Tập tục xin chữ đầu năm gửi gắm ước vọng năm mới bình an, thành đạt, may mắn đã có từ lâu đời. Thời xưa, những ông đồ hay bậc túc nho đức độ, văn hay chữ tốt thường được mọi người tìm đến xin chữ đầu năm, cầu mong năm mới đem đến vận hội mới. Đặc biệt, những người đi học hoặc gia đình các con em đang học chữ Thánh hiền thì càng coi trọng xin chữ về treo, để noi gương tiền nhân dùi mài kinh sử, tu dưỡng đạo đức phẩm hạnh, đỗ đạt rạng rỡ tổ tiên.
Người xưa tin rằng, xin chữ đầu năm sẽ đem lại vận khí tương ứng với chữ đó cho bản thân và gia đình trong cả năm. Niềm tin này đã được các nhà khoa học ngày nay kiểm chứng. Tiến sĩ Masaru Emoto đã làm thí nghiệm dán những chữ tích cực như ‘tình yêu’, ‘cảm ơn’ ngoài khay nước rồi cho kết tinh, sau đó soi lên kính hiển vi thì thấy tinh thể nước kết tinh hình những bông hoa rất đẹp. Ngược lại, với những chữ tiêu cực như ‘thù hận’ thì tinh thể nước biến dạng xấu xí.
Những năm gần đây, trào lưu khôi phục những nét đẹp truyền thống đang được lan toả, cả trong nước lẫn quốc tế. Mọi người đều mong muốn lưu giữ những nét tươi đẹp, chất phác, thanh khiết trong văn hóa truyền thống để cân bằng lại những hối hả, xô bồ, cạnh tranh, áp lực của cuộc sống hiện đại. Thế là, nhiều đô thị lớn trong nước lại xuất hiện những “ông đồ” vào dịp năm mới. Để thuận tiện cho độc giả xin chữ đầu năm, chuyên mục Văn hóa – Thời báo Đại Kỷ Nguyên hân hạnh giới thiệu ý nghĩa một số chữ Nho thường được xin mỗi dịp Tết đến xuân về.
Phần 2: Tâm Đức Phúc
5. Chữ Tâm: 心
Với tri thức khoa học hiện đại thì Tâm chỉ là trái tim bơm máu đi nuôi các tế bào cơ thể, so với nhận thức về cái Tâm của người xưa thì quả là nông cạn.
“Kinh lễ” viết: “Tổng bao vạn lự vị chi tâm”, nghĩa là: “Chứa đựng hàng vạn suy tư gọi là tâm”, ý tứ là Tâm là nơi xuất phát và tồn trữ những nghĩ suy, ưu tư, lo buồn. Tâm chủ trì các hoạt động tâm lý, ý niệm. Trong tâm lý học hiện đại cũng nói, kiểm soát được tâm trạng thì mới kiểm soát được cuộc đời; và cũng nói, thay đổi tâm thái có thể thay đổi vận mệnh.
Sách “Tuân Tử” viết: “Tâm giả, hình chi quân dã, nhi Thần minh chi chủ dã”, nghĩa là: “Tâm là vua của mọi hình tướng, là chủ của Thần linh”. Câu này có ý tứ rằng, vạn sự vạn vật bên ngoài đều là do tâm nhận thức phản ánh ra. Tâm cũng là chủ của Thần linh, cái tâm thế nào thì sẽ chiêu mời Thần như thế, tâm thiện sẽ có Thần Thiện, tâm ác, sẽ mời Thần Ác đến. Ngoài ra, tu tâm cũng sẽ có thể trở thành Thần.
Kinh Phật cũng giảng: “Nhất thiết duy tâm tạo”, có nghĩa là “hết thảy đều do tâm tạo nên”.
Tướng mệnh học cũng viết: “Hữu tâm vô tướng, tướng tùy tâm sinh. Hữu tướng vô tâm, tướng tùy tâm diệt”, nghĩa là: “Có tâm mà không có tướng thì tướng sẽ theo tâm mà sinh ra. Có tướng mà không có tâm thì tướng sẽ theo tâm mà mất đi”. Vậy nên cũng nói, tướng tùy tâm sinh, duyên do tâm định, duyên khởi ở tâm, mà tu cũng là ở tâm.
Về chữ Tâm (心), các nhà Nho xưa có giảng: “Một vầng trăng khuyết 3 sao bên mình”, ý nói chữ tâm như một vầng trăng khuyết, 3 chấm như 3 vì sao ở bên, vừa miêu tả đúng hình thái chữ, lại đúng ý nghĩa. Cái tâm như trăng sao soi sáng đường dẫn dắt con người đi trong đêm đen.
Phật gia giảng, con người rớt xuống cõi trần thế này là rơi vào biển khổ, là rơi vào cõi mê, muốn thoát khỏi biển khổ, ra khỏi cõi mê thì chỉ có tu luyện, phản bổn quy chân, quay trở về. Mà tu luyện thì phải dựa vào ngộ. Chữ Ngộ (悟) gồm bộ Tâm (忄) và chữ Ngô (吾 – mình, tôi ), nghĩa là nhìn vào tâm mình tức là ngộ. Như vậy Tâm chẳng phải giống như trăng sao soi đường trong đêm tối, để mà ngộ, để tìm đường quay trở về Thiên quốc, Phật thổ đó sao?
Nhưng Tâm là “một vầng trăng khuyết 3 sao bên mình” chứ không phải vầng trăng tròn vành vạnh và một bầu trời rực rỡ đầy sao. Điều đó có nghĩa là, chúng ta dựa vào ngộ mà tu, dựa vào ánh sáng lờ mờ mà tìm đường đi, càng đi đường càng rộng, trăng càng tròn, sao càng nhiều, càng sáng tỏ. Đến khi trăng tròn vành vạnh sáng rõ đường đi tức là cái tâm chúng ta đã tròn đầy, đã đạt đến viên mãn.
Phật gia giảng con người có Phật tính và cũng tồn tại ma tính, thế nên cần bồi bổ Phật tính và tiêu trừ ma tính, cũng giống như ‘một vầng trăng khuyết’ kia, cần tu dưỡng bồi bổ cho nó tròn đầy. Nho gia cũng cho rằng, con người bản tính thiện, nhưng cũng có tồn tại tính ác. Thế nên cần tu thiện và trừ bỏ dần các tính ác tính xấu đi mới thành người hoàn thiện, mới đạt được tiêu chuẩn của người quân tử, rồi đạt đến tiêu chuẩn của bậc Thánh nhân.
Thư pháp chữ Tâm (心). (Ảnh: youtube.com)
6. Chữ Đức: 德
Chữ Đức (德) gồm bộ Xích (彳) – bước nhỏ, chữ Thập (十) – mười, chữ Mục (目) – mắt, chữ Nhất (一) – một và chữ Tâm (心) – tim cấu thành.
Trong “Thuyết văn giải tự” giải nghĩa: “Đức, thăng dã”, nghĩa là “Đức có nghĩa là lên cao”. Có hàm ý là chỉ đạo đức, tâm tính của con người cần thăng hoa lên cao. Xích (彳) nghĩa là bước đi nhỏ, hàm ý đạo đức cần kiên trì tu dưỡng như từng bước đi nhỏ trong mọi lúc mọi nơi mọi công việc thường ngày.
Bên phải chữ Đức là “Thập mục nhất tâm” (十目一心) – mười mắt một lòng. Trong “Thuyết văn giải tự”, chữ Nhất được giải nghĩa rằng “Ban đầu Thái cực, Đạo hình thành từ Nhất, tạo thành phân chia Trời Đất, hóa thành vạn vật”. Do đó chữ Nhất là thủy tổ của vạn vật, là cội nguồn của tất cả mọi vật. Từ Nhất phái sinh ra âm dương, phái sinh ra Trời Đất.
Cho nên chữ Nhất một nét ngang này thực tế là phân chia Trời Đất, trên là Trời, dưới là Đất. Còn chữ Thập là “Thập phương thế giới, tứ diện bát phương”, nghĩa là “Thế giới 10 phương, 4 mặt 8 phương”.
Như vậy chữ Đức này có ý nghĩa rất thâm sâu. Trên chữ Nhất là Thập Mục, nghĩa là khắp trên Trời đều là con mắt. Còn ở dưới chữ Nhất là chữ Tâm, nghĩa là ở dưới Đất là nhân tâm, tâm con người. Như vậy có nghĩa là mắt Trời đang nhìn lòng người.
Người xưa nói: “Trên đầu ba thước có Thần linh”. Phật Thích Ca Mâu Ni cũng giảng: “Phật Như Lai nhiều như số cát sông Hằng”. Người kính Trời tín Thần Phật sẽ có cái tâm kính sợ, mỗi hành vi, lời nói, mỗi suy nghĩ của mình đều cẩn thận, tích cực hành thiện, xa rời cái ác cái xấu, như thế Đức sẽ tăng lên, nhiều dần.
Người xưa nói: “Có đức mặc sức mà ăn”, có nghĩa là có nhiều đức thì sẽ được phúc báo. Mà đức lại là thứ trân quý, khi sinh mang theo đến, khi chết mang theo đi, nó quyết định phúc báo của con người đời này và cả đời sau. Vận nên tu thiện tích đức, chính là tạo cơ hội gieo mầm thiện, tạo thiện duyên, đắc phúc tiêu tai. Thế nên người xưa dạy con cháu rằng: “Lập công danh chẳng bằng tích âm đức”.
Chữ Đức. (Ảnh: tiengtrunghsk.vn)
7. Tâm Đức Phúc: 心 德 福
Chữ Phúc đã được giải nghĩa ở bài viết trước (Phần 1) nên chúng tôi không giải thích thêm. Hiện nay nhiều người thích bộ 3 chữ Tâm Đức Phúc, nên dùng bộ 3 chữ này trong các đồ thờ, đồ trang trí phòng khách, thư phòng với ngụ ý: Có Tâm, có Đức, ắt có Phúc. Quả là rất chính xác!
Con người ai ai cũng muốn sống hạnh phúc, được nhiều phúc báo, công thành danh toại, vợ hiền con ngoan, tiền bạc dư giả, con cháu đuề huề, gia đình hòa thuận, khỏe mạnh bình an. Tất cả những điều này đều là phúc báo của những việc thiện, của đức mà chúng ta đã làm ở nửa trước cuộc đời, và cả những đời trước tích lũy lại. Thế nên, người muốn nhiều phúc báo thì phải hiểu rõ nhân quả: nhân quả ba đời, thiện ác hữu báo. Từ đó tích cực tích đức hành thiện, gieo nhân thiện rồi mới được quả phúc.
Mà tu thiện tích đức thì cần phải tu cái tâm, vì như Phật gia giảng “Vạn pháp do tâm sinh, hết thảy do tâm tạo”. Bản thân chữ Đức, ở dưới cũng là chữ Tâm, nghĩa là cái Tâm là nền tảng nâng đỡ, nuôi dưỡng Đức. Mà tu tâm thì cần hành thiện, tránh ác: Thân làm việc thiện, miệng nói lời thiện, tâm chứa thiện niệm.
Nhưng con người vốn thiện ác đồng tại, do đó cần phát dương cái thiện và ức chế dần cái ác. Một số ngôi chùa hiện nay có tượng 3 chú khỉ gọi là khỉ “Tam Không”, con thì dùng tay bịt tai, con thì che miệng, con thì bịt mắt với câu thơ răn dạy con người rằng:
Bớt nghe bớt nói bớt nhìn,
Để tâm thanh tịnh cho mình bình an.
Khỉ “Tam Không” gồm: Con che mắt tên là Mizaru nghĩa là “tôi không nhìn thấy điều xấu”; Con bịt miệng là Iwazaru nghĩa là “tôi không nói điều xấu”; Con bịt tai là Kikazaru – “tôi không nghe những điều xấu”.
Hình tượng khỉ “Tam Không” có khởi nguồn từ ngôi chùa Toshogu Nhật Bản từ thế kỷ 17, nhưng nó lại có cội nguồn từ tư tưởng Nho gia. Trong Luận Ngữ, Khổng Tử dạy học trò rằng: “Phi lễ vật thi, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động”. Nghĩa là “Không nhìn điều sai, không nghe điều tầm bậy, không nói điều trái, không làm điều quấy”.
Thế nên chúng ta cần lựa chọn những gì mình nghe nhìn xem và làm hàng ngày. Nhất là thời đại công nghệ hiện nay, cái gì cũng có, tin tức, bài viết, hình ảnh, phim ảnh đủ các dạng các loại. Tuy nhiên những thứ có lợi có ích cho tu tâm tính, tu đức thì không nhiều; còn những thứ xấu kích động bạo lực, giả dối, đấu đá, kích thích dục vọng, phóng túng buông thả… thì quá nhiều, đâu đâu cũng có, đầy rẫy các mạng thông tin. Vì vậy, cần học trí tuệ của khỉ “Tam Không”, lựa chọn những thứ lành mạnh, thiện lương, để tưới tắm gột rửa tâm hồn, gieo những hạt giống thiện, nuôi mầm thiện.
Chỉ cần chúng ta lý trí, chân thành, dùng cái tâm thiện lương để lựa chọn lối đi, thì tự nhiên sẽ là: Có Tâm, có Đức, ắt có Phúc. Cuộc đời tự nhiên sẽ có hạnh phúc, nhiều phúc báo, phúc lộc thọ khang ninh đủ đầy, gia đình hạnh phúc, mỹ mãn.
Nam Phương
-------------------
Theo dõi kênh YouTube ĐKN: https://goo.gl/2GhYTZ
Tải ứng dụng DKN.TV: http://onelink.to/dknapp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét