17 tháng 5, 2016

Phấn hoa có công dụng gì?

Tác giả : Thạc sĩ HOÀNG KHÁNH TOÀN


Trong y học cổ truyền phương Đông, việc sử dụng phấn hoa làm thuốc chữa bệnh và bổ dưỡng sức khỏe đã có một lịch sử rất lâu đời.

Phấn hoa thực chất là những tế bào sinh sản giống đực của các loài hoa, là sản phẩm tự nhiên được con ong chăm chỉ thu lượm từ nhụy hoa, có giá trị dinh dưỡng rất cao, thậm chí còn hơn cả các thực phẩm như sữa, trứng...

Thành phần của phấn hoa rất phức tạp, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chủng loại phấn, điều kiện địa lý, khí hậu..., trong đó có chứa chừng 12 - 20% nước, 20 - 25% protein, 13% acid amin, 25 - 48% carbon hydrat, 1 - 20% lipid, 27 loại chất khoáng như K, Ca, Na, P, Mg, S, Cu, Fe, Zn, Mn, Ti, Ni, Si, Cl... và 11 loại vitamin như B1, B2, B3, B6, C, A, D, E, P, K... Ngoài ra, trong phấn hoa còn có khá nhiều loại men và các chất có hoạt tính sinh học rất có ích cho cơ thể.

Theo y học cổ truyền, phấn hoa vị ngọt, tính bình, có công dụng tư bổ cường tráng, ích khí dưỡng huyết, bổ thận điều tinh, thường dùng cho những trường hợp tâm tỳ suy nhược, thận tinh bất túc biểu hiện bằng các triệu chứng như mỏi mệt rã rời, bồn chồn bực bội, hoa mắt chóng mặt, mất ngủ, hay quên, ăn kém, suy giảm tình dục, đau lưng mỏi gối, liệt dương di tinh, xuất tinh sớm, tiểu đêm nhiều lần, muộn con, tắt kinh sớm... Y thư cổ Thần nông bản thảo kinh cho rằng nếu dùng phấn hoa lâu ngày có thể làm cho cơ thể trở nên nhẹ nhàng, khí lực sung mãn và trẻ lâu, sống thọ.

Nghiên cứu hiện đại cho thấy phấn hoa có tác dụng phòng chống cao huyết áp, vữa xơ động mạch, đái tháo đường, viêm loét dạ dày - tá tràng, viêm gan, chống lão hóa, chống phóng xạ, tăng cường công năng miễn dịch, thúc đẩy quá trình tạo huyết, kiện não bổ tủy, cải thiện năng lực ghi nhớ, điều tiết nội tiết tố, khống chế tiền liệt tuyến tăng sinh, tăng cường khả năng tình dục, phòng chống ung thư và làm đẹp da... Ngoài ra, phấn của mỗi loại hoa lại có những tác dụng riêng như: phấn hoa hòe có công dụng kiện vị và trấn tĩnh; phấn hoa kiều mạch có công dụng kiện tỳ lý khí, bổ huyết và làm chậm nhịp tim; phấn hoa cửu lý hương có công dụng thúc đẩy tuần hoàn, cải thiện khả năng ghi nhớ, kháng khuẩn và giảm ho; phấn hoa thùy dương có công dụng bồi bổ và giảm đau; phấn hoa dâu có công dụng làm hạ đường huyết; phấn hoa cải có công dụng phòng chống giãn và viêm loét tĩnh mạch; phấn hoa táo có công dụng bổ dưỡng cơ tim...

Nhiều công trình nghiên cứu trên thực nghiệm và lâm sàng cho thấy liệu pháp phấn hoa có công dụng kéo dài tuổi thọ; phòng chống tật bệnh, đặc biệt là bệnh lý đường tiêu hóa, tim mạch và rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, tăng lipid máu...; cải thiện chức năng gan; dự phòng tích cực u phì đại tiền liệt tuyến, cảm mạo và ung thư; tăng cường công năng giải độc của cơ thể; phòng chống rối loạn tiền mãn kinh... Ví như, kết quả một công trình nghiên cứu khảo sát tác dụng trị liệu của phấn hoa trên 212 bệnh nhân bị viêm gan siêu vi B của các nhà y học Trung Quốc cho thấy: sau 1 - 3 tháng sử dụng phấn hoa liên tục, các triệu chứng lâm sàng như mệt mỏi, chán ăn, chướng bụng, đau tức vùng gan được cải thiện rõ rệt từ 79,1 - 89,9%, chỉ số vàng da và men gan trở về bình thường ở 76,25 và 80,04% tổng số bệnh nhân. Một công trình nghiên cứu khác tiến hành trên 66 bệnh nhân bị rối loạn lipid máu kèm theo có cơn đau thắt ngực cho thấy: sử dụng liệu pháp phấn hoa liên tục trong 2-3 tháng đã làm hoãn giải 89% số cơn đau, điện tâm đồ được cải thiện 48%, các chỉ số mỡ máu như cholesterol, triglycerid, HDL-C, LDL-C đều trở về gần trị số bình thường.

Người ta thường dùng phấn hoa bằng cách ăn tự nhiên, pha với nước sôi để uống, ngâm rượu hoặc trộn lẫn với mật ong để dùng. Với trẻ em có thể dùng dưới dạng nấu lẫn với bột hoặc cháo. Cho đến nay, quan điểm về liều lượng dùng phấn hoa mỗi ngày cũng chưa thật sự thống nhất. Phần đông cho rằng ở người trưởng thành tối đa nên dùng từ 5 - 10g, trẻ em thì giảm bớt liều, mỗi ngày từ 2 - 3g. Trung tâm nghiên cứu ong Trung ương khuyên nên dùng mỗi lần từ 1 - 2 thìa cà phê, mỗi ngày 2 lần. Nói chung, mỗi ngày nên dùng chừng 5g là vừa phải, chia uống 2 - 3 lần.

Dùng phấn hoa phải biết cách bảo quản nếu không thì chất lượng sẽ giảm dần. Tốt nhất nên mua ở những cơ sở chế biến có đủ các trang bị để làm khô triệt để, diệt được hết vi khuẩn và trứng côn trùng. Khi mua về, sau mỗi lần dùng, cần đóng nắp lọ thật chặt và để trong tủ lạnh. Cũng có thể dùng mật ong hoặc đường trắng để bảo quản, người ta thường trộn đều phấn hoa với đường theo tỷ lệ 2/1 rồi cho vào lọ, nén chặt, phủ lên trên một lớp đường dày từ 10 - 15 cm, bịt kín miệng lọ, để ở nơi thoáng mát và khô ráo.

--------------------
Nguồn: Internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét