19 tháng 4, 2016

CÂY Hà thủ ô trắng

Hà thủ ô trắng hay hà thủ ô nam, dây sữa bò (danh pháp hai phần: Streptocaulon juventas) là một loài thực vật có hoa tronghọ La bố ma. Loài này được (Lour.) Merr. mô tả khoa học đầu tiên năm 1935.

Trong bài viết “Ai chữa bệnh cho Bác Hồ? Bằng biệt dược gì?” của tác giả Đắc Trung đăng trong Cây thuốc quý số 21 ngày 20/8/2004 có nói về một loại biệt dược đã cứu Bác thoát khỏi căn bệnh sốt rét có lúc tưởng chừng không qua khỏi. Bà con địa phương đã tìm ông lang giỏi đến xem mạch và tìm thuốc cho Bác. Ông đã trèo lên tận đỉnh Núi Hồng (xã Kim Long, huyện Sơn Dương, Tỉnh Tuyên Quang) tìm được củ thuốc quý đem về đốt cháy, hoà cùng cháo loãng để Bác uống. Nhờ thứ biệt dược ấy mà Bác cắt được cơn sốt và sức khỏe được phục hồi dần.

Trong bài giới thiệu về Hà thủ ô trắng, tác giả Đỗ Tất Lợi, trong các lần xuất bản bộ sách “ Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” đều ghi Hà thủ ô trắng còn có tên khác là Mã liên an. Lần in thứ 6 (1991): “ Theo sự điều tra của bản thân tôi trong kháng chiến tại các vùng dân tộc, người ta dùng củ và thân lá cây này chữa cảm sốt, cảm nắng, sốt rét”. Đến lần in thứ 7 (1995) và gần đây nhất (1999) tác giả ghi: “Nhưng từ năm 1974, chúng tôi tham khảo những tài liệu sách của Trung Quốc, thấy tên vị Mã liên an có tên khoa học là Streptocaulon griffithii Hook.f., còn tên Hà thủ ô trắng là Streptocaulon juventas (Lour) Merr. thì chỉ có tên Trung Quốc là Ám tiêu đằng”. Tác giả viết “Tên Mã liên an do chúng tôi lấy được của một người dân tộc vùng huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) cho tên. Theo lời kể Bác Hồ bị cảm sốt nặng vào tháng 7-1945, được một ông lang người dân tộc dùng củ cây này chữa khỏi. Cho nên, Bác Hồ có dặn các đội viên trong Đội tuyên truyền giải phóng quân (trước Cách mạng) hễ thấy cây này thì hái lấy, mang theo mình phòng khi cần đến. Có thể đây là một vị thuốc chữa cảm sốt mới”. Qua đó, có thể thấy cây thuốc trị bệnh cho Bác Hồ là cây Mã liên an, rất gần với cây Hà thủ ô trắng. Đó là 2 loài cây khác nhau. Năm 1997, trong Từ điển cây thuốc Việt Nam, chúng tôi đã giới thiệu cả 2 loài này.


Như trên đã nêu, hai loài này đều thuộc chi Streptocaulon Wight et Arn. Chi này bao gồm 5 loài phân bố từ Ấn Độ đến quần đảo Mã Lai. Ở nước ta hiện biết 4 loài trong đó có 2 loài được sử dụng làm thuốc.

* Streptocaulon juventas (Lour.) Merr: Hà thủ ô trắng, Cây vú bò


Dây leo dài 2 – 5m. Các nhánh lởm chởm lông màu hung hay nâu tía, có lông sít nhau nhất là ở các phần non, rụng dần khi già. Lá thay đổi nhiều về hình dạng và kích thước, hình bầu dục hay trái xoan ngược, rộng ra ở giữa và nửa phía dưới, đầu nhọn hay có mũi, gốc tròn hay cụt, có lông như len ở mặt trên, có lông xám hung ở mặt dưới; phiến dài 4 – 14cm, rộng 2 – 9 (10cm); gân bên 16 – 20 đôi; cuống lá có nhiều lông, dài 5 – 8mm. Cụm hoa xim, có lông nhiều, phân nhánh lưỡng phân và thường vượt vượt quá lá. Hoa 10 – 15, nhỏ, tràng hoa nhẵn, có ống ngắn, thuỳ hình trái xoan cao 8mm, màu nâu nâu, nâu vàng, vàng tím hoặc xám, mặt trong màu đỏ rượu vang; tràng phụ có sợi đính trên chỗ lõm của lưng các bao phấn. Quả đại dãng ra, hình con thoi, màu xám, có lông hung, dài 7 – 11cm, rộng 8mm. Hạt dẹp, có lườn ở lưng, dài 5 – 7mm, rộng 2mm, có mào lông mềm dài 2,5cm. Cây mọc ở ven rừng thưa, trảng cây bụi ở vùng đồi; cây chịu hạn. Phân bố ở Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Tây, Ninh Bình…

Trong Nam dược thần hiệu, Tuệ Tĩnh ghi: “Hà thủ ô trắng : Rễ (củ) dây sữa bò, vị ngọt đắng, tính ấm, nhu nhuận, mạnh gân bổ tuỷ, trừ nhọt độc, uống lâu sẽ tăng tuổi thọ”.

Kiêng đồ sắt, lấy dao nứa cạo bỏ vỏ thô, dùng chày gỗ giã cho nát ra, tẩm nước vo gạo một đêm, phơi khô mà dùng. Khi uống, kiêng ăn các thứ tiết, cá không vẩy, củ cải và hành, tỏi”.

Trong Lĩnh Nam bản thảo, quyển thượng, Hải Thượng Lãn Ông ghi:

Hà thủ ô rễ dây sữa bò
Vị ngọt, đắng chát, tính ôn nhu
Mạnh gân bổ tuỷ, trừ mụn độc
Uống lâu thì sẽ sống càng lâu

Với ghi chú và kiêng kỵ như trong Nam dược thần hiệu.

Gần đây trong bộ sách “1000 cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam” xuất bản tháng 2 năm 2004, các tác giả ghi: “Hà thủ ô trắng có tên khác: Củ vú bò, Dây sữa bò, Cây sừng bò, Dây mốc, Mã liên an, Khâu nước, Khâu cần cà (Tày), Chừa ma sìn (Thái), Xạ ú pẹ (Dao), Sân ra, Zờ nạ (KHo), Pắt (KDong).

Rễ củ có nhiều tinh bột và alcaloit. Rễ Hà thủ ô trắng dùng sống thì thanh nhiệt, giải độc, chữa cảm sốt, sốt nóng, sốt rét, ra nhiều mồ hôi, đau vùng tâm vị, bị thương, sưng đau, ít sữa; nếu chế biến, cách dùng giống Hà thủ ô đỏ. Ngày 12 – 20g dạng thuốc sắc, cao hoặc rượu thuốc.

Lá Hà thủ ô trắng uống chữa đái dắt, đái buốt. Rễ hoặc lá Hà thủ ô trắng nhai nuốt nước, bã đắp chữa rắn cắn. Còn dùng lá và cành đun nước tắm và rửa để chữa lở ngứa. Có thể phối hợp với lá Ngải cứu, không dùng Hà thủ ô trắng đối với người hư yếu, tạng lạnh đồng thời kiêng ăn tiết lợn, cá, lươn, rau cải, hành, tỏi.

* Streptocaulon griffithii Hook.f: Mã liên an, Hà thủ ô Griffith


Ở Trung Quốc người ta thường lẫn tên của hai loài cây này. Có sách ghi Ám tiêu đằng có tên là Cổ dương đằng, phần đông ghi vị thuốc từ cây này là Cổ dương đằng (……….) với tên đồng nghĩa là Mã liên an, Đằng khổ sâm, Sơn ám tiêu, Địa khổ sâm. Ngay tên Mã liên an cũng có sách viết khác nhau, có sách viết ………. với liên nghĩa là gắn bó, nối liền, có sách ……….với liên nghĩa là cây sen. Trong Từ điển cây thuốc, chúng tôi dùng tên Mã liên an.


Cây bụi leo. Nhánh màu nâu tía, các chồi non có lông. Lá hình trái xoan, thuôn hay hình ngọn giáo ngược, nửa phía trên rộng hơn, nhọn ngắn ở đầu, tròn hay hình tim ở gốc, mặt trên xám và có lông rậm, mặt dưới màu xám nâu, dài 7 – 15cm, rộng 3 – 7 cm; gân giữa lồi ở mặt dưới, có rãnh ở mặt trên, gân bên 14 – 18 đôi, cong lại ở mép; cuống lá dài 5mm. Cụm hoa xim lưỡng phân, có lông, dài và rộng 2,5 – 5cm; cuống chung dài 5mm, các nhánh có lá bắc mọc đối, tồn tại; cuống hoa mảnh, dài 3 – 7mm; đài có lông phún; tràng hoa màu lục, mặt trong màu vàng hồng, có ống ngắn, thuỳ dài 2,5 – 3,7mm; tràng phụ có 5 phiến hình sợi trên gốc dạng đĩa hay vòng. Quả đại mảnh, thẳng, dài 7 – 12cm, đường kính 5 – 7mm, dãng ra thành góc 170o; hạt thuôn, thắt lại ở đỉnh, có lườn ở bụng, dài 7,5mm, rộng 2,5mm; mào lông dài 2,5mm, rậm.

Mã liên an mọc ở ven rừng thưa hay ở trảng cây bụi. Cây ưa sáng. Ra hoa tháng 8 – 10, có quả tháng 10 – 12. Phân bố từ Hà Tây, Ninh Bình, Thừa Thiên – Huế vào Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Lâm Đồng. Loài này được sử dụng rất nhiều ở Trung Quốc. Hầu hết các sách thuốc có nói đến với tên Cổ dương đằng hay Mã liên an.

Có thể dùng rễ, lá hoặc toàn cây; có thể dùng tươi hay phơi khô dùng dần.

Cây có vị đắng, hơi ngọt, tính mát có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hành khí chỉ thống, tiêu tích kiện vị. Có tác dụng trị: Cảm mạo phát sốt, sốt rét; viêm ruột ỉa chảy, dạ dày và ruột quặn đau, tiêu hoá không bình thường, lỵ, đau bụng, đau dạ dày; đòn ngã ứ máu sưng đau, lưng mỏi đùi đau; viêm thận mạn tính, viêm ruột thừa. Còn dùng trị rắn độc cắn, lâm trọc, loét ngoài da. Liều dùng uống trong 4 – 8g sắc nước uống hoặc tán bột uống 2 – 4g; dùng ngoài giã tươi đắp. Người thể trạng hư hàn không nên uống.

Một số bài thuốc được dùng:

- Viêm ruột cấp và mạn tính, tâm vị khí thống, ngoại cảm hàn nhiệt: Rễ Mã liên an phơi khô tán bột, mỗi lần dùng 2 – 4g, chiêu với nước, ngày 2 lần.

- Hồng; bạch lỵ: Mã liên an 30 – 40g, thêm 15 – 20g Đường trắng, nấu nước uống, chia 2 lần uống trong ngày.

- Rắn độc cắn: Mã liên an 60g giã nát trộn với 60ml rượu, chiết lấy 30ml dịch rượu uống trong, bã dùng đắp vào vết cắn.

- Loét ngoài da: Mã liên an, cây Mua, Tuỳ lương, phơi khô tán bột,mỗi lần uống 1 – 2g, ngày 3 – 4 lần, liên tục một tháng. Bên ngoài dùng bột bôi lên vết loét.

Cũng cần chú ý là hai loài cây Hà thủ ô trắng và Mã liên an rất gần gũi với nhau dẫn đến việc gọi nhầm và sử dụng chưa thật đúng.

---------------------------

Nguồn: Internet

1 nhận xét:

  1. cây hà thủ ô dùng cả thân và cử hay sao? dùng như thế nào?

    Trả lờiXóa