Chúng ta thường nghe nhắc nhiều đến chữ Phật trong Phật Đà, Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật Tổ, Đức Phật… Vậy chữ Phật ấy có hàm nghĩa là gì? Những người như thế nào thì được xưng là “Phật”?
Vào thời Ấn Độ cổ hơn 2500 năm trước đây, ở vương quốc Ca Tỳ La Vệ (Kapilavattsu), một vị Hoàng tử tên là Tất Đạt Đa đã giáng sinh.
Theo kinh sách ghi ghép lại, vào lúc Hoàng tử Tất Đạt Đa giáng sinh thì toàn bộ vũ trụ được bao phủ bởi ánh hào quang sáng rực. Những người mù bởi vì khát khao được nhìn thấy tương lai rạng rỡ của ngài mà hồi phục thị giác, người câm điếc vui mừng đàm luận những sự việc sắp xảy ra trong tương lai, lưng của những người bị gù thì thẳng trở lại, người què người thọt bước đi như bay, tù nhân thì được thả tự do, hỏa diễm trong địa ngục bị dập tắt, ngay cả loài dã thú cũng im lặng phăng phắc, không dám hành ác. Bởi vậy mà toàn bộ thế giới đắm chìm trong một bầu không khí hòa bình và yên tĩnh. Duy chỉ có Ma vương Ba Tuần là không vui vẻ chào đón sự ra đời của ngài.
Khi Hoàng tử Tất Đạt Đa lớn lên, ngài cảm động sâu sắc với nỗi khổ đau và sự vô thường của đời người. Vì thế, ngài xuất gia tu hành. Sau này, khi Hoàng tử Tất Đạt Đa khai ngộ, vì muốn chúng sinh được giải thoát khỏi bể khổ, ngài đã đi khắp nơi truyền rộng Phật Pháp.
Vào những năm cuối đời, Phật pháp mà Phật Thích Ca Mâu Ni truyền đã làm rung động cả Ấn Độ. Ngay cả các bậc Đế Vương cũng rất tôn sùng và kính trọng ngài. Từ hoàng tộc đến thường dân khi gặp Phật Thích Ca Mâu Ni đều khom người chắp tay bái lạy ngài.
Người đời tôn ngài là “Phật”. Thế nhân cũng tôn ngài là “Thích Ca Mâu Ni”, trong đó “Thích Ca” là bộ tộc, ý chỉ lòng nhân từ, “Mâu Ni” là cách gọi tôn kính của người Ấn Độ cổ đại đối với các bậc Thánh nhân, có hàm ý chỉ sự yên tĩnh.
Rất nhiều người đã từng tới hỏi Phật Thích Ca Mâu Ni rằng: “Ngài rốt cuộc là ai?” hay “Ngài có phải là một vị Thần hay không?”
Nhưng Phật Thích Ca Mâu Ni đều đáp rằng: “Không phải!”
Lại có người hỏi ngài: “Ngài là một vị sứ giả của trời sao?”
Phật Thích Ca Mâu Ni lại đáp: “Không phải!”
Người khác lại hỏi: “Vậy ngài là một vị thánh nhân?”
Phật Thích Ca Mâu Ni đáp: “Không phải”
Có người hỏi: “Vậy rốt cuộc ngài là ai?”
Phật Thích Ca Mâu Ni trả lời rằng: “Ta là giác giả.”
Vậy, từ “Giác giả” mà Phật Thích Ca Mâu Ni nói là gì? Trong tiếng Phạn từ “Buddha” là do hai từ gốc “budh” và “ta” ghép thành. Chữ “dh” khi gặp chữ “t” đứng sau thì liền được chuyển thành chữ “ddh” và bỏ “t” (Buddha = Budh + ta).
Chữ gốc “budh” có nghĩa là “tỉnh” (tỉnh ngộ, giác ngộ, hết bị mê) và “biết” (sự hiểu biết, tri thức). Bởi vậy chữ “Buddha” có nghĩa là người đã giác ngộ, người đã thức tỉnh.
Sau khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, thì chữ “Buddha” này đã bị phiên dịch thành “Phật Đà” hay “Phù Đồ”. Trong quá trình Phật giáo lưu truyền về sau, người ta đã lược bớt đi chữ “Đà” và gọi Đức Thích Ca Mâu Ni là “Phật”. Do đó, ý nghĩa chân chính của chữ “Phật” chính là giác giả, người đã giác ngộ, người đã thông qua tu hành mà giác ngộ.
Thời kỳ đầu ở Ấn Độ, chữ “Phật” trong kinh Phật chủ yếu để chỉ Phật Thích Ca Mâu Ni. Về sau này, thuận theo sự phổ truyền của Phật giáo thì chữ “Phật” cũng được sử dụng rộng rãi để chỉ tất cả những giác giả tu hành viên mãn theo trường phái Phật gia.
An Hòa
--------------
Nguồn: https://trithucvn.net/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét