6 tháng 4, 2016

Cách chữa chứng đi tiểu đêm

Chứng tiểu đêm gây ra khá nhiều phiền toái cho người bệnh, đặc biệt là tình trạng thường xuyên thức giấc vào ban đêm làm cho chất lượng giấc ngủ bị suy giảm. Kèm theo đó cơ thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, sức khỏe cũng từ đó mà bị đi xuống. Vậy làm thế nào để điều trị chứng tiểu đêm? Cùng tìm ra nguyên nhân và cách điều trị, khắc phục tình trạng này.

Nguyên nhân thường gặp dẫn tới tiểu đêm

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng trên, nhưng người ta phân làm 2 nhóm chính: Nhóm nguyên nhân bệnh lý (thực thể) và không do thực thể (chức năng).

Nguyên nhân thực thể

Một số bệnh lý dưới đây là nguyên nhân gây ra tình trạng tiểu đêm cho người bệnh:

Phì đại tuyến tiền liệt: Tuyến tiền liệt phì đại thường gặp ở nam giới cao tuổi với các triệu chứng như tiểu đêm, tiểu nhiều, tiểu lắt nhắt…

Hiện tượng sa tử cung do sinh đẻ gặp ở nữ giới

Các bệnh viêm nhiễm về bàng quang, đường tiết niệu: Khi bàng quang, đường tiết niệu bị viêm nhiễm gây kích thích dẫn đến đi tiểu nhiều lần kèm theo cả tiểu đêm, tiểu buốt, tiểu nhắt..

Suy thận mạn tính: Bệnh ở giai đoạn đầu có hiện tượng giảm chức năng cô đặc nước tiểu gây tiểu đêm. Khi bệnh phát triển có các triệu chứng như tiểu ít, da xanh, mệt mỏi, chán ăn, cơ thể suy nhược…

Sỏi thận: Biểu hiện lâm sàng của sỏi thận rất đa dạng, trong đó có triệu chứng tiểu đêm. Các triệu chứng khác thường đi kèm là tiểu khó, rát buốt, đau lưng…

Đái tháo đường, đái tháo nhạt: Gây ra hiện tượng đi tiểu nhiều và đi tiểu về đêm.

Nguyên nhân thần kinh như chèn ép tủy, xơ cứng rải rác, hội chứng chèn ép tủy sống, bệnh Parkinson…

Nguyên nhân không do bệnh lý (chức năng):

Do chế độ ăn uống hàng ngày: Uống nhiều nước, ăn nhiều canh, uống bia rượu, cà phê, trà vào buổi tối gây nên hiện tượng thức dậy đi tiểu vào ban đêm.

Sử dụng một số thuốc có tính lợi tiểu như thuốc hạ huyết áp (nhóm ức chế kênh canxi), thuốc lợi tiểu.

Tinh thần căng thẳng, stress gây ảnh hưởng tới sức khỏe, đi tiểu nhiều cả ngày lẫn đêm

Do mang thai: Các nội tiết của nhau thai tiết ra và do chính thai trong tử cung đè ép vào bàng quang.

Tuổi tác: Khi lớn tuổi chức năng cô đặc nước tiểu của thận bị suy giảm, dẫn tới đi tiểu về đêm.

Rối loạn phản xạ thần kinh điều khiển bàng quang

Bài thuốc chữa trị chứng tiểu đêm

Dưới đây là một số bài thuốc người bệnh tham khảo giúp chữa trị chứng tiểu đêm. Để điều trị hiệu quả người bệnh nên được thăm khám tìm ra nguyên nhân khi đó sẽ có biện pháp điều trị đúng đắn nhất.

Bài 1:
Ngũ gia bì 12g,
Khiếm thực 12g,
Thỏ ty tử 10g,
Thục địa (sao khô) 12g,
Trạch tả 10g
Sơn thù 12g
Phòng sâm 12g
Bạch linh 10g
Bạch truật 12g
Tang diệp 16g

Ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần. Có công dụng bổ thận, bổ khí, giúp ổn định và củng cố chức năng của thận dương.

Nếu người bệnh bị lạnh lưng và lạnh tay chân gia quế 10g, sinh khương 8g.

Bài 2:
Bạch biển đậu 12g
Cố chỉ 10g
Hoài sơn 16g
Sơn thù 12g
Thục địa (sao khô) 12g
Kim anh 12g
Hắc táo nhân 12g
Viễn chí 12g
Liên nhục 12g
Đại táo 8 quả

Ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần. Có công dụng bổ tâm thận, ổn định thần kinh trung ương, củng cố sức bền và khả năng cầm cố của thận. Phù hợp cho người bị mất ngủ kéo dài, tim đập nhanh, hay hồi hộp, hay quên, tiểu đêm nhiều lần.

Bài 3:
Cẩu tích 12g
Tơ hồng xanh 16g
Khởi tử 12g
Đỗ trọng 10g
Hoài sơn 16g
Sơn thù 12g
Tang ký sinh 16g
Ngải diệp 12g
Ngũ gia bì 12g
Sa sâm 12g
Hoàng kỳ 12g
Đương quy 16g
Bạch truật 16g
Mẫu lệ chế 12g
Cam thảo 10g

Ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần. Có tác dụng bổ thận nạp khí, ôn ấm bàng quang. Chữa trị cho những người bệnh thận hư, chức năng bàng quang bị rối loạn, sinh ra chứng tiểu đêm, tiểu không kiểm soát.

Bài 4 (thuốc ngâm rượu):
Đỗ trọng, thỏ ty tử, khởi tử, sơn thù, cẩu tích, ngũ gia bì, hoài sơn, liên nhục, biển đậu, thục địa, đương quy, sa sâm, phòng sâm, hắc táo nhân, viễn chí, hoàng kỳ, bạch truật mỗi vị 20g
Cam thảo 40g
Trần bì 16g
Quế 10g
Trạch tả 16g

Các vị thái nhỏ bỏ vào bình sành. Đổ vào 3 lít rượu để ngâm. Sau 20 ngày là có thể dùng được. Ngày uống 50 – 60ml, chia 2 lần trước bữa ăn. Dùng cho những người thận yếu, tiểu đêm nhiều lần, rối loạn chức năng bàng quang, ngủ ít, tim hồi hộp, chân tay lạnh…

Lưu ý, đây là rượu thuốc vì vậy cần sử dụng đúng liều lượng, nếu quá chén sẽ không có lợi.

Món ăn tốt cho người mắc chứng tiểu đêm

Ngoài việc dùng thuốc, có thể dùng món ăn để cải thiện chứng tiểu đêm khá hiệu quả. Dưới đây là một số món ăn ngon, bạn đọc cùng tham khảo:

Thịt ba ba, thịt gà


Thịt ba ba 250g; Thịt gà 150g

Cách làm: Ba ba và thịt gà rửa sạch, chặt miếng. Cho thêm nước và gia vị nấu cho chín nhừ rồi ăn.

Cật heo, đậu dao
Một cái cật heo, Đậu dao 1 miếng

Cách làm: Rửa sạch cật heo, xẻ đôi, rồi nhồi đậu dao vào trong đó, cho vào nồi, thêm nước, đun nhỏ lửa cho chín, nêm nếm gia vị vừa ăn. Người bị nhẹ ăn 2 – 4 ngày. Người bị nặng ăn 4 – 8 ngày.

Gà mái vàng, hoàng kỳ, thục địa
Gà mái vàng loại nhỏ (500g); Hoàng kỳ 30g; Thục địa 30g

Cách làm: Gà làm sạch cho vào nồi cùng hoàng kỳ và thục địa, đổ thêm nửa lít nước vào hầm kỹ cho đến khi gà nhừ, bỏ bã thuốc, ăn thịt gà và uống nước.

Gan gà trống, thỏ ty tử, gạo tẻ
Gan gà trống 1 bộ; Thỏ ty tử 15g; Gạo tẻ 60g; Nước sạch 750ml.

Cho tất cả vào hầm kỹ thành cháo ăn.

Phòng ngừa chứng tiểu đêm

Dưới đây là một số khuyến cáo cho những trường hợp mắc chứng tiểu đêm do các nguyên nhân chức năng:

Hạn chế uống nhiều nước, ăn nhiều canh, uống rượu bia, trà, cà phê vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Trong chế độ ăn nên tăng cường rau xanh, chất xơ, không ăn quá nhiều thịt, muối.
Không nên ăn quá nhiều rau quả chứa nhiều nước vào buổi tối ví dụ như cam, bưởi, dưa hấu…
Nên tạo thói quen tốt đi tiểu trước khi đi ngủ.
Nên để tinh thần thoải mái, vui vẻ, tránh xa những căng thẳng lo âu trong cuộc sống.
Tập thói quen đi tiểu đúng giờ.
Không uống các thuốc lợi tiểu vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Massage, ngâm vùng hậu môn bằng nước ấm.
--------------
Nguồn: tuyentienliet.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét