Tôi thường không nói về những khối chữ ô vuông mà cha ông ngày xưa sử dụng là chữ Hán hay chữ Nho – mà muốn nói đó là “chữ Thánh Hiền”. Những con chữ này chuyên chở văn hóa và văn minh rất uyên bác, uyên thâm, uyên áo của phương Đông. Nó chứa đựng những nội hàm Đạo Đức không chỉ dành riêng cho người Trung Hoa. Nó như một khối vàng ròng, như những viên kim cương quý. Người ta khai thác tinh luyện từ vùng đất Thần Châu không có nghĩa là chúng ta vì không thích vùng đất ấy mà chối từ và phủ nhận các giá trị văn hóa.
Tôi vốn là người làm nghề gõ đầu trẻ. Nhiều học trò cũ của tôi giờ đã có con, có cháu, lâu lâu cứ hỏi về mấy cái chữ Hán ngày xưa thường nghệch ngoạc trên bảng. Thấy rằng, các vị túc Nho đang hiếm dần nhưng rất uyên bác. Tôi tin những ai có con chữ Thánh Hiền trong đầu thường ít tranh biện, ít hơn thua tranh đấu với người khác. Họ bao dung những người có phúc phận về chữ nghĩa ít hơn họ.
Hiểu chữ Thánh Hiền ra sao có năm bảy kiểu. Người đứng góc này, người nhìn góc khác. Người tầng cao nhìn khác người tầm thấp. Người có kiến văn rộng khác người trí thức thấp hơn. Cho nên, hy vọng mọi người cảm thông nếu thấy những gì tôi viết ở đây không phù hợp với mình. Hôm nay, tôi muốn bàn tới chữ LỘC, muốn viết ít dòng về chữ Lộc.
Phần I: Chiết tự chữ Lộc: ngữ nghĩa và cấu trúc
Đây là chữ ký sinh nhờ 3 chữ mà ta gọi là Tam Đa. Đó là Phúc, Lộc và Thọ. Người ta có thể treo riêng chữ Phúc, chữ Thọ, chứ tôi chưa thấy ai viết chữ Lộc vào giữa ngực rồi đi chúc Tết họ hàng bao giờ.
Lộc phải kẹp chặt giữa Phúc và Thọ. Nó phụ thuộc vào 2 “người kia” cho nên trong sách vở xưa nay và những người cao kiến về chữ nghĩa ít khi bàn về nó…
Dính tới chữ này là quan hệ tới những gì không đâu. Nó tựa như một sự vật “đầu Ngô mình Sở” vậy. Chẳng hạn, Lộc quan hệ tới con Hươu, tới con Khỉ, tới con cá Chép… Nó la cà làm bạn với hoa Mẫu Đơn. Xa hơn nữa, là với hoa Sen, hoa Mận, hoa Cúc, hoa Ngọc Lan. Xa hơn nữa là cặp đôi Khỉ ngồi trên con Mã, con ngựa phóng bạt mạng mà chẳng sợ sa hầm sảy hố hoặc xe bồ câu cảnh sát…
Cấu trúc của chữ LỘC có 2 phần. Bên trái rất giống với chữ Phúc. Đó là chữ Thị (có thể đọc là Kỳ). Bên phải có chữ Lục.
Bộ Thị có mặt trong rất nhiều chữ Thánh Hiền. Nó đều liên quan tới việc đối thoại của con người với những sinh mệnh tối cao chi phối Thiên Địa Nhân và vũ trụ.
Chẳng hạn chữ “Chúc” là cầu mong (chúc Phúc); “Thần” là những Đấng trên cao xanh chi phối vận mệnh chúng sinh; “Tường” là điềm lành (cát tường như ý); “Từ” là đền thờ; “Họa” là tai vạ mà trong sâu xa là quy luật vận hành của luật nhân quả. Con người hiển nhiên không thích nó nhưng nó vẫn đến. Thường là con người rất bị động bởi “Phúc bất trùng lai” và “Họa vô đơn chí”. Cả Phúc và Họa với người xưa đều do ông Trời, do Thần Thánh đem tới. Theo Đạo Đức thờ Thần thì Phúc, sống bá Đạo chiếm hữu lợi ích người khác thì thắp hương bái lạy Thần Phật cũng vô ích; thậm chí còn xúc phạm, sỉ nhục họ…
Đúng thế! Bởi quan hệ nhân quả zic zăc rất khó lường… Hãy nhớ cái bộ, cái chữ “Thị” này nếu bạn muốn tiếp xúc với những từ ngữ có tính tâm linh…
Bây giờ, ta hãy nhìn sang bên phải của chữ Lộc. Đó là chữ “Lục”. Với những ai bằng lòng với cách hiểu đây là chữ cấu trúc “hình-thanh” thì chữ “Lục” ở đây chỉ cho ta cách đọc ra chữ LỘC chứ nó không có ý nghĩa gì. Tóm lại, nhờ có chữ Lục mà ta đọc được chữ Lộc. Bởi hai âm “Lục Lộc” giông giống nhau… Người ta cho rằng chữ Tàu là văn hóa Thần truyền nên đây là sản phẩm Bán Thần. Cho nên bất cứ dấu hiệu nào cũng có những tín tức của vũ trụ. Chúng đều có nghĩa…
Nếu hiểu theo quan niệm này, thì chữ “Lục” ở đây cho phép chúng ta liên tưởng tới những chữ khác nhau nhưng đồng âm với LỤC. Những chữ này có nhiều nghĩa:
– Những gì nhìn thấy rõ ràng trước mắt, ở tầm gần, có thể sờ mó được
– Nếu là một tập hợp thì có thể cân đong, đo, đếm được từng phần tử, từng đơn vị
– Nước trong, nghĩa là chưa bị ô nhiễm như kênh Nhiêu Lộc ngày xưa.
– Thu nhận những sản vật để sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Thời buổi giờ, có câu chuyện cười kể về một ông quan sắp về hưu, đã thuê bác sỹ băng bó vợ mình như đòn bánh tét rồi thuê phòng bệnh viện, tự mình đẩy xe lăn ra đón nhân viên. Tối đến cả hai lo đếm phong bì. Thu nhận loại này có lẽ dễ sử dụng nhất trên đời… Nhưng coi chừng Phúc Lộc không bền. Thần đang nhìn và ghi hết tất cả những khoản nợ của hai vợ chồng, một xu cũng không bỏ sót. Họ sẽ phải bồi thường, phải trả bằng tật bệnh, bằng tai họa không giáng xuống mình cũng đọa đày con cháu.
– Chữ LỤC còn là ghi chép lại thành danh mục. Những ông nào làm quan to nên nói với vợ học cho giỏi nghề kế toán. Bàn dân thiên hạ trăm người nghìn ý, nghìn sản vật… Phải ghi chép thật khoa học: vàng, kim cương, đô la để riêng một quyển. Những thứ bã cám, bã trấu, bã rượu cho mấy con sen thằng ở… Khoai luộc, mắm tôm chở về miền vùng sâu, vùng xa rồi thuê báo, đài, TV quảng cáo thật quyết liệt vào..
Tôi thường không nói về những khối chữ ô vuông mà cha ông ngày xưa sử dụng là chữ Hán hay chữ Nho, mà muốn nói nó là “chữ Thánh Hiền”. Những con chữ này chuyên chở văn hóa, văn minh rất uyên bác, uyên thâm, uyên áo của phương Đông. Nó chứa đựng những nội hàm Đạo Đức không chỉ dành riêng cho người Trung Quốc. Nó như một khối vàng ròng, như những viên kim cương quý. Người ta khai thác tinh luyện từ vùng đất Thần Châu không có nghĩa là chúng ta vì không thích vùng đất ấy mà chối từ và phủ nhận giá trị.
Phần II: Lộc và Đức – Vì sao người am hiểu chữ Thánh Hiền xưa không coi trọng Lộc
Tạm thời, chúng ta hiểu rằng: Nói tới Lộc là nói đến những món vật chất có thể định lượng được chứ không mơ hồ định tính như chữ Đức, chữ Nghiệp…
Lộc thường tìm đến nhà có quyền lực. Không làm ông này, bà nọ thì chỉ có hưởng Lộc từ con cháu, học trò chứ không dưng mà có của cải bò vào nhà, đô la bò vào túi. Người có lộc giống như người nội trợ dùng dao hai lưỡi trong nhà bếp, không khéo là dễ chảy máu.
Nàng Kiều từ thân phận dưới đáy làm gái thanh lâu, bỗng dưng được Từ Hải cưới làm vợ, được làm Phu Nhân bên cạnh Từ Công. Cái Lộc ấy đến quá dễ dàng, nó làm cho nàng trở nên người hám lợi, ích kỷ, tính toán. Nàng muốn dùng sự đầu hàng của Từ Hải để đổi lấy một chức vị, bổng lộc của triều đình. Chung quy cũng là do cái bả Danh Lợi :
2497: “Sao bằng lộc trọng, quyền cao,
2498: “Công danh ai dứt lối nào cho qua?”
Chính nàng Kiều là một trong những chúng sinh bị mê mờ của cõi nhân gian như Đức Phật từng giảng. Muốn có chức tước, làm quan lớn nhỏ và hưởng Lộc của triều đình thì đời trước phải tích được rất nhiều Đức. Cái bề ngoài chúng ta thấy Kiều có quyền lực của Từ để từ đó muốn ăn Lộc của Thiên hạ là hợp lý, logic. Nhưng với quy luật nhân quả thì khi muốn ôm cái chữ Lộc ảo tưởng ấy, Kiều đã tự dẫn mình đến sông Tiền Đường rồi!
Hôm nay, chúng ta hãy nói về một vấn đề nhức nhối: Đó là nạn tham nhũng. Ai cũng xác định rằng điều này chỉ xảy ra với những người có quyền lực. Không làm quan thì không thể tham nhũng. Được làm quan là Phúc ấm bao đời tổ tiên tích góp. Có Đức từ cha mẹ ông bà, từ kiếp trước khéo đường tu nên hôm nay mới có Lộc. Người đời ít ai chấp nhận điều này. Thay vì tích Đức cho nhân quần để kiếp này được trọng thị, kiếp sau vinh quang hơn thì họ lợi dụng chữ LỘC để làm điều thất Đức, tổn Đức. Như vậy, do có Đức mà có chức quyền, địa vị, giàu sang hôm nay. Lộc cũng là sự hiện thực hóa của chữ Đức mà thôi.
Nàng Kiều tích quá nhiều Nghiệp, trả nợ bằng những nỗi đau ê chề, trả nợ bằng chính tuổi xuân người con gái trong chốn thanh lâu. Kiếp trước Đức quá mỏng do đó phận kiếp của nàng cũng mỏng manh như cánh chuồn. Thế nhưng, chưa trả được Nghiệp đã muốn hưởng Lộc. Cái Lợi, Cái Danh, Cái Tình đã thực sự giết chết nàng. Cho hay, con người càng thông minh trên bề mặt, bề ngoài; càng được người đời tán tụng tung hô thì chính đó là những người mê nhất, u tối nhất. Muốn hưởng Lộc để thỏa mãn Danh, Lợi, Tình chính là giao thân cho ma cai quản mình rồi.
Chữ Lộc làm cho nghề kế toán trong gia đình các quan tham có khả năng phát đạt. Đặc biệt cái chữ Lộc bị ngộ nhận này sẽ phát triển năng khiếu cho các bà vợ quan tham có khả năng tính nhẩm quỷ khóc thần sầu. Không có chữ Lộc thì Microsoft không bán được phần mềm Excel… Chữ Lộc dính tới chữ L khác là “Lợi”. Nếu không khéo thì chữ này làm che mờ chữ “Nghĩa” là cái chữ biểu dương một người vì người khác mà hành động.
Thực ra, chữ LỘC chân chính phải là sự kết hợp của 2 chữ Thị và Lục. “Thị” (yếu tố thần linh) đã khống chế những mặt tiêu cực của” Lục”. Do đó, LỘC chính là:
– Điều may mắn tốt lành xứng đáng được hưởng. Mình có tài năng, có chức quyền mình có nguồn Đức của gia đình và các đời trước để lại mình xứng đáng được thụ hưởng tiền tài của cải mà do chính bàn tay, khối óc và may mắn mà vận số mình xứng đáng…
– Địa vị của mình xứng đáng được hưởng những bổng lộc, những của cải mà vua, nhà nước, công ty ban cho… Thật vô lý khi cào bằng mọi người như nhau… Cái “quả” ngày hôm nay có cái “nhân” từ xa xưa. Mình tài hơn nhưng lãnh đạo nhiều Đức hơn. Số phận vì thế có vẻ bất công nhưng với Trời Phật thì công bằng không sai sót một phân…
Người xưa cho rằng học hành, đậu khoa bảng, thì sẽ ra làm quan thỏa nguyện mơ ước kinh bang tế thế của mình. Có địa vị xã hội, có danh giá hiển nhiên là có quyền lực. Quan sẽ có lương, có bổng, sẽ có cuộc sống vật chất dồi dào. Vua sẽ cho lên chức, lên quyền và ban thưởng nhiều quyền lợi hơn nữa… Làm quan, có chức quyền thì mới có Lộc. Vì thế mới có từ Quan Lộc, Lợi LỘC. Phát Lộc ắt phát TÀI…
Người xưa không chỉ trông vào “Phúc tinh cao chiếu” mà mỗi đêm ngong ngóng trời cao “Lộc tinh cao chiếu”. Con đường từ Lộc đi lên hình như oai hơn, khí thế hơn. Cái “Danh” rất thực này nó giải quyết khát vọng mãnh liệt của thế giới con người. Đó là: Danh, Lợi và Tình.
Những người am hiểu tư tưởng Thánh Hiền xưa không coi trọng chữ Lộc như đám phàm phu hám lợi hôm nay. Chu Văn An rũ bỏ áo dài mũ cao về dạy học sống đời thanh liêm. Nguyễn Trãi là công thần, là lương đống của quốc gia, thấy chốn quan trường kẻ tranh người đoạt đã về Côn Sơn ở ẩn. Ông nhận ra chân lý, nhận ra thói đời:
“Danh suông vạ mặc vòng oan uổng
Dạ thẳng đời bao kẻ ghét ghen”
Hãy nghe ông hát bài ca ở Côn Sơn. Một quan niệm sống rất đáng cho chúng ta hôm nay nhìn nhận và trân trọng.
Bài ca Côn Sơn
Côn Sơn suối chảy rì rầm,
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.
Côn Sơn có đá rêu phơi,
Ta ngồi trên đá như ngồi đệm êm.
Trong ghềnh thông mọc như nêm,
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.
Trong rừng có bóng trúc râm,
Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.
Về đi sao chẳng sớm toan,
Nửa đời vướng bụi trần hoàn làm chi?
Muôn chung chín vạc làm gì,
Cơm rau nước lã nên tuỳ phận thôi.
Đổng, Nguyên để tiếng trên đời,
Hồ tiêu ăm ắp, vàng mười chứa chan.
Lại kia trên núi Thú San,
Di, Tề nhịn đói chẳng màng thóc Chu.
Hai đàng khó sánh hiền ngu,
Đều làm cho thỏa được như ý mình.
Trăm năm trong cuộc nhân sinh,
Người như cây cỏ thân hình nát tan.
Hết ưu lạc đến bi hoan,
Tốt tươi khô héo, tuần hoàn đổi thay.
Núi gò đài các đó đây,
Chết rồi ai biết đâu ngày nhục vinh.
Sào, Do bằng có tái sinh,
Hãy nghe khúc hát bên ghềnh Côn Sơn.
Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng nhìn thấy thói đời nhiễu nhương mà lui về với am Bạch Vân cùng mây trắng vân du tránh xa Danh Lợi, tránh xa Bổng Lộc triều đình. Đọc THÓI ĐỜI của ông để cho ta thấy cầu Tài, cầu Lộc rất dễ tổn Đức, hao Đức – cái mà ông cha ta trân quý nhất :
“Thế gian biến đổi vũng nên đồi
Mặn nhạt, chua cay lẫn ngọt bùi
Còn bạc, còn tiền còn đệ tử
Hết cơm, hết rượu hết ông tôi
Xưa nay đều trọng người chân thực
Ai nấy nào ưa kẻ đãi bôi
Ở thế mới hay người bạc ác
Giàu thì tìm đến khó tìm lui.”
Khi Pháp sang đô hộ nước ta, triều đình làm tay sai cho Pháp, cụ Nguyễn Khuyến là quan lớn, là trí thức từng thi đậu Tam Nguyên đã từ quan, từ Lộc để về quê sống nhờ bà vợ làm nông tảo tần. Ông viết Di Chúc với hai câu cuối rất đáng cho ai quan tâm tới chữ Lộc phải suy ngẫm:
Di Chúc
Tác giả: Nguyễn Khuyến
Kém hai tuổi xuân đầy chín chục
Số thầy sinh phải lúc dương cùng
Đức thầy đã mỏng mòng mong
Tuổi thầy lại sống hơn ông cụ thầy
Học chẳng có rằng hay chi cả
Cưỡi đầu người kể đã ba phen (1)
Tuổi là tuổi của gia tiên
Cho nên thầy được hưởng niên lâu ngày
Ấy thuở trước ông mày chẳng đỗ
Hóa bây giờ cho bố làm nên
Ơn vua chửa chút báo đền
Cúi trông hổ đất, ngửa lên thẹn trời
Sống không để tiếng đời ta thán
Chết được về quê quán hương thôn
Mới hay trăm sự vuông tròn
Sống lâu đã trải, chết chôn chờ gì ?
Đồ khâm liệm chớ nề xấu tốt
Kín chân tay đầu gói thời thôi
Cỗ đừng to lắm con ơi,
Hễ ai chạy lại con mời người ăn
Tế đừng có viết văn mà đọc
Trướng đối đừng gấm vóc mà chi
Minh tinh (2) con cũng bỏ đi
Mời quan đề chủ (3) con thì không nên
Môn sinh chớ bổ tiền đạt giấy
Bạn của thầy cũng vậy mà thôi
Khách quen chớ viết thiệp mời
Ai đưa lễ phúng con thời chớ thu
Chẳng qua nợ để cho người sống
Chết đi rồi còn ngóng vào đâu !
Lại mang cái tiếng to đầu
Khi nay bày biện, khi sau chê bàn
Cờ biển của vua ban ngaỳ trước
Khi đưa thầy con rước đầu tiên
Lại thuê một lũ phường kèn
Vừa đi vừa thổi, mỗi bên dăm thằng
Việc tống táng nhung nhăng qua quýt
Cúng cho thầy một ít rượu hoa
Đề vào mấy chữ trong bia
Rằng: “Quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu” .
Chú thích:
(1) Câu này ý nói: nhà thơ qua ba kỳ thi đều đỗ đầu bảng (tam nguyên).
(2) Minh tinh: một mảnh lụa, mảnh vải hay mảnh giấy để tên hiệu, tên thụy, tuổi và chức tước, địa vị người chết trong khi đưa đám ma. Mảnh lụa, vải hoặc giấy này đem dán vào một cái khung bằng tre hoặc nứa rất cao rước đi trước quan tài, khi mai táng thì xong thì đốt cùng nhà táng. Có khi buộc vào cây nêu gọi là cây triệu.
(3) Đề chủ: viết tên và hiệu người chết vào thần chủ (cái thẻ bằng gỗ để thờ người chết), vật tượng trưng cho linh hồn người chết. Việc này thường được coi như tôn trọng, nên phải nhờ người có chức tước làm.
----------------------
Nguồn: http://www.daikynguyenvn.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét