Đôi đũa là dụng cụ dùng cho bữa ăn rất độc đáo do người tộc Hán, Trung Quốc phát minh ra. Trong “Hàn Phi Tử - Dụ Lão” ghi: “Vua Trụ dùng ngà voi làm trợ, Ky Tử sợ hãi”. Trụ Vương là vua cuối đời nhà Thương, như vậy có thể thấy loại đũa làm bằng ngà voi đã xuất hiện rất sớm, ngay từ thế kỷ 11 trước CN, có nghĩa là lịch sử dùng đôi đũa đến nay đã hơn 3000 năm.
Đôi đũa vừa nhẹ nhàng lại linh hoạt, là công cụ độc đáo trong các đồ dụng cụ dùng cho ăn uống trên thế giới, được người phương Tây khen là “văn minh của phương Đông”. Khởi nguồn của đũa là từ Trung Quốc, tiếng Hán cổ gọi là “trợ” (箸), hoặc “hiệp đề” (挟提). Dùng để kẹp đồ ăn cho vào miệng. Cùng với quá trình di dân, dụng cụ này sau đó ngày càng được phổ biến đến nhiều nơi trên thế giới.
Nguồn gốc của đôi đũa
“Đũa” người xưa gọi là “trợ” (箸), sử sách ghi chép về đôi đũa xuất hiện rất sớm, từ thời vua Trụ nhà Thương. “Hàn Phi Tử – Dụ Lão” có ghi: “Vua Trụ dùng ngà voi làm trợ, Ky Tử sợ hãi”. Trụ Vương là vua cuối đời nhà Thương, nghĩa là đũa ngà voi đã xuất hiện ở Trung Quốc từ hơn 3000 năm trước. Thế nhưng đũa do ai phát minh ra, vào thời điểm nào, điều này có nhiều thuyết nhưng cho đến nay chưa thể khảo chứng được.
(Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)
Có thuyết cho rằng “đũa” còn gọi là “trợ” (箸), có liên quan đến việc đun nấu. Người xưa khi dùng lửa nấu chín thức ăn, ban đầu họ phải sử dụng đá. Họ lấy cái thùng gỗ to đựng nước, trước tiên cho thịt vào trong thùng, tiếp đó lại cho hòn đá nung đỏ vào thùng nước, cứ làm thế nhiều lần khiến nước sôi lên làm chín thịt.
Đương nhiên, hòn đá bị làm nóng thì không thể dùng tay cầm trực tiếp. Người xưa phải dùng hai cái cây để kẹp hòn đá bỏ vào trong thùng nước, hai cái cây này khi đó gọi là “trợ” (箸), cách gọi gần với “chừ” (nấu – 煮). Vì phải bỏ hòn đá nóng vào thật nhanh, và “trợ” là do lấy nhánh trúc làm thành, vì thế người ta bổ sung thêm chữ “trúc” (竹) trên đầu, tạo thành chữ “khoái” (đũa – 筷).
Một thuyết khác cho rằng, người xưa gọi đũa là “cân” (筋) hoặc “trợ” (箸). Sau đó vì lý do kiêng kỵ, cho rằng “trợ” (箸) giống với “trú” (住), có ý là “chấm dứt”, là không may mắn, vì thế đổi thành chữ có ý nghĩa trái ngược lại, gọi là “khoái” (快 – nhanh). Vì đa số “trợ” làm bằng tre trúc, vì thế lại bổ sung thêm chữ “trúc” (竹) trên đầu chữ “khoái” (快), vậy là thành chữ chúng ta ngày nay dùng là “khoái tử” (筷子- đũa”).
Truyền thuyết về đôi đũa
Trong dân gian có rất nhiều truyền thuyết liên quan đến đôi đũa, một thuyết cho rằng Khương Tử Nha làm ra đũa trúc theo gợi ý của chim thần; một thuyết khác cho rằng Đát Kỷ trong một lần hầu hạ Trụ Vương đã nghĩ ra cách dùng trâm ngọc làm đũa; cũng lại có thuyết nói rằng khi Đại Vũ trị thủy, để tiết kiệm thời gian vào lúc phải ăn đồ ăn nóng đã dùng nhánh cây trúc để khều đồ ăn cho vào miệng.
1. Truyền thuyết về Khương Tử Nha
Đây là truyền thuyết xuất phát từ Tứ Xuyên. Thuyết này kể, vì Khương Tử Nha quá nghèo túng, vợ của ông muốn hại chết ông để lấy người khác. Một hôm người vợ nói: “Ông đói phải không? Tôi nấu thịt cho ông rồi, mau dùng đi nhé!”
Khương Tử Nha tay đang cầm miếng thịt, bỗng một con chim bay từ ngoài cửa sổ vào rồi mổ vào tay Khương Tử Nha. Khương Tử Nha đau quá kêu “ai da” một tiếng, rồi xua đuổi con chim đi. Lần thứ hai cầm miếng thịt con chim lại bay vào mổ vào tay ông. Sau ba lần liên tục, Khương Tử Nha bất giác nghi ngờ, không lẽ miếng thịt này không ăn được? Thế là Khương Tử Nha đuổi theo con chim ra ngoài, chạy đến một sườn núi không có người. Con chim lúc này đậu trên một cành trúc rồi kêu lên lảnh lót: “Khương Tử Nha ôi Khương Tử Nha, ăn thịt không được dùng tay cầm, đồ để gắp thịt ở dưới chân ta đây…”
Khương Tử Nha nghe thế thì nghĩ đây đúng là con chim thần, bèn nghe theo chỉ điểm của chim, bẻ hai nhánh trúc nhỏ rồi đi về nhà. Về đến nhà người vợ lại thúc giục ông ăn thịt, Khương Tử Nha dùng hai que trúc thò vào trong bát kẹp miếng thịt, đâu ngờ từ một đám khói xanh bốc lên từ que trúc, “tại sao que trúc lại bốc khói, không lẽ có độc?” Nghĩ thế Khương Tử Nha liền gắp miếng thịt bắt vợ ăn. Người vợ sợ hãi vội bỏ chạy đi. Câu chuyện sau đó bị nhiều người biết, vợ Khương Tử Nha không còn dám đầu độc ông nữa, còn hàng xóm láng giềng thì ai nấy học cách dùng nhánh trúc ăn cơm.
Truyền thuyết này không phù hợp với lịch sử. Khương Tử Nha sống cùng thời vua Trụ nhà Thương, đã có vua Trụ dùng đũa ngà voi, vậy thì đũa trúc của Khương Tử Nha không phải nguồn gốc đầu tiên của đũa.
2. Truyền thuyết về Đát Kỷ
Truyền thuyết này xuất phát từ Giang Tô. Thuyết kể rằng vua Trụ buồn vui thất thường, khi hắn ăn uống thì hoặc là chê thịt cá không tươi, hoặc là chê canh gà nóng quá, có khi lại chê mặt nhạt không hợp khẩu vị… kết quả rất nhiều đầu bếp thành ma quỷ dưới đao của hắn. Đát Kỷ được vua Trụ sủng ái, mỗi lần có yến tiệc, để tránh làm Trụ Vương nổi giận, Đát Kỷ đều thử đồ ăn uống trước.
Có một lần Đát Kỷ thử mấy món ngon thì thấy món nào cũng quá nóng, nhưng thời gian quá gấp không kịp cho đổi, trong lúc vội quá Đát Kỷ liền nhanh trí rút trâm ngọc trên đầu rồi kẹp đồ ăn và thổi, sau đó mới đút cho Trụ Vương. Trụ Vương thấy hành động gắp đồ ăn của Đát Kỷ lạ mắt nên rất vui, từ đó ngày nào cũng yêu cầu Đát Kỷ làm như thế. Đát Kỷ liền nhờ người thợ thủ công làm cho hai cây trâm ngọc thật dài để gắp đồ ăn, đây chính là hình thức đầu tiên của đũa ngọc. Về sau cách gắp đồ ăn này được truyền đến dân gian, sinh ra đôi đũa trúc.
Truyền thuyết này không hợp với bằng chứng lịch sử. Giới khảo cổ học trước đây đã khai quật khu lăng mộ thời nhà Ân Thương ở khu Hầu Gia Trang, thuộc An Dương và đã tìm thấy loại đũa bằng thép, qua khảo chứng niên đại thì sớm hơn thời mạt kỳ Trụ Vương nhà Thương.
3. Truyền thuyết về Đại Vũ trị thủy
Truyền thuyết này lưu truyền từ vùng Đông Bắc. Kể rằng thời Nghiêu Thuấn xảy ra nạn nước lũ khắp nơi, Vũ thụ mệnh của Thuấn đi trị thủy. Sau khi thụ mệnh, ông thề phải trừ bằng được nạn hồng thủy. Thế rồi từ ngày nọ đến đêm kia, đừng nói là nghỉ ngơi, đến chuyện ăn ngủ cũng tiếc thời gian. Một lần trong khi ăn, vì miếng thịt đang ở trong nước sôi nên không cách nào dùng tay lấy được. Để tiết kiệm thời gian, Đại Vũ lấy nhánh cây trúc kẹp thịt trong nồi nước sôi ra. Quân lính thấy ông làm như thế không bị bỏng tay, lại không làm tay dính dầu mỡ, ai nấy đều bắt chước, từ đây dần dần hình thành mô hình ban đầu của đũa.
Truyền thuyết này nếu tính theo thời gian thì hợp lý. Tuy nhiên cũng không có gì khảo chứng được.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Đoàn Thanh biên dịch
--------
Nguồn: Internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét