17 tháng 3, 2016

Nguồn gốc của câu nói “Trời đánh tránh bữa ăn”

Người ta thường có câu nói nhắc nhở rằng “trời đánh tránh bữa ăn”. Câu nói này bắt nguồn từ câu nói “Lôi Công không đánh người đang ăn cơm”. Vậy nguồn gốc và hàm ý của cách nói đó như thế nào?

Hình tượng Lôi Công và Điện Mẫu lưu truyền trong dân gian

Lôi Công, hay còn gọi là Lôi Thần, Lôi sư, là nhân vật trong chuyện thần thoại xưa, là nói về một vị thần cai quản việc nổ sấm xuống nhân gian. Lôi Công có thân hình vạm vỡ trông giống như một đại lực sĩ, ngực và lưng để trần, ở trên lưng của ông còn có một đôi cánh dài, mặt đỏ như mặt con khỉ, tay chân thì có móng vuốt như đại bàng, bên người treo rất nhiều trống, hễ đánh trống là có tiếng sấm nổ vang trời.

Thê tử của Lôi Công là Điện Mẫu, bà là một vị tiên nữ trông coi việc đánh sét, tên còn gọi là Kim Quang Thánh Mẫu, Thiểm Điện nương nương. Điện Mẫu ngoài việc đánh sét là công việc ra, thì nghe nói trong khi bà và Lôi công cãi nhau, bầu trời cũng sẽ xuất hiện sấm sét vang dội.

Trước kia công việc của Lôi Công và Điện Mẫu là tạo ra sấm sét, nhưng từ thời tiên Tần lưỡng Hán, nhiệm vụ của họ đã từng bước có sự thay đổi, dân chúng đã giao cho họ một công việc đặc biệt có ý nghĩa, đó là trừng ác dương thiện (trừng trị cái ác, tuyên dương điều thiện). Sấm sét lúc này có ý nghĩa thay trời hành đạo, trừng trị những kẻ ác, Đạo giáo cũng bởi vậy mà có cùng nhận thức với người xưa, coi Lôi Công Điện Mẫu là Thần linh.

Thông thường ở trong nhiều miếu thờ và đạo quan, đều có tượng Lôi Công và Điện Mẫu. Hình tượng Lôi Công cường tráng to lớn vạm vỡ giống như lực sĩ, người đời gọi là Lôi công giang thiên quân. Còn Điện Mẫu lại giống như tiên nữ, đoan trang thanh nhã, người đời gọi bà là Điện mẫu tú thiên quân. Thông thường những tín đồ Đạo giáo khi cầu mưa sẽ đến bái lạy Lôi Công Điện Mẫu.


Sấm sét còn có ý nghĩa thay trời hành đạo, trừng trị những kẻ ác

Truyền thuyết về Lôi Công
Dân gian lưu truyền rằng, Lôi Thần cai quản vùng đất Lôi Trạch xưa, Lôi Trạch nằm ở hai bên bờ sông Lôi Hà, người dân nước Hoa Tư sinh sống ở đó. Khi đó, Lôi Thần là một người sống độc thân, tính tình khá nóng nảy, khi ông không vui thì sông Lôi Hà liền dâng sóng cuồn cuộn, khi ông tức giận thì nước sông càng cuộn trào mênh mông, mọi người cũng không có cách gì để xử lý việc này.

Một người con gái Nước Hoa Tư đến để thuyết phục Lôi Thần, tính cách thẳng thắn và can đảm của cô đã khiến Lôi Thần rung động, nhưng Lôi Thần có một yêu cầu là muốn lấy Hoa Tư cô nương làm vợ. Hoa Tư cô nương vì nghĩ cho sự an nguy của quốc gia nên đã đồng ý.

Một năm sau, Hoa Tư cô nương sinh hạ cho Lôi Thần một cậu con trai, Lôi Thần rất vui mừng, tính tình cũng tốt dần lên, vì thế hai bờ sông Lôi Hà cũng từ đó mưa thuận gió hòa. Hoa Tư cô nương nhớ quê nhà, vì thế cùng con trai cưỡi hồ lô trở về quê, bà ngoại nhìn thấy cháu ngoại cưỡi hồ lô mà đến bèn đặt tên cho đứa bé là hồ lô, theo cách gọi của người dân nước Hoa Tư thì chính là Phục Hy hài âm. Sau khi lớn lên, Phục Hy nhìn thấy mạng nhện liền phát minh ra lưới để bắt cá, sau đó lại phát minh ra cách nấu chín thức ăn. Bởi vì nhớ mẫu thân mình, Phục Hy lại làm thang trời lên Thiên Đình thăm mẫu thân. Thiên đế nghe Lôi Thần bẩm báo xong, liền để Phục Hy làm vua nước Hoa Tư.

Nguồn gốc câu “Trời đánh tránh bữa ăn”
Câu nói “Lôi công không đánh người đang ăn cơm” có liên quan đến câu chuyện cổ xảy ra trong một gia đình có 3 người gồm bố mẹ và con gái. Một ngày nọ, hai vợ chồng nhà này ra đồng làm ruộng. Cô con gái ở nhà nấu cơm, bởi vì cô bé nghĩ cha mẹ làm lụng vất vả, vì thế chỉ gạn nước cơm uống, còn cơm nhường hết cho cha mẹ ăn. Nhưng không ngờ rằng, cô mới vừa uống xong, trên bầu trời xuất hiện một tia chớp, lôi cô bé ra quỳ ở ngoài sân.

Khi cha mẹ trở về thấy con gái quỳ trên đất, và đột nhiện từ trên trời bay xuống một tờ giấy, trên đó ghi rằng có bé không có lương tâm, đã uống hết nước cơm, bởi vậy trời truyền văn thư xuống, nói rằng đợi đến buổi trưa sẽ xử phạt. Cô con gái bèn kể lại sự việc cho cha mẹ nghe, cha mẹ cô biêt rằng con gái mình hiếu thảo, nhưng bởi vì thiên mệnh không thể làm trái, chỉ biết lẳng lặng chờ đợi.

Vậy là ba người họ cùng nhau ăn cơm, người cha nghĩ con gái lớn như vậy rồi chắc là ăn chưa no, vì thế đã nhường cơm cho con ăn. Trời bỗng dần dần tối sầm lại, người cha nghĩ chắc là thời khắc đã tới rồi, nhưng giờ này bọn họ là vẫn đang ăn cơm. Bỗng một trận gió thổi bay tới một tờ giấy, trên đó nói rằng bởi vì thời gian ăn cơm trùng với thời gian xử phạt, nay đã qua giờ xử phạt. Lôi Công không đánh người đang ăn cơm, cho nên sẽ không trừng phạt nữ nhi nữa, cho nàng được làm người. Từ đó tồn tại câu nói “Lôi Công không đánh người đang ăn cơm”.

Dân gian quan niệm Lôi công là thay trời hành đạo, nên cũng nói thành “Trời không đánh người đang ăn cơm”. Câu này còn có một cách nói giản lược, chính là “trời đánh tránh bữa ăn”. Đây là một cách nói có ý nghĩa nhân văn, nhân đạo, thể hiện sự uy nghiêm nhưng cũng rất từ bi của Thần Phật; khuyên răn người đời nên đối xử thiện ý hơn với nhau.

Đồng thời, câu nói này cũng là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng đối với các bậc cha mẹ khi giáo dục trẻ nhỏ.

Trong thực tế cuộc sống, các bậc cha mẹ thường vào các bữa cơm lại la mắng, phê bình trẻ nhỏ. Cách giáo dục này đã phá hỏng đi không khí ấm cúng và vui vẻ của bữa cơm gia đình, đặc biệt ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của trẻ nhỏ. Vậy nên người ta thường dùng câu“trời đánh tránh bữa ăn”, ngụ ý để nhắc nhở người lớn rằng, trong bữa ăn không nên trách mắng trẻ nhỏ. Cần phải có lý trí và thiện tâm, như vậy mới hy vọng giáo dục con trẻ được tốt!

-----------
Nguồn: Bảo An - Biên dịch từ secretchina.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét