13 tháng 3, 2016

10 đại trí huệ kinh điển

Cuộc đời của mỗi người sẽ có rất nhiều những sự tình không như ý, những cảnh ngộ trái ngang, những thời điểm nhấp nhô… Chúng ta nên đối mặt với những điều này như thế nào? Hãy đọc xong những câu danh ngôn đầy trí tuệ dưới đây, nhắm mắt lại hồi tưởng, biết đâu bạn sẽ có thể tìm ra đáp án!

1. “Thượng thiện nhược thủy, xử hạ bất tranh”
Tạm dịch nghĩa: Thiện giống như nước, ở chỗ thấp mà không tranh giành

Lão Tử nói: “Thượng thiện nhược thủy, thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, xử chúng nhân chi sở ác, cố kỷ vu đạo.” Là có ý nói rằng, cảnh giới cao nhất của thiện hạnh là giống như đặc tính của nước. Nước không tranh giành lợi với vạn vật, nằm ở nơi mọi người không chú ý, cho nên nước là gần với Đạo nhất.

Trong học thuyết Đạo gia nói: “Thủy vi chí thiện chí nhu” (ý nói nước là vô cùng thiện, vô cùng mềm). Nước nhỏ thì im ắng không một tiếng động, nước lớn lại vô cùng mãnh liệt. Nước không tranh giành cùng người lại dung nạp được vạn vật, nuôi dưỡng vạn vật. Con đường của cuộc đời, cũng chỉ mong làm được như nước mà thôi!

2. “Đại trí nhược ngu, vật thị thông minh”
Tạm dịch nghĩa: Người trí tuệ giả ngu, không cậy mình thông minh

“Đại trí nhược ngu” là câu thành ngữ của Trung Hoa cổ đại. Câu thành ngữ này xuất phát từ “Hạ Âu Dương thiếu suất trí sĩ khải” của Tô Đông Pha đời Tống: “Đại dũng nhược khiếp, đại trí nhược ngu” là có ý nói rằng người có tài trí cao nhưng không để lộ tài năng, vẻ ngoài biểu hiện ra giống như một người ngu dốt nhưng thực ra lại là người trí tuệ.

Lão Tử nói: “Đại âm hi thanh, đại tượng vô hình” đều là có ý tứ này. Người có thể “đại trí nhược ngu” là người đã thông suốt, đã giác ngộ mới có thể làm được. Đây là thể hiện công phu và bản lĩnh của bậc đại trí.

3. “Đạm bạc điềm thích, minh tâm lập chí.”
Tạm dịch nghĩa: Điềm nhiên không màng danh lợi, tâm sáng lập chí.

“Đạm bạc minh chí” (Không màng danh lợi, định rõ chí hướng) là câu ra đời đầu tiên trong “Hoài Nam Tử: Chủ thuật huấn” của Lưu An, thời đầu Tây Hán.

Trong “Giới tử thư” của Gia Cát Lượng cũng có trích dẫn: “Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn” (Không đạm bạc thì không thể sáng cái chí, không yên lặng thì không thể nghĩ được xa). “Đạm bạc” là một loại tư tưởng cổ xưa của Đạo gia. Lão Tử cũng giảng: “Điềm đạm vi thượng, thắng nhi bất mỹ” (Điềm đạm là thượng sỹ, thắng cũng không đắc ý). 

Nếu như cái tâm không thanh tịnh, ham muốn không giảm xuống thì sẽ khiến cho cái chí của mình không sáng tỏ kiên định. Không an định thanh tĩnh thì không thể thực hiện được lý tưởng cao xa, cũng không chịu khó chịu khổ mà học được.

4. “Tích thủy xuyên thạch, quý tại kiên trì”
Tạm dịch nghĩa: Nước chảy đá mòn, cái quý là ở sự kiên trì

Câu này có nguồn gốc từ cuốn “Hạc lâm ngọc lộ” của La Đại Kinh thời Tống: “Nhất nhật nhất tiễn, thiên nhật thiên tiễn, thằng cứ mộc đoạn, thủy tích thạch xuyên” (Một ngày một đồng, nghìn ngày nghìn đồng, thừng cưa gỗ đứt, nước chảy đá mòn).

Triều Tống, Trương Quai Nhai làm huyện lệnh huyện Sùng Dương. Một hôm ông nhìn thấy một vị tiểu quan lại đi từ kho của phủ ra với vẻ bối rối, trong khăn chùm đầu có cất giấu một lượng tiền. Trương Quai Nhai hạ lệnh tra khảo.

Tiểu quan lại không phục nói rằng: “Một đồng tiền thì tính toán làm gì?Ông chỉ có thể đánh ta, không thể giết ta được.”

Trương Quai Nhai tức giận nói: “Một ngày một đồng, ngàn ngày ngàn đồng, thừng cưa gỗ đứt, nước chảy đá mòn. Chém đầu!”

5. “Hậu tích bạc phát, dĩ nhu khắc cương”
Tạm dịch nghĩa: Tích lũy nhiều dùng ít một, lấy nhu thắng cương

“Hậu tích bạc phát” nguyên là câu “Quân tử hậu tích nhi bạc phát”. Trong “Giá thuyết tống Trương Hổ” của Tô Đông Pha có câu: “Bác quan nhi ước thủ, hậu tích nhi bạc phát”. Ý nói rằng, đọc sách nhiều đến đâu cũng chỉ có thể chắt lọc tinh hoa mà giữ lại, tích lũy nhiều đến đâu cũng chỉ có thể dùng từ từ từng chút một.

“Dĩ nhu khắc cương” ý nói dùng thái độ mềm mỏng, nhu hòa để đi đối đãi, khắc chế cái cứng rắn. Học thuyết của Đạo gia cũng là chủ trương thuận theo tự nhiên, vạn vật tương sinh tương khắc. Không phải lúc nào cũng có thể dùng cái “cứng rắn” để đi giải quyết vấn đề, dùng “mềm mỏng, nhu hòa” mới thắng được.

6. “Hải nạp bách xuyên, bao dung hàm tàng”
Tạm dịch nghĩa: Biển có thể dung nạp nước của hàng trăm ngàn con sông, dung nạp được tất cả.

“Hải nạp bách xuyên” có nguồn gốc từ câu “Hình khí bất tồn, phương thốn hải nạp” trong “Tam quốc danh thần tự tán” của Viên Hoành, nhà Tấn. Lý Chu Hàn chú giải:“Phương thốn chi tâm, như hải chi nạp bách xuyên dã, ngôn kỳ bao hàm nghiễm dã.” Ý chỉ biển cả có thể dung chứa nước của hàng trăm hàng ngàn con sông, có thể dung chứa được trăm ngàn sông nên mới thành ra to lớn. Ý muốn nói rằng, khoan dung, rộng lượng, ý chí phóng khoáng là biểu hiện của một người có tu dưỡng.

7. “Giới kiêu khư táo, bình đẳng đãi nhân”
Tạm dịch nghĩa: Không kiêu căng, loại bỏ nóng nảy, đối xử bình đẳng với mọi người.

Khổng Tử nói: “Quân tử thái nhi bất kiêu, tiểu nhân kiêu nhi bất thái” (Người quân tử thư thái mà không kiêu căng, kẻ tiểu nhân kiêu căng mà không bình an). Lão Tử nói: “Thận chung như thủy, tắc vô bại sự” (Cẩn thận từ đầu đến cuối thì không bại sự).

8. “Hàm dưỡng tâm tính, tĩnh định quy chân”
Tạm dịch nghĩa: Hàm dưỡng tâm tính, trở về bản tính nguyên sơ ban đầu.

Câu này là một loại giáo lý của Đạo giáo. Người tu luyện Đạo gia chính là muốn thông qua tu hành và tu luyện bản thân khiến cho sinh mệnh trở về trạng thái nguyên sơ ban đầu. Họ cho rằng, bản tính nguyên sơ của con người là thuần phác và chân thật, là gần với bản tính của “Đạo”. Chúng ta thường nghe thấy câu “trẻ em ngây thơ hồn nhiên”. Nhưng bởi vì theo quá trình phát triển, suy nghĩ dục niệm không ngừng sinh ra, hoàn cảnh xã hội ảnh hưởng và sự hấp dẫn của tình, sắc, tài đã khiến cho bản tính nguyên sơ dần dần bị mất đi. Con người cần phải tu dưỡng tâm tính, vứt bỏ dục vọng mà quay trở về.

9. “Tâm thành tắc linh, duy đức cảm thiên”
Tạm dịch nghĩa: Có tâm thành thì tắc sẽ linh, duy chỉ có phẩm đức là cảm động được trời.

“Tâm thành tắc linh”, điểm mấu chốt phải làm được là “tâm” và “thành”. Cũng giống như “chính tâm” và “thành ý” trong “Lễ Ký” đã viết. Chỉ cần kiền tâm thành ý thì có thể sinh ra linh nghiệm. Chỉ cần có tín niệm kiên định, tâm thái và nguyện vọng chính xác thì có thể thực hiện, đây là “tâm thành tắc linh”. Từ xưa đến nay, bên nhà Phật đều là dùng “tâm thành tắc linh” để đối đãi.

10. “Đại đạo chí giản, thuần phác tự nhiên”
Tạm dịch nghĩa: Đại đạo là cực kỳ đơn giản, thuần phác tự nhiên

“Đại đạo chí giản” là tư tưởng của Đạo gia. Đạo là một khái niệm trọng yếu, mang ý nghĩa là “đạo lý cuối cùng nhất”. Loại khái niệm này, không chỉ có bên Đạo gia mà Nho gia cũng coi trọng, ngoài ra cũng có nhiều trường phái sử dụng. “Đại đạo chí giản” ý nói rằng, đạo lý lớn (nguyên lý cơ bản, phương pháp và quy luật) là cực kỳ đơn giản, đơn giản đến mức chỉ dùng một, hai câu là nói rõ được. Chính là điều mà người ta gọi là “Chân truyền nhất cú thoại, giả truyền vạn quyển thư” (Chân truyền một câu, giả truyền vạn cuốn sách).

---------
Nguồn: Theo NTDTV - Mai Trà biên dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét