20 tháng 3, 2016

Cuộc đời nữ cao nhân đoán mệnh như Thần (P.1): Mới sinh ra đã kì bí

Đoán biết trước sự diệt vong của nhà Tần, tận tâm sức trợ giúp Lưu Bang bình trị thiên hạ. Bà chính là Hứa Phụ – nữ cao nhân về tướng thuật, nhân vật có thật trong lịch sử. Tất cả lời tiên đoán của bà đều đúng một cách thần kỳ.



Hứa Phụ là con gái út trong một gia đình có 3 người con trai. (Tranh minh họa)

Cô con gái thần bí của huyện lệnh huyện Ôn Thành 

Tần Thủy Hoàng năm thứ 26 (221 TCN), Vương Bí – con trai đại tướng quân Vương Tiễn nước Tần dẫn quân diệt Yên, tấn công nước Tề, bắt sống Tề Vương, biến nước Tề thành một quận của nước Tần, thống nhất thiên hạ về nước Tần. Tần Thủy Hoàng vui mừng, lệnh cho cả nước mở tiệc ăn mừng. Đồng thời chiếu lệnh cho quan lại các nơi, hễ có việc thần kỳ báo hiệu điềm lành thì hãy thượng tấu lên triều đình.

Quan lại khắp nơi hào hứng thu thập những chuyện tốt lành trong vùng mình để có cơ hội thượng tấu. Lúc đó, quận trưởng bẩm báo, mơ thấy đại nhân cao 5 trượng, bước chân dài 6 thước, mang y phục người họ Địch, có khoảng 12 người. Thủy Hoàng vô cùng vui mừng, nghĩ ngay đến điềm lành, lệnh cho dân chúng nung binh khí, đúc thành 12 bức tượng bằng đồng giống như vậy.

Mùa thu năm đó, quận Hà nội thượng tấu, huyện lệnh Ôn Thành là Hứa Vọng, vợ là Triệu Thị sinh hạ một nữ nhi, nữ nhi này vừa sinh ra trên tay cầm miếng ngọc, trên miếng ngọc đó có thể nhìn thấy được lờ mờ đồ hình Bát Quái. Nữ nhi này sinh ra được 100 ngày liền có thể nói được. Tần Thủy Hoàng nghe tin, lại nghĩ đến điềm lành, lệnh ban thưởng cho Hứa Vọng 100 dật vàng (1 dật bằng 20 lạng hoặc 24 lạng), để nuôi dưỡng nữ nhi này.

Hứa Vọng nhận ban thưởng của hoàng thượng, cảm động đến rơi nước mắt. Ông đã có 3 người con trai, đang muốn sinh thêm một đứa con gái nữa, không ngờ rằng trời thuận theo ước nguyện của người, Tống Tử nương nương đã thật sự ban tặng cho ông một nữ nhi. Về việc này, đối với ông đã là cảm thấy vô cùng thỏa mãn rồi, ai ngờ con gái vừa sinh ra, lại xuất hiện sự kỳ dị làm kinh động đến hoàng đế, được hoàng đế ban đại thưởng, khiến ông lại càng vui mừng gấp bội. Để tỏ lòng biết ơn với vua Tần Thủy Hoàng, ông đặt tên con gái là “Mạc Phụ”, ý là chớ có phụ long ân của Thánh thượng.

Vợ của Hứa Vọng sinh hạ một nữ nhi được Tần Thủy Hoàng cho là nữ nhi thần dị, tin tức này nhanh chóng truyền khắp thiên hạ, rất nhiều người có thói quen tìm kiếm cái lạ, thậm chí có người từ xa cả ngàn dặm, đều tò mò tìm đến để xem. Dù không phải ai đến cũng đều có ý tốt, nhưng quan viên cao quý cũng không ít, Hứa Vọng không cách nào cự tuyệt. Bởi vậy trước cửa phủ nhà ông, mỗi ngày đều là ngựa xe như nước, quan nhỏ quan lớn nối liền không dứt, khiến Hứa Vọng rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Trải qua một đoạn thời gian qua lại như vậy, đoàn người hứng thú đến xem điều lạ cũng dần dần ít đi, một phần do tiếng khóc và tiếng cười của cô bé Mạc Phụ.

Nguyên là, chỉ cần Mạc Phụ chưa ngủ, trước đoàn người náo nhiệt đến xem thì có hai kiểu phản ứng; một là khóc lớn không dứt, hai là tươi cười hạnh phúc. Lúc đầu, mọi người cũng không coi đây là sự nhận biết, cho rằng khóc hay cười, chỉ là do phản ứng bản năng của trẻ con, chắc cũng không có hàm ý đặc biệt gì. Nhưng trải qua một khoảng thời gian, mọi người phát hiện, phàm là người mà Mạc Phụ nhìn thấy và khóc lớn không dứt, thì không bao lâu sau sẽ gặp ngay vận rủi, hoặc sinh bệnh, hoặc liên tiếp gặp tai họa, hoặc gia đình dồn dập bị biến cố, hoặc phạm tội mà bị kết án … Còn những người mà Mạc Phụ nhìn thấy rồi tươi cười, thì liên tục gặp may, không chỉ là có được tiền của mà còn thăng quan tiến chức.

Vì thế, mọi người nhận ra rằng, bé gái này có một năng lực tiên thiên, có khả năng xem tướng. Phàm là khóc khi gặp người nào đó, thì tất nhiên người đó sẽ gặp họa; còn là cười khi gặp ai thì người đó là có sao may mắn chiếu vào. Có người thậm chí cho rằng, tiếng khóc của bé gái thần kỳ này là một lời nguyền, ai đụng phải, ắt sẽ gặp tai nạn. Những người tò mò hiếu kỳ nghe được chuyện này ai cũng sợ tái mặt, sợ mình trở thành đối tượng của lời nguyền, nên đã bỏ ý định đến xem. Bởi vậy, Hứa phủ cũng nhờ thế mà dần dần trở nên thanh tĩnh.

Hứa Vọng vì không cô phụ kỳ vọng của Tần Thủy Hoàng, nên chăm sóc con gái không dám có chút sơ sẩy. Ông thấy con gái đích thực là có trí lực vượt xa người bình thường, khi đứa bé bốn tuổi thì liền mời một lão tiên sinh đến dạy học chữ đọc sách. Điều khiến lão tiên sinh ngạc nhiên khi dạy học là, Mạc Phụ có khả năng học đến đâu nhớ đến đó, chưa đến nửa năm, liền có thể thuộc hơn 4 ngàn từ. Tiên sinh hết sức cao hứng, liền bảo cô bé đọc thuộc lòng bài khóa, cô vừa xem qua đã thuộc, phàm là dạy bất kể bài khóa nào, cũng học thuộc lòng. Sau đó, tiên sinh thấy Mạc Phụ thường xuyên cầm miếng ngọc ngắm nghía, cũng thường xuyên hướng về đồ hình Bát quái trên miếng ngọc mà lẩm nhẩm đọc kinh, vì vậy, ông liền giải thích về lai lịch cũng như ý nghĩa của Bát Quái.

Tiên sinh cứ nghĩ rằng cô bé nghe nhất định sẽ không hiểu những gì mình giảng nói, ai ngờ cô bé lại lắng nghe một cách say mê, vô cùng hứng thú. Ông còn tưởng rằng cô bé chỉ vì tò mò, chỉ là cố tập trung để nghe giảng, nên cũng không có ý định giảng hết tất cả. Vì không rõ cô bé có nghe hiểu những gì mình nói hay không, ông liền hỏi cô bé: “Mạc Phụ, con nghe có hiểu không? Như thế nào gọi là “Chu dịch”? như thế nào gọi là “Bát Quái”?”

Mạc Phụ gật đầu nói: “Con biết. Chu dịch này là chỉ về quy luật biến hóa. Chu dịch có Thái cực, Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh Bát Quái. Bát quái chính là thiểu dương, lão dương, thiểu âm, lão âm, phía trên tứ tượng này, thêm dương hào hoặc âm hào tạo nên đồ hình Bát Quái. Bát Quái chính là tam họa quái, tam họa đại biểu thiên, địa, nhân tam tài, trong đó bao hàm 2 loại ký hiệu âm dương. Hai loại ký hiệu âm dương này có thứ tự khác biệt, liền hình thành 3 hàng 8 quẻ khác biệt …”

Tiên sinh nghe xong, rất lấy làm kinh ngạc, ông thật không ngờ rằng, Mạc Phụ tuổi còn nhỏ vậy, mà có thể dùng ngôn từ ngắn gọn, đã thuật lại một cách khái quát những điều ông đã giảng nói. Vì thế, ông cảm thán nói với Hứa Vọng: “Khả năng nhận thức và trí nhớ của cô bé này thật là xưa nay hiếm thấy, đáng tiếc không phải là nam nhi, nếu không, nhất định sẽ trở thành một đại tông sư về Chu dịch”.

Mạc Phụ nghe xong lời tiên sinh nói, không phục lắm, liền nói với tiên sinh: “Chu dịch có tam dịch, gồm: 《 liên sơn 》 và 《 quy tàng 》, 《 chu dịch 》. Tiên sinh chỉ biết 《 chu dịch 》, lại không biết 《 liên sơn 》 và 《 quy tàng 》. 《 liên sơn 》 cũng gọi là 《 cấn khảm 》;《 quy tàng》 cũng gọi là 《 khôn kiền 》. ‘Cấn’ làm đất, đất sinh vạn vật; ‘Khôn’ làm nữ, làm âm, làm mẫu. 《liên sơn 》 và 《 quy tàng 》 đem ‘cấn’ và ‘khôn’ đặt làm quẻ thủ cao nhất, chỉ rõ cùng coi trọng ‘hậu thổ’ và mẫu tính. Có đất, vốn là có vạn vật; có nhà gái mới có nhân loại. Cho nên tiên sinh nói chỉ có nam giới mới trở thành đại tông sư, thật là quá bất công. Hãy xem quan niệm của tổ tiên chúng ta, chưa từng cho rằng nữ nhân không thể trở thành một đại tông sư”.

Tiên sinh sau khi nghe xong Mạc Phụ nói, vô cùng kinh ngạc, ông trăm triệu năm cũng không ngờ rằng, Mạc Phụ mới có chừng ấy tuổi mà ngay cả 《 Liên sơn 》 và 《 Quy tàng 》cũng đều biết, mà 《 liên sơn 》 và 《 quy tàng 》 chính mình cũng chưa từng giảng qua cho cô bé nghe, và bản thân đối với vấn đề này cũng là biết rất ít. Nữ đồng thần dị này là từ đâu mà biết tất cả chuyện này đây? Chẳng lẽ cô bé chính là Thần tiên hạ phàm?

Tiên sinh tự biết mình năng lực có hạn, bèn gặp Hứa Vọng xin không dạy nữa. Ông nói với Hứa Vọng: “Đứa con gái này vốn là trời sinh, phàm phu tục tử như ta đây không đủ khả năng để dạy học. Mong đại nhân nhanh mời cao nhân về đảm nhận công việc này. Hiện nay cao nhân mà nói, ngoại trừ Quỷ Cốc tiên sinh ra, còn có vài vị đệ tử cao tay, như Từ Phúc, Lô Ngạo, Hoàng Thạch Công. Từ Phúc, Lô Ngạo thì đã đi ra biển để tìm thuốc trường sinh bất lão cho Thủy Hoàng Đế rồi, Quỷ Cốc tiên sinh bởi vì tuổi tác đã cao nên không còn thu nhận đồ đệ, chỉ còn Hoàng Thạch Công vẫn còn tại vị ở trong núi Dĩnh Xuyên. Hoàng Thạch Công am hiểu thâm sâu về thần tiên chi đạo, tinh thông bí mật tam Chu dịch, am hiểu thuật nhân tướng, nữ nhi nếu có thể bái vị này làm sư, tiền đồ là không thể đoán được”.

Hứa Vọng cảm thấy lời nói của lão tiên sinh rất có lý, bèn dẫn con gái đến Dĩnh Xuyên tìm gặp Hoàng Thạch Công. Không ngờ Hoàng Thạch Công đã rời khỏi hang động, đi vân du bốn biển, không ai biết tung tích. Hai cha con bất đắc dĩ đành phải quay về thành, chờ cơ hội tìm chọn sư phụ khác.

Một ngày, Mạc Phụ đứng ở ngoài cửa chơi đùa, có một ông lão đầu bạc trắng tiến đến nhìn nàng, rồi nói: “Cháu gái, ta đang khát khô cổ, cho ta một ngụm nước được không?”

Mạc Phụ nói: “Ông đợi chút, ta đi vào lấy trà cho ông”. Dứt lời, liền xoay người đi vào nhà rót trà.

Nhưng trong lúc cô bé bưng bát trà từ trong nhà đi ra thì không thấy ông lão đầu bạc đâu nữa. Cô bé sắp cất tiếng gọi thì phát hiện trước cửa có một pho tượng Thạch sư, trên bệ tượng có một cuốn quyên thư (sách bằng lụa). Cô vội buông bát trà, cầm lấy quyên thư nhìn thử. Chỉ thấy ở ngay bên ngoài có một quẻ, viết “Tâm khí bí chi” nét chữ khá lớn, bên cạnh viết mấy hàng chữ nhỏ “Thiên đạo ám, Mạc Phụ thùy? Tương nhân giả, cụ tuệ nhãn. Quần hùng khởi, thiên hạ loạn. Thận tương chi, trợ quân hiền” (đạo trời u ám, Mạc Phụ là ai? Tướng mạo, tuệ nhãn có đủ. Xưng hùng xưng bá, thiên hạ loạn. Thận trọng hướng về, cùng trợ giúp quân hiền).


Mạc Phụ giở thêm vài tờ, thấy tất cả đều có quan hệ đối với thuật quyết khiếu. Nàng biết, vị lão nhân này vốn là một cao nhân từ cõi tiên đến, lão đến đòi trà chẳng qua chỉ là cái cớ, mục đích chính là đưa tặng cho mình thứ này. Lão sở dĩ vội vàng rời đi, là không muốn bị phát hiện ra thân phận chân thực. Mạc Phụ là người thông minh, đoán được ông lão này rất có thể chính là Hoàng Thạch Công. Vì vậy, nàng vô cùng cảm động, lập tức quỳ gối xuống đất, hướng về phía xa xa mà bái lạy, nói: “Sư phụ, đồ nhi nhất định không cô phụ kỳ vọng của ngài…”

Sau khi có được “Tâm khí bí chi”, Mạc Phụ liền dốc lòng đọc, rất nhanh nội dung trong sách nàng đều rõ như lòng bàn tay, còn có thể suy luận, lại đem thuật này cùng với âm dương Bát Quái mà kết hợp lại, hình thành một phương pháp độc đáo của riêng mình, ngang tầm Bát Quái. Và nàng cũng bắt đầu xem tướng. Nàng căn cứ lời chỉ điểm của ông lão đầu bạc, biết rằng Tần triều sắp bị diệt vì thế, đem tên mình là “Mạc Phụ” cải thành tên chỉ có một chữ “Phụ”

Một lần, anh trai của Hứa Phụ đang cùng một người bạn chuẩn bị từ nhà đi vào rừng để săn thú, Hứa Phụ nhìn thấy người bạn của anh, quan sát cẩn thận anh ta rồi nói: “Ngươi nhanh về nhà đi! Mẫu thân của ngươi ở nhà đột nhiện mắc bệnh nặng, nếu có thể sớm thỉnh mời thầy y đến khám chữa kịp thời, may thì còn có thể cứu!”

Người bạn kia tuy rằng không tin, nhưng biết Hứa Phụ là một cô gái thần dị, nên là vẫn giữ thái độ nửa tin nửa ngờ đi về nhà. Về đến nhà, quả nhiên thấy mẫu thân nằm trên giường, mồ hôi đầm đìa, rên rỉ không dứt, bèn lập tức cõng mẫu thân đến một thầy lang khám và chữa bệnh. Bởi vì khám và chữa bệnh đúng lúc, rốt cục khiến mẫu thân chuyển nguy thành an. Sau đó, anh ta cùng mẫu thân đến Hứa phủ cảm tạ ân cứu mạng của Hứa Phụ.

Việc này rất nhanh truyền khắp thành khắp huyện. Hứa Phụ là người tính tình lương thiện và có khả năng đặc biệt, khắp nơi ai ai cũng biết, đều ca ngợi nàng là thần tiên sống.

Từ đó về sau, người tìm đến nàng để xem tướng nối liền không dứt, ngay cả huyện khác cũng nghe thấy kỳ danh, không quản đường xá xa xôi tiến đến tìm nàng xem tướng.
----------
Nguồn: Bảo An, dịch từ blog.sina.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét