Trong cuộc sống, chúng ta thường xuyên gặp những trường hợp, dù được thừa kế hay tặng cho rất nhiều tài sản, của cải, hay cuối đời trở nên giàu có nhưng cũng không giữ được, hưởng được, thậm chí còn bị gặp tai họa. Ấy là nguyên nhân do đâu?
“Chu dịch” viết rằng: “Địa thế khôn, quân tử dĩ hậu đức tái vật.” (Tạm dịch: Đất có tính nhu hòa, người quân tử lấy đức dày để nâng đỡ vạn vật). Câu này muốn nói rằng, Thượng thiên ban cho một người hay một quốc gia bao nhiêu vinh hoa phú quý là căn cứ ở việc họ có bao nhiêu đức hạnh.
Nếu một người vốn có rất ít đức, lại không biết làm việc thiện tích đức thì người ấy không có phúc hưởng thụ. Bởi vì không có đức dày thì không thể nâng đỡ nổi khối tài phú ấy. Cho dù có được người khác ban tặng cho, cũng không hưởng nổi, thậm chí còn gây họa mà tạo thêm nghiệp. Hai câu chuyện dưới đây chính là minh chứng cho điểm này.
Sáng được ban tặng chức quan, tối về chết
Trong cuốn “Triêu dã thiêm tái” có ghi chép một chuyện lịch sử rằng: Từ nhỏ, Hoàng đế Đường Thái Tông Lý Thế Dân có một người bạn rất thân thiết tên là Vương Hiển. Hai người họ, ngày ngày chơi đùa cùng nhau rất hòa thuận. Sau khi Lý Thế Dân lên ngôi thống trị đất nước, Vương Hiển liền đến gặp và xin được làm một chức quan nhỏ.
Ngay từ đầu, Đường Thái Tông đã rất băn khoăn do dự, bởi ông không thể chắc chắn được rằng người bạn Vương Hiển của mình có phúc làm quan hay không.
Vương Hiển bấy giờ rất nóng lòng muốn được làm quan đến mức “buổi sáng có thể làm quan, buổi tối chết cũng cam tâm tình nguyện”. Một mặt cũng là ngại vì tình bạn thân thiết cũ, một mặt cũng bởi sự “khẩn thiết” này của Vương Hiển, Đường Thái Tông liền ban cho bạn mình một chức quan nhỏ.
Thật không ngờ, ngay đêm hôm Vương Hiển được ban tặng chức quan ấy liền chết bất đắc kỳ tử.
“Đức” ít mà làm vua khiến “nước mất nhà tan”
Trong sử sách Trung Hoa còn ghi chép lại một câu chuyện khác. Tùy Văn Đế Dương Kiên vốn là một vị Hoàng đế cần kiệm sáng suốt. Ông đã kết thúc trạng thái cắt cứ phân tách của đất nước suốt 400 năm từ cuối những năm Đông Hán kéo dài đến nhà Tùy. Vì vậy, ông được người đời sau ca tụng là một vị minh quân.
Nhưng Tùy Văn Đế cuối cùng bởi vì không thể phân rõ trung thành và gian trá, phế bỏ thái tử Dương Hùng – một người có tính cách thẳng thắn, thay vào đó mà lập Dương Quảng – một người xảo trá, khéo đối đáp làm thái tử.
Sau khi Dương Quảng lên ngôi, hoang dâm vô độ, háo sắc, hiếu chiến khiến cho gia nghiệp nhà Tùy không còn gì trong hơn 10 năm ngắn ngủi. Cuối cùng, thân bị chết và đất nước bị diệt vong. Cả triều đại nhà Tùy chỉ tồn tại vẻn vẹn trong 38 năm lịch sử.
Vương Hiển bởi vì đức ít, trong mệnh đã được định sẵn rằng không được làm quan. Nhưng “sống chết” cầu được chức quan ấy, cuối cùng không thể hưởng thụ nổi mà chết bất đắc kỳ tử.
Tùy Dạng Đế mặc dù thân là bậc vua chúa, nhưng không hiểu đạo lý “tĩnh để tu thân, kiệm để dưỡng đức”, không dùng “Đức” để trị quốc. Mặc dù được lưu lại cho cơ nghiệp giàu có nhưng ông cũng không thể kế thừa được bao lâu, cuối cùng dẫn đến tình cảnh bi thương “nước mất nhà tan”.
Người tu Đạo đều biết rõ, một người vĩnh viễn có hai chủng vật chất luôn mang theo bên mình là “Đức” và “Nghiệp”. Chủng vật chất “Đức” không chỉ là yếu tố về phương diện tinh thần mà nó còn là một loại vật chất có thực. Một người nếu muốn có được hạnh phúc và tài phú gì, đều phải dùng “Đức” mà trao đổi. Một người không có “Đức” thì cái gì cũng không có.
Người xưa giảng: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Câu này muốn nói rằng, Thượng Thiên chính là căn cứ một người có “Đức” nhiều hay ít để quyết định sự thành hay bại. Trong vũ trụ còn có phép tắc “không mất thì không được“, bởi vậy, người tích đức làm việc thiện thì tất sẽ có dư phúc, ngược lại người làm việc ác thì tất sẽ có dư tai họa.
---------------
Nguồn: Theo Secretchina - Mai Trà biên dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét