Ngáy là do các đường dẫn khí ở phía bên trong miệng, cổ họng, hoặc mũi bị thu hẹp hoặc bị nghẽn phần nào. Tình trạng tắc nghẽn này tạo ra sự dao động khí gia tăng khi hít vào, làm cho các mô mềm ở các đường dẫn khí phía trên rung động. Kết quả là một tình trạng ngáy phát ra tiếng ồn mà có thể làm gián đoạn giấc ngủ của người nằm chung giường với bạn. Tình trạng các đường dẫn khí bị thu hẹp này thường do sự thư giãn của vòm miệng mềm phía trên, sự thư giãn của lưỡi, và cổ họng trong lúc bạn ngủ gây ra, nhưng các tình trạng dị ứng hoặc các chứng bệnh về xoang (mũi) cũng như tình trạng quá cân và xuất hiện thêm mô mềm xung quanh các đường dẫn khí phía trên cũng có thể góp phần thu hẹp các đường dẫn khí.
Các mô ở vòm miệng mềm phía trên (soft palate) càng lớn, thì bạn càng có nhiều khả năng xuất hiện tình trạng ngáy trong lúc ngủ. Rượu (bia) hoặc các thuốc an thần được sử dụng ngay trước lúc ngủ cũng có thể tạo ra tình trạng ngáy. Các loại thuốc này tạo ra cảm giác thư giãn nhiều hơn cho các mô ở cổ họng và miệng của bạn. Các nghiên cứu cho thấy rằng khoảng một nửa số người thành niên ngủ ngáy, và 50 phần trăm trong số này ngáy rất to và thường xuyên. Người Mỹ gốc Châu Phi, gốc Châu Á và gốc La Tinh có nhiều khả năng ngáy to và thường xuyên hơn so với người Mỹ da trắng, đồng thời tình trạng ngủ ngáy gia tăng với tuổi tác.
Không phải ai ngủ ngáy cũng đều bị chứng ngưng thở trong lúc ngủ, nhưng những người bị chứng ngưng thở trong lúc ngủ thường ngáy to và thường xuyên. Chứng ngưng thở trong lúc ngủ (sleep apnea) là một rối loạn nghiêm trọng về giấc ngủ, và đặc điểm của rối loạn này là ngáy to và thường xuyên cùng với những khoảng thời gian ngưng thở hoặc thở nhẹ trong lúc ngủ. (Xem phần “Chứng Ngưng Thở Trong Lúc Ngủ”). Cho dù bạn không gặp phải các giai đoạn ngưng thở này, ngáy vẫn có thể là một vấn đề ảnh hưởng bạn và người ngủ chung giường với bạn. Ngáy tạo thêm gánh nặng cho hơi thở của bạn, do đó có thể làm giảm bớt chất lượng giấc ngủ, và sẽ dẫn đến nhiều hệ quả về sức khỏe chẳng hạn như chứng ngưng thở trong lúc ngủ.
Một nghiên cứu đã tìm thấy rằng những người cao tuổi mà không bị chứng ngưng thở trong lúc ngủ, nhưng ngủ ngáy 6 – 7 đêm mỗi tuần, thì sẽ có khả năng bị buồn ngủ dữ dội trong ngày gấp hai lần so với những người chưa bao giờ ngủ ngáy. Họ càng ngáy nhiều, thì họ báo cáo là càng cảm thấy mệt mỏi vào ban ngày. Tình trạng buồn ngủ đó có thể giúp giải thích lý do tại sao những người ngủ ngáy có nhiều khả năng bị tai nạn xe hơn những người không ngủ ngáy. Ngáy to cũng có thể làm gián đoạn giấc ngủ của người nằm chung giường và tạo ra sự căng thẳng trong hôn nhân, đặc biệt nếu tình trạng ngáy làm cho người chồng (hoặc vợ) phải ngủ riêng.
Ngoài ra, ngáy làm gia tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường và bệnh tim. Một nghiên cứu tìm thấy rằng các phụ nữ thường ngủ ngáy sẽ có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường gấp 2 lần so với những người ngủ không ngáy, cho dù họ không bị quá cân (là một yếu tố gây nguy cơ bị bệnh tiểu đường). Các nghiên cứu khác cho thấy rằng ngáy thường xuyên có thể gia tăng nguy cơ lâu dài phát triển chứng cao huyết áp, suy tim, và đột quỵ (tai biến mạch máu não).
Khoảng 1 phần 3 tất cả phụ nữ mang thai bắt đầu ngủ ngáy lần đầu tiên trong kỳ sản khoa thứ hai (second trimester: mang thai từ tháng thứ ba đến tháng thứ 6). Nếu bạn ngủ ngáy trong lúc mang thai, hãy thông báo với bác sĩ về điều này. Ngủ ngáy trong thời gian mang thai có thể có liên quan đến tình trạng cao huyết áp, và có thể có ảnh hưởng xấu đến sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi. Bác sĩ sẽ giám sát kỹ huyết áp của bạn trong suốt thời gian mang thai và có thể sẽ cho bạn biết có cần thêm các hội chẩn về vấn đề ngủ ngáy không. Trong đa số các trường hợp, ngủ ngáy và tình trạng cao huyết áp liên quan sẽ biến mất ngay sau khi sinh.
Ngủ ngáy cũng có thể là một vấn đề ở trẻ em. Khoảng 10 – 15% các trẻ nhỏ (có hạch hạnh nhân và amiđan ở cổ họng bị sưng to) ngủ ngáy thường xuyên. Một số nghiên cứu cho thấy rằng các trẻ ngủ ngáy (do bị chứng ngưng thở trong lúc ngủ hoặc không bị) có nhiều khả năng có chỉ số thông minh, trí nhớ và thời gian tập trung thấp hơn so với các trẻ không ngủ ngáy. Các trẻ ngủ ngáy này cũng có các vấn đề về hành vi, bao gồm tính hiếu động thái quá. Kết quả là các trẻ em ngủ ngáy sẽ không biểu hiện tốt ở trường học như các trẻ không ngủ ngáy. Điều đáng chú ý là, ngủ ngáy có liên quan đến sự sụt giảm chỉ số thông minh nhiều hơn so với các trẻ em có hàm lượng chì gia tăng trong máu. Mặc dù hành vi của các trẻ em cải thiện sau khi các trẻ này không còn ngáy nữa, nhưng các nghiên cứu cho thấy rằng các trẻ em này có thể tiếp tục bị điểm thấp ở trường, có lẽ bởi vì các tác dụng kéo dài ở não bộ liên hệ đến tình trạng ngủ ngáy. Bạn nên đưa con trẻ đến khám bác sĩ nếu cháu bé ngáy to và thường xuyên – 3 đến 4 lần một tuần – đặc biệt nếu như bạn lưu ý đến các khoảng thời gian tạm ngưng thở trong khi ngủ và nếu như có các dấu hiệu của tính hiếu động thái quá hoặc buồn ngủ vào ban ngày, kết quả học tập ở trường kém, hoặc phát triển chậm hơn bình thường.
Phẫu thuật cắt bỏ hạch hạnh nhân và amiđan ở trẻ em thường có thể chữa trị được tình trạng ngủ ngáy và chứng ngưng thở trong lúc ngủ liên quan. Phương pháp giải phẫu này giúp hạ giảm tính hiếu động thái quá và cải thiện được khả năng tập trung, ngay cả ở các trẻ em không có dấu hiệu bị chứng ngưng thở trong lúc ngủ trước khi làm phẫu thuật.
Tuy nhiên, tình trạng ngủ ngáy ở trẻ em lớn tuổi hơn và những người thành niên có thể được thuyên giảm bởi các biện pháp ít xâm lấn (ít qua da) hơn. Các biện pháp này bao gồm giảm cân, ngưng dùng thuốc lá, ngủ nằm nghiêng thay vì nằm ngửa (mặt hướng lên), hoặc nằm gối cao trong lúc ngủ. Việc điều trị chứng tắc nghẽn (đường hô hấp) mãn tính và ngưng sử dụng rượu (bia) hoặc thuốc an thần trước lúc ngủ cũng có thể giảm bớt tình trạng ngủ ngáy. Ở một số người thành niên, tình trạng ngủ ngáy có thể được thuyên giảm bởi các dụng cụ nha khoa bằng cách sắp xếp lại vị trí các mô mềm bên trong miệng. Mặc dù một số băng dán mũi và thuốc xịt mũi không cần toa bác sĩ được cho rằng có thể giúp thuyên giảm tình trạng ngủ ngáy, nhưng không có chứng cứ khoa học nào xác nhận điều này.
-----
Nguồn: Internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét