Bí mật những cách kiếm hàng ngàn tỷ đồng của giới nhà giàu Việt Nam
(GNA: Phi vụ dưới đây chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện…VN hay Trung Quốc hay Liên Xô khi CS sụp và tài sản đem ra bán tháo. Ai kinh doanh BDS hay mua lại các công ty quốc doanh bị cổ phần hóa đều biết qua thủ thuật này. Tuy nhiên, GNA xin đăng lại nơi đây cho những tâm hồn còn ngây thơ)
Giới nhà giàu Việt Nam có nhiều mánh khóe để kiếm ra hàng nghìn tỷ. Chúng ta hãy tìm hiểu về những bí mật này thông qua phân tích những số liệu đã được các trang thông tin chính thống đưa ra. Qua đó sẽ thấy được bản chất của sự giàu có, đúng-sai và hệ lụy với nền kinh tế.
Việt Nam thực sự mới thoát khỏi nước nghèo, nhờ đưa mức thu nhập GDP bình quân đầu người lên 2.000 USD từ 2013. Theo thống kê mới nhất, có 78% người lao động, tức là 42 triệu người lao động Việt Nam chưa hề qua 1 lớp đào tạo nào, vì không có trình độ, không được đào tạo nghề; công cụ lao động thủ công, thô sơ, vốn thấp nên việc làm của họ rất bấp bênh, thu nhập thấp, chỉ hơn nông dân chút ít, thực sự họ và gia đình họ đang sống rất khổ trong những nghề không có trong danh mục. Trong khi đó việc kiếm tiền bất chính của giới nhà giàu lại đang làm cho nền kinh tế khó khăn thêm.
Kiếm nghìn tỷ từ cổ phần hóa Công ty Kem Tràng Tiền
Báo ANTT.vn và nhiều tờ báo khác gây xôn xao dư luận suốt thời gian qua khi chỉ ra cách kiếm nghìn tỷ từ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, mà chuyện của Công ty Kem Tràng Tiền chỉ là ví dụ. Đặc biệt là liên quan đến ông Hà Văn Thắm, tiền nhiệm của chủ tịch HĐQT Ocean Bank, ông Nguyễn Xuân Sơn mới bị bắt ngày 21/7/2015.
Kem Tràng Tiền với vị trí đắc địa, được cổ phần hóa với 3,2 tỷ
Rất nhiều người biết đến Kem Tràng Tiền, một đặc sản nổi tiếng của Hà Nội, nhưng gần đây nó lại càng nổi tiếng hơn bởi thương vụ buôn bán cổ phần ở đây. Công ty Kem Tràng Tiền, tại 35 phố Tràng Tiền, Hà Nội. Trước đây là công ty quốc doanh, vốn dĩ thuộc sở hữu của nhà nước trước khi được cổ phần hóa. Công ty Cổ phần Kem Tràng Tiền còn là chủ nhân của 1.500 m2 đất “kim cương” tại 35 Tràng Tiền.
Tràng Tiền là phố thương mại sầm uất và giá trị bậc nhất giữa lòng thủ đô Hà Nội. Vị trí “đại đắc địa”, kéo dài từ đầu hồ Gươm (chỗ phố Hàng Khay) cho tới nhà hát Lớn Hà Nội, mỗi tấc đất Tràng Tiền đúng nghĩa là một “tấc vàng”.
Đến ngày 1/1/2000, Công ty này được cổ phần hóa, với số vốn điều lệ là 3,2 tỷ đồng. Số vốn này được hình thành thông qua việc góp cổ phần và phát hành cổ phiếu, với 32.000 cổ phần, mỗi cổ phần là 100 nghìn đồng và đều được cán bộ công nhân công ty mua hết.
Lúc đó, việc xác định giá trị doanh nghiệp chỉ có 3,2 tỷ đồng thực sự đã làm dư luận dấy lên những hồ nghi, quá nhỏ bé nếu so sánh với khối tài sản khổng lồ mà Kem Tràng Tiền đang sở hữu, đáng kể nhất là khu trụ sở tọa lạc tại địa thế cực đẹp, 35 Tràng Tiền. Như vậy sau cổ phần hóa, ngân sách nhà nước mất đi khá nhiều tiền.
Trả cao gấp 10 lần, chỉ cần 30 tỷ là thu gom phần lớn cổ phiếu
Lúc này những kinh nghiệm làm giàu từ cổ phần hóa ở Nga đã được áp dụng. Chưa đầy một năm sau khi được cổ phần hóa với giá cực thấp, thế lực “ngầm” đã bắt đầu lộ diện. Ông Lê Kim Thắng- Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Tràng Tiền lúc đó – cho biết: “Có một nhóm cá nhân ngoài công ty có tiềm lực tài chính đang tìm cách thôn tính toàn bộ doanh nghiệp của chúng tôi. Đến 15/10/2011, họ đã dùng số tiền lớn mua ngầm khoảng 80% số cổ phiếu của công ty” (theo ghi nhận trong một bài báo của VnExpress vào hạ tuần tháng 10/2011).
Như vậy, chỉ cần bỏ ra số tiền 30 tỉ đồng và các cổ phần đều được chào mua với giá thường cao gấp 7-10 lần giá trị ban đầu là đã có thể thôn tính được Công ty Tràng Tiền với ưu thế siêu lợi nhuận về kinh doanh cũng như cơ sở hạ tầng.
Chủ sở hữu hiện tại chỉ với chi phí 117,6 tỷ
Ngày 31/12/2013, Công ty cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (OCH) chính thức ghi nhận việc nắm quyền kiểm soát tại Công ty Cổ phần Kem Tràng Tiền với tỷ lệ sở hữu 78,4%. Giá trị đầu tư của thương vụ là 117,6 tỷ đồng.
Câu chuyện thâu tóm đáng lẽ chẳng có gì đáng nói, kể cả việc OCH là một doanh nghiệp địa ốc, lĩnh vực nghe có vẻ chẳng nhiều liên quan với chuyện “làm kem” nhưng trên thực tế, thương vụ đã từng khiến dư luận phải một phen nổi sóng, bởi lẽ, ngoài thương hiệu kem nức tiếng (và nhiều tài sản khác), Công ty Cổ phần Kem Tràng Tiền còn là chủ nhân của 1.500 m2 đất “kim cương” tại 35 Tràng Tiền.
Mua thành công 78,4% quyền sở hữu Kem cũng có nghĩa OCH đã nắm quyền định đoạt với tất cả các tài sản của công ty, bao gồm cả lô đất 35 Tràng Tiền.
Giá trị của 1500m2 đất vàng theo đánh giá hiện tại 1 tỷ/m2
Vị trí “đại đắc địa”, “tấc đất, tấc vàng”, bởi theo đánh giá sơ bộ, giá thị trường khu đất xung quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm, trung tâm thủ đô Hà Nội vào khoảng trên 1 tỷ đồng/m2, tương đương với mức giá mà tập đoàn Tân Hoàng Minh đã bỏ ra mua một m2 đất tại khu vực 22-24 phố Hàng Bài năm 2011, là thời kỳ “ngủ đông” của bất động sản.
Nếu chỉ tính 1 tỷ/m2 thì chỉ riêng giá trị bất động sản của Công ty Kem Tràng Tiền là 1.500 tỷ đồng.
Thu lợi hàng nghìn tỷ từ buông lỏng quản lý trong cổ phần hóa
Với 78,4% quyền sở hữu Kem Tràng Tiền, trừ đi chi phí 117,6 tỷ thì Công ty cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương, một công ty thuộc Tập đoàn Đại dương, hiện do anh trai ông Hà Văn Thắm quản lý, sẽ thu lợi hơn một nghìn tỷ đồng chỉ trong vòng vài năm.
Như vậy, với chi phí 30 tỷ thu gom cổ phiếu trong 5 năm, thu lợi 1.000 tỷ, thì mỗi năm tạo ra lợi nhuận khủng khiếp là 666%/năm. Có đúng là kinh doanh hiệu quả không? Có tạo ra lợi ích cho nền kinh tế, cho xã hội không? Liệu có chuyện trục lợi trên tài sản đất của nhà nước như quan ngại của một số nhà bình luận không?
Phần 2: Hé lộ chuyện chủ tịch Ngân hàng Xây dựng rút 18 ngàn tỷ sử dụng cá nhân
Đã hé lộ những thông tin mới liên quan đến Ngân hàng Xây dựng, ông Phạm Công Danh, nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng, nguyên Tổng giám đốc tập đoàn Thiên Thanh, chỉ trong 16 tháng đã chỉ đạo cấp dưới rút 18.414 tỉ đồng của Ngân hàng Xây dựng để sử dụng cá nhân.
Thông báo của Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đăng tải trên trang web của bộ ngày 17-7-2015 về việc khởi tố và bắt tạm giam ông Tạ Bá Long nguyên Chủ tịch HĐQT và Đoàn Văn An nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GP Bank), với tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, đã hé lộ những thông tin mới liên quan đến Ngân hàng Xây dựng.
Cùng ngày 17/7, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an cho biết vừa bắt tạm giam ông Hà Tấn Phước, Phó giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Long An (nguyên Tổ trưởng Tổ giám sát của NH Xây dựng Việt Nam) và ông Lê Văn Thanh, Chánh Thanh tra NHNN chi nhánh tỉnh Long An (nguyên Tổ trưởng tổ giám sát VNCB).
Số tiền Ngân hàng Xây dựng bị thiệt hại đến nay là 18.414 tỉ đồng
Thông tin đến ngày 17/7 thì ông Hà Tấn Phước và ông Lê Văn Thanh bị bắt do để VNCB thất thoát 9.000 tỷ, nhưng chỉ ngay sau đó, thông tin đưa ra là thất thoát 18.414 tỷ đồng. Đến thời điểm này, dư luận thực sự choáng váng với số tiền lớn lần đầu tiên được nghe thấy này.
Ông Danh bắt đầu tiếp quản Ngân hàng TMCP Đại Tín (tên cũ của Ngân hàng Xây dựng) từ tháng 2-2013, đến tháng 7/2014 thì bị bắt, như vậy chỉ trong 16 tháng sau, ông Danh không hề có kỹ năng quản lý ngân hàng mà đã kịp rút ra số tiền khủng như vậy.
Cũng trong thời gian đó, một tổ giám sát với sự tham gia của ông Phước, Tổ trưởng Tổ giám sát của NH Xây dựng Việt Nam, từ tháng 10/2013 đến tháng 5/2014, ông là người có quyền quyết định đối với các giao dịch từ 5 tỉ đồng trở lên, nếu thấy sai phạm của VNCB thì báo cho NHNN. Ông Thanh, Tổ trưởng tổ giám sát VNCB từ tháng 2-2012 đến 10-2013, là người có quyền quyết định với các giao dịch từ 5 tỉ đồng trở lên theo quy định của NHNN nhưng không báo cáo kịp thời.
Do VNCB bị giám sát đặc biệt nên mọi hoạt động của VNCB từ thu hồi nợ, cho vay, các khoản tiền chuyển ra, chuyển vào (kể cả huy động và chi trả cho người gửi tiền) đều phải thông qua tổ giám sát. Vậy mà ông Danh vẫn lấy ra được hơn 18.000 tỷ đồng.
Để làm sáng tỏ tổng số tiền thiệt hại là bao nhiêu, vì sao, bằng cách nào số tiền trên đã ra khỏi Ngân hàng Xây dựng để vào túi sử dụng cá nhân?
Làm sao có thể lấy ra một lượng tiền lớn thế
Sơ bộ ban đầu cơ quan điều tra xác định ông Danh và đồng phạm dùng sổ tiết kiệm của doanh nghiệp để thế chấp 39 khoản vay tại VNCB; các chứng từ chuyển tiền không có chữ ký của chủ tài khoản… Khi quá hạn, không có khả năng thu nợ, gây thiệt hại cho VNCB gần 9000 tỷ đồng.
Các chuyên gia cho rằng, những người có tiềm lực vốn ở Việt Nam thời gian qua đã cố gắng để sở hữu các ngân hàng thương mại cổ phần. Khi đã bỏ tiền ra để làm chủ ngân hàng thì họ sẽ thế chấp cổ phần đó để vay từ ngân hàng, như vậy họ sẽ chẳng mất đồng vốn nào mà vẫn sở hữu ngân hàng đó, đồng tiền đó sẽ quay vòng đầu tư vào công ty khác để làm chủ sở hữu, rồi lại thế chấp cổ phần để vay và đồng tiền cứ như vậy quay vòng. Còn một cách xấu hơn là cho cho vay vào các công ty sân sau của chính mình mà không cần tài sản thế chấp, hoặc rất ít tài sản thế chấp, với cách này thì họ có thể vay ra số tiền rất lớn, lớn hơn nhiều số tiền họ đã bỏ ra mua ngân hàng. Rồi các doanh nghiệp đó xù nợ, phần thiệt thòi sẽ thuộc về ngân hàng và những người mua cổ phần nhỏ lẻ.
Đó là một phần những lý do tại sao chỉ trong thời gian rất ngắn, khoảng trên dưới 10 năm những người giàu Việt Nam có thể từ tay không trở thành chủ sở hữu hàng nghìn tỷ.
Khi NHNN mua lại VNCB 0 đồng, các cổ đông không còn quyền lợi gì, họ đã trắng tay, nhưng NHNN sẽ phải bỏ ra số tiền tương ứng số đã thất thoát để trả người gửi tiền nhằm để ổn định hệ thống ngân hàng.
Vậy tiền của NHNN là từ đâu? Đó đều là từ ngân sách nhà nước, từ những đồng tiền thuế của người lao động một nắng hai sương gom góp vào để cho các người giàu hưởng lợi.
Posted by Việt Anh
---------
Nguồn: Internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét