“Việc buộc phải phá giá tiền đồng là do không còn cách nào khác” - Theo Trần Giang – BizLive – 19 Aug 2015.
(GNA: Ông già Alan đoán là giá trị tiền VND sẽ xuống hơn 10% trong 2016. TS Hiếu thì xin NHNN phá giá 10% trong 3 năm tới. Các BCA nghĩ sao?)
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng đã nhắc đến câu chuyện chiếc đùi gà nhập khẩu từ Mỹ và chiếc đùi gà của chính doanh nghiệp Việt Nam cung cấp để bình luận cho quyết định phá giá tiền đồng.
Ông Hiếu dẫn chuyện, thời gian qua, câu chuyện về chiếc đùi gà nhập khẩu của Mỹ rẻ hơn do Việt Nam tự làm đã thu hút được sự quan tâm của thị trường. Nhưng nhìn ở góc độ tỷ giá, việc duy trì đồng USD thấp đã ảnh hưởng tới doanh nghiệp Việt Nam.
“Giá nhập khẩu đùi gà Mỹ chỉ 23.000 đồng/chiếc, trong khi đùi gà của Việt Nam giá 25.000 đồng/chiếc, là do giá USD ở Việt Nam quá rẻ. Nếu mình điều chỉnh hoặc thả nổi tỷ giá, giá nhập khẩu của chiếc đùi gà Mỹ sẽ không còn là giá 23.000 đồng/chiếc như hiện nay, mà lên 40.000 đồng/chiếc, thậm chí còn có thể cao hơn thế”, ông Hiếu phân tích.
Doanh nghiệp Việt Nam sẽ còn gặp khó nếu USD vẫn neo giá thấp
Ông Hiếu đánh giá quyết định bất ngờ phá giá tiền đồng thêm 1%, đồng thời nới biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%, áp dụng cho ngày 19/8 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), là sự lựa chọn cuối cùng, không còn cách nào khác.
“Tôi hoan nghênh NHNN. Thực tế, việc buộc phải phá giá tiền đồng là do NHNN không còn cách nào khác. Áp lực trên thị trường ngoại hối rất lớn, nếu NHNN vẫn giữ tỷ giá thấp, sẽ rất nhiều thành phần kinh tế hào hứng mua USD vào. Tình trạng này kéo dài, NHNN sẽ bị giảm mạnh dự trữ ngoại hối. Vì vậy, NHNN cần phải bán USD với giá cao hơn để ngăn chặn làn sóng gom USD này bằng cách tăng tỷ giá”, ông Hiếu bình luận.
Quan trọng hơn, theo ông Hiếu, nếu NHNN tiếp tục để đồng USD thấp thì rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn, vì hàng ngoại nhập vào Việt Nam với giá rất rẻ.
“Tất nhiên, việc phá giá tiền đồng sẽ tác động tới lạm phát, nợ công, an sinh xã hội. Hiện sức mua của tiền đồng đang cao và việc phá giá sẽ ảnh hưởng tới sức mua của nền kinh tế, người tiêu dùng sẽ tiết kiệm hơn. Nhưng người làm chính sách cần phải đứng ở tầm vĩ mô để lựa chọn giữa việc cần phát triển kinh tế, giữa sự sống cho doanh nghiệp hay giữ nợ công, lạm phát ở mức thấp? Đây là bài toán cực kỳ phức tạp”, ông Hiếu bình luận.
Ông Hiếu cho rằng điều chỉnh tỷ giá chắc chắn sẽ tác động tới nợ công và lạm phát. Tuy nhiên, hiện chưa thể tính toán được mức tác động là bao nhiêu.
“Nhưng nợ công chắc chắn sẽ tăng nhiều, không chỉ tăng trên sổ sách, mà còn tăng thực vì một nửa nợ công là bằng ngoại tệ. Để có ngoại tệ, Chính phủ sẽ phải vào thị trường để mua, nên giá mua thực trên thị trường thời điểm mua và giá thời điểm vay sẽ khác nhau. Tuy nhiên, điều chỉnh tỷ giá là cần thiết, nếu không dự trữ ngoại hối sẽ xuống thấp, NHNN không còn năng lực can thiệp mạnh mẽ vào thị trường. Khi đó, thị trường tự do sẽ thao túng tỷ giá, điều này sẽ còn nguy hiểm hơn”, ông Hiếu phân tích.
Nên phá giá 10% trong vòng 3 năm tới
Theo ông Hiếu, việc phá giá tiền đồng của NHNN là việc không thể không làm. Tuy nhiên, việc phá vỡ cam kết quota 2% của NHNN cũng ảnh hưởng tới niềm tin của thị trường đối với tiền đồng.
“Tuy nhiên, NHNN không thể không làm. Hiện tại, Việt Nam đang theo đuổi chính sách tiền đồng mạnh và cứ giữ như thế này thì sẽ không trụ nổi, dự trữ ngoại hối có hạn, có thể rơi vào tình trạng thanh khoản. Nếu Trung Quốc không phá giá đồng Nhân dân tệ (CNY) thì NHNN sẽ giữ được cam kết quota 2%”, ông Hiếu bình luận.
Ông Hiếu phân tích, Trung Quốc trước khi quyết định nới CNY cũng đã theo đuổi chính sách đồng tiền mạnh trong 20 năm qua.
“Những quốc gia giữ quan điểm đồng tiền mạnh thì luôn phải bảo vệ giá trị tiền bằng cách bán ngoại tệ để ổn định thị trường. Làm thế sẽ hao hụt ngoại tệ rất lớn. Trung Quốc cũng phải bỏ chính sách này. Việt Nam hiện vẫn theo đuổi chính sách đồng tiền mạnh, nhưng như thế sẽ rủi ro cho nền kinh tế”, ông Hiếu bình luận.
Ông Hiếu cho rằng, đây có thể chưa phải là lần phá giá cuối cùng trong năm. Việc tăng tỷ giá sẽ trấn áp được giới đầu cơ, nhưng liệu có thuận theo ý chí của nhà điều hành hay không còn phải xem thị trường trong thời gian tới. Thị trường tự do sẽ biến động thế nào chưa ai biết được nên chưa thể ước đoán được mức tác động thế nào tới thị trường. Đó là FED còn chưa điều chỉnh lãi suất. Sắp tới, nếu FED điều chỉnh lãi suất, Việt Nam sẽ bị tác động.
“Tuy nhiên, lần điều chỉnh này vẫn chưa giải tỏa hết áp lực điều chỉnh tỷ giá. Tôi cho rằng trong 3 năm tới, Việt Nam nên phá giá tiền đồng 10%. Năm 2015 đã phá giá 5% rồi, 2 năm còn lại nên phá giá tiếp phần còn lại. Tuy nhiên, về lâu dài, Việt Nam nên tính đến việc thả nổi tiền đồng”, ông Hiếu phân tích.
Theo ông Hiếu, việc thả nổi tiền đồng sẽ phải tính toán cụ thể về lộ trình. Nhưng điều này nên làm vì sẽ tốt cho xuất khẩu, đặc biệt là hội nhập sắp tới và giữ được tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Lãi suất VND chịu sức ép tỷ giá
Theo Nhuệ Mẫn – Đầu Tư Chứng Khoán – 19 Aug 2015
Lãi suất huy động tiền đồng phải ở một mức cao nhất định để khuyến khích người dân giữ VND
(ĐTCK) Thời điểm cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm nay, một vài ngân hàng đã rục rịch hạ lãi suất huy động, tuy nhiên, đợt giảm này chưa kịp trở thành làn sóng như thường lệ đã bị dập tắt bởi quyết định phá giá đồng nhân dân tệ đột ngột của Trung Quốc và sau đó là sự thay đổi biên độ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam.
Lãi suất sẽ buộc phải tăng?
Trao đổi với ĐTCK vào thời điểm đầu tháng 8/2015, một lãnh đạo cấp cao NHNN cho biết, những tháng cuối năm nay, cơ quan này sẽ điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ, nhằm điều tiết mặt bằng lãi suất thị trường hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ; tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa điều hành tỷ giá và lãi suất theo hướng khuyến khích nắm giữ đồng Việt Nam, hạn chế sự dịch chuyển sang USD.
Sự tự tin của vị lãnh đạo này không phải là ngẫu nhiên, bởi theo thông tin về hoạt động ngân hàng trong tuần cuối tháng 7 (từ 27 – 31/7/2015), có một số ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND khoảng 0,1 – 0,3%/năm ở các kỳ hạn. “Đợt hạ lãi suất này chưa kịp trở thành làn sóng như thường lệ thì đã bị dập tắt bởi quyết định đột ngột phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng thời với đó, NHNN Việt Nam thay đổi biên độ tỷ giá”, Tổng Giám đốc một ngân hàng TMCP nói.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, tỷ giá biến động mạnh với giá giao dịch kịch trần biên độ; thông tin NHNN liên tục bán ngoại tệ trên thị trường ngoại hối khiến sự ổn định khá mong manh. Các ngân hàng đang trong trạng thái phòng vệ không chỉ đồng USD Mỹ mà còn cả VND, đề phòng câu chuyện thanh khoản tạo ra tâm lý bất an cho người dân, khiến họ không muốn nắm giữ VND mà chuyển sang nắm giữ vàng, mua bất động sản…
“Chính phủ vẫn luôn có chủ trương giảm lãi suất nhưng điều kiện hiện nay không cho phép và thậm chí tôi cho rằng, lãi suất nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng”, TS. Hiếu nói.
Đồng quan điểm này, lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho rằng, người dân sẽ cân nhắc về khả năng chuyển một phần tiết kiệm sang ngoại tệ. Do đó, buộc các ngân hàng có thể phải tính toán đến khả năng đẩy lãi suất lên đủ hấp dẫn để giữ chân khách hàng và không loại trừ trường hợp sẽ có những dấu hiệu “lách” luật, thông qua các hình thức tặng quà bằng sản phẩm, tiền mặt hay lãi suất… như trước đây.
“Lãi suất huy động tiền đồng không thể giảm xuống mà phải ở một mức cao nhất định để khuyến khích người dân giữ VND. Thậm chí, trong trường hợp lãi suất giảm thêm, nhiều khả năng người dân sẽ vay VND để chuyển sang nắm giữ những tài sản có giá trị khác. Hiện tại, NHNN chắc chắn không thể “ép” các ngân hàng hạ lãi suất xuống nữa, nhưng có thể lãi suất sẽ tăng bởi tín dụng tăng lên do những tháng tới vào mùa hoạt động sản xuất cuối năm, nếu các ngân hàng không huy động được tiền thì không thể cho vay được. Tuy nhiên, tôi cho rằng, mức tăng sẽ không đáng kể và cần tiếp tục theo dõi thị trường ngoại tệ và tiền đồng”, vị lãnh đạo trên nhận định.
Vẫn còn ý kiến trái chiều
Đứng trên một góc nhìn khác, ông Đinh Đức Quang, Phó tổng giám đốc OCB cho biết, đúng là trong vài ngày vừa qua, thanh khoản tiền đồng trên thị trường không được dồi dào như những ngày cuối tháng 7 và đầu tháng 8; lãi suất ngắn hạn qua đêm trên thị trường liên ngân hàng xoay quanh mức 5%/năm. Tuy nhiên, theo ông Quang, nếu lấy thông tin này để nhận định thanh khoản của thị trường kém, gây áp lực có thể làm tăng lãi suất huy động thì chưa có cơ sở. Lý do cụ thể ở 3 điểm như sau:
Thứ nhất, trong những ngày qua, sau khi nới biên độ tỷ giá, NHNN đã tiếp tục bán ra ngoại tệ hỗ trợ thị trường; trong đó, nhiều ngân hàng đã mua vào ngoại tệ từ NHNN, làm giảm trạng thái âm trong tình hình thị trường tài chính trong và ngoài nước có những biến động. Do vậy, một lượng tiền đồng đã được NHNN hút về thông qua kênh này. Ngoài ra, trong bối cảnh này, việc các NHTM phòng thủ, nắm giữ tiền mặt nhiều hơn, giảm bớt việc cho vay ra trên thị trường liên ngân hàng là hoàn toàn dễ hiểu.
Thứ hai, hoạt động trên thị trường mở (OMO), vốn là kênh phản ảnh khá rõ nét nhu cầu vay ngắn hạn từ các NHTM để bổ sung thanh khoản, trong vài ngày qua vẫn ở mức rất thấp; chứng tỏ thanh khoản chung của hệ thống rất ổn. Các NHTM đang nắm giữ số lượng lớn trái phiếu chính phủ, vốn là tải sản thanh khoản rất tốt để chuyển sang tiền mặt bằng nhiều cách thức khác nhau. Nếu nhìn vào số dư OMO tại thời điểm hiện nay, thấy rõ là con số rất nhỏ so với vài thời điểm từ đầu năm đến nay, như trước Tết âm lịch hay một vài thời điểm trong các tháng trước.
Thứ ba, chắc chắn NHNN đã chuẩn bị các kịch bản hỗ trợ thanh khoản thị trường nếu cần, vì các biến động gần đây không phải là lần đầu xuất hiện và không mang tính hệ thống.
Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cho biết, cuối tuần trước, có những “cơn sốt” thanh khoản liên quan đến một vài ngân hàng nhưng đến thứ hai đầu tuần, mọi việc đều đã ổn định. Nguyên do bởi đó không phải là việc rút tiền dây chuyển mà đơn giản là người dân chuyển tiền từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, nên thị trường ổn định rất nhanh.
“Rất khó để từ nay đến cuối năm lãi suất huy động và cho vay sẽ hạ xuống thêm nữa, nhưng tôi cho rằng, niềm tin của thị trường vẫn còn nên không có lý do gì để lãi suất huy động tăng”, vị tổng giám đốc trên cho biết.
--------
Nguồn: Internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét