12 tháng 2, 2019

Warren Buffett cũng không thể “biết tuốt” mọi điều nhưng đây là 2 nguyên tắc giúp nhà đầu tư huyền thoại chiếm lĩnh thành công cực lớn



Khi mà các tỷ phú thế hệ mới như Mark Zuckerberg và Elon Musk ngày càng “bành trướng” tầm ảnh hưởng ở nhiều lĩnh vực như chính trị, thiên văn học thì Warren Buffett, một nhà đầu tư đại tài sở hữu khối tài sản khổng lồ, chấp nhận rằng hiểu biết của con người là có hạn.

“Thiên tài xứ Ohama” dành 8 tiếng một ngày đọc sách, không sử dụng máy tính và chủ trương chỉ đầu tư vào lĩnh vực mình hiểu rõ. Buffett thậm chí còn thu về tỷ suất lợi nhuận đáng nể 20,9%, gấp đôi tỷ suất lợi nhuận bình quân ngành.

Vậy điều gì đã làm nên thành công đáng ngưỡng mộ của ông, một con người có thể nói có thiếu sót tương đối lớn về mảng công nghệ và vô số mảng kiến thức khác? Điều đó không gì khác ngoài hai yếu tố được nhắc tới sau đây!

Ai làm việc tại Thung lũng Sillicon chắc chắn sẽ từng đọc, hay chí ít cũng từng nghe danh tác phẩm “The Outsiders: Eight Unconventional CEOs and Their Radically Different Blueprint For Success” (Tạm dịch: “Kẻ dị biệt: 8 tỷ phú “khác người” cùng hành trình thành công khác biệt”). Được chắp bút bởi William Thorndike, cuốn sách là một cái nhìn toàn diện về những vị tỷ phú “khác lạ” như Harry Singleton hay Warren Buffett, cách mà họ chiếm lĩnh các thương vụ đầu tư để đạt được nguồn thu “khủng”.

Cuốn sách đã rút ra 1 điều rằng, Warren Buffett và những người thành đạt giống ông đều ra quyết định dựa trên 2 nguyên tắc sau:

1. Nguồn lực là khan hiếm: Vì thế, mọi quyết định đều phải bắt nguồn từ việc phân bổ nguồn lực. Nghe có vẻ hơi cứng nhắc nhưng đúng vậy, khi đưa ra quyết định gì đó, bạn cần kết hợp các nguồn lực như vốn, lao động, thời gian, công nghệ quản lý theo cách hiệu quả nhất.

2. Hành động và tư duy như một nhà đầu tư: Trong khi nhà quản lý tốn hầu hết thời gian cho việc tổ chức công việc, một nhà đầu tư chỉ đơn giản đưa quyết định dựa trên lợi ích và cầu của mỗi cá nhân. Cũng vì lý do đó, một nhà đầu tư có thể dễ dàng thu được lợi nhuận lớn hơn nhờ vào việc thấu hiểu tâm lý người tiêu dùng và khéo léo điều chỉnh giá các tài sản tài chính theo tình hình thực tế.


Trong đời sống thực tế, 2 nguyên tắc ra quyết định trên có thực sự hiệu quả?

Phân bổ nguồn lực là chìa khóa thành công
Phân bổ nguồn lực thực chất chỉ là việc sử dụng các tài nguyên sẵn có một cách hiệu quả nhất. Không hiểu và không tuân thủ nguyên tắc trên, bạn sẽ lãng phí thời gian, tiền bạc và cả sức lực của mình một cách vô ích.

Nếu không theo dõi sát sao, bạn sẽ không thể biết được mình có đang quản lý nguồn lực hiệu quả hay không. Hơn thế nữa, bạn cần nhớ rằng nguồn lực bị sử dụng vô tội vạ nhất không gì khác ngoài thời gian. Tiền và sức lực hao tốn có thể phục hồi được nhưng thời gian thì một đi không trở lại. Vì thế, quản lý thời gian luôn là bài toán khó.

Liệu thời gian dành cho việc chơi game, xem phim có đảm bảo cho bạn một tương lai tốt đẹp? Hãy tự hỏi bản thân như vậy trước khi lười biếng và chạm tay vào chiếc điện thoại. Bạn sẽ không bao giờ thành công nếu không trân trọng và học cách sử dụng hiệu quả những nguồn lực hiện có.

Tư duy như một nhà đầu tư
Vài tháng trước, tôi tình cờ đọc được bức thư kỷ niệm 50 năm kinh doanh của Warren Buffett. Thực sự đó là những dòng tâm sự hóm hỉnh, dễ hiểu nhưng cũng không kém phần triết lý, sâu sắc. Trong số đó, nổi bật là hai giả thiết được ông đặc biệt dẫn chứng làm tiền đề cho mọi hoạt động đầu tư:

- Điều gì thực sự làm nên giá trị?
- Giá cả có phản ánh giá trị?

Trong lá thư, Buffett hóm hỉnh ví von rằng đồng tiền hôm nay có giá hơn đồng tiền ngày mai – trừ phi, bạn có thể đoán chính xác được giá trị của chúng sẽ thay đổi theo chiều hướng nào.

Mọi quyết định trong cuộc đời chúng ta đều tuân theo quy luật lợi ích – chi phí. Vì vậy, trước khi quyết định bất kỳ thứ gì, hãy suy nghĩ như một nhà đầu tư và tự hỏi rằng lợi ích bạn nhắm tới là gì, liệu nó có đáng với chi phí bạn hi sinh hay không.


Không có gì trên thế giới là miễn phí, mọi việc xảy ra đều đi kèm với chi phí cơ hội và hàng tá chi phí ẩn khác bạn không nhận ra được. Hãy chắc chắn rằng con đường bạn chọn “đáng” công sức, chi phí mà bạn bỏ ra. Tập suy nghĩ như một nhà đầu tư và bạn đã tiến gần cánh cửa thành công hơn rồi đấy!

Thế giới luôn ẩn chứa những bí mật mà một cá nhân có lẽ chẳng bao giờ hiểu hết được. Vì thế, thay vì cố nhồi nhét mọi thứ, hãy chấp nhận rằng bạn không thể là chuyên gia ở mọi lĩnh vực. Hãy dùng tư duy nhạy bén của một nhà đầu tư để phân tích và định hình cuộc đời bạn theo hướng tích cực nhất!

Minh An
---------------------
Theo Nhịp sống kinh tế/Addicted2success

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét