Người thời nay thường cho rằng người có nhiều tiền bạc của cải nhất là người giàu có nhất, còn người không có tài sản gì trong tay là người nghèo nhất.
Nhưng thái độ của người xưa đối với quan niệm về giàu nghèo lại vô cùng thông minh sáng suốt. Hãy cùng đọc câu chuyện về Kỷ Hiểu Lam – vị quan thời nhà Thanh, Trung Quốc luận bàn về người giàu và người nghèo dưới đây để hiểu rõ về quan niệm này.
Có một lần, vua Càn Long nghỉ mát ở Sơn Trang Thừa Đức. Trong lúc nhàn rỗi không có việc gì làm, ông bèn nói chuyện với Kỷ Hiểu Lam và Hòa Thân.
Vua Càn Long hỏi Kỷ Hiểu Lam và Hòa Thân: “Hai vị ái khanh, các ngươi nói xem ai là người giàu nhất thiên hạ? Ai là người nghèo nhất thiên hạ?”
Hòa Thân là đại thần luôn nịnh nọt và muốn lấy lòng vua Càn Long nên nhanh nhảu trả lời trước: “Bẩm thánh thượng! Thần cho rằng thiên hạ là của Thánh thượng nên bệ hạ là người giàu có nhất. Người nghèo nhất là tên ăn mày, hắn trên không có một viên ngói, dưới không có mảnh đất cắm dùi.”
Lời nói này nghe qua thì không có gì sai nhưng vua Càn Long lại im lặng mà không nói gì. Ông quay sang phía Kỷ Hiểu Lam rồi nói: “Kỷ ái khanh, ngươi nói xem nào!”
Kỷ Hiểu Lam vì không muốn tranh cãi với Hòa Thân trước mặt vua cho nên định không nói gì. Nhưng vì vua nhắc đến tên mình nên đành phải nói: “Bẩm thánh thượng, thần cho rằng người giàu nhất thiên hạ là người cần kiệm, còn người nghèo nhất thiên hạ là người tham thèm. Chỉ cần cần kiệm thì cho dù nhà chỉ có bốn bức tường không cũng sẽ dần dần mà giàu có. Còn nếu như đã tham mà lại thèm thì dù có gia tài bạc triệu thì cũng sẽ tiêu xài sạch sẽ ạ!”
Nghe xong lời của Kỷ Hiểu Lam, vua Càn Long vừa gật đầu vừa nói: “Hay! Khanh nói rất đúng!”
Từ xưa đến nay, cần kiệm không chỉ là cách làm giàu mà còn là một đức tính tốt đẹp của con người. Người siêng năng cần cù làm việc lại biết tiết kiệm tiền của mình làm ra, chi tiêu hợp lý thì tài sản ắt sẽ mỗi ngày một nhiều lên. Người đã tham (tham ăn, tham tình ái, tham hưởng thụ…) nhiều, trong lòng lại luôn thèm khát có được, không khống chế được sự thèm khát của mình thì cho dù có làm ra bao nhiêu cũng sẽ hết. Hơn nữa, không chỉ tài sản hết sạch mà đạo đức cũng sẽ theo đó mà đi xuống.
Nhiều người trẻ tuổi trong xã hội chúng ta ngày nay cho rằng gia đình không có nhiều của cải, bản thân lại không làm ra nhiều tiền nên lâm vào bi quan chán nản, than trời trách người. Kỳ thực, chúng ta chỉ cần học theo người xưa, dưỡng thành tính “cần kiệm” và giảm bớt “tham thèm” thì chắc chắn cuộc sống của chúng ta sẽ thay đổi tốt lên!
----------------
Theo Secretchina - Mai Trà biên dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét