27 tháng 9, 2019

Những điều cổ nhân xem trọng nhất trong giáo dục

Ngày nay khi giáo dục xuất hiện đủ loại tệ nạn thì nhiều chuyên gia đã nghiên cứu đưa ra các biện pháp uốn nắn, nhưng hiệu quả thu được vẫn còn hữu hạn. Tuy nhiên, chỉ cần mở sách cổ ra là chúng ta có thể thấy được trí tuệ mà người xưa để lại. 
Cổ nhân xem trọng điều gì nhất trong giáo dục?
(Tranh qua Pinterest)
Trong tác phẩm “Sư thuyết”, tác gia kiệt xuất thời Đường, Hàn Dũ, nêu rõ quan điểm: Sự phát triển của giáo dục là cái gốc cho sự giàu mạnh của quốc gia và sự hưng thịnh của dân tộc, là điều kiện tất yếu cho sự khởi sắc và chấn hưng kinh tế, tiến bộ và ổn định xã hội. Nền giáo dục Trung Hoa có lịch sử rất lâu đời, đã bồi dưỡng nên rất nhiều các bậc đại trí tuệ, tiến sĩ, tể tướng, vừa có đức vừa có tài. Cũng trong “Sư thuyết”, Hàn Dũ chỉ ra rằng, để việc giáo dục đạt được hiệu quả, làm tròn được nhiệm vụ mà nó gánh vác, cần phải coi trọng cả ba yếu tố dưới đây:

1. Đối với trò: Phải tôn sư trọng đạo

Thân là học trò, như thế nào mới là có tinh thần học hỏi chân chính? Học trò đối với thầy của mình phải kính trọng, tôn sư là đạo đức cơ bản nhất mà người học trò phải có.

Thời cổ ở Trung Quốc đã hình thành một hệ thống chuẩn tắc tôn sư. Học trò nhập học, trước tiên phải làm lễ bái sư. Nghi lễ bái sư đời Thanh là: chính giữa phòng học đặt một chiếc bàn, học trò bưng “chí” (vật dùng trong lễ gặp mặt thầy) đợi ở ngoài, thầy ra mời vào, học trò bước vào đặt “chí” lên bàn.
Sau đó, trò hướng đến bài vị Khổng Tử quỳ lạy, rồi hướng về phía thầy quỳ lạy, thầy đứng vái đáp lại. Hàng ngày cứ sáng sớm vào học, chiều tối ra về đều phải tới vái lạy thầy.
Lúc học, khi thầy hỏi, trò phải đứng dậy khoanh tay trả lời, khi có yêu cầu nhờ thầy, cũng phải đứng dậy nói. Thầy giảng giải, học trò buông tay cung kính lắng nghe, thầy cho ngồi mới được ngồi.
Giáo dục xưa
Tranh miêu tả câu chuyện “Trình môn lập tuyết” (Ảnh: Qua Ilong.cn)
Trong “Tống sử. Dương Thời truyện” có ghi chép lại câu chuyện “Trình môn lập tuyết”, kể rằng: Dương Thời đời Tống vì muốn làm phong phú trí thức của mình đã buông bỏ quan to lộc hậu đi đến Dĩnh Xương, Hà Nam để bái Lý học gia Trình Hạo làm thầy.
Sau này Trình Hạo qua đời, Dương Thời cũng bước vào tuổi 40 nhưng ông vẫn có chí ham học, siêng năng nghiên cứu học vấn như trước. Để kế tục việc học, ông đã bái người em của Trình Hạo là Trình Di làm thầy.
Khi Dương Thời cùng người bạn của ông là Du Tạc đến Trình gia thỉnh giáo. Trình Di biết rõ hai người họ đến nhưng cố ý giả vờ ngủ, không để ý tới. Hai người thấy Trình Di tiên sinh đang ngủ, sợ làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của thầy liền lặng lẽ lui ra ngoài cửa đợi.
Lúc Trình Di tỉnh dậy, thấy hai học trò vẫn đứng ngoài đợi thì giật mình hỏi: “Ô! Thế hai vị vẫn chưa đi sao?” Lúc này, ngoài cửa tuyết đã rơi dày hơn 1 xích, nhưng Dương Thời và Du Tạc vẫn kiên nhẫn, không mệt mỏi đứng đợi. Đây đã trở thành câu chuyện xưa “Trình môn lập tuyết” nổi tiếng, cũng là câu chuyện điển hình về tôn sư trọng đạo.

2. Đối với thầy, trách nhiệm lớn nhất là truyền dạy đạo lý

Học trò phải tôn sư trọng đạo, nhưng điều kiện tiên quyết lại chính là người thầy phải trở thành người được học trò tôn kính. Như thế nào mới trở thành người thầy được tôn kính? Hàn Dũ viết: “Cổ chi học giả tất hữu sư. Sư giả, sở dĩ truyện đạo, thụ nghiệp, giải hoặc dã. Nhân phi sinh nhi tri chi giả, thục năng vô hoặc? Hoặc nhi bất tòng sư, kì vi hoặc dã, chung bất giải hĩ.” Nghĩa là: Người học thời xưa ắt có thầy. Thầy là người để truyền đạo (truyền thụ đạo lý), thụ nghiệp (truyền thụ tri thức), giải hoặc (giải đáp những nghi vấn) vậy. Người ta sinh ra không ai là đã biết tất cả, ai chẳng có thể có điều nghi hoặc? Có điều nghi hoặc mà không tìm thầy học, điều nghi hoặc ấy cuối cùng cũng không sáng tỏ được.
Khi bàn về Đạo làm thầy, Hàn Dũ cũng viết rằng: Người sinh trước ta, nghe đạo ấy vốn trước ta, ta theo mà tôn làm thầy. Người sinh sau ta, nghe đạo cũng trước ta, ta theo mà tôn làm thầy. Ta theo cái đạo đó để học, ôi há lẽ nào biết được điều đó chỉ nói đến sinh trước sinh sau ta nhỉ. Vì thế cho nên không kể sang hèn, không kể lớn nhỏ, Đạo thánh còn thì đạo thầy cũng còn vậy.
Cổ nhân xem trọng điều gì nhất trong giáo dục?
Ông đồ dạy học thời xưa (Tranh qua giaoduc.net.vn)
Con người đều không phải là vừa sinh ra đã có học thức nên đương nhiên sẽ có rất nhiều nghi vấn, thắc mắc. Một khi có nghi vấn thắc mắc mà không tìm học ở thầy thì sẽ không được giải đáp. Bởi vậy, trách nhiệm của người thầy chính là giảng giải những nghi hoặc cho học trò. Nhưng trước khi giải đáp những nghi hoặc ấy, người thầy phải truyền dạy đạo lý, dạy tri thức.
Hơn nữa, “giảng đạo” được xếp trước, “thụ nghiệp” xếp sau, cho nên việc giáo dục đạo lý cư xử và đạo lý quan đúng đắn là trọng yếu hơn so với việc dạy tri thức. Ông cũng viết, cha mẹ yêu thương con cái sẽ vì chúng mà tìm người thầy tốt. Tuy nhiên nếu người thầy ấy chỉ truyền dạy cho trò thơ văn mà không truyền dạy đạo lý làm người thì kỳ thực đó cũng chưa được gọi là thầy.

3. Đối với gia đình, người lớn phải gương mẫu tu dưỡng đạo đức

Sự khởi đầu của giáo dục không phải là từ nhà trường, cũng không phải từ thầy cô mà là từ gia đình. Nhìn lại lịch sử, chúng ta không khó để nhận ra rằng cổ nhân rất coi trọng việc giáo dục trong gia đình.
Trong “Lễ ký” viết rằng: “Cổ chi dục minh đức vu thiên hạ giả, tiên trì kì quốc; dục trì kì quốc giả, tiên tề kì gia; dục tề kì gia giả, tiên tu kì thân”, “Thân tu nhi hậu gia tề, gia tề nhi hậu quốc trì, quốc trì nhi hậu thiên hạ bình” , “Thiên hạ chi bổn tại quốc, quốc chi bổn tại gia, gia chi bổn tại thân”. Nói chung lại, muốn an thiên hạ, làm được việc lớn thì hết thảy đều phải bắt đầu từ “gia” (nhà). Bởi vậy có thể thấy, người xưa rất coi trọng giáo dục gia đình, không chỉ là một thế hệ cha mẹ mà tất cả những người bề trên… đều phải tu dưỡng đạo đức tốt đẹp làm gương cho đời sau.
Cổ nhân xem trọng điều gì nhất trong giáo dục?
Gia đình thời xưa (Tranh qua Alaintruong.com)
Phương Hiếu Nhụ triều nhà Minh từng viết: “Ái tử nhi bất giáo, do vi bất ái dã; giáo nhi bất dĩ thiện, do vi bất giáo dã”. Ý nói rằng, yêu thương con mà không giáo dục thì bằng như không thương, nếu không giáo dục thiện niệm và lương tri thì cũng bằng với như không giáo dục. Quan niệm này vẫn còn rất hữu ích cho người thời nay.
Giáo dục nhất định phải do sự phối hợp giữa thầy cô, cha mẹ và học trò mới đem lại kết quả tốt nhất. Học trò phải tôn kính thầy cô, thầy cô phải làm gương, truyền dạy đạo đức chân chính cho học trò của mình, ngoài ra cha mẹ cũng phải làm mẫu cho con cái noi theo, như thế mới có được sự phối hợp tốt nhất.
Cổ nhân cho rằng phải giáo dục quan niệm đạo đức đúng đắn thì việc học tập tri thức mới hữu dụng. Điều này không chỉ thời xưa mà thời hiện đại ngày nay cũng được công nhận là rất có đạo lý. Nói một cách chung nhất, giáo dục không phải để lấy điểm cao, không phải để được vào trường danh tiếng mà là chính đạo căn bản để duy trì một quốc gia an định và một xã hội hòa bình, tốt đẹp.
An Hòa
------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét