17 tháng 9, 2014

Sách lược cai trị

Lê Hoàng - Muốn giúp cho dân sướng, tốt nhất là thỉnh thoảng phải làm cho họ khổ.


Có một bà từ trên xuống thăm một vùng, hỏi người đang cai quản ở đấy:
- Tình hình chỗ cậu thế nào?
Cấp dưới buồn rầu:
- Thưa, còn khổ lắm. Một tuần chỉ ăn cơm ba ngày.
- Ủa, vậy những ngày kia ăn phở hay sao?
- Đâu có, cháo không hà!

Lại ngạc nhiên:
- Cháo gà hay cháo vịt?

Người kia sửng sốt một hồi mới trả lời được:
- Không, cháo bắp.

Cấp trên chép miệng, chuyển đề tài:
- Vấn đề mặc thì sao?
- Giản dị lắm ạ.

Tươi cười:
- Tốt. Tôi ghét nhất cái lối đi cày mà còn bận vét-tông. Ngày thường chớ có làm như ngày cưới.

- Dạ thưa, đám cưới ở đây người lớn bận lung tung, có gì xài nấy, không có gì cũng xài nấy.

Gật gù:
- Thế trẻ con?
- Trẻ con phần nhiều bận xà lỏn.

Khách reo lên:
- Viền đăng-ten chứ?

Chủ nhăn nhó:
- Không biết viền gì, nhưng mép tưa như xơ mướp.

Gằn giọng:
- Quái, chúng nó mua ở đâu vậy? Intershop chăng?
- Tiền đâu mua, thưa chị. Phần lớn là quần gia truyền.
- Đồ cổ à? Có giá trị văn hóa đấy. Chớ có bán!
- Bán sao được, thằng cha còn phải dành cho thằng em nữa.

Cấp trên im lặng một lát, giở sổ tay ra.
- Ăn… mặc… rồi, việc ở thế nào? Bình quân mỗi người bao nhiêu mét vuông?

- Hàng ngàn mét! Bởi nhiều nhà có mái chứ đã có tường đâu.
- Chà, nền nhà lát gạch bông gì vậy?
- Bông cỏ ạ. Mà không cần lát, cứ để tự nó mọc lên thôi.

Ngẫm nghĩ thêm vài phút, khách hỏi tiếp:
- Tôi cần biết tình trạng giáo dục, biết trẻ em học hành ở đâu?
- Dạ, phần lớn ở trường đời.
- Bao nhiêu tốt nghiệp trên đại học?
- Có một người, nhưng ra trường cách đây hai mươi năm.

Bà mở thêm một trang sổ tay nữa:
- Bây giờ đến những điều thiết yếu. Điện có thường xuyên không?
- Thưa, có rất đều vào những ngày không cúp. Mỗi tuần chỉ cúp độ sáu ngày.
- Chết cha, vậy làm sao chạy máy lạnh… Kỳ quá! Thôi sau điện là nước. Đủ xài chứ?
- Chắc đủ. Vì em chưa gặp người chết khát bao giờ.

Sau khi nắm vững tình hình, bà hạ giọng:
- Dư luận quần chúng thế nào?
- Thưa, tại sao chị cần biết ạ?
- Tại điều đó quan trọng lắm. Cậu phải hiểu, ai làm chủ dư luận sẽ làm chủ xã hội.
- Thưa chị, thú thực là dân kêu khổ.
- Kêu thầm hay kêu to?
- Thầm, nhưng ai cũng nghe rõ.

Khách đứng lên, đi lại trong phòng, nói trong niềm xúc động:
- Cậu ạ, mục đích của đời tôi không có gì khác hơn là làm cho dân sung sướng.
- Đa tạ chị.
- Và hơn nữa, sự sung sướng ấy còn phải được nói to ra. Bây giờ mọi người kêu khổ chứ gì?
- Được. Tôi đã có biện pháp, cậu chuẩn bị thi hành. Gồm mấy điểm. Ghi đi.

Ngày hôm sau, vùng đất đó có những cải cách rộng lớn.

Cơm từ chỗ đủ ăn ba ngày giảm xuống một. Nhà cửa từ chỗ không có tường tiến tới không có mái. Quần xà lỏn đi từ gia truyền đến thất truyền luôn.

Điện xưa kia có một ngày trong tuần, hiện nay còn một giờ trong tháng. Nước trở nên hiếm hoi đến nỗi nhiều đám cưới, nhà gái thách nhà trai hai lu.

Bà con kêu khổ vang trời. Họ luôn miệng nhắc tới thời gian trước đây với vẻ thèm khát. Ai cũng mơ lại lúc bốn hôm được tắm một lần, mỗi tuần được coi tivi một buổi. Thỉnh thoảng, gia đình lại mang những tấm hình cũ ra ngắm, và thở dài khi thấy trong đó ai cũng được bận áo bà ba. Đúng là hạnh phúc chỉ tồn tại khi người ta đã mất nó.

Khi nỗi khổ đã lên tới cực điểm, bà khách bèn ra dấu hiệu. Lập tức những thứ ngày xưa ùn ùn quay trở lại. Ánh sáng tràn ngập ngày thứ bảy, phông-tên ào ào lúc nửa đêm. Trẻ con được lội bộ tới trường, còn trường bao giờ cũng đủ tiền lương phát sau một tháng.

Dân kêu sướng inh ỏi. Mọi người đều nói: Một thời đại mới đang mắt đầu, một thời kỳ huy hoàng đang mở ra, một giai đoạn khác đã ập đến.

Cái bà ở cấp trên xuống ấy đắc chí:
- Thấy chưa? Muốn giúp cho họ sướng, tốt nhất là thỉnh thoảng phải làm cho họ khổ.
------
Nguồn: Internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét