Năm 1920 sân bay được xây dựng trên địa phận làng Tân Sơn Nhứt, ban đầu chỉ phục vụ quân sự, sau đó mới có kế hoạch mở rộng phục vụ dân sự.
Từ làng Tân Sơn Nhứt đến sân bay Tân Sơn Nhứt
Năm 1920 ngành hàng không lấy phần lớn diện tích của làng Tân Sơn Nhứt để xây dựng sân bay, và gọi là sân bay Tân Sơn Nhứt. Phần đất còn lại nhỏ hẹp không đủ tiêu chuẩn lập làng riêng, nên hợp với phần còn lại của làng Chí Hòa sau khi trích một phần nhập vào thành phố Sài Gòn thành làng Tân Sơn Hòa.
Vào khoảng thập niên 1920 sân bay Tân Sơn Nhứt xem như đã làm xong, nhưng chỉ dùng cho quân sự. Lúc đó chỉ mới có một đường băng, nền đất trồng cỏ. Đến năm 1930 mới có một số nhà cửa ở sân bay phục vụ cho hãng hàng không Air Orient. Bốn năm sau tức năm 1934, đường băng mới được trải nhựa. Bắt đầu xây nhà ga.
Từ tháng 4/1923, ngành hàng không nhận chuyển thư từ và các dịch vụ về bưu điện của nhà nước. Về việc chuyên chở hành khách, ngành hàng không đã mở được nhiều tuyến bay đến các thành phố lớn trong xứ và quốc tế.
Trên tuyến Hà Nội – Lào, chuyến bay đầu tiên thực hiện ngày 9/12/1919. Tuyến Hà Nội – Sài Gòn – Hải Phòng – Xiêng Khoảng và ngược lại, chuyến bay đầu tiên thực hiện ngày 10/1/1921. Lại có tuyến bay thẳng Hà Nội – Sài Gòn, chuyến đầu tiên vào ngày 19/4/1921. Mỗi lượt mất 8 giờ rưỡi.
Ngoài việc dùng máy bay cho quân sự, ngày 19/1/1920 chính quyền Pháp còn giao cho ngành không quân ở Đông Dương tham gia khai thác thuộc địa. Tính đến cuối năm 1920, người Pháp đã cho xây dựng xong 34 sân bay cấp cứu (Terrains secours) trên toàn cõi Đông Dương, đã bay được 200 giờ, chụp được 2.000 bức ảnh điều tra tài nguyên, lập bản đồ.
Máy bay của vua Bảo Đại đáp xuống sân bay. Ảnh tư liệu.
Cũng vào năm 1930, chính quyền Sài Gòn muốn mở rộng sân bay để dùng cho máy bay dân sự. Nhưng bấy giờ giá đất xung quanh sân bay đã cao vọt lên, không đủ ngân sách để bồi thường. Người ta nghĩ tới việc tìm ở Cát Lái thuộc quận Thủ Đức một khu đất vuông vức, mỗi chiều 1.400 m, ở góc sông Sài Gòn và sông Đồng Nai để xây dựng sân bay khác.
Công việc chưa kịp tiến hành thì gặp lúc khủng hoảng kinh tế thế giới, mà việc xây dựng phải làm lại từ đầu, kinh phí thì quá lớn, nên chương trình làm sân bay mới đành hủy bỏ, thà nới rộng sân bay Tân Sơn Nhứt đỡ tốn kém hơn.
Các sân bay trên nước Việt Nam cũng được mở cho các chuyến bay quốc tế và cho các hãng hàng không quốc tế sử dụng làm trạm đến hay quá cảnh. Ngày 21/12/1933 chuyến bay đầu tiên của hãng hàng không Pháp (Air France) bay tuyến Paris – Sài Gòn – Paris bay trong 50 giờ (hồi đó chưa thể bay ban đêm được) mất vừa đúng một tuần lễ mới đến Sài Gòn vào ngày 28/121933. Sau đó mở tuyến bay Sài Gòn – Batavia.
Do các chuyến bay tới Sài Gòn ngày càng nhiều mà phạm vi sân bay Tân Sơn Nhứt quá hẹp, chính quyền Pháp muốn mở rộng sân bay, nhưng giá cả bồi thường ruộng đất cho các chủ tư nhân mà hầu hết là các công ty hay cá nhân người Pháp không thỏa thuận được, chính quyền Pháp ở Nam Kỳ buộc phải nhờ đến Tòa án can thiệp.
Do đó phán quyết của Tòa ngày 19/6/1937 ra lệnh truất hữu của Crédit Foncier de l’Indochine lô 19 pie tờ 5 diện tích 2 ha 64,00, của ông Boy Landry lô 20, lô 22 tờ 5 diện tích 3 ha 16,00 và 1 ha 16,40, của Société Foncière Sài Gònnaise lô 21 và lô 23 tờ 5 diện tích 0 ha 98.00 và 1 ha 14,20.
Sân bay Tân Sơn Nhứt – Điểm trọng yếu của thực dân Pháp ở Đông Dương
Tính đến trước năm 1940 là thời điểm Đại chiến thế giới thứ hai lan tới châu Á và Thái Bình Dương, đã có tuyến bay Đông Dương – Pháp mỗi tuần một chuyến do hãng hàng không Pháp đảm trách, Sài Gòn – Singapore – Indonésia do hãng hàng không Hà Lan đảm trách, Hà Nội – Hồng Kông – Pénang do hãng hàng không Anh đảm trách, Hà Nội – Vân Nam do hãng hàng không Âu – Á (Eurasia) đảm trách, Hà Nội – Hồng Kông – Trùng Khánh do hãng hàng không Trung Hoa (China National Corporation) đảm trách.
Cũng trong khoảng thời gian đó, ngày 2/12/1937 Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định thành lập Sở Hàng không Dân dụng Đông Dương (Service de l’Aréonautique de l’Indochine) thay thế cho Sở Hàng không Dân sự, để lo việc khai thác các chuyến bay.
Một chuyến bay của Pháp vừa hạ cánh. Ảnh: Tam Thái sưu tầm.
Sau khi chính quyền thực dân Pháp chấp nhận cho quân Nhật vào Đông Dương để theo đuổi chiến tranh Thái Bình Dương, thì sân bay Hà Nội cũng như sân bay Tân Sơn Nhứt được Nhật dùng nhiều cho mục đích quân sự.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm của quân và dân ta, đường bộ nối liền ba miền bị gián đoạn, không thể sử dụng được, nên đường hàng không đóng vai trò hết sức quan trọng trong ngành vận tải, cả về quân sự lẫn dân sự.
Sự liên lạc giữa Sài Gòn, nơi đầu não của bộ máy chỉ đạo chiến tranh của quân viễn chinh Pháp với các thủ đô Phnom Penh của Campuchia, Vientiane của Lào và Paris cùng các thủ đô các nước trong vùng, cũng phải dùng đường hàng không. Do đó, sân bay Tân Sơn Nhứt trở nên vô cùng quan trọng đối với chúng.
Tại đây, nhiều chuyến máy bay quân sự và dân sự đã đáp xuống, đem tới nhiều nhân vật quan trọng của nước Pháp và đồng minh của Pháp để trực tiếp chỉ huy cuộc chiến như các tướng Leclerc, Salan, Cogny, Navarre, De Lattre de Tassigny, Cao ủy D’Argenlieu, Cao ủy Pignon, Cao ủy Bollaert v.v…
Cũng tại đây những chuyến máy bay vận tải Dakota đã chở đến hàng nghìn tấn khí tài phục vụ chiến tranh. Cũng tại đây hàng trung đoàn bộ binh, hàng tiểu đoàn quân mũ đỏ nhảy dù được chở đi tăng cường cho các mặt trận.
Rồi từ sân bay này, những chuyến máy bay cất cánh chở các quan chức đi thị sát các mặt trận, chở hàng tấn bom đi reo rắc chết chóc, đau thương cho dân lành.
Thời gian 9 năm ấy, tuy sân bay Tân Sơn Nhứt giữ vai trò quan trọng như vậy, nhưng phạm vi của nó cũng chưa được nới rộng thêm. Ngay đường Trường Sơn ngày nay bấy giờ hãy còn là khu đất trống, dân chúng có thể thả bò ăn cỏ được. Hai ngôi mộ lịch sử là mộ Hậu quân Võ Tánh ở xã Phú Nhuận, mộ chí sĩ Phan Châu Trinh ở làng Tân Sơn Hòa hãy còn nằm ở ngoại vi sân bay.
Trích sách “Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954)”
-------------
Theo Dansaigon
https://dansaigon.com/2018/07/28/san-bay-tan-son-nhut-duoc-hinh-thanh-nhu-the-nao/?fbclid=IwAR26r0AgfayJBeZG6fPn8ODzzt6VbndsrPWr2HcEpzQH1TnUB7p2G836ZVw
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét