Ai cũng ước mong đạt được thành công vượt trội, nhưng vì sao chỉ một số ít người có thể biến ước mơ của mình thành hiện thực? Vì sao không ít người học giỏi, bằng cấp cao nhưng không thành đạt bằng một số người có thành tích học tập kém hơn nhiều? Chính vì thực tế đó, từ ngàn xưa con người luôn trăn trở với câu hỏi: Điều gì quyết định sự thành công của con người?
Một trong những hướng góp phần làm cho dân giàu nước mạnh là kết nối nguồn nhân lực giàu tiềm năng của nước ta với cơ hội phát triển trong một thế giới ngày càng “phẳng” hơn. Trong kỷ nguyên sáng tạo, thành công luôn chờ đón những người dám nghĩ, dám làm với kỷ năng sống phù hợp. Sự khác biệt về giá trị sức lao động giữa lao động chân tay như một người máy sống với lao động sáng tạo ngày càng gia tăng nhanh. Đó là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến sự khác biệt giữa người thành công vượt trội với những người khác.
Dựa trên cơ sở nào để cho rằng; Kỹ năng sống là chìa khóa đến thành công? Kiến thức chỉ là dạng sức mạnh tiềm ẩn, nó chỉ trở thành sức mạnh, có giá trị và hiệu quả khi được ứng dụng vào những công việc có mục đích rõ ràng và hiệu quả. Yếu tố quyết định phần lớn sự phát huy sức mạnh tiềm ẩn của tri thức là kỹ năng sống gồm kỹ năng tư duy và kỹ năng ứng xử, những kỹ năng thuộc về tính cách, không mang tính chuyên môn, được rèn luyện hoặc học từ kinh nghiệm thực tế. Thiếu kỹ năng sống con người dễ hành động tiêu cực, nong nổi, không tạo dựng được mối quan hệ xã hội thích hợp trong cuộc sống và trong công việc, dẫn đến sự mai một dần khối kiến thức dù lớn đến đâu. Các kết quả nghiên cứu xã hội học của nhiều nhà khoa học dẫn đến kết luận khá thống nhất là: Trong các yếu tố quyết định sự thành công của con người thì kỹ năng sống chiếm đến 85%, còn kiến thức chuyên môn hay kỹ năng cứng chỉ chiếm 15%. Ngân hàng Thế giới nhận định thế kỷ 21 là kỷ nguyên của kinh tế dựa vào kỹ năng (skills based economy).
Tại một buổi giao lưu với các doanh nhân thành đạt ở Trường Đại học Cần Thơ, khi được hỏi là kiến thức học ở trường đóng góp bao nhiêu phần trăm vào sự thành đạt. Một người đánh giá là 10%, người thứ hai – 20% và người thứ ba – 15%. Sự khác biệt không lớn đó có lẽ tùy thuộc vào mức độ gần gủi giữa lĩnh vực kinh doanh và kiến thức chuyên ngành đã học. Chắc rằng phần lớn doanh nhân thành đạt, những nhà lãnh đạo cấp cao cả ở nước ta và thế giới cũng đều có câu trả lời tương tự đối với câu hỏi trên, vì ở trường họ chỉ tiếp thu được những kiến thức thuộc một lĩnh vực chuyên môn hẹp, còn trong thực tế cuộc sống và làm việc hàng ngày, hàng giờ họ phải đối diện với những vấn đề rộng lớn, phức tạp hơn nhiều.
Nhìn rộng ra thế giới, ta sẽ tìm thấy rất nhiều tấm gương thành công vượt trội chứng minh cho điều nói trên. Thomas Edison, người có số bằng phát minh sáng chế kỷ lục (1093) chỉ được học vỏn vẹn ba tháng ở tiểu học. Henry Ford, người chỉ học đến lớp sáu nhưng đã xây dựng nên đế chế xe hơi Ford khổng lồ. Chung Ju Yung , từ công nhân khuân vác trở thành người sáng lập tập đoàn Hyundai hùng mạnh, góp phần vào bước tiến đáng khâm phục của Hàn Quốc. Bill Gates, Paul Allen, Steve Jobs, Mark Zuckerberg đạt được thành công đỉnh cao trong lĩnh vực tin học và trở thành tỷ phú trong khoảng thời gian ngắn, mặc dù chưa có bằng đại học. Theo thống kê, trong số hàng triệu triệu phú ở Mỹ, năm 2003 có 20% triệu phú chưa từng học đại học, 21 tỉ phú chưa có bằng đại học, 2 trong số đó chưa tốt nghiệp phổ thông. Những con người đó đã phát huy kỹ năng sống suất sắc của mình để rèn luyện ý chí, kỹ năng tư duy, xây dựng các mối quan hệ, tự học để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và tập hợp trí tuệ từ nhiều người tài để làm nên kỳ tích.
Thế nhưng trên thực tế con người đã đầu tư bao nhiêu công sức, thời gian, tiền của vào yếu tố quyết định phần lớn sự thành công cho tương lai của mình? Còn nền giáo dục đã giúp trang bị cho người học thế nào về kỹ năng sống? Câu trả lời cho cả hai câu hòi trên là: rất ít, nếu so với sự đầu tư hàng chục năm và nhiều tiền của vào kiến thức khoa học – chuyên môn. Tất nhiên là quan điểm giáo dục nói trên ảnh hưởng không nhỏ đến cả sự hiểu biết và nhận thức của đội ngũ giáo viên. Không ít nhà giáo khi nói đến kỹ năng sống hay kỹ năng mềm còn chưa biết nó gồm những nội dung gì. Đó là một hạn chế rất đáng tiếc trong nhận thức của xã hội.
Nắm bắt được nhu cầu của xã hội, những năm gần đây tại một số thành phố lớn nhiều trung tâm huấn luyện kỹ năng sống đã ra đời và thu hút nhiều người học. Tuy nhiên học phí tại các trung tâm huấn luyện có chất lượng lại quá cao, nên chỉ những người khá giả mới theo được. Mới chỉ có một số ít trường, cả phổ thông và đại học bắt đầu đưa vào chương trình dạy vài chuyên đề kỹ năng mềm,chứ chưa hình thành một hệ thống.
Sẽ tốt biết bao cho xã hội, nhất là cho thế hệ trẻ, nếu hệ thống giáo dục thay đổi quan điểm, chú trọng đúng mức đến việc dạy dỗ, huấn luyện kỹ năng sống trong chương trình giảng dạy. Cũng sẽ tốt biết bao nhiêu, nếu có thêm nhiều trung tâm huấn luyện kỹ năng sống không đặt nặng vấn đề lợi nhuận để đáp ứng yêu cầu của đông đảo học sinh, sinh viên và cả những người lao động trẻ. Và cũng sẽ tốt biết bao nhiêu, nếu có nhiều nhà hảo tâm nặng lòng với đất nước, với tương lai của thế hệ trẻ, đầu tư để mở những trung tâm huấn luyện bất vụ lợi với sự tham gia của nhiều diễn giả nhiệt tâm là những người thành đạt có uy tín xã hội. Tôi tin rằng có nhiều, rất nhiều doanh nhân thành đạt, nhà khoa học, nhà giáo tâm huyết, cán bộ lão thành dày dạn kinh nghiệm sống và đấu tranh sẽ sẵn sàng tham gia đóng góp vào các trung tâm như vậy.
Trần Thượng Tuấn
---------------------
Nguồn: Internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét