LQPhong giới thiệu: Michael Loc Pham là người Việt miền Nam tự do, đi du học Hoa Kỳ hồi 1971 rồi ở lại làm việc luôn cho tới giờ (có kinh nghiệm gần 5 chục năm sống và làm việc, học, đọc, giảng dạy nơi chính Mỹ quốc....) Ông cũng chính là tác giả -với bút danh Phạm Văn Kỳ Thanh- của bài Một Thủa Yêu Đàn có đăng trên Weblog này hôm Aug. 16, 2015.
Tác giả Michael Loc Pham (là thế hệ đàn anh của tôi, lớn hơn tôi chừng 6, 7 tuổi), còn là một Guitarist kỳ cựu thời quốc gia miền Nam Việt Nam và là bạn của danh cầm Trần Văn Phú thời đó. Vốn sống cùng với tuổi đời, cộng tuổi nghề của ông là một kho tàng sống động và giàu có cho anh em chúng ta, những người kém may mắn hơn vì sinh sau nên phải đi sau ông một chặng đường dài, cho nên hôm nay nhân ông bỏ công viết các bài có tính học thuật và kinh nghiệm (về Anh ngữ cũng như Guitar), tôi copy và post lại ở Weblog này (với sự cho phép của ông) để lưu trữ, đồng thời làm tài liệu quý cho mọi người tham khảo, những tài liệu mà theo tôi, có giá trị thực tế độc đáo không hề có nơi bất kỳ một tập sách nào trên thị trường dù là nội địa hay ở ngoại quốc.
Tác giả Michael Loc Pham (ôm đàn guitar) với các học trò Business Law Class
Trong thời gian được mời thỉnh giảng ở một số đại học trong nước, nơi đây tiếng Anh được dùng như ngôn ngữ chính để giảng dạy, có một số sinh viên hỏi tôi: “Làm thế nào để nói tiếng Anh giỏi?”. Câu hỏi này cũng đã được đặt ra cho chính tôi thời còn niên thiếu.
Tôi sẽ trả lời câu hỏi này bằng những trải nghiệm qua những năm đi học ở Việt Nam và hơn nửa đời người du học, làm việc và sinh sống ở Mỹ.
Câu hỏi trên có thể đặt ra cho tất cả các loại ngôn ngữ kể cả tiếng Việt. Và câu trả lời cũng giống nhau tựa trên những yếu tố: Phát Âm (pronunciation), Ngữ Vựng (vocabulary, terminology), Ngữ Điệu (intonation), Giọng nói (sonority) tài nói Lưu Loát, Hùng Biện (articulation, eloquence) và Sức Lôi Cuốn (charisma).
Bây giờ tôi bàn về tiếng Anh trước, trong dịp khác tôi sẽ bàn luận về đề tài nói tiếng Việt. Nhưng tôi tin ở tiền đề không giỏi tiếng Việt thì khó giỏi ngoại ngữ.
Tiếng Anh không có qui luật đánh vần (spelling rules) như tiếng Việt, nên phải học phát âm (pronunciation) từng chữ (word) một cho chuẩn. Mỗi chữ lại có lối nhấn (stress) ở những âm tiết (syllable) khác nhau. Nếu phát âm sai và nhấn nhầm âm tiết thì người nghe sẽ không hiểu. Nói như vậy vẫn còn quá tổng quát. Trên thế giới tiếng Anh lại phân ra nhiều vùng. Khởi nguyên là nước Anh rồi tiếng của họ lan truyền qua các thuộc địa Mỹ, Canada, Úc, Nam Phi, Ấn Độ...Cùng một chữ nhưng mỗi vùng lại phát âm khác nhau.
Thí dụ chữ “home” (nhà), người Anh phát âm ngả về “hơm mơ” còn người Mỹ đọc là “hôm mơ”. Như vậy không thể nói phát âm của vùng nào là chuẩn. Tiếng Anh khởi đầu từ quốc gia này, nhưng phát âm của họ chưa chắc đã là chuẩn đối với người học được giảng viên người Mỹ dậy. Ngoài ra tầm ảnh hưởng của ngôn ngữ còn tuỳ theo sức mạnh về văn hoá và kinh tế. Người Nhật đã tạo ra rất nhiều tiếng Hán mới về khoa học truyền thông và chính ngưới Trung Quốc cũng phải học lại của họ. Hầu hết các từ ngữ về computer và internet đều là tiếng Anh-Mỹ (American English) và được dùng khắp thế giới. Cho nên các bạn trẻ định đi du học ở đâu thì nên học tiếng Anh với thầy ở vùng đó.
Ngoài ra khi phát âm một chữ Anh người ngoại quốc thường mắc lỗi là dùng những âm của ngôn ngữ quốc gia mình. Thí dụ chữ “it”, “bit” thường được người Việt phát âm là “ít” và “bít”. Trong khi nên phát âm là “iết”, “biết”. Trong tiếng Anh chỉ phát âm là “bít” trong trường hợp “beet” hay “beat”. Có nhiều chữ Anh phát âm không có âm tương đương bằng âm Việt. Thí dụ chữ “little”, chữ này vần cuối phát âm tổng hợp giữa ba chữ “tđl” đọc nhanh thì chỉ còn “liếtđl”. Thí dụ bảo người Anh hoặc Mỹ học tiếng Việt phát âm chữ “nguyễn ngọc ngân”, “nhọc nhằn”. “ khúc khuỷu”, của tiếng Việt thì họ cũng sẽ có vấn đề đấy. Vì tiếng Anh không có những âm này.
Khi tôi đi dạy Luật Thương Mại tới 90% các bạn trẻ có vấn đề khi phát âm chữ “registration” (đăng ký) vì âm “tr”. Cho nên các bạn cố gắng học cách xướng những âm tiếng Anh bằng chính những âm đặc thù của họ.
Khi đã xướng (pronounce) chuẩn về âm, bây giờ bạn còn phải nhấn (stress) cho đúng âm tiết (syllable) của từ (word) nữa. Bạn nhấn nhầm thì có thể người ta không hiểu hoặc hiểu sang chữ khác. Tí dụ chữ “desert” nghĩa là “rời bỏ” nhấn mạnh ở đơn vị “sert”. Nếu bạn nhấn mạnh ở đơn vị “de” thì họ hiểu là bạn muốn nói tới sa mạc. Như thế sẽ xảy ra sự hiểu lầm “đáng tiếc”.
Nói về học ngữ vựng tiếng Anh, thời niên thiếu tôi “một dại, một khờ, một ngu ngơ” mê tiếng Anh đến độ “tụng” tự điển như “niệm kinh Phật”. Vì thế cứ học trước quên sau, và học sau quên trước. May mắn nhớ được một số từ, nhưng không biết cách dùng hay dùng không đúng chỗ (appropriate), đâm ra khi nói câu văn tuy dài nhưng ý nghĩa rất vớ vẩn. Thầy giáo khó đoán là tôi nói gì và thầy cho là bí hiểm. Thật ra thầy cũng lười tra tự điển và còn cho tôi điểm cao.
Sau này, trình độ tiếng Anh khá hơn, tôi còn biết một chữ Anh có nhiều nghĩa, dùng không đúng chỗ, có khi mang ý nghĩa “nhảm nhí, tục tĩu” là đằng khác. Như vậy, tôi đề nghị bạn nên đọc thật nhiều văn bản chữ Anh, nhất là tiểu thuyết xem tác giả sử dụng từ đó như thế nào trong một câu và trong tình huống ra sao để tránh trường hợp tôi vừa nói.
Sau khi phát âm chuẩn, dùng từ chính xác, nói lên làm sao cho hay đây? Muốn nói cho hay thì phải sắp xếp ý tưởng cho mạch lạc, xướng lên một cách “du dương”. Nói cũng như hát. Thật vậy, giọng nói (sonority), ngữ điệu lên bổng xuống trầm (intonation) đầy cảm xúc sẽ lôi cuốn người nghe. Khi đã luyện phát âm chuẩn và nhấn đúng âm tiết, bạn cứ nói từ từ, và biểu lộ cảm xúc của câu nói, ngữ điệu sẽ tự nhiên xuất hiện. Thói quen chung của người học tiếng Anh vì “khớp” nên hay nói nhanh cho qua. Vì thế người ta hay “khen”: “gớm cô ấy nói tiếng Anh như gió”. Có ý là nói “lưu loát”. Nhưng tôi lại hiểu theo nghĩa ngược lại nói “như gió” sẽ mắc rất nhiều khuyết điểm và đáng chê hơn là khen. Thứ nhất Phát Âm sẽ không chuẩn, thứ hai Nhấn sai Âm Tiết và thứ ba Ngữ Điệu (intonation) “lạc lối”. Đơn giản nhất là chữ “world” phải phát âm hết tất cả các chữ “rld”, nếu phát âm nhanh mà chưa vững thì sẽ tắt ở chữ “wor” và rất dễ bị hiểu nhầm sang chữ “war” là chiến tranh. Nói theo các “liền anh, liền chị” Quan Họ là phát âm chưa được “tròn vành rõ chữ”. Mọi chữ trong một câu mà mắc vào lỗi đó thì toàn câu nghe rất là buồn cười vì lên bổng xuống trầm (Âm Điệu) không đúng cao độ sẽ là những câu nói ngô nghê dù là từ vựng dùng đúng.
Tôi có một anh bạn học ở MIT (đại học nổi tiếng về khoa học, kỹ thuật của Mỹ) gốc Huế. Có lần ghé Singapore thăm anh, anh đã biểu diễn nói tiếng Anh giọng Huế. Cả câu nói là: “When you drive to the next stop-light, please take the rign turn”. Ngoài cách anh lên xuống (intonation) theo giọng Huế anh còn phát âm chữ “right turn” thành “rải tơn”. Khiến tôi được một trận cười vỡ bụng. Như thế, khi nói tiếng Anh bạn đừng đánh dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng, bạn nhé.
Cách luyện tập nói muốn có kết quả bạn phải nghe giỏi trước cái đã. Muốn vậy, bạn nên xem thật nhiều những bộ phim tiếng Anh. Hãy chọn đề tài nào bạn thích, bạn sẽ thu nhập nhanh ở những lời đối thoại của diễn viên. Nếu không nghe kịp nên bật lên phần phụ đề cũng bằng tiếng Anh. Như thế vừa giải trí, mở mang kiến thức, học nghe và nói tiếng Anh cùng một lúc.
Những người ngoại nhập sau này vào nước Anh hoặc Mỹ dù có sinh sôi nảy nở bao nhiêu đời ở đó, họ nói tiếng Anh vẫn khác người bản địa. Thí dụ con cháu người di dân Việt Nam sinh ở bên Mỹ nếu không kết hôn với người da trắng thì con họ nói tiếng Anh vẫn khác người da trắng. Điều này có thể nhận ra người Mỹ gốc Mễ Tây Cơ, gốc Á Châu, Phi Châu nói tiếng Anh cũng thế. Lý do, về nhân chủng và di truyền học sự cấu tạo cổ họng khác nhau nên sắc tiếng tạo ra giọng nói (sonority) khác nhau. Cũng như bạn nghe nốt La 3 ở đàn piano khác với đàn violon dù cùng cao độ. Nhưng đối với nhạc khí gọi là “timber”. Cũng không sao miễn nói đạt chuẩn mức của phát âm, âm tiết, âm điệu là được rồi. Có trường hợp một ca sĩ không phải người Anh hay Mỹ, hát tiếng Anh “hơi ngọng” nhưng quyến rũ cả thế giới, đó là ca sĩ Tây Ban Nha Juilio Iglesias. Cái “accent” hát tiếng Anh giọng Tây Ban Nha của ông nghe lại duyên dáng dễ thương nhất là đối với khán thính giả phụ nữ.
Sự duyên dáng của người nói lôi cuốn người nghe là do sự sáng tạo của câu nói hay nói bóng bảy hơn, người ấy có tài nói lưu loát (articulate) hùng biện (eloquent)) và có sức hút (charismatic). Thứ nhất, người ấy biết sắp xếp ý tưởng để chuyền đạt đến người nghe một cách nhanh nhất. Sau đó họ có giọng nói quyến rũ trời cho khiến người nghe có cảm tình ngay.
Tôi nhắc lại lần nữa nói cũng như hát, phải luyện tập từng chữ, hiểu ý nghĩa, phát âm “tròn vành rõ chữ”; lên bổng xuống trầm cho có tình cảm; câu nói có ý tưởng mới lạ; đôi khi sự hài hước dùng đúng lúc, đúng chỗ sẽ tạo thêm nét duyên dáng của lời nói.
Như thế tôi đã tạm trả lời câu hỏi của bạn chưa nhỉ?
Lời kết, tôi cũng phải nhấn mạnh tôi không phải là người nói tiếng Anh giỏi và hay vì đôi khi tiếng Anh của tôi nói vẫn còn phảng phất “mùi nước mắm pha chanh đường” dù đã sống ở Mỹ hơn nữa đời người. Vì thế, phải học suốt đời bạn à. Ông Bà ta đã dạy: “học ăn, học nói, học gói, học mở.”
Thế nhé. Chúc bạn trẻ thân mến tiến bộ khi luyện nói tiếng Anh.
Dr. Michael Loc Pham, Jurisprudence Doctor, Attorney at Law Visiting professor at Tan Tao University & Broward College, Summer 2015.
----------
Nguồn: http://vietsheetmusic.blogspot.com/2015/08/lam-nao-e-noi-tieng-anh-gioi.html?spref=bl
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét