11 tháng 10, 2015

Làm Thế Nào Để Viết Tiếng Anh Giỏi?

Source: Michael Loc Pham Facebook Sep. 2, 2015 - LQPhong edited & added photo and Notes

LQPhong giới thiệu: Michael Loc Pham là người Việt miền Nam tự do, đi du học Hoa Kỳ hồi 1971 rồi ở lại làm việc luôn cho tới giờ (có kinh nghiệm gần 5 chục năm sống và làm việc, học, đọc, giảng dạy nơi chính Mỹ quốc....) Ông cũng chính là tác giả -với bút danh Phạm Văn Kỳ Thanh- của bài Một Thủa Yêu Đàn có đăng trên Weblog này hôm Aug. 16, 2015.

Tác giả Michael Loc Pham (là thế hệ đàn anh của tôi, lớn hơn tôi chừng một Giáp -12 tuổi), còn là một Guitarist kỳ cựu thời quốc gia miền Nam Việt Nam và là bạn của danh cầm Trần Văn Phú thời đó. Vốn sống cùng với tuổi đời, cộng tuổi nghề của ông là một kho tàng sống động và giàu có cho anh em chúng ta, những người kém may mắn hơn vì sinh sau nên phải đi sau ông một chặng đường dài, cho nên hôm nay nhân ông bỏ công viết các bài có tính học thuật và kinh nghiệm (về Anh ngữ cũng như Guitar), tôi copy và post lại ở Weblog này (với sự cho phép của ông) để lưu trữ, đồng thời làm tài liệu quý cho mọi người tham khảo, những tài liệu mà theo tôi, có giá trị thực tế độc đáo không hề có nơi bất kỳ một tập sách nào trên thị trường dù là nội địa hay ở ngoại quốc.

Tác giả Michael Loc Pham, ảnh chụp Hè 2014 - photo do tác giả cung cấp

"Làm Thế Nào Để Viết Tiếng Anh Giỏi?"by Michael Loc Pham
Cách đây ít lâu tôi có viết bài “Làm thế nào để nói tiếng Anh cho giỏi?”. Bài này mục đích trả lời câu hỏi của một số sinh viên đang theo học tại các trường đại học dạy bằng tiếng Anh ở Việt Nam. 

Gần đến ngày thi cuối khoá hè năm nay, các bạn sinh viên lại hỏi tôi: “Làm thế nào để viết tiếng Anh cho giỏi?”, vì họ phải nộp bài viết cho các thầy. Tôi vẫn tin ở tiền đề “nếu nói và viết tiếng mẹ đẻ không giỏi thì khó có thể nói và viết giỏi ngoại ngữ”. Điều này gần như đúng với tất cả các ngôn ngữ vì nói và viết giỏi một thứ tiếng là do quá trình học tập, tôi luyện và tư duy. 

Để đánh giá khả năng viết và nói một ngôn ngữ có những chuẩn mực được đặt ra như Đúng, Giỏi (nhuần nhuyễn), Hay. Theo tôi tiêu chuẩn Hay rất khó định. Tôi sẽ quay lại điểm này ở cuối bài. 

Tạm thời, tôi muốn thảo luận với các bạn thế nào là viết tiếng Anh cho Đúng và Giỏi. 
Trong bài viết về nói tiếng Anh tôi đã đề cập có nhiều quốc gia sử dụng Anh trên thế giới, và họ có những tiêu chuẩn riêng về nói và viết. Ở đây với tính cách cá nhân vì tôi sống và làm việc ở Mỹ nên tôi bàn luận theo tiêu chuẩn người Mỹ viết tiếng Anh. Tuy nhiên, ngày nay phương tiện truyền thông thuận tiện nên các quy chuẩn căn bản về tiếng Anh cũng không khác nhau nhiều lắm. 

Đầu tiên muốn viết tiếng Anh thì phải có một số vốn từ vựng thường dùng (Vocabulary) hay chuyên môn (Terminology). Sau đó phải học những quy luật về Văn Phạm (Grammar) để biết cấu trúc của một câu (Cú Pháp - Syntax) và dùng các thời tính (Time) muốn nói đến. Từ một câu đơn giản nhất chỉ có Chủ Từ (thường là Đại Danh Từ - subject) và Động Từ (verb). Bạn cũng có thể thêm Túc Từ (object) để chỉ một đối tượng chủ từ muốn nhắm đến (thường là Danh Từ). Nếu muốn câu viết có thi vị thì các bạn cho Tính Từ (Adjective) trước Danh Từ, Trạng Từ (Adverb) trước hay sau Động từ. Bạn cũng có thể cho Giới Từ (Preposition) sau Động Từ. Rồi các bạn nối hai mệnh đề (Clause) bằng một Liên Từ (Relative) để làm một câu dài. Sau khi đặt câu xong bạn phải biết là câu này nói về chuyện Quá Khứ, Hiện Tại hoặc Tương Lai. 

Lại có những trường hợp rắc rối hơn là một sự kiện xảy ra trong quá khứ và đã chấm dứt, hoặc còn tiếp diễn trong quá khứ nhưng chấm dứt ở hiện tại hoặc tiếp diễn qua đến tương lai. Có nhiều trường hợp câu chuyện không xảy ra nhưng người viết nói “giá mà” xảy ra bạn lại phải dùng lối “giả dụ” (subjunctive). Tôi tạm dừng ở đây vì còn nhiều qui luật nữa tôi không muốn các bạn rối trí. Bạn có thể tham khảo bất cứ một cuốn sách văn phạm tiếng Anh nào cũng nói đến những qui luật này. Muốn viết tiếng Anh Đúng các bạn nên nắm vững các qui luật văn phạm vừa đề cập.

Bây giờ đến giai đoạn viết tiếng Anh nhuần nhuyễn (Giỏi), có nghĩa là bạn đặt bút xuống là viết ngay được những ý tưởng muốn diễn đạt một cách dễ dàng. Nếu sống ở một quốc gia sử dụng tiếng Anh chừng hai năm và bạn chăm chỉ để ý bắt chước ngôn ngữ nói của người bản xứ, phần nào bạn cũng có thể viết một câu văn dễ dàng hơn. Nhưng nếu bạn muốn viết giỏi thì lại là chuyện khác. Trong cộng đồng Việt Nam sinh sống ở Hoa Kỳ tôi thấy có một số người dù đã ở nơi này trên mười năm hoặc lâu hơn, nhưng nói tiếng Anh vẫn chưa đúng về mọi phương diện và viết một câu văn chưa đúng văn phạm. Lý do là họ không đi học và lúc sinh hoạt trong cộng đồng chỉ sử dụng tiếng Việt. Điều này không phải chỉ xảy ra với cộng đồng Việt Nam, ở San Francisco có những khu vực của người Nam Mỹ ở khu Mission, người Ý ở khu North Beach, người Nga ở khu Richmond, người Hoa ở khu China Town, những người lớn tuổi dù ở Mỹ bao lâu chăng nữa họ vẫn không sử dụng tiếng Anh được. Vì thế có người ở Mỹ hơn hai mươi năm vẫn không đủ khả năng nói, viết, đọc tiếng Anh để thi quốc tịch trừ khi họ được miễn vì lý do sức khoẻ. 

Sinh viên ở Mỹ không phân biệt gốc gác ở đâu tới kể cả người bản xứ đều phải học những khoá tiếng Anh để viết cho đúng văn phạm. Sau đó nếu thích có thể lấy thêm những khoá về văn chương Anh hoặc Mỹ. Riêng các sinh viên theo học cao học và tiến sĩ có nhiều trường đòi hỏi sinh viên phải lấy những khoá tiếng Anh đặc biệt để viết luận án và để viết những báo cáo chuyên môn sau này. Có nghĩa là họ phải viết tiếng Anh cho giỏi. Nếu chỉ viết đúng không thì bài luận văn, báo cáo rất là khô khan hay không rõ ràng để chuyển tải ý tưởng đến người đọc.

Tôi có thể kể cho các bạn nghe kinh nghiệm đầy khó khăn của tôi gặp phải khi đi học bậc cao học Kinh Tế ở Mỹ. Vào thập niên bảy mươi, một sinh viên ngoại quốc muốn được một trường đại học có uy tín và đạt tiêu chuẩn về giáo dục (accredited) nhận cho học cao học về Kinh Tế phải qua hai cái tests. Một là Toefl (test of English as second language) đạt số điểm ít nhất là 550/600 (tất cả sinh viên ngoại quốc đề phải thi test này). Hai là GRE (Graduate Record Examinations). Tất cả các sinh viên học cao học Kinh Tế, dù là sinh viên người Mỹ cũng đều phải thi test này. 

Vì có niềm say mê học tiếng Anh từ nhỏ nên hai cái tests nói trên tôi không có vấn đề gì. Hơn nữa, trước khi thi tôi đã sửa soạn rất kỹ. Phần tiếng Anh của test GRE chỉ khó ở những từ rất lạ và ít dùng trong thực tế như “taciturn” (người ít nói, “kín tiếng”), “maudlin” (người hay khóc, “mít ướt”)...Tuy nhiên, học kỹ khoảng 300 từ là có thể qua được. 

Còn phần Toán thì dễ so với học sinh Việt Nam vừa tốt nghiệp trung học ban Toán (huống hồ tôi đã qua hai bằng Tú Tài Toán (1)và Cử Nhân Luật Kinh Tế ở Việt Nam (2)). Nếu muốn nộp đơn xin vào trường Luật để học Tiến Sĩ (Jurisprudence Doctor), ngoài Toefl dành cho sinh viên ngoại quốc, (rất ít sinh viên ngoại quốc đủ khả năng Anh ngữ để vào trường luật ở Mỹ trừ khi đi học theo học bổng hữu nghị và không có ý định trở thành luật sư hành nghề tại Mỹ thường được chấp nhận với số điểm Toefl rất thấp hoặc được miễn test LSAT) thí sinh phải thi thêm cái test LSAT (Law School Admission Test). Phần tiếng Anh của LSAT rất khó và phần test trí thông minh cũng khá gay go. Nhưng khó khăn của tôi không nằm ở mấy cái tests nói trên nhưng lại ở phần tôi viết tiếng Anh chưa được giỏi theo tiêu chuẩn của sinh viên theo học cao học (M.A.) Kinh Tế. Khó khăn này gây cản trở cho tôi không ít trong những tháng đầu tiên. Sau khi đọc những bài luận văn định kỳ (term paper) của tôi, ông thầy khuyên tôi là nên bỏ sáu tháng hay một năm học lại tiếng Anh. Những bài tôi viết rất đúng văn phạm nhưng thầy không hiểu tôi muốn nói gì. Tôi rất buồn là trước khi đi du học tôi học rất nhiều khoá tiếng Anh ở những lớp dạy tiếng Anh đứng đắn do các giáo sư học ở Anh và Mỹ về dạy. Ngoài ra tôi còn thi đỗ bằng Lower Certificate do British Council cấp. Tôi không có vấn đề gì khi viết những chuyện bình thường. Nhưng khi viết những bài luận văn Kinh Tế tôi chưa có văn phong (style) đặc biệt của ngành. Lý do là tôi viết tiếng Anh cách diễn đạt (expression)hoàn toàn bắt nguồn từ ý nghĩ từ tiếng Việt. Vô hình chung là tôi dịch ý nghĩ tiếng Việt sang tiếng Anh. Vì thế thầy không hiểu những luận điểm trình bày của tôi. Tôi rất là lo lắng không biết giải quyết làm sao vì nếu tình trạng này kéo dài dù tôi có đi học chuyên tiếng Anh cũng thế thôi. Lại phải “nhai” lại những luật văn phạm rồi viết những bài tả cảnh tả tình tôi đã viết chán chê từ lâu rồi. 

Tình cờ một hôm tôi đọc lại cuốn sách giáo khoa Kinh Tế nhập môn của tác giả Samuelson (bây giờ cuốn sách này có thêm tên của Nordhause, học trò của Samuelson, ông ta viết thêm một số chương cho hợp thời) dầy khoảng hơn bảy trăm trang, tôi nảy ra một ý nghĩ táo bạo: chép lại cuốn sách. Thế là, ngoài giờ đi học ở lớp, ngày nào tôi cũng bỏ hai giờ đồng hồ vừa chép sách vừa ngẫm nghĩ về lý thuyết Kinh Tế và tìm hiểu cách hành văn của tác giả. Khi chép được nửa cuốn sách, tôi thấy những bài luận văn tôi viết có tiến bộ vì ông thầy cho tôi điểm khá hơn. 

Sau bốn tháng rưỡi kết thúc khoá học đầu tiên thì tôi “hú hồn” vì dư điểm học tiếp khoá thứ hai (second semester) và đồng thời tôi cũng vừa chép hết cuốn sách. Tôi phải học bốn khoá (hai năm) để tốt nghiệp chương trình cao học. Còn hè tôi không học để thì giờ đi làm kiếm thêm tiền cho những chuyến du lịch. Như vậy lúc đầu là tôi chép sách với Ý Thức vừa học Kinh Tế vừa tìm hiểu văn phong của tác giả khi trình bày một luận điểm Kinh Tế. Sau đó văn phong ấy ngấm vào Tiềm Thức tôi lúc nào không hay. 

Rồi lúc chép xong cuốn sách tôi viết luận văn chuyên môn dễ dàng một cách “vô thức”, muốn trình bày ý tưởng thế nào thì nó cứ tuôn ra thế ấy, mà lại “ra cái điều” ngôn ngữ của Kinh Tế gia nữa chứ! 
Có anh bạn cùng lớp thấy kiểu chép sách của tôi hơi “hâm” bèn chọc tôi: 

- “sao ông không chép luôn cả chương trình cao học luôn cho tiện việc sổ sách?”. 
Tôi trả lời: 

- “các môn khác như Kinh Toán, Thống Kê... thì có viết tiếng Anh “bồi” (broken English) thầy cũng không để ý, miễn lời giải phải đúng. Vì thế khỏi bắt chước văn phong của các môn này”. 

Nói vậy trời sinh mỗi người một khối óc, cá tính khác nhau. Có thể một phương pháp chỉ hợp với một số người và không áp dụng được cho người khác. Nhưng, chữ “nhẫn” thì chắc hẳn có giá trị với mọi người nhất là trường hợp của tôi viết được tiếng Anh nhuần nhuyễn những bài luận văn định kỳ khi học cao học Kinh Tế là do chép lại một cuốn sách giáo khoa.

* * *
Sau này tôi khám phá ra một điều là tập luyện một nhạc khí cũng thế, thí dụ như guitar. 
Lúc đầu nhìn vào bài nhạc bằng một “nhận thức” xem những nốt tên gì và bấm ở đâu trên phím dàn để đánh lên một khúc nhạc. Sau đó tập đi tập lại đến khi dòng nhạc “ngấm” vào tiềm thức lúc nào không biết. Cứ liếc vào bản nhạc là tay tự bấm trên phím đàn khỏi phải suy nghĩ xem nốt ấy là nốt gì. À! ngón tay tự nó cũng có trí nhớ đấy. Cứ thế những dòng nhạc “vô thức” hiện ra trong đầu, khi nào ngón tay quên là óc nó nhắc liền. Còn bài nhạc nào tôi tập chưa “ngấm” vô tiềm thức vừa đánh vừa sợ quên và đánh sai, y như rằng sớm muộn gì cũng sai nhất là những nốt bốn móc, tay trái phải chạy rất là nhanh, mắt không theo dõi kịp những nốt trên bản nhạc. 

* * *
Bây giờ tôi xin “lộng ngôn” một chút khi đề cập đến kinh Duy Thức của Đạo Phật. Kinh nói rằng ta đọc (hay viết?) càng nhiều lần càng tốt một số dữ liệu cho đến khi những dữ liệu này được huân tập biến thành Chủng Tử đi qua Mạt Na Thức (3) rồi lọt vào tầng cuối cùng của các Thức là A Lại Da Thức (4). Lúc ấy, cứ thoải mái chẳng cần phải suy nghĩ, các dữ liệu tuôn ra như sóng nước tha hồ mà sài. Điều linh diệu hơn nữa là khi ta không còn có mặt trên cõi đời những chủng tử này hãy còn hiện hữu dưới dạng năng lượng. Có nặng nợ đầu thai tiếp vào cõi đời nếu Tâm không vẩn đục, những dữ liệu trong ngân hàng trí nhớ cứ thế mà dùng khỏi phải đi học lại. Nếu lại phải tập đánh vần từng chữ nữa thì quá vất vả cho cõi người. 

Như vậy sự xuất hiện những thiên tài như Mozart, Beethoven, Einestein, Hawking... là do Tâm họ không vẩn đục nên vẫn còn nhớ lại những dữ liệu từ kiếp trước (sic). Một đời người ngắn ngủi làm sao đủ thì giờ học cao học rộng hết mọi thứ được. Vậy thì, áp dụng kinh Duy Thức và phương pháp học đàn guitar vào quá trình học tập, nhât là để học tiếng Anh cũng có kết quả rất tốt đấy chứ. 

Tôi đã trình bày xong hai vấn đề thế nào là viết tiếng Anh cho Đúng và Giỏi. Tuy nhiên, hai luận điểm này cũng phải “khấu trừ” (discount) bớt về độ chính xác. Đó là chuyện tiếng Anh học ở Mỹ. Còn tiếng Anh ở Nam Phi và Ấn Độ và các xứ nói tiếng Anh khác có khi không phải như vậy. Ngay như một số chữ mỗi vùng cách viết cũng khác. Thí dụ như người Mỹ viết là “Americanize”, người Ấn Độ (ảnh hưởng British) viết là “Americanise”...Còn về lối diễn đạt một câu văn hay một tư tưởng mỗi vùng tiếng Anh cũng có thể khác nhau. 

Bây giờ tôi muốn chia sẻ thêm với các bạn về khả năng viết tiếng Anh của Luật Sư ở Mỹ qua kinh nghiệm cá nhân tôi. Theo quan niệm thường tình, nghề luật sư ở xứ nào cũng phải giỏi viết và nói ngôn ngữ của xứ đó. Vì, họ “bẻ” nhau từng chữ trên bản tranh luận viết hoặc ở những cuộc cãi cọ về ý niệm luật pháp ở ngoài toà. Nói vậy mà không phải vậy. Tôi đã chứng kiến có rất nhiều sinh viên trường luật viết sai văn phạm. Còn văn phong của họ đôi khi “lòng vòng” quá nhiều chữ (verbose) “nói rất nhiều mà chẳng được bao nhiêu”. Có lẽ họ tập thói quen này để mai mốt đếm chữ tính tiền thân chủ (sic). Vì thế, trong chương trình học luật có môn dạy viết cho luật sư (legal writing). Nhưng có điều phải công nhận là muốn thi đỗ kỳ thi luật sư đoàn của tiểu bang ứng viên phải có tốc độ viết rất nhanh trong việc nhìn ra những vấn đề chính (issues) qua sự kiện (facts) để rồi áp dụng luật cho chính xác. Xin mở một dấu ngoặc tôi đã dự kỳ thi của tiểu bang California được coi là khó nhất nước Mỹ vì thi nhiều môn và số người đỗ từ 30% đến 40%. Trong số người đỗ ngoài các tiến sĩ luật mới ra trường còn có các luật sư tiểu bang khác thi để chuyển văn phòng về California. Ngoài 200 câu hỏi trắc nghiệm (mỗi câu dài một trang và phải trả lời trong một phút tám, có bốn câu trả lời ở cuối câu hỏi mà câu nào cũng đúng tuỳ theo toà địa phương, nhưng câu đúng nhất thuộc về California), thí sinh phải thi 12 giờ viết. Trong số đó 6 bài viết ngắn mỗi bài một giờ, (trung bình phải viết 10 trang một bài) và hai bài dài mỗi bài 3 giờ (trung bình phải viết 15 trang). Vì thế phải nghĩ rất nhanh để giải quyết đầy đủ mọi vấn đề do đề thi đưa ra và nhất là phải viết rất nhanh mới đủ thì giờ. Có nhiều ứng viên rất thuộc luật nhưng thi nhiều lần không đỗ vì nghĩ chậm và viết chậm. Khi viết nhanh như thế, ứng viên đỗ kỳ thi dù nhìn ra và giải quyết đầy đủ những vấn đề luật pháp ẩn dấu dưới những sự kiện, nhưng mắc phải rất nhiều lỗi về văn phạm. Những người chấm bài thi thường là những ứng viên mới đỗ kỳ thi luật sư đoàn. Họ được trả lương không cao và khi chấm bài chỉ đếm trong mỗi bài viết xem thí sinh có nhìn ra được những sự kiện quan trọng và giải quyết theo luật pháp được bao nhiêu vấn đế rồi cho điểm rất là máy móc. 

Vì kỳ thi đoàn luật sư California đòi hỏi tốc độ nhanh về nghĩ và viết, cho nên sau khi đỗ xong ai cũng đồng ý rằng nếu được cho thi lại không biết mình có đỗ nổi không. Ngoài ra Luật Sư Đoàn không công bố điểm cho những người đỗ, vì thế không hiểu mình “xém” đỗ hay đỗ vẻ vang dư điểm.

Khi hành nghề luật thì phần lớn dùng nhiều mẫu có sẵn cung cấp bởi toà địa phương hoặc lấy từ trong sách rồi thêm ý tưởng tranh luận dùng ngôn từ bóng bẩy và nghiêm khắc. Theo tôi, nói chung các luật sư viết giỏi nhưng chưa chắc đã đúng văn phạm. Có thể một số ít luật sư có tài văn chương viết câu văn giỏi hơn người nhưng cũng không giúp ích gì cho chuyện tranh luận vì muốn thắng vụ kiện chỉ cần biết nhiều luật và áp dụng cho đúng vào sự kiện. Tài hùng biện trên các bản Lý Đoán viết của các luật sư mang ra cãi ở toà, một phần là do các phim ảnh thổi phồng lên và có tính cách giải trí. 

Tóm lại, nói luật sư Mỹ viết tiếng Anh đúng và giỏi chỉ chính xác có một nửa. Họ có thể viết giỏi (nhuần nhuyễn và thuyết phục) nhưng soi kỹ về cấu trúc câu có khi không đúng văn phạm và đôi khi quá dài có rất nhiều mệnh đề. Tuy nhiên, nếu muốn thưởng thức văn chương trong giới luật thì nên đọc các bản án Tối Cao Pháp Viện Liên Bang Hoa Kỳ (U.S. Supreme Court). Vì 9 vị thẩm phán tối cao được Tổng Thống bổ nhiệm và Quốc Hội chấp thuận đều là những triết gia về luật. Họ viết những bản án rất công phu, bóng bẩy và có giá trị văn chương lẫn pháp lý. Họ hướng dẫn tư tưởng của cả nước Mỹ theo họ. Thí dụ bản án về vụ phá thai Roe vs. Wade. 

Tôi muốn kết thúc đề tài “Làm sao để viết tiếng Anh giỏi?” bằng hai điểm quan trọng các bạn nên lưu ý. 
Một là các bạn nên nắm vững luật tắc văn phạm để viết câu văn cho đúng. Hai là chú ý đến văn phong sáng sủa hầu chuyển tải tối đa những điều muốn chia sẻ đến độc giả. Còn vấn đề ý tưởng độc đáo là tuỳ thuộc năng khiếu của mỗi cá nhân, tôi không bàn tới. 

Cuối cùng, còn một nấc thang cao nhất trong chuyện viết lách của mọi ngôn ngữ vẫn là tiểu thuyết và thi ca. Vì mỗi chữ của văn, nhất là thơ cũng chất chứa bao nhiêu trí tuệ, triết lý, cảm xúc và hình ảnh. Nếu bạn muốn viết tiếng Anh Hay (hơn cả Đúng và Giỏi) bạn nên đọc nhiều tiểu thuyết và thi ca của các nhà văn nhà thơ viết tiếng Anh nổi tiếng, nhất là những tác giả đã được giải Nobel.

Chúc các bạn may mắn trong kỳ thi cuối khoá hè 2015.

Michael L. Pham, Jurisprudence Doctor. Attorney at Law (licensed by the State of California, U.S.A.) Visiting professor at Broward College & Tan Tao University (Vietnam), Summer 2015.

LQPhong Chú Thích:

1, 2: tác giả học ở miền Nam Việt Nam cho đến 1971 thì sang Mỹ du học. 
Thời miền Nam Việt Nam trước niên khóa 1972 -1973, học sinh trung học phải thi 2 kỳ thi Tú Tài: Tú Tài phần 1 (sau khi học xong lớp Đệ Nhị -tức lớp 11 theo cách gọi các lớp bậc trung học về sau 1969) còn gọi là Tú Tài bán phần và nếu học sinh thi đỗ Tú Tài 1 mới được học tiếp lớp cuối bậc trung học là lớp Đệ Nhất (lớp 12) để bước vào kỳ thi quan trọng nhất là Tú Tài phần 2 còn gọi là Tú Tài toàn phần. Sau khi lấy được Tú Tài toàn phần, học sinh mới hoàn tất bậc trung học để tiến vào ngưỡng cửa bậc Đại Học.

Từ niên khóa 1973 - 1974 trở đi, kỳ thi Tú Tài phần 1 bị hủy bỏ, học sinh (lớp Đệ Nhị) đương nhiên học lên lớp Đệ Nhất và chuẩn bị cho kỳ thi Tú Tài phần 2 và bây giờ chỉ còn gọi là Văn Bằng Tú Tài (chứ không còn phần 1 hay phần 2 như trước nữa)

3, 4: về Mạt Na Thức & A Lại Da Thức mời bạn đọc bài này: A Lại Da Thức là gì?
---------
Nguồn: http://vietsheetmusic.blogspot.com/2015/09/lam-nao-e-viet-tieng-anh-gioi.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét