Khổng Tử từng nói: “Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo” (ý nói: Người quân tử coi trọng của cải nhưng lấy của cải phải đúng đạo lý). Mong muốn phát tài là không sai nhưng cần phải tuân thủ đạo lý. Nếu không, kiếm tiền bất chính, ắt sẽ bị trời thu hồi lại.
“Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo”, nếu tiền tài bất chính, sớm muộn cũng sẽ bị trời thu hồi lại.
Tại Hiến huyện có một viên quan nhỏ tên là Vương Mỗ, rất tinh thông hình luật tố tụng, lại rất giỏi khôn khéo dùng xảo thủ để moi tiền của đương sự. Nhưng kỳ lạ là, mỗi khi tích lũy được một chút tiền, thì nhất định sẽ phát sinh một chuyện ngoài ý muốn khiến hắn hao tổn tiền tài.
Ở một ngôi miếu nhỏ thờ Thành Hoàng trong huyện có một tiểu Đạo Đồng. Vào một đêm yên tĩnh nọ, khi Đạo Đồng đang ở trong miếu, thì nhìn thấy hai con quỷ đang cầm trong tay cuốn sổ nợ hạch toán với nhau.
Một con quỷ nói: “Năm nay hắn tích góp được rất nhiều tiền, phải dùng cách nào làm tiêu hao đi đây?”, nói xong rồi cúi đầu xuống trầm tư suy nghĩ.
Con quỷ kia nói: “Không cần phải khổ nghĩ nhiều, chỉ cần một mình Thúy Vân là đủ rồi”.
Mọi người ở trong miếu thường hay nhìn thấy quỷ, Đạo Đồng cũng đã quen với việc này rồi, nên khi nhìn thấy hai con quỷ này thì cũng không thấy sợ. Chỉ là không biết Thúy Vân là ai, cũng không biết là chúng đang tính toán làm tiêu hao tài của người nào.
Không lâu sau, có một người kỹ nữ tên là Thúy Vân đến sống ở Hiến huyện. Thúy Vân trẻ trung, xinh đẹp lại giỏi quyến rũ, khiến Vương Mỗ say mê như điếu đổ.
Sau một thời gian ngắn qua lại với Thúy Vân, Vương Mỗ đã tiêu tốn mất tám, chín phần tiền của mà mình tích cóp được cho cô ta. Hơn nữa, lại còn mắc bệnh hiểm nghèo phải chữa trị tốn rất nhiều tiền, đến lúc bệnh chưa kịp khỏi thì của cải cũng không cánh mà bay đi hết.
Có người ước tính số tiền mà Vương Mỗ dùng xảo thủ kiếm được từ trước đến giờ là một khoản rất lớn, khoảng cỡ ba, bốn vạn lạng bạc. Vậy mà sau khi Vương Mỗ mắc bệnh chết, đến cả tiền mua quan tài cũng chẳng có.
Người xưa vẫn thường có câu nói cửa miệng rằng “Của Thiên trả địa”. Quả vậy, thứ gì không phải của mình, dù có dùng thủ đoạn để tranh dành lấy thì cũng sẽ nhanh chóng mất đi thôi. Kiếm tiền bất chính, không đúng với đạo lý thì chẳng những sớm muộn gì cũng sẽ bị trời lấy lại, mà còn tạo nghiệp báo, rước họa vào thân.
Vậy nên, khi chúng ta thấy người khác kiếm được nhiều tiền tài bất chính, thì cũng đừng nên hâm mộ họ. Bởi họ một đời gian xảo, tranh đấu ngược xuôi để giành được số tiền của đó, nhưng rồi sớm muộn gì cũng sẽ có người đến lấy đi mà thôi. Làm người, dù nghèo nhưng sống lương thiện đạo lý, ấy mới là đáng quý trọng nhất.
Lê Hiếu, dịch từ epochtimes.com
--------------
Nguồn: Internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét