27 tháng 12, 2013

Nhớ và quên

Chuyện người Việt ở Mỹ: Khi biết tôi có ý định mua xe, mấy anh em qua trước góp ý: Người có xe đầu tiên nên mua xe đời cũ và ít tiền.lỡ có chuyện gì hoặc hỏng nặng thì bỏ đi không tiếc. Ngoài ra, xe cũ trục trặc nhiều, mình từ từ học hỏi để có thêm kinh nghiệm. Nói ngắn gọn: Để quậy. Nhưng cũng có vài ý kiến: Mình lớn tuổi, tiếng Anh tiếng u không có, nên mua chiếc xe trung bình. Tiền nào của đó. Xe cao tiền, ít hư, ít nhức đầu.

Suy đi nghĩ lại, tôi quyết định mua chiếc Pontiac đời 86 giá một ngàn. Thực giá chiếc xe khoảng bảy trăm. Người bán không rành và tôi thì mù tịt về xe cộ. Cũng cần nói, không phải tôi mua xe ít tiền để học hỏi máy móc, kinh nghiêm hay để quậy. Tôi mua xe ít tiền vì hoàn cảnh của tôi. Liệu cơm gắp mắm.


Người cao tuổi lắm bệnh. Chiếc xe over miles của tôi cũng không ngoại lệ. Không có máy lạnh, hệ thống làm mát máy có vấn đề... Xe chạy khoảng một giờ, phải kiếm chỗ ngừng, đợi máy nguội mới có thể chạy tiếp. Nhiều người ái ngại khuyên tôi nên đổi xe khác. Nhưng họ đâu biết, chỉ trong thời gian ngắn, chiếc xe Pontiac đã trở thành thân thuộc và nó là tài sản có giá nhất mà tôi từng có.

Những chiều tan việc, phờ phạc đi ra bãi đậu xe, tôi thấy chiếc Pontiac màu đen của mình như một con trâu già cam phận. Ai đó đã nói: Búa thời gian không bỏ sót một ai. Rất đúng trong trường hợp này. Tôi cảm thấy thương nó, thương mình.

An ủi nhau,động viên nhau cũng một cách để tồn tại. Hồi ở quê nhà,lúc đời sống gặp nhiều khó khăn,vợ chồng tôi vẫn vậy. Thấy tôi mãi bận tâm, mãi loay hoay về chiếc xe, rất nhiều lần bà xã tôi nói.

- Xe được đó chứ! Chạy còn ngon chán.

Tôi phụ họa tuy không mấy nhiệt tình.

- Nổ máy là được, đời mình có xe hơi là quý rồi.

Mà quý thật. Từ hai chiếc xe đạp cọc cạch nay có xe hơi. Một bước quá dài. Một bước chúng tôi chưa từng nghĩ đến. Tuy nhiên, chuyện tôi muốn chia sẻ ở đây, không phải chuyện xe cũ hay xe mới. Chuyện tôi sắp nói là những kỷ niệm xoay quanh chiếc xe. Những kỷ niệm mà tôi xem như những bài học đầy tính nhân văn ấy đã hướng dẫn tôi, nhắc nhủ tôi trong cuộc sống.

Một sáng chủ nhật, tôi chở vợ đến DMV county để chỉ dẫn những bước phải làm, phải thực hành trong tiến trình lấy bằng lái. Bà con người Việt mình vẫn gọi: Dượt thử. Thường thường, ban khảo hạch cho thí sinh làm một số động tác trên một lộ trình vạch trước. Tôi, một người có tay lái chưa vững, làm thầy dạy lái xe và giám khảo cho vợ tôi.

Sau khi mất quá nhiều thời gian cho việc dượt thử. Chúng tôi trở lại DMV để tập bước cuối cùng. Lúc gần đến DMV, nhìn xuống đồng hồ chỉ nhiệt, tôi thấy kim chỉ ngay vạch đỏ. Tôi hốt hoảng vội vã cho xe vào sân sau. Ngừng xe, tắt máy.

Trời mùa đông có nắng nhưng lạnh. Tôi bảo vợ cứ ngồi để tôi xuống một mình. Nhưng lúc mở nắp ca pô xong, tôi đã thấy bà xã bên cạnh.và dù không biết gì về máy móc nhưng như một phản ứng tự nhiên của sự tò mò, tôi cúi đầu vào đầu máy chiếc xe quan sát. Khi thấy cái bình phụ của hệ thống làm nguội đã khô rốc, tôi giật mình nhớ đã mấy ngày nay quên châm nước. Chuyện thế nầy, hệ thống làm nguội máy của xe tôi hư hỏng sao đó nên nước xanh cứ rò rỉ hoài, phải kiểm tra thường xuyên để châm thêm.

Đang lúc chú ý những vết nước khô bám xung quanh cái radiator, tôi nghe tiếng mô tô đến gần và tiếng lắp bắp của vợ.

- Anh... Anh... Có ai vào.

Ngửng đầu nhìn ra, tôi thấy một người Mỹ trắng lái chiếc mô tô màu đen đang chạy về phía chúng tôi. Anh ta ngừng xe ngay cổng, nhìn vài giây, đạp chân chống rồi bước xuống. Động tác tự tin, nhanh, gọn và dáng đi bệ vệ của anh ta làm tôi phần nào lo lắng. Sắp có chuyện gì nữa đây. Một sự kiểm soát rất nhanh thoáng qua đầu. Không, mình không có gì sai.tôi tự nhủ và đứng thẳng người, bước tới vài bước chờ đợi. Anh ta chỉ nhìn thoáng chúng tôi rồi hướng mắt về chiếc xe.

- Chuyện gì xẩy ra? Anh ta hỏi.

Thái độ thiếu thân thiện và câu hỏi cộc lốc làm thức dậy trong tôi lòng tự ái và sự liều lĩnh. Tôi bình thản chỉ tay vào chiếc xe.

- Máy xe nóng.

Người đi xe mô tô nói một tràng dài. Tôi không hiểu cũng không đoán được. Để đáp lại, tôi chỉ đến bình nước phụ đã khô. Anh ta nhìn bình nước ra chiều suy nghĩ, cởi bao tay sờ vào cái nắp radiator và bỏ đi.

Tôi cảm thấy nhẹ nhỏm về sự bỏ đi nhanh chóng của anh ta, nhưng hành động khó hiểu và ánh mắt lạnh lùng cũng khiến tôi bất an. Có thể anh ta là nhân viên DMV. Vợ tôi nêu ý kiến. Thấy có phần hợp lý nên tôi tán đồng ngay. Có thể. Có thể. Tôi gật đầu lẩm bẩm và tìm cách lý giải. Làm việc ở đây, thấy người lạ nên anh ta vào xem cũng là chuyện bình thường. Lòng tôi dịu đi với cách giải thích ấy nhưng vẫn không xóa hết nỗi lo sợ vu vơ. Tôi cảm thấy có điều gì không ổn. Tôi muốn rời khỏi chổ này ngay. Nhanh chừng nào hay chừng ấy.

- Vào trong xe kẻo lạnh.Chừng mười lăm phút nữa mình về.

Tôi nói với vợ.

Trong mười lăm phút nhưng rất dài đó, vợ chồng tôi nói với nhau về người đi mô tô, về mái tóc dài, về bộ râu quai nón tỉa gọn và cái áo da màu đen. Cái áo da màu đen có thêu dòng chữ Harley-Davidson màu nâu nhạt cho tôi biết xe anh ta đi xe hiệu gì. Tôi đoán anh ta là hội viên của câu lạc bộ Harley-Davidson địa phương. Dù hiểu biết rất giới hạn, nhưng để lấp đi sự lo âu, tôi vẫn nói với vợ tôi về xe Harley,về câu lạc bộ Harley-Davidson và những chuyện của đoàn mô tô hộ tống.

Tôi cố gắng đem lại sự bình thường nhưng trong câu chuyện vẫn có những khoảng lặng của sự lo lắng. Hành động của người đi mô tô gây ra những thắc mắc trong chúng tôi. Theo cách cư xử thông thường, anh ta phải nói với chúng tôi vài lời trước khi bỏ đi. Tại sao anh ta im lặng? Tại sao anh ta xem thường sự có mặt của chúng tôi.

Thình lình giữa những trao đổi rời rạc, tôi lại nghe tiếng mô tô. Tiếng xe đến gần, đến gần. Khi tôi mở cửa bước ra thì người đi xe mô tô với chiếc áo da màu đen đã vào trong sân DMV. Giống lần trước, với động tác nhanh gọn anh ta xuống xe, nhưng thay vì đến với chúng tôi anh ta quay lui lấy vật gì phía sau. Tôi thực sự lo lắng. Đúng hơn tôi sợ. Và cái sợ biến mất khi tôi thấy vật anh ta lấy phía sau là hai bình nước suối loại một gallon.

Vẫn không nhìn chúng tôi, anh ta đi đến chiếc xe, tháo bao tay và sờ vào cái nắp radiator. Tôi có cảm tưởng như anh ta là chủ chiếc xe chứ không phải tôi và cảm thấy có sự xúc phạm vô hình nào đó. Sự quá tự nhiên gần như khinh thường của anh ta đã làm tôi tổn thương. Cảm giác giận dữ nổi lên trong lòng làm người tôi chai đi. Tôi trở nên liều lĩnh. Bất ngờ anh ta quay qua tôi, mỉm cười.

Ôi , chỉ một cái cười thoáng nhanh đã cất đi gánh nặng trong lòng tôi. Nụ cười làm khuôn mặt anh ta trở nên hiền lành và đẹp. Mái tóc để dài, trước đây,tôi thấy rối bời khó coi, nay trông rất nghệ sĩ, giống mái tóc của các ca sĩ nhac rock. Nhất là đôi mắt, nụ cười đã phủ lên nó nét dịu dàng dễ thương. Thì ra, nụ cười là chất liệu là bí quyết làm đẹp mà ai cũng có.

Anh ta châm rãi nói với tôi bằng thứ Anh văn dễ hiểu cộng với ngôn ngữ bằng tay.

-  Đợi máy mát, đổ nước và về. Từng chữ, từng chữ anh ta vừa nói vừa nhấn mạnh bằng ngón trỏ.

Nói xong anh ta gật đầu mỉm cười một lần nữa và quay lưng. Tôi vui mừng chợt hiếu và nói nhiều lần cảm ơn. Hình như anh ta không quan tâm về tiếng cám ơn của tôi. Tiếng mô tô lớn hơn, giòn hơn, anh ta phóng xe ra đường.

Nhìn bóng anh ta xa dần rồi nhìn hai bình nước suối dưới đất, tôi mĩm cười. Một ý nghĩ đến trong đầu, ấy bình nước coolant có sẵn phía sau để châm còn nước suối để uống.

Nhiều người nói mùa đông ở Mỹ có cái đẹp riêng của nó. Những cây với cành trụi lá trơ vơ trên nền trời xám đục hay trên nền đất phủ đầy tuyết trắng, tạo nên hình ảnh nên thơ, buồn mà đẹp. Hôm nay, nhìn rừng cây nhỏ phía sau DMV, tôi cũng thấy mùa đông ở đây đẹp, có thể rất đẹp, vì trong những cành cây khẳng khiu trơ trụi, tôi thấy có nhựa đang chảy để đón mùa xuân. Và tôi cũng nhận ra rằng, giữa cái xã hội tưởng chừng như khô khan thực dụng nầy, vẫn có những mạch nước ngầm đầy tình người đang chảy. Tôi thở thật sâu, cảm thấy cuộc đời đáng yêu. Cảm ơn anh đi mô tô, người bạn Mỹ không quen, giữa mùa đông anh đã cho tôi lửa ấm.

Rồi chuyện phải đến, dù được thay vài bộ phận và sửa chữa nhiều lần, chiếc Pontiac của tôi vẫn kiệt sức, máy không nổ. Mấy người quen ước tính, muốn xe chạy được, tôi phải bỏ ra một số tiền rất lớn, số tiền bỏ ra giá trị còn hơn cả chiếc xe. Tôi suy nghĩ và theo lời giới thiệu của một người bạn, tôi bán chiếc Pontiac cho một người chuyên mua xe cũ giá 100$. Buổi sáng người ta đến kéo xe đi, tôi xúc động gần khóc, tôi đặt bàn tay phải lên xe thật lâu, như cái bắt tay cuối cùng với một người bạn.

Sáu năm đi về có nhau, chiếc xe trở thành thân thuộc. Nó giúp tôi chuyên chở, nó giúp tôi biết thêm ít nhiều về tính cách của người dân nơi xứ sớ Hoa Kỳ này. Nhờ nó, tôi quen với Steven, người thợ sửa xe tốt bụng. Nhờ nó, tôi biết lòng tốt của hai thanh niên thiên nguyện bán yard sale, khi họ giúp tôi chở cái tủ họ vừa bán $3 về nhà, trong khi tiền xăng phải tiêu hao trên đoạn đường chuyên chở mất hơn $3 họ bán. Nhờ nó, tôi biết hành động rất tình người của một ông già, sau nhiều lần nhấn còi nhưng tôi không để ý, đã lái xe vượt lên chận đầu xe và chỉ cho tôi cái vỏ xe bánh sau bị phồng như bong bóng, mặc đoàn xe trên đường phải ngừng lại chờ đợi. Nhờ nó, tôi biết trên giòng xuôi ngược có rất nhiều người đã hỏi tôi cần giúp đỡ gì không, mỗi lần tôi ngừng xe mở nắp đầu máy.

Và cũng chính nhờ chiếc Pontiac,tôi biết ,khi nói về lòng nhân ái, Đông Tây có nhiều điểm tương đồng. Người ta thường nói: Tột đỉnh của sự cho hay bố thí là không phân biệt người cho, kẻ nhận. Hành động cho, hành động giúp đỡ là do sự mach bảo của trái tim. Giúp đỡ vì phải giúp đỡ thế thôi, chứ không cầu danh cầu lợi. Với tôi, tâm hồn người Mỹ đã có được phần nào tinh thần giúp đỡ vô vị lợi đó.

Thời gian đi, người lái xe mô tô, hai thanh niên thiện nguyện,ông già chận xe và nhiều người khác… hẳn đã quên tôi, quên chiếc xe cũ màu đen của tôi. Nhưng tôi vẫn nhớ họ, cảm ơn họ đã giúp đỡ tôi đã nhắc nhở tôi về lòng nhân ái. Và tôi nhận ra một điều: Thông thường, khi người cho không lưu tâm hoặc quên đi việc mình làm thì người nhận vẫn còn mãi nhớ...
---------
Nguồn: Internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét