôn khiến mọi người cảm thấy thoải mái. Đó chính là luôn nghĩ cho người khác vậy.

Khi dùng cơm cần biết những điều cấm kỵ sau:
Không nên thè lưỡi liếm đũa, không nên dùng đũa khua loạn xạ trong bàn ăn; không nên khuấy đồ ăn, bới móc lựa chọn đồ ăn; khi người khác chuẩn bị gắp thức ăn, không nên lấn đến gắp trước họ; không nên dùng đũa cắm lên trên đồ ăn.

Trong bữa tiệc, không nên ợ hơi mất lịch sự, nếu không khống chế được, có thể uống nước để làm giảm bớt.

Khi hắt xì, nên dùng khăn che miệng và hướng ra chỗ khác.

Có thể đề nghị người khác nếm thử thức ăn, nhưng không nên tự tiện dùng chính đũa của mình để gắp cho người khác.

Trước khi dùng cơm, nên mời người khách hoặc người lớn tuổi hơn dùng trước.
Khi nhổ xương cá, mẫu vụn thức ăn, nên dùng đũa hoặc khăn tay/khăn giấy lấy ra, không nên trực tiếp nhả trên mặt bàn.

Chúc bạn có thật nhiều bữa ăn ngon miệng và thành công!
-----------------------
Mai Mai, theo NTDTV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét