Bệnh trầm cảm dường như là căn bệnh của xã hội hiện đại, khi ngày càng nhiều người bị mắc căn bệnh ‘kỳ lạ’ này. Để có biện pháp, phòng ngừa và chữa trị kịp thời, chúng ta nên trang bị một số kiến thức cơ bản về triệu chứng, nguyên nhân, hậu quả và cách điều trị căn bệnh này.
1. Trầm cảm – biểu hiện và triệu chứng
Với người mắc bệnh trầm cảm, cuộc sống hàng ngày thường chứa đầy lo âu, thất vọng, và mệt mỏi. Biểu hiện là giấc ngủ không sâu và rất mệt, sáng dậy khó ra khỏi giường. Người bị trầm cảm có thể thấy cơ thể nhức mỏi không rõ nguyên nhân, trong thời gian kéo dài. Họ hay cảm thấy cạn kiệt sức lực đến mức không muốn làm gì.
Ngoài ra, người bệnh trầm cảm hay bị tác động bởi ngoại cảnh. Chẳng may hôm nào trời âm u, lạnh lẽo, thì tâm trạng của họ cũng theo đó mà xuống dốc. Người trầm cảm nhẹ thì bị chứng “hiện thực u ám”. Người bình thường có xu hướng nhìn thế giới và bản thân theo hướng tích cực, tuy nhiên với chứng “hiện thực u ám”, mọi thứ đều trở nên nhạt nhòa. Với người bệnh, cuộc sống chẳng còn thú vui gì nữa. Người ta gọi đó là chứng mất khoái cảm. Với người bệnh trầm cảm ngay cả thứ trước đây từng khiến họ yêu thích, vui vẻ, giờ cũng không còn tác dụng.
Sự đau đớn và tổn thương do trầm cảm là thật và dai dẳng tới độ, người bệnh coi tự sát là một sự giải thoát hợp lý. Người bệnh trầm cảm thường có xu hướng tìm mọi cách tự sát, vì họ cảm thấy căn bệnh của mình vô phương cứu chữa.
Tuy nhiên phải phân biệt giữa trầm cảm và sự buồn bã đơn thuần. Những người mắc các triệu chứng điển hình sau thuộc về trầm cảm: Nhìn đời u tối, vô vọng; Mất niềm vui vào sự sống; Có vấn đề về cân nặng, thường tăng hoặc giảm 5% tổng trọng lượng cơ thể; Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều; Tâm tính hay cáu bẳn, hoặc buồn bã; Nhạy cảm, dễ bị tổn thương, không có sức lực làm gì cả; Thường hay dằn vặt, trách móc bản thân vì việc đã qua; Hay nghĩ về việc tự sát.
2. Nguyên nhân gây bệnh trầm cảm
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm, như: người thân qua đời, không được sống gần người thân, của cải bị mất, thay đổi môi trường sống hay công tác (chuyển nhà, về hưu), ly dị, tranh chấp, làm việc quá nhiều, đột nhiên tăng thêm nhiều trách nhiệm (ví dụ làm mẹ, hay chăm sóc người thân bị ốm), mâu thuẫn cá nhân về vai trò và trách nhiệm, bị lạm dụng tình dục, tình cảm, hay thể chất, có vấn đề về trí não. Nhiều khi trầm cảm không thể xác định rõ nguyên nhân.
3. Hậu quả của bệnh trầm cảm
Riêng ở Mỹ, có tới 6-7% dân số mắc bệnh trầm cảm, trong đó nữ giới chiếm tới 70% ca bệnh chẩn đoán. Trầm cảm ảnh hưởng tới quá trình tư duy và xử lý thông tin của người bệnh khiến họ suy nghĩ và phản ứng chậm chạp, ảnh hưởng tới năng lực ra quyết định. Điều này khiến người bệnh mất tự tin, ảnh hưởng đến công việc của họ. Đồng thời người bệnh vì vậy có xu hướng xa lánh gia đình, người thân, bạn bè. Nó cũng khiến người ta không còn hứng thú tham gia vào bất kỳ hoạt động nào.Trầm cảm khiến người ta tự ti và lánh xa gia đình, người thân
Trạng thái thờ ơ cũng ảnh hưởng tới khả năng ở cùng người khác của người bệnh. Để thoát khỏi cảm giác tự cô lập, lo lắng và cô đơn, nhiều người tìm đến rượu, thuốc gây nghiện, và thức ăn vặt có hàm lượng đường và calories cao. Những thứ này có thể khiến tâm trạng họ khá hơn, nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, sau khi sự thoải mái ngắn ngủi qua đi, tâm trạng lại trở về tồi tệ. Nên rối loạn ăn uống và lo lắng thường đi đôi với trầm cảm.
4. Trầm cảm ở hai giới khác nhau như thế nào
Triệu chứng trầm cảm ở hai giới biểu hiện có sự khác nhau. Phụ nữ thì hay tỏ ra lo lắng, ủ dột, buồn rầu, hay cảm thấy vô vọng, còn đàn ông thì hay biểu thị ra sự cáu kỉnh, bực bội, dễ bị kích động, hay phàn nàn về chứng mệt mỏi, và mất ngủ hay không còn hứng thú tham gia các hoạt động họ từng ưa thích.
Người đàn ông bị trầm cảm tránh né các quan hệ xã hội, tránh né bạn bè, người thân, thường hay lao vào công việc, và cuối cùng là quay sang dùng rượu hay thuốc gây nghiện để cảm thấy thoải mái. Trầm cảm cũng ảnh hưởng tới khả năng tình dục của nam giới. Họ không còn hứng thú về mặt này, và có thể gây ra một số rối loạn cương dương. Tuy nhiên, họ lại cho rằng các triệu chứng này là do căng thẳng chứ không phải trầm cảm.
Giữa hai giới thì mặc dù giới nữ có xu hướng tự tử nhiều hơn, nhưng tỷ lệ tử vong ở nam giới cao hơn. Vì suy nghĩ tự tử ở nam giới thường đến một cách nhanh chóng, dữ dội hơn, và họ cũng tự tử bằng các phương cách dễ gây chết người hơn như súng. Trong khi phụ nữ thì hay thổ lộ suy nghĩ tự tử và thường dùng thuốc.
Phụ nữ dễ mắc bệnh trầm cảm hơn nam giới do các nguyên nhân sau: sự thay đổi về hóc môn, mang thai, mãn kinh, giảm hoạt động tuyến giáp, và do mắc một số bệnh kinh niên.
Sự thay đổi về hóc môn tác động tới phụ nữ nhiều hơn vì phụ nữ phải trải qua các hiện tượng đặc thù như kinh nguyệt, mãn kinh, mang thai, và hậu sản. Áp lực tâm lý cũng là một nguyên nhân gây bệnh trầm cảm nhiều ở nữ giới hơn nam giới.
Trong đời sống hiện đại, phụ nữ phải nhận lãnh nhiều trách nhiệm hơn nam giới như nuôi con, chăm sóc gia đình, trong khi vẫn đảm đương các công việc ngoài xã hội toàn thời gian hoặc bán thời gian. Lạm dụng và quấy rối tình dục cũng gây ra trầm cảm ở nữ giới. Ngoài ra, sự thay đổi thời tiết cũng gây trầm cảm ở nữ giới, gọi là hiện tượng Rối loạn ảnh hưởng theo mùa (SAD). Các thời kỳ giao mùa như từ mùa xuân ấm áp, hoặc mùa hè sôi động sang đông thường khiến phụ nữ bị trầm cảm nhẹ.
Triệu chứng biểu hiện là buồn bã, tâm trạng thất thường, lo lắng, thèm ăn thực phẩm có đường hoặc carbohydrates, một số vấn đề về giấc ngủ. SAD hay xảy ra với phụ nữ sống ở các vùng có mùa đông băng giá, khắc nghiệt.
Trầm cảm là căn bệnh của xã hội hiện đại. Nhận thức đúng đắn triệu chứng, nguyên nhân, và hậu quả sẽ giúp mọi người có liệu pháp chữa trị kịp thời và hiệu quả, cũng như có các biện pháp phòng ngừa tích cực như cân bằng cuộc sống, và công việc, duy trì tập luyện thể dục thể thao đều đặn.
----------------------
http://www.daikynguyenvn.com/ - Lê Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét