9 tháng 1, 2014

Nếu là lãnh đạo VFF...

Một bài viết hay ...

1. Nhà tài trợ của giải U19 quốc tế, hãng dinh dưỡng (...) vẫn tự hào “trước khi là một chuyên gia, chúng tôi là những người làm cha, làm mẹ”. Nghĩa là nếu muốn chăm sóc cho ai, hãy đặt mình vào tâm trạng của chính người đó.

Với những người làm bóng đá cũng vậy, trước khi trở thành chuyên gia, trước hết phải là một CĐV bóng đá chân chính. Phải có yêu bóng đá, thì mới có thể làm bóng đá được.

Đấy phải chăng chính là thông điệp của Quyền Chủ tịch VFF, Lê Hùng Dũng, khi ông tỏ ra hào hứng, phấn khích trước bầu không khí hội hè trên sân Thống Nhất. Phát biểu khai mạc mà ông nói như hô vang, có người còn nghe ông ngân nga cả câu hát bóng đá khi phát biểu.

Ông Dũng muốn chứng minh cho mọi người thấy, trước khi làm một lãnh đạo bóng đá, ông là một người yêu bóng đá.

Điều ấy, dĩ nhiên rất tốt đẹp.

Bầu Đức tặng hoa động viên các cầu thủ U19 Việt Nam trước trận đấu với AS Roma. 
Ảnh: Hoàng Hùng
2. Nhưng phàm là tình yêu, vẫn luôn tồn tại 2 thứ cảm xúc trái ngược nhau: yêu và giận, vui sướng và buồn phiền, thăng hoa và thất vọng.

Làm CĐV bóng đá cũng vậy. Càng yêu bao nhiêu, vui sướng bao nhiêu trước thành công thì cũng phải buồn bấy nhiêu trước những thất bại. Chẳng ai vỗ ngực tự hào mình là CĐV bóng đá nếu chỉ biết ăn mừng mà không thể rớt nước mắt trước thất bại của đội nhà.

Làm lãnh đạo bóng đá, đương nhiên cũng vậy. Nhưng cũng có sự khác biệt: thay vì thích được nhìn thấy thành công như các CĐV thì đã làm lãnh đạo, quan trọng nhất vẫn là dám nhìn vào những thất bại, biết đau buồn trước những thất bại.

Cũng như câu slogan của Cty ... vậy, một khi các bậc cha mẹ chưa cảm nhận trọn vẹn nỗi đau của con cái mình thì làm sao biết nên cung cấp dưỡng chất gì cho con. Thế nên, đã làm lãnh đạo bóng đá, phải biết nển bóng đá của mình đang đau chỗ nào, khuyết tật chỗ nào thì mới có thể vực dậy được chứ không phải cứ đem niềm vui như giải đấu U19 quốc tế đến cho người hâm mộ sung sướng, là cho rằng đã chữa lành những vết thương chưa từng lành vết.

3. Nhưng hồ như, người ta đang tìm cách tiêm mor-phin giảm đau chốc lát cho nền bóng đá hơn là tìm cách để chữa trị nó. Nếu chúng tôi là lãnh đạo VFF, đứng giữa cầu trường Thống Nhất, chứng kiến cảnh người ta gọi tên U19, thì cái cảm giác buồn sẽ nhiều hơn là phấn khích.

Lẽ ra phải tự hỏi VFF đã làm gì khiến người hâm mộ lại mê một đội bóng trẻ hơn là một đội tuyển quốc gia? Điều gì để người ta ngưỡng mộ một ông bầu hơn là gởi lời cảm ơn đến lãnh đạo nền bóng đá? Làm sao để CĐV lại vẫn vui sướng khi đội tuyển U19 đá thua hơn là thờ ơ trước các thất bại tại SEA Games 27?

Giữa niềm lạc quan và cảm giác hạnh phúc do U19 đem lại, với những vết thương chưa từng được chữa trị của đội tuyển tại AFF Cup 2012, SEA Games 27, vòng loại Asian Cup 2015, V-League, hạng Nhất… thì nếu là lãnh đạo VFF, chúng ta có lẽ cảm thấy buồn bã hơn là vui mừng và hy vọng.
--------
Đội tuyển của ai

1. Xung quanh đội U19 VN, thường chỉ nghe bầu Đức nói, tuyệt nhiên không thấy ai tại VFF lên tiếng bất kỳ điều gì về vấn đề chuyên môn của đội tuyển, mặc dù đây lại là nguồn cảm hứng để VFF vẽ ra hàng loạt mục tiêu hoành tráng trong năm 2014. Thậm chí, bầu Đức… muốn nói gì thì nói, từ chuyện “đá… không cần thắng” đến chuyện đưa đi chỗ này, chỗ kia…

Trong thành phần U19, đa số là từ Học viện HA.GL nhưng đó vẫn là đội tuyển U19 Việt Nam chứ không phải của Học viện HA.GL. Một khi đã đồng ý để cầu thủ lên tuyển tập trung thì bầu Đức không còn quyền quyết định đến đội tuyển nữa.

Tất nhiên, chúng ta vẫn tin vào bầu Đức hơn là VFF. Vẫn thích cách làm quyết liệt và thậm chí, mong bầu Đức có toàn quyền nếu ông chấp nhận làm Trưởng đoàn của đội tuyển. Nhưng chuyện nào ra chuyện đó, quyền quyết định hoặc những định hướng của bầu Đức không thể bao trùm mọi vấn đề chuyên môn của đội bóng đang đại diện cho quốc gia này. Nó phải thuộc về VFF.

2. Khi VFF “nép” sau cái bóng của bầu Đức, chúng ta thấy hiện tượng kỳ lạ: dường như cả bóng đá Việt Nam chỉ có mỗi đội U19 là đội tuyển quốc gia. Có cảm giác, các đội tuyển khác đã và sẽ bị ghét, bị xem thường, bị ghẻ lạnh. Một vài dòng nói đùa trên mạng của vài cầu thủ U23 ngay lập tức bị “ném đá”, bị “kết tội”. Có cảm giác, mọi đánh giá về U19 buộc phải tốt đẹp, không ai được phép chê trách hoặc cười đùa những gì liên quan đến U19.

Vậy đâu có công bằng. Nếu đội U19 là Học viện HA.GL, hãy trao nó lại cho bầu Đức để ông này tiếp tục đầu tư, cho tập huấn, ra trường, thi đấu chuyên nghiệp rồi về cống hiến trong màu áo quốc gia. Còn một khi nó là đội U19 quốc gia, phải đặt cho đúng vị trí của nó: đó vẫn là một đội tuyển trẻ, là niềm hy vọng và không thể “bất khả xâm phạm”.

Ấy thế mà VFF chỉ có sự im lặng đáng sợ, cứ như thể đội bóng này không thuộc quyền quản lý của họ.

3. Đội tuyển U19 này sẽ đi đến đâu, điều đó cần để thời gian trả lời. Nhưng trước mắt, VFF vẫn phải tổ chức và xây dựng các đội tuyển khác để thực hiện những sứ mạng của nền bóng đá. Ngay với đội U19, cũng cần phải mở rộng cánh cửa cho những cầu thủ khác cùng lứa tuổi mà tài năng chắc chắn không hề kém những cậu bé của bầu Đức.

Sự im lặng của VFF đang hủy hoại các đội tuyển. Làm gì có chuyện Học viện HA.GL sẽ đại diện cho U19 Việt Nam. Làm gì có chuyện U19 sẽ thay thế các đội tuyển khác. Làm gì có chuyện đội tuyển quốc gia không được quan tâm và đầu tư bằng lứa U19 hiện tại.

Thế nhưng, chính VFF đang làm tất cả để dồn sự chú ý vào U19 mặc dù chính họ biết rằng, đấy cũng chẳng phải là đội tuyển của mình.

Đăng Linhhttp://www.sggp.org.vn/thethao/vleague/2014/1/337225/
------
Nguồn: Internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét