14 tháng 2, 2019

Những “tuyệt chiêu” đối đãi với tiểu nhân, ai xem người đó được lợi

Tác phẩm “Vinh Khô Giám” của Phùng Đạo thời Ngũ Đại đã để lại cho hậu nhân rất nhiều những cách thức hay để nhận biết và đối đãi với tiểu nhân. Cho đến nay, tác phẩm vẫn có giá trị ứng dụng rất sâu sắc.

Những cách thức hay để nhận biết và đối đãi với tiểu nhân.

Phùng Đạo vào thời Ngũ Đại đã trải qua 5 triều đại, 12 hoàng đế, tại chức hơn 40 năm, sống thời loạn thế, nhưng ở quan trường lại không ngả nghiêng. Phùng Đạo dùng con mắt nhìn người tinh tường ghi chép lại những quan sát của bản thân đối với kẻ tiểu nhân, nhắc nhở người đời nhận thức được tiểu nhân bên mình, tránh để bị tiểu nhân hãm hại.


Tăng Quốc Phiên từng đánh giá rằng: “Bộ ‘Vinh Khô Giám’ đào sâu hết những bí mật của tiểu nhân, vinh nhục của đời người. Nó khiến cho tiểu nhân xấu hổ, quân tử kinh sợ, quả thật sách quý nghìn năm có một”.

Năm phương pháp phân biệt tiểu nhân

1. Quân tử không kết bè đảng, gặp họa không cần người giúp; tiểu nhân kết giao vì lợi, gặp vấn đề gì cũng cần người tương trợ

Quân tử không thích kéo bè kết phái, tiểu nhân thì có một đám bằng hữu xấu xa. Quân tử kết bạn là để thổ lộ tâm tình, tiểu nhân kết bạn là để trao đổi lợi ích.

Cho nên đối với quân tử mà nói, bằng hữu quý ở chất lượng; còn đối với tiểu nhân, bằng hữu quý ở số lượng. Nếu như một người mà xung quanh toàn bạn ăn chơi, bạn nhậu, thì ắt hẳn là tiểu nhân.

Quân tử không bè phái.

2. Quân tử dùng hành động để báo ân; tiểu nhân chỉ dùng lời nói

Người nhân đức luôn sẵn lòng dùng hành động để cảm ơn, còn tiểu nhân chỉ cảm ơn bằng lời nói. Chịu ơn người một giọt nước, đền ơn người cả dòng suối. Quân tử nhận được ân huệ của người khác, nội tâm sẽ tràn đầy cảm kích, nhất định sẽ dùng hành động thực tế báo đáp.

Tiểu nhân nhận được ân huệ của người sẽ cảm thấy mình chiếm được lợi, chỉ biết nghĩ làm thế nào để chiếm được nhiều hơn nữa, hoàn toàn không nghĩ đến báo ơn. Nếu một người tri ân không biết báo đáp, có thể khẳng định chính là tiểu nhân.

3. Quân tử vui với cấp dưới, kính trọng cấp trên; tiểu nhân lấy lòng cấp trên, bỏ mặc cấp dưới

Quân tử vì mọi người mà cân nhắc, để cho mọi người đều vui vẻ, tiểu nhân chỉ biết nịnh nọt lãnh đạo cấp trên. Suy nghĩ vì mọi người, hay chỉ nghĩ cho lãnh đạo trực tiếp của mình, việc này cũng quyết định nhân phẩm một người.

Quân tử vì mọi người mà tìm kiếm quyền lợi, thứ họ quan tâm là đúng sai phải trái. Tiểu nhân lại vì tiền đồ của mình mà cân nhắc, bọn họ chỉ quan tâm lãnh đạo có vui hay không. Nếu một người không quan tâm đến sự thật, cứ luôn đón ý hùa theo cấp trên, cũng không nghi ngờ gì chính là tiểu nhân.

Nếu một người bóp méo sự thật, chỉ một mực đón ý lấy lòng cấp trên, thì người đó là tiểu nhân.

4. Quân tử không chịu được nhục ý chí, tiểu nhân không chịu được khổ tấm thân

Quân tử không thể nhẫn chịu được sự vũ nhục về tinh thần, tiểu nhân không thể chịu được khốn khổ về thân thể. Mạnh Tử viết: “Hy sinh vì nghĩa”. Đối với quân tử mà nói, chí hướng, nguyên tắc của mình không thể bị bôi nhọ, không thể bị chà đạp, bọn họ coi khí tiết còn quan trọng hơn sinh mệnh.

Đối với tiểu nhân mà nói, nguyên tắc là có thể bán đứng, phẩm hạnh là có thể mặc cả. Nếu như một người quá coi trọng vật chất, đối với tinh thần lại quá xem nhẹ, như vậy người đó có thể vì lợi ích mà bán đứng nguyên tắc, không nghi ngờ gì chính là tiểu nhân.

5. Quân tử thuyết phục lòng người, tiểu nhân đánh vào tâm lý người, cách thức khác nhau, hiệu quả dĩ nhiên cũng khác nhau

Quân tử giảng quy tắc và nguyên tắc, họ không chỉ tin tưởng mà còn tuân thủ. Tiểu nhân thì biến quy tắc thành công cụ, tìm kiếm sơ hở của người khác mà mưu lợi.

Nếu như một người nội tâm không có chút nào kính sợ, coi đạo đức như chuyện khôi hài, đem lương tâm trở thành vật đánh cược, người như vậy không nghi ngờ gì chính là tiểu nhân.

Bốn cách đối đãi tiểu nhân

1. “Nhân” có thể giết quân tử, “nghĩa” không diệt được tiểu nhân, nhân nghĩa nên đúng mức
Nhân nghĩa có đôi khi sẽ liên lụy quân tử, lại dễ dàng bỏ qua tiểu nhân, đừng làm người tốt không có giới hạn, đối với tiểu nhân hãy “kiềm chế” tâm lương thiện của mình. Lấy ơn báo oán, vì lẽ gì lại trả ơn? Đối đãi với quân tử có cách của quân tử, đối đãi tiểu nhân dùng cách với tiểu nhân. Chỉ cần nội tâm không thẹn là tốt rồi.

Đối đãi với kẻ tiểu nhân, phải dùng sự chính trực.

2. Tiểu nhân sợ người mạnh mẽ, chỉ cần cứng cỏi là đã khiến họ phải e dè
Tiểu nhân sở dĩ là tiểu nhân là bởi vì bọn họ bắt nạt kẻ yếu, sợ hãi kẻ mạnh, gặp ai kiên cường hơn, bọn họ đã thấy sợ rồi.

Cho nên đối với tiểu nhân, tuyệt đối không được sợ, phải làm cho bọn họ thấy mình không phải loại khù khờ dễ bắt nạt. Tiểu nhân không giống với ác nhân, ác nhân thì có ác nhân trị, mà tiểu nhân thì chỉ cần cứng cỏi hơn là khiến cho bọn họ e dè rồi.

3. Cảm xúc không cần phô bày, sự tình không cần tỏ rõ
Ở cùng với tiểu nhân, nếu như không còn cách nào tránh được làm việc cùng nhau, nên che giấu kỹ bản thân. Đừng tùy tiện bộc lộ quan điểm hoặc dễ dàng nói cho họ biết điều mình yêu ghét, đừng ở trước mặt họ nói xấu người bên cạnh.

Bạn vô ý nói như thế, rất có thể một lúc nào đó nó sẽ trở thành vũ khí để họ tấn công bạn. Thuận theo tình thế, khéo léo giữ mình, chờ đợi thời cơ thích hợp.

Thuận theo hình thế thay đổi, người giỏi ẩn mình sẽ đợi được thời cơ thích hợp.
4. Không nói đạo lý, không cần vạch trần tiểu nhân
Không nói đạo lý cùng tiểu nhân, thảo luận nguyên tắc cốt lõi với bọn họ vốn không có ý nghĩa. Tiểu nhân có những quan điểm sống rất khác, bọn họ không thể nào bị thuyết phục. Cho nên đối diện với những người này, đừng giảng đạo lý hay vạch trần sự thật, ngoài việc khiến cho họ càng thù ghét bạn thì chẳng có tác dụng nào khác.

Có câu rằng: “Không thể cùng côn trùng mùa hè nói chuyện băng tuyết”, tranh luận cùng họ chỉ mất công mỏi miệng, có thể thẳng lưng ngẩng đầu đi con đường riêng của mình đã là tốt lắm rồi.
-------------------------
Tuệ Tâm, theo Secret China

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét