Hàng ngày, người tiêu dùng thường xuyên lo lắng cho sức khỏe vì vấn đề an toàn thực phẩm. Người ăn hay người sản xuất thực phẩm bẩn sẽ chịu hậu quả nghiêm trọng hơn?
Rau thịt “tẩm” hóa chất: Ai là người chết trước? (Ảnh: Internet)
Tình trạng thực phẩm bẩn, ô nhiễm nguồn nước, không khí luôn là mối lo ngại của nhiều người. Hơn thế, mức độ ô nhiễm ngày càng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người.
Để tăng thêm lợi nhuận, nhiều nông dân đã “hào phóng” khi sử dụng thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại cho rau quả, với mục đích rút ngắn thời gian sinh trưởng, kéo dài độ tươi ngon của chúng. Nên mới có những câu chuyện kiểu như:
“Ông trồng chè khoe với bạn là họ đang uống chè từ khu trồng sạch nhà quây riêng dành cho gia đình, khu còn lại tất nhiên là trà bẩn để bán.
Bà bán rau cũng hân hoan nói với gia đình là người nhà được ăn rau ở khu trồng sạch, khu phun nhiều thuốc là để bán; Ông bán thịt lợn cũng vậy…”
Nhưng xét cho cùng ai mới là người bị ảnh hưởng nhiều nhất đây. Tiến sĩ Vũ Thu Hương (tốt nghiệp chuyên ngành Địa lý tự nhiên tại ĐH Quốc gia Hà Nội) phân tích để thấy mối quan ngại về vấn đề này.
Gậy ông đập lưng ông
Thực tế, người trồng rau và gia đình họ là tiếp xúc trực tiếp với hóa chất. Hóa chất “tắm” lên rau củ, rơi xuống đất, ngấm vào nước và phát tán trong không khí, vì vậy, rau ngấm thuốc không quá nhiều. Với nguồn nước ngầm bị nhiễm độc, thói quen dùng nước giếng sinh hoạt, rửa rau, vo gạo ở ao, ở bến sông,… khả năng chính họ bị nhiễm độc cao hơn gấp nhiều lần người ăn rau.
Hóa chất bay ào ào trong không khí, những người dân sống tại đây phải hít trọn vẹn hoặc một phần rất nguy hiểm. Người phun thuốc chính là nạn nhân chịu ảnh hưởng từ hóa nhất nhiều nhất, chưa kể ruộng rau không “tắm” hóa chất lân cận cũng hứng trọn không khí độc hại này. Nếu rau khi thu hoạch không được rửa sạch thì cũng tương tự với ruộng rau được phun thuốc trực tiếp.
Thực phẩm bẩn là con đường ngắn nhất từ dạ dày đến nghĩa trang. (Ảnh: Internet)
Còn hóa chất trên rau được bán ra thị trường thì sao? Lượng hóa chất đó sẽ bay dần theo thời gian. Nếu thời gian ngắn, hóa chất sẽ đọng lại trên rau. Tuy nhiên, sau khi được rửa sạch, hóa chất bị nước cuốn trôi khá nhiều. Đặc biệt, ta không cần tác động thêm thì hóa chất cũng bay ra khỏi rau. Vì thế, nếu rau rửa thật sạch, vẩy khô nước, gói lại để đến hôm sau tiếp tục sơ chế thêm rồi mới nấu ăn thì lượng hóa chất trên rau đã biến mất đến 90%.
Người nông dân có thể trồng riêng cho gia đình một ruộng rau sạch với hi vọng được ăn rau an toàn. Nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược, hóa chất bay khắp nơi cũng sẽ ngấm vào nước ăn, vào đồ đạc họ dùng, thóc lúa phơi ngoài sân và cả những cây rau họ trồng riêng cho gia đình.
Đây cũng là nguyên nhân khiến người nông dân, hàng xóm của họ sinh bệnh tật. Như vậy, có chắc người mua rau bị ảnh hưởng hay chính những người trồng rau bị ngộ độc?
Mà người trồng rau không thể chỉ ăn rau, người nuôi lợn không thể chỉ ăn thịt quanh năm. Nếu cứ cho suy nghĩ an toàn cho riêng mình cũng đâu có được, chúng ta sống trong một quần thể xã hội luôn có sự tương tác lẫn nhau.
Điều tôi lo lắng nhất chính là việc người bán bôi thuốc trực tiếp lên thực phẩm hay cho chất lạ vào nồi canh, thức ăn ở các quán ăn sẵn. Vì vậy, hãy hạn chế tối đa việc ăn hàng, mua thực phẩm về rửa sạch sẽ giảm khả năng nhiễm độc xuống nhiều lần.
Thịt thường được khuyến cáo là không nên rửa. Nhưng theo tôi quan sát tại một số chợ tại Hà Nội, có hiện tượng người bán sử dụng loại hóa chất không rõ nguồn gốc bôi lên thịt. Tôi mua tại chợ thịt hoàn toàn bình thường, về nhà sơ chế lại thấy mùi ôi bốc ra ngào ngạt. Vì vậy, tôi vẫn rửa thịt, thậm chí rửa sạch nhất có thể.
Ngoài rau, thịt sử dụng hóa chất thì không khí cũng là vấn đề rất đáng lo. Ở các thành phố, ô tô, xe máy, lò than tổ ong, các nhà máy, thải ra các loại hóa chất độc hại như SO2, NO2,…. Đứng tại một cây cầu nào đó bắc qua sông Hồng nhìn về Hà Nội, chúng ta sẽ thấy bầu khí quyển khu vực này có tầng bụi màu trắng đục, cao khoảng 20-30 m, bay lơ lửng trên không.
Còn ở các vùng quê, các hóa chất sử dụng trong nông nghiệp làm hỏng bầu khí quyển vốn nổi tiếng là trong lành. Giờ đây, đi trên mọi địa phương, tôi không dám chắc là nơi nào thực sự trong lành.
Về nguồn nước, nước ngầm cũng đang bị nhiễm bẩn. Ở các thành phố lớn, chúng ta có thể rửa rau, nấu cơm và đun nước uống bằng nước máy nhưng nhiều nơi vẫn sử dụng nước giếng hoặc giếng khoan.
Với rác thải, con người cho phép bản thân và người quen ném rác vô tội vạ ra khắp nơi, hành động này là tự giết mình và gia đình. Rác thải thực phẩm sẽ phân hủy, trong quá trình này sẽ sản sinh ra chất độc, vi khuẩn gây bệnh từ đó cũng được phát tán.
--------------------------
Nguồn: Theo Zing
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét