16 tháng 8, 2015

Vào lò làm thực phẩm chức năng: Tận thấy công nghệ siêu bẩn

Hải Băng - Sau gần 2 tháng làm công nhân tại một cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng ở TPHCM, phóng viên Tiền Phong đã tận thấy “công nghệ” cho ra đời hàng chục loại thực phẩm chức năng không đảm bảo vệ sinh, thậm chí độc hại.


Sau khi máy dập vỉ TPCN để dưới sàn mất vệ sinh các công nhân ngồi cho vào hộp.

Bài 1: Bột+ đường+ muối = “thuốc” chữa bệnh!
Trong căn nhà nhếch nhác, ẩm thấp, phóng viên Tiền Phong và một số công nhân mình trần tay bẩn bắt đầu vào việc để mỗi ngày cho ra lò hàng triệu viên và gói thực phẩm chức năng siêu bẩn mang các nhãn hiệu như Alp.M. Lysozy… 90, B1, B6 hay Trivita. B…

“Lò” bánh kẹo kiêm làm “thuốc”

Sau một thời gian nộp hồ sơ, chúng tôi được người quản lý của đơn vị sản xuất là Công ty TNHH MTV M. F. do ông Nguyễn X. C.(38 tuổi, quê Bình Dương) làm giám đốc, gọi đi làm.

Công ty có 3 cơ sở sản xuất, trong đó căn nhà trên đường Dương Văn Dương là nơi để đóng vỉ, ép thành bịch các loại thực phẩm chức năng như Alp. M, Lyso… 90, B1, B6, Trivit…B1- B6 – B12, O., Sor…; căn nhà trên đường số 9, phường 4, quận 8 chỉ sản xuất thuốc bôi Pov và dầu mù u. Cơ sở còn lại là kho chứa hàng nằm trên đường Tô Hiến Thành, phường 14, quận 10. Từ kho chứa này, những mặt hàng thực phẩm chức năng được phân phối khắp cả nước.

Căn nhà trên đường Dương Văn Dương (quận Tân Phú, TPHCM) lụp xụp nhưng được coi như cơ sở chính do ông C thuê lại từ ông Năm- người chuyên làm bánh kẹo. Ông Năm cũng là người vừa làm bánh kẹo vừa sản xuất thực phẩm chức năng để bán lại cho ông C. Nơi ông Năm sản xuất thực phẩm chức năng không đâu khác chính là căn nhà liền kề. Sau khi các loại thực phẩm chức năng như Alp. M, Lyso.90, Triv…B1- B6 – B12 được ra lò bước một (tức viên nén chưa đóng gói) thì được chuyển qua cho ông C tiếp nhận, sau đó công nhân của ông C bỏ vào máy dập vỉ rồi đóng gói cho ra thành phẩm. Căn phòng sản xuất các viên thực phẩm chức năng nằm cuối dãy nhà, khu vực này ngoài những người có phận sự ra thì cấm tuyệt đối người lạ. Trong những lần hiếm hoi, người quản lý nhóm công nhân điều chúng tôi qua căn phòng nơi ông Năm sản xuất ra thực phẩm chức năng viên, mới tá hỏa phát hiện, nguyên liệu chính mà ông Năm dùng để sản xuất ra các loại thực phẩm chức năng trên cơ bản là bột và đường…trộn lại. Sau đó, hỗn hợp này được cho vào máy để ép, sấy khô thành viên hoàn chỉnh.

Như trên đã nói, sau khi mua lại các viên nén từ ông Năm, ông C. hướng dẫn công nhân chúng tôi cho vào máy dập thành vỉ, đóng gói rồi đưa ra thị trường tiêu thụ. Bất kể ngày đêm, nhóm công nhân từ 6 đến 8 người thay nhau cho hàng trăm ngàn viên thực phẩm chức năng vào 2 máy để dập thành vỉ. Từ khi được nhận vào làm việc, chúng tôi được ông Huỳnh, 25 tuổi, trưởng nhóm công nhân, hướng dẫn cách sử dụng, xử lí máy khi có sự cố xảy ra.

Khoảng một tuần đầu, nhóm công nhân cho vào máy dập vỉ hai loại thực phẩm chức năng là Alp. M. và Liso. 90. Những ngày sau đó, ông C. và ông P., phó giám đốc công ty này yêu cầu ngưng dập sản phẩm trên để dập ba loại khác là B1, B6 và Trivi. B1 – B6 – B12. Công việc của chúng tôi cứ thế lặp đi lặp lại. Một công nhân từng làm việc nơi đây cho biết hầu hết các thực phẩm chức năng này làm từ bột và đường nên khi chưa vào vỉ kịp, kiến bắt đầu bắt mùi và kéo đến.

“Nếu để lâu thì thực phẩm chức năng viên này có thể chảy nhựa ra”- công nhân này tiết lộ. Để kiểm chứng, sau nhiều ngày làm công nhân tại đây, phóng viên để hàng trăm viên “thuốc” này ra sàn, một lúc sau kiến bám đầy vì vị ngọt đường.


Công nhân này dùng mê xúc rác đựng TPCN viên để cho vào máy dập.
Công nghệ dập vỉ “siêu bẩn”

Sau khi thấy cảnh ông N. cho ra “lò” các thực phẩm chức năng từ đường và muối trộn lại, chúng tôi thắc mắc thì công nhân tên H. (18 tuổi) – người có nhiều năm làm việc tại đây, cho biết: “Các loại thực phẩm chức năng này sản xuất thành phần chính hầu hết làm từ đường và bột. Khi bán ra thị trường, người bệnh nhìn trên hộp ghi công dụng hỗ trợ điều trị bệnh tật, nhưng uống vào không hết bệnh được đâu. Bản thân em nhiều lúc bị ốm không dám ra ngoài tiệm thuốc tây mua về uống, bởi mình thấy làm mất vệ sinh như vậy thì ai mà dám cho vào cơ thể”.

Theo công nhân H, các thực phẩm chức năng này chưa bao giờ đưa đi kiểm nghiệm. “Trong vỏ hộp họ ghi có thành phần chất này, chất nọ nhưng thực tế nó chỉ có bột mì với đường và hương liệu mà thôi”- người này tiết lộ.



Công nhân vừa ăn vừa dùng tay trần đưa thực phẩm chức năng viên vào máy dập vỉ.
Để có đủ sản phẩm cung cấp cho các đại lý, ông Nguyễn X. C. cứ đốc thúc công nhân và luôn yêu cầu công nhân cho máy dập vỉ chạy cả ngày lẫn đêm. Do hoạt động hết công suất máy dập nên với ca ngày từ 7 giờ sáng đến 19 giờ tối, chúng tôi dập vỉ và đóng gói khoảng 30 thùng thực phẩm chức năng Alp. M., mỗi thùng 100 hộp.

Với số lượng này, mỗi ngày nhóm công nhân 8 người cho ra lò khoảng 600.000 viên, với giá bán ra thị trường là 3.800.000 ngàn đồng/ thùng, tương đương hơn 100 triệu đồng/ngày. Tương tự, thực phẩm chức năng Lyso. 90 mỗi ngày công nhân đóng gói khoảng 35 thùng, mỗi thùng 167 hộp, tương đương mỗi ngày có tới 580 nghìn viên được đóng vỉ, giá bán mỗi thùng TPCN này là 5 triệu đồng, tổng số tiền ông C. thu về khoảng 170 triệu đồng.

Mặc dù cho ra số lượng lớn thực phẩm chức năng nhưng qui trình sản loại thực phẩm này quá mất vệ sinh. Các loại viên được mua lại từ ông Năm bám đầy bụi tinh bột, đường, muối nhiệt, do đó trước khi cho chúng vào máy dập thành vỉ, ông C. yêu cầu chúng tôi dùng rổ nhựa sàng, sảy bụi bay mù mịt, căn phòng lúc nào cũng ngột ngạt, khiến cho công nhân bị sặc sụa, khạc nhổ bừa bãi khắp nơi.

Điều đáng nói là qui trình dập thành vỉ dơ bẩn và mất vệ sinh, cả ngày lẫn đêm cả triệu viên thực phẩm chức năng qua bàn tay trần trụi của công nhân trước khi cho vào máy. Do làm việc không ngừng nghỉ nên khu vực sản xuất cũng biến thành phòng ăn, hình ảnh công nhân vừa cho thực phẩm vào máy, vừa ăn, hay hút thuốc lá nên chuyện khảy tàn thuốc rơi vào thùng chứa thực phẩm là bình thường.
Máy sản xuất thực phẩm chức năng do ông Năm làm bán cho ông C.

Khiếp đảm hơn, trong lúc cho nguyên liệu vào máy dập ra thành vỉ, các viên thực phẩm chức năng rơi vung vãi dưới nền nhà ẩm ướt, nhớp nhúa bụi bặm, người đi kẻ đứng giẫm đạp lên… nhưng số thực phẩm chức năng bẩn này ông C. yêu cầu các công nhân dùng chổi và mê xúc rác gom lại rồi cho vào máy dập vỉ để tái sử dụng. Trong lúc làm việc, máy dập vỉ có sự cố, các công nhân vô tư ngồi trên thùng chứa thực phẩm chức năng.

Chứng kiến hình ảnh các công nhân nam mặc quần đùi, ở trần trùng trục dùng chiếc mê xúc rác mang đi đổ rồi sau đó lại dùng chiếc mê xúc rác này xúc đống thực phẩm chức năng mà ông Năm vừa sản xuất mang qua để cho vào máy dập vỉ khiến chúng tôi không khỏi rùng mình. Chứng kiến cảnh này, nhiều công nhân lắc đầu nói: “Tôi mà uống vô chắc ngộ độc tối nay khỏi làm ca tối quá”.

Theo quan sát của phóng viên qua những ngày làm việc, số lượng Alp.M. rơi vung vãi dưới nền nhà đôi lúc công nhân không tái sử dụng, nhưng đối với Lyso. 90, B1, B6 và Triv. B1 – B6 – B12 thì ông Huỳnh – trưởng nhóm công nhân dặn: “Mấy loại này bán nhiều tiền lắm, vỉ nào hư vỏ thì bóc ra lấy lại viên, còn viên nào rớt dưới nền nhà mấy ông chịu khó lượm lên cho vào máy dập lại. Mấy ông lười không làm mà sếp C. nhìn camera biết được là cuối tháng trừ lương ráng chịu”.

(Còn nữa)
http://kenh13.info/vao-lo-lam-thuc-pham-chuc-nag-tan-thay-cong-nghe-sieu-ban.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét