21 tháng 2, 2014

Nghĩ về tiền và sự giàu có...

Tiền không mua được tất cả nhưng có thể làm người ta bị mất đi tất cả. Người ta làm tất cả để kiểm ra cái không mua được tất cả là tiền – điều đó thực sự là bất hạnh.


Nếu chỉ nhiều về tiền mà thiếu văn hoá thì gọi đó là trọc phú, mà trọc phú thì chưa bao giờ được coi là giàu cả.

Bọn trọc phú vô đạo nói “cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền”. Chúng không biết rằng khi cái định mua nếu quy ra tiền rất lớn đã trở thành thứ vô hình, là giá trị chung mà không phải là sở hữu của riêng một người để có thể tuỳ tiện mua bán.

Khi làm việc không nghĩ đến tiền thì khi ăn cứ phải băn khoăn lấy đâu ra tiền để trả.

Tờ một đôla khi đốt đi sẽ còn lại tro bụi. Nhưng giá trị của nó sẽ đi vào tất cả những tờ đôla còn lại.

Khi đồng tiền có giá trị thì người ta muốn đầu tư, khi nó mất giá trị thì người ta bàn đến chuyện đầu cơ, khi nó không còn giá trị thì người ta vùng lên đạp đổ xã hội.

Bọn bất lương có thể làm được tiền giả bằng công nghệ cao và rất phức tạp, nguy hiểm, nhưng tại sao chúng không muốn làm ra đồ thật cho dù đơn giản hơn nhiều? Là vì chúng muốn ăn cắp cả thế giới – Tiền giả đó chính là cái mà quỷ dữ đã xui chúng làm ra và trả cho công lao của chúng.

Người sáng mắt khi nhận một đô la còn phải nhìn kiểm tra thật kĩ, người mù họ chỉ sờ, người có tâm họ chỉ cần nghe.

Ngoài tình yêu và danh dự, cái gì có thể đếm được thì hãy đếm cho chi li.

Nếu là ham muốn thì bao nhiêu tiền cũng không đủ – Nhưng nếu xác định là chất lượng cuộc sống thì không cần nhiều tiền lắm cũng đủ.

Cùng ngồi trên đống cát rất dễ là bạn. Nhưng khi cùng ngồi trên đống vàng nhiều khi dễ trở thành kẻ thù.

Giàu có trong sự nghèo khó của người khác, trong sự lụi bại của xã hội thì cái sự giàu có đó rất không yên ổn.

Sự lụn bại của xã hội ở chỗ: Người tâm huyết thì thiếu tiền, không vị trí – Kẻ thừa tiền, thừa danh, thừa quyền thì không tâm huyết.

Có những điều nếu trả bằng tiền thì người ta không muốn trả hoặc không chịu nổi, nhưng có thể trả bằng thứ khác, thậm chí dễ chịu và “tiết kiệm” hơn nhiều.

Từ khi phát minh ra đồng tiền người ta có thể không cần cảm ơn. Nhưng nếu nói cảm ơn với nhau thì đồng tiền đã hàm chứa những giá trị mới.

Cái gì không phải của mình thì: – Rồi cũng mất – Phải trả giá đánh đổi – Gây ra hậu quả hay ngộ độc.

Tiền thì tuỳ từng nơi có phải là giá trị hay không, nhưng một đôla thì ở đâu cũng là một đôla.

Một món hàng chỉ có giá một đôla nhưng sự thật về nó có khi là hàng triệu đôla.

Chúng bảo nhau “cái khó bó cái khôn” nhưng khi hỏi đến cái “khôn” của chúng thì hoá ra đó là cái “khôn tiểu nhân”, ăn người, ích kỉ, ngắn hạn … vì vậy nếu dùng cái “khôn” ấy thì chỉ sinh thêm cái khó cho mai sau mà thôi. Chúng nghĩ ra bao nhiêu câu đối để xỏ xiên nhau, để khoe mẽ cái tài chơi chữ của mình, thế mà không nghĩ ra được một chiến lược kinh doanh sản phẩm để kiếm được nhiều tiền hơn.

Kiếm tiền là câu chuyện của tài năng, còn xử sự với tiền đó là vấn đề của Văn hoá.

Người ta trả một đôla cho việc mua, nhưng đòi hơn một đôla cho việc mất lòng tin.

Một chai nước một đôla có ý nghĩa lớn lao ở chỗ nó đã kịp đến với người ta khi đang khát trên sa mạc. Một cây nến một đôla nhưng đã vô cùng ý nghĩa khi nó đã được thắp lên vào lúc mà người ta cần đến ánh sáng.

Một đôla có thể mua được một liều “thuốc chết” ví như thuốc chuột, nhưng “thuốc sống” cần rất nhiều liều. Mình có, rất nhiều thứ trong đó không phải là tiền mà là tinh thần của mình.

Đồng tiền kiếm được khi mang về nhà nó không còn là đồng tiền nữa. Đồng tiền lương thiện sẽ sản sinh ra các giá trị. Đồng tiền bất chính như tên trộm, sẽ lấy cắp đi rất nhiều thứ khác của người ta.

Người ta giả dối trong lao động thì sẽ trở thành kẻ ăn cắp những đồng tiền của người khác.

Đồng tiền đảm bảo sức mạnh của bạn, nhưng trong nhiều trường hợp nếu bạn đem sử dụng sức mạnh ấy thì lại làm cho đồng tiền của bạn mất giá.

Người biếu tiền thường nghĩ đến cái mục đích của mình còn người nhận lại quan tâm đến cái lí của nhận.

Đúng ra là người biếu nên biết đến những ý nghĩa của giá trị sử dụng, còn người nhận nên thấy được cái tình của người biếu.


Tiền mua được cao lương mĩ vị nhưng không mua được sự ngon miệng
Tiền mua được thuốc nhưng không mua được sức khoẻ
Tiền mua được đồng hồ Rolex nhưng không mua được thời gian
Tiền mua được bộ quần áo sang trọng nhưng không mua được phong cách
Tiền mua được hợp đồng bảo hiểm nhưng không mua được sự yên ổn
Tiền mua được Sex nhưng không mua được tình yêu
Tiền mua được nhà cao cửa rộng nhưng không mua được tổ ấm
Tiền mua được kính Rayban nhưng không mua được tầm nhìn
Tiền mua được máy tính nhưng không mua được sự sáng tạo
Tiền mua được địa vị nhưng không mua được sự kính trọng
Tiền mua được sách, bằng cấp nhưng không mua được tri thức
Tiền mua được đàn nhưng không mua được cảm xúc…
Tiền có thể thoả mãn được tham vọng nhưng không thoả mãn được khát vọng.


http://chungta.com/tulieu/tu-lieu-tra-cuu/nhung_suy_nghi_ve_tien_va_su_giau_co/default.aspx
http://chungta.com/vi-VN/E87168AED88D45648F671CE3F2BB4818/View/Tu-lieu-Tra-cuu/Nhung_suy_nghi_ve_tien_va_su_giau_co/
---------
"Bàn về văn hoá ứng xử của người Việt Nam" - NXB Phụ Nữ

Đừng làm việc vì tiền
Tạ Nguyễn Tấn Trương lược dịch (Theo Rich Dad Poor Dad) 



Cũng chính vì thế, trong suốt nhiều năm, tôi làm việc qua nhiều phòng ban khác nhau trong công ty của ông. Có dạo tôi làm kế toán để hiểu các thuật ngữ và những gì tôi cảm thấy quan trọng. Tôi từng bán vé xe buýt, hay thợ xây ở công trường, cũng như làm trong bộ phận bán hàng, đặt hàng, tiếp thị.
Khi tôi từ bỏ công việc lái tàu cho tập đoàn Standard Oil với mức lương 42.000 USD/năm mà chỉ phải làm việc bảy tháng mỗi năm, năm tháng còn lại có thể đi lái tàu cho một công ty vận tải biển khác, người cha học thức của tôi không hiểu nổi. Tôi không giải thích cho ông được, vì lập luận của tôi ngược với ông và giống với lập luận của người cha giàu.

Trong khi công việc ổn định và bảo đảm là mọi thứ đối với người cha học thức, thì học hỏi lại là mục tiêu hàng đầu của người cha giàu. Người cha học thức nghĩ rằng tôi đến trường để học trở thành một nhân viên hàng hải, còn người cha giàu biết rằng tôi đi đến đấy để học thương mại quốc tế.

Người cha học thức vẫn không hiểu tại sao tôi bỏ việc ở Standard Oil, và vào thủy quân lục chiến. Tôi nói tôi muốn học lái máy bay, thế nhưng thực tế tôi muốn học cách lãnh đạo trong quân đội. Người cha giàu nói với tôi chuyện khó nhất trong lãnh đạo một công ty là quản lý nhân sự. Nói với tôi về việc học cách lãnh đạo trong tình huống nguy hiểm. "Nếu con không lãnh đạo tài giỏi, con sẽ bị người ta bắn từ phía sau lưng, cũng giống như trong kinh doanh". Năm 1973, tôi quyết định giải ngũ mặc dầu tôi thích lái máy bay. Tôi tìm một việc làm ở tập đoàn Xerox. Tôi gia nhập vào đó chỉ vì mình hay mắc cỡ, và ý nghĩ về bán hàng luôn luôn là môn học khó nuốt đối với tôi. Trong khi đó, Xerox lại có một trong những chương trình đào tạo kỹ năng bán hàng hiệu quả nhất nước Mỹ.

Người cha giàu tự hào về tôi, còn người cha học thức thấy xấu hổ cho tôi. Là một học giả, ông luôn nghĩ rằng bán hàng là công việc thấp kém. Tôi làm cho Xerox suốt bốn năm cho tới khi tôi vượt qua được nỗi sợ khi gõ cửa từng nhà và bị từ chối thẳng thừng. Đến khi tôi thường xuyên lọt vào danh sách năm nhân viên bán hàng nhiều nhất của cả tập đoàn, tôi lại xin nghỉ việc. Năm 1977, tôi thành lập công ty của mình.

Có một câu đùa cũ đến nay vẫn còn hiện hành, job - tức là việc làm được ghép từ ba chữ đầu “Just Over Broke”, tức là "mấp mé trên mức túng thiếu". Rủi thay, điều đó đúng với hàng triệu người, bởi vì nhà trường không cho sự thông minh về tiền bạc và một sự khôn ngoan, nên phần lớn những người lao động phải sống trong phạm vi mình kiếm được. Họ làm việc để thanh toán các chi phí sinh hoạt. Một lý thuyết quản lý kinh khủng khác: “Người lao động làm việc đến mức không thể bị đuổi, và người chủ chỉ trả tiền đến mức người lao động không muốn nghỉ việc”. Nếu có dịp quan sát thang lương của đa số các công ty, bạn sẽ thấy điều đó đúng như thế nào.

Chính vì thế tôi thường khuyên những người trẻ tuổi nên tìm những công việc đáp ứng những gì họ muốn học hỏi hơn là vì mức lương họ có thể kiếm được. Hãy nhìn con đường trước mắt và xác định những kỹ năng họ cần có, trước khi chọn một nghề cụ thể và trước khi bị sập "bẫy chuột" đời thường.
------
Nguồn: Internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét