4 tháng 10, 2016

'Nghi án' những bức thư tình Bùi Giáng

Hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng bà Nguyễn Thị May (ngụ P.Châu Phú B, TP.Châu Đốc, An Giang) vẫn trân trọng giữ những lá thư tình mà theo bà là của thi sĩ Bùi Giáng, xem như kỷ vật một đời.

Bà May (trái) và Mỹ Hạnh lúc còn trẻ

Ngày ấy, bà May là cô giáo xuân sắc ở chốn biên thùy An Giang, còn Bùi Giáng đã thành danh và làm việc ở Sài Gòn hoa lệ. Nếu so với các “người trong mộng” nổi tiếng của Bùi Giáng thì cô giáo May chỉ là thiếu nữ vô danh trong giới văn thơ, kịch trường. Nhưng vì sao một cô giáo bình thường ở nơi xa xôi như Châu Đốc lại lọt vào mắt của chàng thi sĩ?

Giai nhân châu đốc
Bà May khá hoạt bát và trẻ so với tuổi 81. Nhắc lại chuyện xưa, bà thoáng bâng khuâng rồi nhẹ nhàng tìm lại những bì thư ố vàng bắt đầu câu chuyện. Bà May nhớ lại những năm 1956, bà và bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh chơi rất thân, cùng dạy chung ở Trường tiểu học Châu Long. Năm 1957, Mỹ Hạnh đi thi người đẹp ở An Giang và đoạt giải rồi kết hôn cùng chồng là ông Nguyễn Thùy, giáo viên Trường Thủ Khoa Nghĩa (Châu Đốc), về Sài Gòn sinh sống ở đường Trương Tấn Bửu. Bùi Giáng cũng sống ở đường này, ông và Nguyễn Thùy cùng quê gốc Quảng Nam nên khá thân. Rồi không biết Mỹ Hạnh và ông Thùy mai mối sao đó mà Bùi Giáng đồng ý theo vợ chồng son này về Châu Đốc chơi để làm quen cô giáo dịu dàng.

Đó là một ngày tháng 10.1959, Bùi Giáng với vợ chồng Nguyễn Thùy và cô giáo May cùng vài bạn hữu đã rong chơi núi sông Châu Đốc. Trong ký ức của bà, ngày đó, thi sĩ hơi gầy, hiền, ít nói, hay cười cười, suốt chuyến đi ông không nói chuyện yêu đương gì. Rồi ông về Sài Gòn và đột ngột gửi thư tỏ tình khiến bà giật mình, luống cuống. Bà May nhớ lại: “Lúc đó đã có người trong mộng rồi nhưng tôi sống nghiêm lắm nên bạn bè thân cũng không biết”.

Bà May đưa những lá thư do thi sĩ viết tay gửi mà bà cất giữ trân trọng. 57 năm những lá thư được giữ gìn tốt nên mực còn rõ nét. Lá thư đầu gửi vào ngày 14.10.1959, Bùi thi sĩ gọi bà là người con gái thùy mị, một trong những khuôn mặt hiền lành của giai nhân Châu Đốc. Lời thư chan chứa cảm tình như: “Nước dưới cầu chảy rất nhiều chị May ạ… Tôi xem chị như một người bạn rất thân, tuy mới gặp một lần, hiểu chị qua chị Thùy. Ngay bữa đầu nhìn tấm ảnh chị tôi đã thấy lòng không thể dửng dưng trước gương mặt dịu dàng”.

Lá thư thứ 2 gửi vào ngày 30.10.1959, thi sĩ viết: “Buổi đi chơi núi hôm ấy là một kỷ niệm đẹp vô cùng. Tôi xin giữ mãi… Ngồi viết thư này gửi chị, tôi dừng lại mấy lần. Giòng chữ không đi. Tôi tự hỏi “ngày sau nếu có dịp trở về Châu Đốc, tôi có còn được nhìn bầu trời, sông núi cũ và bàn tay mịn màng của người con gái đẹp kia không”.

Bà May kể ông gửi cho mình 5 lá thư và những lời lẽ chân tình trong thư đã làm trái tim thiếu nữ nao lòng, xao xuyến. Nhưng vì trái tim đã có chỗ rồi nên nào dám nhận lời. Bà May bồi hồi: “Có đoạn thư ông viết chân chất lắm như ổng nói ổng không có tiền nhưng sẽ gắng đi vay mượn để cưới nhau”.

Những lá thư xưa
Thủ bút của thi sĩ Bùi Giáng - Ảnh: Nhà thơ Lê Minh Quốc cung cấp
Nét chữ trên bức thư - Ảnh: Bà May cung cấp

Bức thư tình hay nhất
Cuộc sống thay đổi không ngừng, cô giáo May sau này được phân công đi dạy ở Biên Hòa, Đồng Nai. Rồi từ đó bà và Bùi thi sĩ bặt tin nhau. Phần thi sĩ trôi nổi với dòng đời và những mối tình thơ, còn phần bà gắn bó cùng bục phấn với cuộc tình lỡ dở.

Bà kể trong 5 bức thư tình bà trân quý bức thư thứ 3 nhất vì lời lẽ quá hay. Tháng 2.1998, khi hay chuyên san Người đẹp VN (của Báo Tiền Phong) tổ chức thi “Những bức thư tình hay nhất”, bà đã không kiềm cảm xúc photo bức thư ấy kèm lá thư gửi ban tổ chức với những dòng đầu đề như vào năm 1959 nhà thơ Bùi Giáng có gửi cho bà mấy bức thư. Tháng 3.1998, Người đẹp VN đã đăng trang trọng bức thư này và sau đó ban tổ chức đã trao tặng bà giấy chứng nhận đã đoạt giải cuộc thi.

Xin trích đăng vài dòng như sau: “Sài Gòn ngày 5.11.1959. Chị May. Lời thư quá vắn tắt của chị không đem lại yên lòng. Lời của chị dứt khoát nhưng lòng tôi vẫn lần khân, không muốn nhận nhìn sự thật?... Chị May. Hơn tám năm lận đận giữa bụi bặm đô thành, tôi vẫn luôn luôn thấy lòng mình mơ tưởng những hình ảnh dịu dàng, hồn nhiên, tươi mát của những miền suối ngọt… Mấy năm dài sống giữa phồn hoa ngột ngạt, là mấy năm dài loay hoay tự hỏi mãi. Tôi mong chờ một lời đáp. Một lời đáp nào không giống những lời vắn tắt lờ lững của cô. Một giọng điệu nào có một âm vang như lòng tôi mơ ước. Nếu không thì thà rằng đừng đáp. Tôi bằng lòng cúi đầu đi giữa vắng lặng bốn bên”.

Bà May lần giở những kỷ vật - Ảnh: Thanh Dũng

Bà May nói lúc gửi bức thư bà vẫn sống độc thân và đã ngoài tuổi 60, còn thi sĩ bà nghe nói cũng sống đời cô độc. Cả hai duyên tình lỡ làng, lại đã bước vào tuổi cao không vướng gia đình riêng nên bà mới mạo muội gửi bức thư đó đăng báo. Nhưng bức thư đăng bà không biết Bùi Giáng đang sống ở đâu để người xưa gặp nói vài lời. Sau này bà mới biết thời điểm đó thi sĩ bộc phát bệnh nặng, mất trong khoảng gần cuối năm 1998. Bà May bùi ngùi: “Tôi và ông ấy có duyên nhưng không có nợ, tôi giữ kỹ lá thư hay, thích đem ra đọc lại vì lời lẽ hay quá. Đọc lại vẫn bồi hồi ngày xưa khi yêu nhau sao cao đẹp quá…”.

Chưa từng nghe nói Bùi Giáng viết thư tỏ tình
Gửi bản copy những bức thư của bà May cho những nhà nghiên cứu am hiểu về Bùi Giáng thì cũng nhận được những ý kiến trái chiều. Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cho rằng: “Với tất cả sự thận trọng, đã so sánh hai tự dạng của các bức thư và thủ bút của Bùi Giáng mà tôi đang có, thì chữ viết trong thư không giống chữ viết của Bùi Giáng. Đặc biệt đối chiếu với các chữ N, T (viết hoa), Bùi Giáng không viết như vậy. Chữ ký cuối thư cũng không phải là chữ ký kiểu Bùi Giáng. Ông ấy ký tên đầy đủ, chữ G kéo dài ra và cong lại bên trái”.

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cũng phân vân thêm ở chi tiết: Trong thư có ghi ngày 18.11.1959 và có đoạn "Tám năm lận đận...", trong khi Bùi Giáng rời Quảng Nam năm 1952, tới thời điểm 1959, không thể là tám năm. Văn chương tỏ tình cũng không ra "phong cách" của thi sĩ này vì Bùi Giáng trước nay chỉ mê người đẹp rồi làm thơ chứ chưa nghe nói ông tỏ tình với ai cả”.

Trong khi nhà thơ Lê Minh Quốc ngược lại, ông xác nhận bút tích trong thư đúng là của Bùi Giáng. "Đọc tập thơ đầu Mưa nguồn của Bùi Giáng, xuất bản năm 1962 thì một số cụm từ trong những bức thư tình này được lập đi lập lại. So với thủ bút mà chúng ta có vào thời gian sau này, những ngày Bùi Giáng sắp mất, thì nét chữ trong những lá thư này có khác, có thể lý giải là giữa hai thời điểm cách quá xa nhau, tuy nhiên, văn phong thì không thể giả được. Những bức thư này là tư liệu quý để nghiên cứu thêm về cuộc đời và sự nghiệp Bùi Giáng", nhà thơ kết luận.
-------------------------
Thanh Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét