11 tháng 4, 2016

Bí quyết trở thành nhà bác học vĩ đại của Newton

Ngài Isaac Newton có thể đã sống cách đây rất lâu, hơn 200 năm về trước, nhưng nhà vật lý, toán học, và triết học người Anh này luôn được nhìn nhận như một thiên tài khoa học, khi đưa ra các định luật về chuyển động và lực vạn vật hấp dẫn.


Nếu có cuộc bình chọn thiên tài xuất sắc, chúng ta có lẽ sẽ phải bỏ phiếu cho Newton. (Ảnh: Dave Chavarri)

Ông cũng là người tạo ra chiếc kính viễn vọng phản xạ, vốn đã dẫn dắt ông khám phá ra tính tán sắc ánh sáng, từ đó giải thích hiện tượng ánh sáng trắng đi xuyên qua lăng kính sẽ được phân tách thành nhiều màu, và ngược lại một thấu kính hay một lăng kính sẽ có khả năng hội tụ các dãy màu sắc khác nhau thành ánh sáng trắng.

Tuy nhiên, Newton nắm giữ một bí mật dẫn đến thành công, và đây không chỉ là những bóng đèn kỳ diệu đột nhiên lóe lên trong tâm trí. Ông thật sự đã có một phương pháp đằng sau các thành quả của mình. Tuy được phú cho một tính cách ham học hỏi, nhưng 99% thành quả của ông là nhờ vào sự nỗ lực chăm chỉ:

1. Newton gấp sách theo một cách thức đặc biệt

Chân dung Isaac Newton. Tranh sơn dầu, khoảng năm 1726. (Ảnh: Phòng tranh Enoch Seeman)

Trước khi xuất hiện các công cụ đánh dấu (bookmark) điện tử trên mạng Internet, Newton đã gấp các trang sách sao cho đầu nếp gấp trỏ đúng vào một đoạn cụ thể mà ông tâm đắc. Theo cách này, ông có thể tìm lại đoạn nội dung đó nhanh hơn.

2. Newton viết ghi chú ngay trên cuốn sách

Vị cựu chủ tịch Hội Khoa học Hoàng gia Anh này đã ghi chú rất nhiều bên lề những cuốn sách ông từng đọc, lấp đầy các khoảng trắng với những điều ông tâm đắc, gọi là marginalia (các ghi chú ngoài lề). Khá giống với ứng dụng IdeaPad, chỉ khác là các ghi chú được viết bằng tay.

Trong hình là ghi chú của ông về Lý thuyết hạt ánh sáng trong cuốn “Optice” xuất bản năm 1706. (Ảnh: Đại học Colorado State)

(Ghi chú này của ông được viết bằng tiếng La tinh. Vị thiên tài này là một người đa ngôn ngữ)

3. Ghi chú của Newton rất có trật tự!

Là một người cực kỳ ám ảnh cưỡng chế với việc ghi chú, ông sẽ phân loại chúng theo chủ đề, rồi sắp xếp chúng theo bảng chữ cái. Ông thậm chí còn tạo ra các mục lục viết tay, với đầy đủ các ghi chú tham chiếu trong trang (page reference) và bảng chú dẫn tương ứng. Thời đó còn chưa có bút trâm (để viết lên sáp) và bút bi như bây giờ, nên ông đã dùng một chiếc lông vũ vót nhọn đầu nhúng vào một lọ mực để chật vật viết ra những suy nghĩ của mình. Sau đó ông sắp xếp chúng lại.


(Ảnh: Plimoth)

4. Newton không ngại làm hư hại các cuốn sách

Vào thời đó, sách là thứ quý hiếm và đắt đỏ. Một người thuộc tầng lớp trung lưu ở Anh vào thế kỷ 17 sẽ thật có diễm phúc nếu được đọc ít nhất 10 cuốn sách trong đời. Là viện sĩ tại trường cao đẳng Trinity College (trực thuộc Đại học Cambridge), đồng thời là một giáo sư toán tại trường Đại học Cambridge, Newton đã biết cách tận dụng đặc quyền tiếp cận kho thư viện, khi ông coi các cuốn sách như công cụ và không ngần ngại gấp sách đánh dấu và ghi chú lên trên loại giấy da mịn, giấy da cừu, cũng như các bản khắc và trang vẽ bằng tay.

… và giống như tất cả các thiên tài đãng trí khác, ông cũng có thể thiêu rụi chúng trong một giây phút bất cẩn.

Và tất nhiên, cũng có những điều ông chưa thể nào lý giải hết được…
-------------------
Nguồn: Theo Elitereaders, Đại Kỷ Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét